(P1) Bộ lọc cổ phiếu theo Benjamin Graham và cải tiến của Lão Trịnh

Trên thị trường hiện nay, NĐT có rất nhiều lựa chọn trong việc sử dụng bộ lọc hay robot, theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và cơ bản. Thực tế thì robot hay bộ lọc thì cũng cùng nguyên lý là dựa trên các yếu tố định lượng để đưa ra dự báo về giá, trong đó robot có tính chủ động cập nhật thường xuyên hơn so với bộ lọc thủ công. Dưới đây tôi xin trình bày sơ qua về các nguyên tắc khi sử dụng các bộ lọc (robot cũng tương tự):

1. Lọc theo tín hiệu kỹ thuật

Đây là cách đơn giản nhất mà được rất nhiều người hay áp dụng, đơn giản vì các chỉ báo kỹ thuật hay những biến động trong giá và khối lượng lịch sử sẽ được định lượng hóa thành các tiêu chí nhằm đưa ra các dự báo tương tự trong tương lai. Các dự liệu này thì lại dễ tìm kiếm và cập nhật hằng ngày và dễ dàng lượng hóa được.

Chiếu theo cách làm này, thì tất cả sẽ quy về dự báo các mẫu hình giá hoặc tín tín hiệu mà trong quá khứ thường khiến cho giá tăng từ đó đưa ra khuyến nghị tương tự về hành động giá trong tương lai.

Nhược điểm của cách làm này là sự đơn giản của nó, đôi khi giá mô phỏng đúng với mẫu hình quá khứ nhưng nếu có tin tức bất lợi, lực bán mạnh thì mọi mẫu hình vẫn có thể sai.

2. Lọc theo các tiêu chí cơ bản

Đây là cách lọc của những NĐT có chuyên môn về tài chính, những người này ít có niềm tin về PTKT . Họ sử dụng các chỉ tiêu tài chính có thể định lượng được để lọc ra một danh sách các cổ phiếu và lựa chọn đầu tư dựa trên danh mục đó.

Đây có vẻ như là cách làm chuẩn của rất nhiều NĐT cơ bản hiện nay, nhưng nó vẫn sẽ có những nhược điểm nhất định.

  • Dữ liệu lọc trên thị trường hiện nay thường chỉ sử dụng được cho một năm hoặc là theo 4 quý gần nhất, và điều này vô hình chung sẽ lọt vào các công ty có kết quả kinh doanh đột biến trong năm tính toán.
  • Mặc dù đã lọc ra được một danh sách các công ty có các tiêu chí phù hợp, nhưng NĐT vẫn bị lỗ vì sau đó thị trường giảm điểm hoặc cổ phiếu đó đã tăng giá quá nhiều trong ngắn hạn.
  • Độ trễ thời gian của phương pháp này do dữ liệu tài chính thường cập nhật 3 tháng một lần, trong khi đó các tin tức nội bộ cũng đã khiến giá thay đổi rất nhiều trước thời điểm công bố thông tin.

3. Lọc và mua theo danh tiếng

Đây là sai lầm mà rất nhiều NĐT gặp phải là mua cổ phiếu có danh tiếng trên thị trường. Điều này có nghĩa là NĐT thích mua và nắm giữ các cổ phiếu vốn hóa lớn, nổi tiếng và cho rằng nó không thể phá sản được. Mặc dù nhận định của họ là đúng, nhưng mức lỗ họ phải nhận có khi còn cao hơn rất nhiều so với hai đối tượng kia vì phải mua cổ phiếu danh tiếng với một mức giá trên trời.

Vậy thì làm sao để có một bộ lọc hay các tiêu chí chuẩn để lựa chọn cổ phiếu, và sau đây tôi xin giới thiệu cho các bạn một trong các bộ lộc mà các NĐT thành công đang áp dụng, cũng như chính tôi cải đang cải thiến và áp dụng tại thị trường Việt Nam.

Phần 1: Bộ lọc theo Benjamin Graham và LT90

Đây là cách lựa chọn cổ phiếu được Benjamin Graham giới thiệu trong cuốn sách “The Intelligent Investor: The Definitive Book on Value Investing”, chuyên về đầu tư giá trị.

Ông đưa ra những khái niệm để lựa chọn một cổ phiếu giá trị khá an toàn, dựa trên cách tính Net Current Asset Value (NCAV) và Net Working Capital (NWC).

