Chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) ảnh hưởng thế nào tới TTCK Việt Nam?

Đầu tiên là nghe cái tiêu đề đã thấy nó chẳng có liên quan gì tới nhau rồi, đồng USD thì liên quan gì tới TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghiên cứu cơ chế của đồng USD để thấy tác động gián tiếp của nó lên nền kinh tế Việt Nam và mức độ tác động đến TTCK như thế nào?

Định nghĩa

DXY – còn gọi là USD Index hay chỉ số chức mạnh đồng USD, là một chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với tiền tệ khác. Rổ tiền tệ này bao gồm một nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới và cũng là những đối tác thương mại lớn của Mỹ. Vì thế mà sự lên xuống của mỗi loại tiền tệ này sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến USD Index.

USD Index được tính toán từ tỷ giá của 6 loại tiền tệ bao gồm EUR: Euro (56,60%), JPY: Yên Nhật (13,60%), GBP: Bảng Anh (11,90%), CAD: Đôla Canada (9,10%), SEK: Krona Thuỵ Điển (4,20%) và CHF: Franc Thuỵ Sỹ (3,60%).

  • Thứ nhất, USD Index bị ảnh hưởng bởi chính nó, tức là từ cung và cầu của đồng USD. Nghe có vẻ đơn giản là cầu tăng thì USD Index tăng và ngược lại, nhưng trong thực tế thì rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới cung và cầu, nên mọi người đều phải quan sát và tính toán.
  • Thứ hai, tăng và giảm giá của các đồng tiền trong rổ tham chiếu đều ảnh hưởng tới USD Index. Ví dụ, chiến tranh Nga-Ukraina làm cho đồng Euro yếu đi, thì USD sẽ mạnh lên tương đối (đây là nghĩa hẹp, còn có nhiều mối quan hệ khác từ dòng tiền dịch chuyển, đầu tư…).
  • Thứ ba, các yếu tố từ chính sách tiền tệ của các quốc gia mà có ảnh hưởng tới USD hoặc các đồng tiền trong rổ tham chiếu. Các chính sách lớn bị ảnh hưởng bao gồm chính sách về lãi suất, bơm và hút tiền….
  • Thứ tư, vị thế quốc gia trên trường quốc tế cũng ảnh hưởng tới đồng tiền. Điều này được hiểu là mức độ uy tín, an toàn của đồng tiền ảnh hưởng đến cung cầu chính đồng tiền đó.
  • Cuối cùng, mối tương quan với hàng hóa khác như dầu, vàng, bitcoin….hay những ràng buộc của các đồng tiền trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Ví dụ, USD là tham chiếu cho Vàng, Dầu….hay một đồng tiền nào đó bị loại khỏi hệ thống thanh toán Swift…

Cách xem biểu đồ USD Index

Mọi người có thể theo dõi biểu đồ USD Index trên các trang web mà liên quan đến đầu tư quốc tế, với mã niêm yết là DXY.

Ví dụ: trên trang investing.com mọi người có thể gõ từ “DXY” vào thanh tìm kiếm sẽ hiển thị ra như sau:

Hoặc cũng có thể sử dụng “DXY” trên Amibroker nếu có mua các gói cập nhật chỉ số thế giới.

Ảnh hưởng của chỉ số DXY tới TTCK Việt Nam có hay không?

Thực tế, DXY là một chỉ số phản ảnh sức mạnh đồng tiền USD trong mối quan hệ ới các nền kinh tế khác trên Thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, và Mỹ lại là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong giao thương. Do đó, ảnh hưởng của đồng USD lên nền kinh tế Việt Nam là không nhỏ, và điều này vô hình dung cũng ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam theo hướng hệ quả.

Để xác định mức độ ảnh hưởng của chỉ số DXY lên nền kinh tế Việt Nam hay TTCK Việt Nam nói riêng, chúng ta quan sát vào biến động tỷ giá USD/VND. Tỷ giá được cho là ổn định nếu chỉ biến động trong khoảng +/- 2%/năm và nếu vượt khỏi khung này thì có thể gây tâm lý biến động trong thị trường.

Trong các năm gần đây, Việt Nam liên tục thặng dư xuất khẩu và tăng lượng dự trữ ngoại tệ của mình lên mức trên 110 tỷ USD vào đầu năm 2022. Như vậy, nếu so với con số 332 tỷ nhập khẩu thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt khoảng 16 tuần nhập khẩu, cao hơn một chút so với tiêu chuẩn “được coi là đủ dự trữ” của IMF. Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam đang ổn định về tỷ giá, nhưng cũng chưa có biên an toàn quá cao cho hoạt động điều hành tỷ giá.

Do đó, để có thể quan sát được mức độ tác động của chỉ số DXY lên kinh tế và TTCK Việt Nam thì chúng ta nên chú ý một số yếu tố như: Kim ngạch xuất nhập khẩu, thặng dư xuất nhập khẩu và dự trữ ngoại tệ, từ đó để xác định tỷ lệ an toàn ngoại hối của Việt Nam ở mức nào, đủ khả năng can thiệp khi có sự kiện bất thường hay không.

Nguồn: Lão Trịnh

Tags: ,,