Cách nền kinh tế vận hành và tạo ra chu kỳ kinh tế

Đối với các bạn học ngành kinh tế thì chúng ta có thể tương đối hiểu về cách vận hành của nền kinh tế và cách nó tạo ra chu kỳ. Nhưng với các bạn không chuyên, thì việc này có thể sẽ khó hơn một chút, mặc dù các bạn cũng sẽ đúc kết ra được sau khi tham gia vào phát triển kinh tế. Trong nội dung bài này, tôi sẽ them khảo một bài viết ngắn của tác giả tên Tú (facebook) viết theo một cách đơn giản, giúp cho các bạn không chuyên có thể hiểu nhanh được nền kinh tế và làm thế nào nó tạo ra chu kỳ nhé.

Nội dung bài viết như sau:

Cách vận hành của nền kinh tế như thế nào, thì chúng ta cùng tìm hiểu qua một ví dụ giản lược dưới đây nhé, mặc dù nó không hoàn toàn chính xác nhưng để đơn giản chúng ta tạm chấp nhận và từ đó suy luận rộng lớn ra nha.

1. Nền kinh tế = giao dịch

Tú trồng ngô, Tùng có tiền. Tùng mang tiền đổi lấy ngô của Tú gọi là GIAO DỊCH. Hàng triệu giao dịch như vậy giống Tú và Tùng ở đủ mọi ngành nghề liên tục diễn ra gọi là NỀN KINH TẾ.
Nền kinh tế có 3 trọng điểm: Tăng trưởng năng suất (productivity growth), nợ ngắn hạn (short term debt) và nợ dài hạn (long term debt).

2. Tổng chi tiêu trong giao dịch

Nay Tùng đói, mua 2 bắp ngô nhưng chỉ mang tiền 1 bắp, Tùng xin Tú mua chịu. Mua chịu (nợ) thì không có tài sản gọi là TÍN DỤNG (Credit)
Như vậy, Tiền + Tín dụng = Tổng chi tiêu = 1 giao dịch. Từ đó chúng ta có công thức như sau: Tổng chi tiêu/ Tổng sản lượng = Giá trị (hay còn gọi là giá – price)

3. Ai tham gia giao dịch – hay thành phần tham gia nền kinh tế?

Tú là người bán ngô, Tùng là người mua ngô (CÁ NHÂN), bán cho Tùng không có lời, Tú bán cho công ty bánh gần nhà (DOANH NGHIỆP) để họ làm bánh ngô. Có tiền, Tú nộp thuế cho nhà nước (CHÍNH QUYỀN), và gửi tiền vào bank gần nhà (NGÂN HÀNG)
Như vậy rất nhiều bộ phận khác nhau tham gia nền kinh tế, trong đó ngoài người mua và bán (cá nhân hoặc doanh nghiệp) thì có hai thành phần khác là:
– CHÍNH QUYỀN: thu thuế + chi tiền điều hành
– NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC: kiểm soát tiền và tín dụng bằng cách TĂNG GIẢM LÃI SUẤT hoặc IN TIỀN
Đến đây, với một ví dụ đơn giản/giản lược, chung ta có thể tạm thời hiểu về nền kinh tế một cách đơn giản với các thành phần tham gia nền kinh tế. Đoạn tiếp theo sẽ bắt đầu phức tạp hơn, các bạn tập trung hơn nhé.

4. Tín dụng – Nợ

– Tùng mua nợ ngô Tú thì Tùng là con nợ, Tú là chủ nợ
– Tú vay Huân – giám đốc ngân hàng tiền để mua thêm máy cày, Tú là con nợ, ngân hàng là chủ nợ.
Đây là hoạt động tín dụng, cũng là thành phần kinh tế oái oăm nhất, khó hiểu nhất vì nó là lớn nhất và cũng dễ bốc hơi nhất (Mỹ có 3K tỷ $ tiền mặt nhưng có tới 50K tỷ $ tiền tín dụng). Do đó, đề hiểu đơn giản thì một người mượn tiền, hứa trả lại tiền + lãi suất và người kia tin, đồng ý cho mượn thì hình thành tín dụng. Đây gọi đơn giản hơn nữa là NỢ.
– NỢ = tài sản của người cho vay = trách nhiệm pháp lý của người đi vay. Càng uy tín, càng nhiều tài sản thì càng dễ được cấp tín dụng cao (nợ được nhiều hơn)
Trong hoạt động tín dụng ngân hàng, nếu lãi suất cho vay cao thì người mượn ít, lãi suất thấp thì người mượn nhiều vì rẻ.

5. Chi tiêu và Thu nhập

– Tùng mua ngô của Tú, Tú cầm tiền đó, đi mua gạo của Quyền, Quyền lại mua thịt của Hải,…cứ như vậy tạo thành nền kinh tế.
Tóm lại: Chi tiêu của người này là thu nhập của người khác. Và chi tiêu thúc đẩy nền kinh tế.