Net Current Asset Value (NCAV)= (Total Current Asset – Total Liabilities)/Total Shares

(Giá trị tài sản ngắn hạn ròng = (Tổng tài sản ngắn hạn – Tổng nợ phải trả)/Tổng số cổ phiếu lưu hành)

Trong thực tế sử dụng đã có điều chỉnh lại thành:

Net Working Capital (NWC) = (Cash & Cash equivalents + Short-term investments + 0.75 x Account Receivables + 0.5 x Inventory – Total Liabilities)/ Total Shares

(Giá trị vốn lưu động ròng = Tiền và tương đương tiền + Đầu tư tài chính ngắn hạn + 0.75 x khoản phải thu + 0.5 x HTK – Tổng nợ phải trả)/ Tổng số cổ phiếu lưu hành.

Đây được gọi là phương pháp định giá theo NetNet kinh điển. Mặc dù, phương pháp này đã được điều chỉnh và trở nên khá an toàn nhưng trong thực tế áp dụng tại Việt Nam thì vẫn có những biến tướng để lách các tiêu chuẩn này. Do đó, để phù hợp với thị trường Việt Nam và những thay đổi của các tiêu chuẩn kế toán ngày nay, tôi đã đưa ra phương pháp cải tiến như sau:

LT90 = (Cash and Cash Equivalents + Short term Investment – Long-term and Short-term Debt)/Total Shares

(LT90 = (Tiền và tương đương tiền + Đầu tư TC ngắn hạn  – Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn)/ Tổng số cổ phiếu lưu hành)

Nội dung chính của phương pháp NetNet hàm ý là công ty có tài sản ngắn hạn đủ để thanh toán cho tất cả các nghĩa vụ nợ mà giá trị còn lại vẫn còn cao hơn so với giá cổ phiếu thị trường nghĩa là NĐT đang bán rẻ tài sản. Tuy nhiên phương pháp này bị nhược điểm khi mà các tiêu chí khoản phải thu và hàng tồn kho bị kê khai khống và thiếu thanh khoản. Do đó, phương pháp LT90 khắc phục bằng cách là chỉ tính tài sản tiền và tiền gửi ngân hàng (mua trái phiếu) trừ đi nghĩa vụ vay nợ phải trả lãi so với giá trị cổ phiếu thị trường. Phương pháp này khắc phục được nhược điểm phương pháp NetNet nhưng vẫn còn nhược điểm nếu nghĩa vụ khoản phải trả khác quá cao (mặc dù không mất lãi suất) nhưng vẫn là rủi ro của doanh nghiệp.

Do đó, nếu NĐT kết hợp cả hai phương pháp này sẽ ra được một tiêu chuẩn lựa chọn cổ phiếu hoàn hảo.

Bộ lọc được thiết lập như sau:

(1) P/NWC <1.5 và P/LT90 <1.5 (Theo Lão Trịnh)/ P/NWC <1 (theo Graham)

(2) Thanh khoản trung bình 30 ngày >= 500 triệu đồng

(3) Doanh thu năm hiện tại >= 0.9 x Doanh thu T-1 >= 0.9 x Doanh thu T-2 (có nghĩa là doanh thu các năm tăng trưởng hoặc biến động thấp).

Mặc dù kết hợp cả hai phương pháp này là khá an toàn và chặt chẽ trong việc lựa chọn cổ phiếu, nhưng trong thực tế vẫn có những hạn chế như sau:

  • Phương pháp chỉ phù hợp với thị trường đang trong chu kỳ giảm thì mới có nhiều cổ phiếu đáp ứng tiêu chuẩn này.
  • Mặc dù mục ĐTTC ngắn hạn khá an toàn, nhưng khuyến khích NĐT nên đọc sơ qua và ưu tiên chọn các cổ phiếu mà mục này tập trung vào tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng, hạn chế các công ty ủy thác đầu tư hoặc đầu tư vào các cổ phiếu không rõ ràng.
  • Nếu có nhiều chênh lệch giữa hai tỷ số LT90 và NWC thì phải đánh giá kỹ mục phải thu, HTK và nợ phải trả khách hàng của công ty, nhằm có lựa chọn thích hợp.
  • Thông thường các cổ phiếu theo cách làm này thường thanh khoản thấp và cần tính kiên nhẫn nên cũng rất hạn chế NĐT. Định kỳ 3 tháng phải đánh giá lại một lần xem tỷ số thay đổi thế nào và tính toán ảnh hưởng của thay đổi đó.
  • Trong quá trình lọc và mua cổ phiếu, ưu tiên các cổ phiếu có cả hai tỷ số LT90 và NWC hấp dẫn, cộng với hoạt động ổn định và tăng trưởng. Tránh mua những công ty có tỷ số đột biến ví dụ như vừa phát hành cổ phần và dư cục tiền lớn, hoặc vừa bán một dự án thu một khoản tiền lớn.
  • Bộ lọc này không áp dụng cho các cổ phiếu ngành ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán.

Nguồn: Lão Trịnh

Dịch vụ cung cấp dữ liệu BCTC các công ty niêm yết

Tags: ,,,