Các thuật ngữ ngân hàng mà nhà đầu tư cần nắm vững?

Hệ thống ngân hàng được xem là huyết mạch của nền kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào, là trung tâm điều chuyển dòng vốn từ nơi thừa vốn tới nơi thiếu vốn. Trong hoạt động đầu tư hay kinh doanh thì những thay đổi trong chính sách của hệ thống ngân hàng cũng ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sử dụng vốn và kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Do đó, trong bài này chúng ta làm quen với một số khái niệm trước khi tiến hành phân tích chuyên sâu hơn.

Tái cấp vốn là gì?

Tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng (Ngân hàng thương mại được vay vốn của Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo Luật TCTD). Ngân hàng Nhà nước quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức sau đây:

– Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá;

– Chiết khấu giấy tờ có giá;

– Các hình thức tái cấp vốn khác.

Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.

Ngân hàng thương mại được tham gia đấu thầu tín phiếu Kho bạc, mua, bán công cụ chuyển nhượng, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và các giấy tờ có giá khác trên thị trường tiền tệ.

Lãi suất NHNN công bố là gì và có tác dụng gì?

Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.

Tỷ giá hối đoái?

Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá.

Dự trữ bắt buộc?

Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, sẽ được NHNN công bố từng thời kỳ để điều tiết chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi tại tổ chức tín dụng nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước quy định việc trả lãi đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của từng loại hình tổ chức tín dụng đối với từng loại tiền gửi.

Ngân hàng thương mại phải mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và duy trì trên tài khoản tiền gửi này số dư bình quân không thấp hơn mức dự trữ bắt buộc.

Nghiệp vụ thị trường mở?

Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc mua, bán giấy tờ có giá đối với tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước quy định loại giấy tờ có giá được phép giao dịch thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Chính sách tiền tệ và thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ của Việt Nam?

Chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.

Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm được thể hiện thông qua việc quyết định chỉ số giá tiêu dùng và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Chính phủ trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm. Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng các công cụ và biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ.

Kho bạc nhà nước là gì và các hoạt động phát hành giấy tờ có giá của KBNN?

Kho bạc nhà nước là cơ quan thuộc hệ thống tài chính nhà nước có chức năng quản lí quỹ ngân sách nhà nước, ở Việt Nam thì Kho bạc nhà nước trực thuộc Bộ tài chính. Kho bạc nhà nước còn gọi là Ngân khố quốc gia, thực hiện chức năng quản lí tiền tệ của Nhà nước, quỹ ngân sách nhà nước, tài sản thuộc ngân sách nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước làm đại lý cho Kho bạc Nhà nước trong việc tổ chức đấu thầu, phát hành, lưu ký và thanh toán tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc.

Vốn tự có là gì?

Vốn tự có gồm giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các quỹ dự trữ, một số tài sản nợ khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước).

Cấp tín dụng là gì?

Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác. Trong đó:

Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng hoặc bên mua hàng thông qua việc mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu hoặc các khoản phải trả phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (nôm na là mua lại quyền đòi tiền từ khoản phải trả).

Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận.

Chiết khấu là việc mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.

Tái chiết khấu là việc chiết khấu các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác đã được chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán.

Hệ thống liên ngân hàng?

Hệ thống liên ngân hàng là một hệ thống thanh toán quốc gia do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, quản lý, vận hành. Các TCTD được tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia để thực hiện các nghiệp vụ theo quy định.

Tỷ lệ bảo đảm an toàn của TCTD?

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn sau đây:

– Tỷ lệ khả năng chi trả;

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;

Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn;

– Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có;

Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi;

Các tỷ lệ tiền gửi trung, dài hạn so với tổng dư nợ cho vay trung, dài hạn.

Nguồn: Lão Trịnh

 

Tags: ,