6. Chu kỳ tín dụng

Tùng mua nợ ngô của Tú hôm nay thì ngày mai phải trả. Còn thực tế, thu nhập từ việc nuôi dê của Tùng không tăng nên hôm nay ăn rồi, thì mai phải nhịn lại. Như vậy tạo ra chu kỳ: 1 ngày ăn tiêu nhiều thì ngày mai phải nhịn để trả lại cho Tú.
Kinh tế cũng vậy, tín dụng giúp bạn tiêu nhiều hơn trong hiện tại, mua nhà, mua xe, thực chất là đang tiêu tiền của chính bạn trong tương lai. Sau này bạn phải è cổ ra, thắt lưng buộc bụng để trả lại. Như vậy tạo ra chu kỳ. Tổng hợp toàn thế giới nó tạo ra chu kỳ kinh tế chung.

Do đó, TÍN DỤNG tạo ra CHU KỲ KINH TẾ

Tín dụng không xấu, nó giúp phân bổ chính xác các nguồn lực, ví dụ: Tú trồng ngô vay tiền mua xe máy cày để tăng năng suất và dễ dàng trả nợ.

7. Chu kỳ kinh tế tăng

Tín dụng bình thường sẽ tạo ra chu kỳ đi lên trong nền kinh tế.
Ví dụ:
– Tú bán ngô được 100K, Tú được bank cấp thể tín dụng cho tiêu 20K nữa. Thế là Tú qua nhà Quyền mua gạo, Tú mua 120K gạo. Quyền có 120K thì được bank cấp tín dụng cho thêm 50K nữa là tài sản có 170K.
– Quyền sang nhà Hải mua thịt, Quyền mua 170K, Hải có 170K thì bank thấy Hải giàu, cấp tín dụng cho hẳn 100K vậy là Hải có 270K.
=> Nền kinh tế tăng trưởng đi lên (mô hình tự gia cố).
Đây là chu kỳ HƯNG THỊNH của nền kinh tế với nhiều khoản nợ ngắn hạn. Ai cũng giàu, ai cũng vui.

8.  Lạm phát

Do Hải có tới 270K tiền, cảm thấy giàu quá, quay lại mua ngô của Tú. Lúc này Tú thấy Hải giàu nên tăng giá ngô. Hải cũng đồng ý luôn. Vậy là giá ngô tăng từ 5K lên 10K. Tùng cũng không ý kiến gì do cũng giàu. Vậy là thành lập mặt bằng giá chung. Ngay sau đó, gạo của Quyền, Thịt của Hải lại tăng giá theo.
=> Đây là LẠM PHÁT (Lạm phát còn được phân biệt là Chi phí đẩy hay Cầu kéo, trong trường hợp này do Cầu kéo, vì nhu cầu tăng kéo giá tăng lên).
Khi lạm phát vừa vừa thì ai cũng vui, tới khi qua mấy vòng tăng giá, tín dụng thúc đẩy chi tiêu, mà tín dụng tạo ra bằng niềm tin nên rất nhanh ngô lên tới 30K/bắp. Mọi người bắt đầu lo lắng do tiền mất giá.

9. Điều chỉnh Lạm phát

Đầu tiên thì Ngân hàng nhà nước sẽ tăng lãi suất cho vay tín dụng và khiến cho lãi vay cao hơn và kéo theo người vay ít dần lại
Vay ít hơn mà nợ vẫn phải trả dẫn tới chi tiêu ít hơn = BỚT LẠM PHÁT

10. Giảm phát – Chu kỳ đi xuống

Do chi tiêu ít (mà nguyên tắc lúc đầu đó là Chi tiêu của người này = thu nhập người kia) dẫn đến ai cũng chi ít lại theo dây chuyền.
Chi ít thì tiền có giá => Giá cả xuống từ đó gây nên Giảm phát.
Giảm phát = Kinh tế xuống > Suy thoái kinh tế.

11. Điều chỉnh Giảm phát – Chu kỳ kinh tế đi xuống

Nếu suy thoái kinh tế nghiêm trọng, ngân hàng bắt buộc điều chỉnh bằng cách hạ lãi suất cho vay. Lãi suất giảm  dẫn đến vay nhiều hơn, dẫn đến chi tiêu hơn, từ đó Kinh tế lại đi lên và Chu kỳ Hưng thịnh mới.
Hiểu rất đơn giản: Cho vay tốt = kinh tế đi lên, cho vay không tốt = kinh tế đi xuống.
Chu kỳ này gọi là NỢ NGẮN HẠN và nó kèo dài từ 5-8 năm, lặp đi lặp lại từ trước tới nay, không hề thay đổi, đáy và đỉnh mỗi chu kỳ đều cao hơn (do lạm phát và hành vi con người thích tiêu hơn thích trả nợ) => Nợ nhiều hơn!

12. Bong bóng

Nói sâu hơn về hành vi cho vay. Tú lúc đầu có 100k tiền ngô, ngân hàng thấy ổn, mở tín dụng cho 10K là 110K.
Sau đó Tú mua gạo của Quyền, Quyền mua thịt của Hải gây ra lạm phát cũng như thu nhập tăng,… (như đoạn đầu) thì sau vài vòng Tú bán ngô được 300K, Tú mua nhà, mua xe các kiểu.
Ngân hàng thấy Tú (dù đang nợ ngập đầu) có tiền quá, lại mở tín dụng nhiều hơn. Lần này Tú vay tới 200K và tổng có 500K mua càng nhiều thứ hơn như du thuyền, máy bay…
Đây là tâm lý không đề phòng của tất cả mọi người kể cả ngân hàng. Cứ nghĩ rằng mọi chuyện theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Dần dần, nợ sẽ cao hơn thu nhập thực tế có thể có trong tương lai. Đây là chu kỳ NỢ DÀI HẠN
Như vậy: thu nhập tăng > Giá trị tài sản tăng > mọi thị trường đều tăng bùng nổ > Mua mọi thứ bằng tiền đi vay đều dễ > Lại vay nhiều hơn do nghĩ mình giàu > chu kỳ lặp lại.
=> Đây là BONG BÓNG

13. Khủng hoảng

Khi đến một thời điểm nào đó, bong bóng tăng tới mức khiến nợ quá nhiều, nợ cao hơn thu nhập bắt đầu mọi người phải vay thêm chỗ khác để trả nợ chỗ này. Lúc này ông Huân – giám đốc ngân hàng không còn tin Tú nữa nên không cho vay > Tú phải bán tài sản. (Chu kỳ Tháo gỡ đòn bẩy tài chính)
Khổ cái là hiện tại ai cũng khổ như Tú, bán tài sản không có ai có tiền mà mua nên giá tài sản sụt giảm nặng nề dẫn đến VỠ BONG BÓNG => KHỦNG HOẢNG KINH TẾ
Trong thời điểm này:
– Thu nhập giảm
– Không vay được tín dụng, thậm chí biến mất
– Thất nghiệp
– Tài sản rớt giá nặng nề
– Thị trường chứng khoán lao dốc
– Bank khó khăn
– Nợ ngày càng tăng…
Một vòng luẩn quẩn: Nợ cao > không vay được > mất tín dụng > bán tài sản > không bán được > nợ càng cao > càng không vay được > càng bán không được …
  • Nhật bị khủng hoảng vào năm 1989
  • Mỹ chịu sự kiện này nặng nề hai lần vào năm 1929 và 2008, khiến cả thế giới chao đảo.
  • Châu Âu và hầu hết quốc gia khác vào 2008 chung với đợt 2 của Mỹ.

14.Giai đoạn tháo gỡ đòn bẩy tài chính

Nặng nề hơn chu kỳ suy thoái kinh tế, suy thoái chỉ cần hạ lãi suất là người vay tăng lên, nhưng ở chu kỳ này, càng vay càng khổ nên không ai vay, tới khi lãi suất cho vay chạm đáy 0% (Mỹ 193x và 2008 lãi suất cho vay tín dụng về 0%) tuy nhiên có hạ về 0% cũng chỉ được một hạn mức nào đó vốn đã thấp trong khủng hoảng nên không thể dẹp được
Nợ khổng lồ > Mất tín dụng > Bank không cho vay > càng nợ nhiều hơn > Mất khả năng thanh khoản > Tê liệt hoàn toàn nền kinh tế!

15. Thoát khỏi khủng hoảng – Xóa nợ – Tăng phát

Tăng phát (reflation) là dùng các chính sách để ổn định kinh tế, hạn chế ảnh hưởng giảm phát sảy ra sau thời kỳ suy thoái
Vấn đề hiện tại là nợ rất cao, muốn tăng phát tốt (ổn định lại kinh tế mà không gây hậu quả), cần giảm nợ xuống chỉ có 4 cách :
  • THẮT CHẶT CHI TIÊU
Chỉ giúp ích một phần, kéo dài việc xuống đáy của khủng hoảng do nguyên tắc: chi người này = thu người kia. Ai cũng thắt lưng buộc bụng khiến kinh tế thu hẹp > giảm phát > suy thoái > khủng hoảng.
  • BÙNG NỢ/TÁI CƠ CẤU
Cũng tương tự cách trên, chỉ có kéo dài thời gian và áp dụng khu vực nhỏ.
  • PHÂN PHỐI TÀI SẢN GIẢU NGHÈO
Trong thời kỳ tháo gỡ đòn bẩy tài chính, thất nghiệp cao > GDP giảm > thu thuế ít hơn > phải tăng chi cho phúc lợi xã hội (bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ khó khăn, kích cầu kinh tế,..) > THÂM HỤT NGÂN SÁCH (vừa qua).
Như vậy, khi thâm hụt ngân sách, nhà nước có cách: TĂNG THUẾ hoặc ĐI VAY. Hiện tại, tăng thuế không được do tình hình kinh tế, đi vay thì các nước còn lại cũng quá cha nên chỉ còn cách: LẤY CỦA NGƯỜI GIÀU (tăng thuế, điều tra,…) chia cho người nghèo (Phân phối lại của cải)
Tuy vậy, người giàu cũng khó chịu khi bị tăng thuế, làm ăn thì khó khăn dần dần gây ra mâu thuẫn, rối loạn không chỉ trong nước mà còn nước ngoài, đặc biệt quốc gia có mối quan hệ nợ nần.
Nguy hiểm hơn, nó có thể dẫn tới THAY ĐỔI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ hoặc gây xung đột (Chiến tranh Thế giới II do suy thoái ở Mỹ và Chiến tranh ở Châu Âu)
=> Đây là cách khả thi hiện tại nhiều quốc gia có thể đã áp dụng.
  • IN THÊM TIỀN
Khi mà ai cũng cần tiền do ai cũng nợ ai thì việc dễ nhất là nhờ Ngân hàng nhà nước in thêm tiền, phát cho mỗi người một ít là xong. Phải không? Không đơn giản vậy đâu.
Khi lãi suất về 0, năm 193x và 2008 ở Mỹ đã in 2000 tỷ đô, 2008 -2012 Anh in ra hơn 300 tỷ đô, Châu Âu in khoảng 1700 tỷ tiền mới và mua tài sản tài chính giúp tài chính dần ổn định.

Nhắc lại về mối quan hệ lúc đầu:

– Ngân hàng nhà nước: In tiền
– Chính quyền: Chi tiền
Vậy nên Ngân hàng nhà nước cho chính quyền bằng cách mua trái phiếu chính phủ > Chính phủ kích cầu kinh tế, trợ cấp thất nghiệp… (Bơm tiền) > Tiền dân tăng.
Giai đoạn này rất nguy hiểm do tiền dân tăng nhưng nợ công cũng tăng nên phải xem rất kỹ, phải điều tiết cắt giảm đòn bẩy tài chính và lạm phát cho phù hợp. Cân bằng là đẹp nhất coi như thoát khủng hoảng.

Và toàn bộ chu kỳ này có thời gian như sau:

– Suy thoái nặng, khủng hoảng (depression): 2-3 năm
– Tăng phát (reflation): 7-10 năm

16. In thêm tiền có gây nên lạm phát cao không?

Nhìn zimbabwe từ 2000 là một thất bại trong việc in tiền để cứu nền nông nghiệp của họ đấy. Hoặc Đức 192x cũng bị khủng hoảng do in tiền vô tổ chức.
Vậy nên mới nói cần phải rất cẩn thận trong việc in tiền. In tiền không gây ảnh hưởng kinh tế nếu:
– In tiền chỉ để bù vào tín dụng giảm thì không sao
– Có chính sách kích cầu kinh tế sao cho thu nhập tăng nhanh hơn số tăng của nợ.
– In đủ không in dư

17. Kết luận

Thường thì chu kỳ khủng hoảng sẽ kéo dài từ 2-3 năm, sau đó sẽ có 7-10 năm phục hồi từ từ (Thập kỷ mất mát – Lost decade) chúng ta phải nắm rõ những nguyên tắc sau để không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng:
– Nắm rõ chu kỳ, phán đoán chu kỳ
– Đừng để Nợ > Thu nhập
– Thu nhập > Năng suất (giá trị tạo ra)
– Tăng giá trị bản thân mọi lúc.
Nội dung bài viết này giúp mọi người hiểu một cách cơ bản nhất về cách vận hành của nền kinh tế và cách nền kinh tế tạo ra chu kỳ. Trong các phần trên khi phân tích sâu sẽ có rất nhiều chỗ phức tạp và biến hóa, nhưng cơ bản thì với cách làm như thế nào thì tính chu kỳ của nền kinh tế là yếu tố khách quan.
—————-
P/s: Bài viết này tác giả viết chỉ đơn giản là chia sẻ kiến thức, không ám chỉ, định hướng, khuyên bảo bất kể ai, ai thấy có gì hợp thì tự liên hệ bản thân thôi nhé.
—-
Nguồn tác giả: Nguyễn Vũ Tuấn Tú (Ray)

Tags: ,