Đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược (Inverted Yield Curve) là gì?

Phiên giảm 3% của chỉ số Dowjone ngày 4/12/2018 như là một cú sốc với hầu hết NĐT, những người mà đang mong muốn tìm kiếm một thông tin nào đó lý giải cho sự kiện này. Tuy nhiên, hầu hết nguyên nhân giải thích đều thiếu cơ sở lập luận ngoài việc có một vài phần tích về sự đảo ngược đường cong lợi suất trái phiếu. Vậy tại sao đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược lại làm NĐT tỏ ra lo ngại như vậy, chúng ta hãy cũng tìm hiểu.

Đường cong lợi suất phẳng và đảo ngược (Inverted Yield Curve) là gì?

Đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược là hiện tượng khi mà lợi suất của của trái phiếu kì hạn ngắn cao hơn lợi suất của trái phiếu kì hạn dài (đôi khi người ta còn đề cập đến đường cong lợi suất phẳng, ở đó xảy ra tình trạng kỳ hạn ngắn tương đương với các kỳ hạn dài). Trong điều kiện kinh tế bình thường thì đường cong lợi suất thường có độ dốc tăng dần, các kỳ hạn dài lợi suất cao hơn, đơn giản là thời gian càng dài càng chứa đựng nhiều rủi ro hơn và nhà đầu tư yếu cầu mức lợi suất cao hơn hay đơn giản hiểu theo cách kinh tế đang tăng trưởng thì lạm phát có xu hướng tăng và lợi suất cũng có xu hướng tăng theo.

Tại sao hiện tượng lợi suất phẳng và đảo ngược lại trở nên nguy hiểm?

Hiện tượng đường cong lợi suất trái phiểu đảo ngược xảy ra khi nhà đầu tư lo ngại về khả năng sắp có một cuộc suy thoái phía trước.Khi đó, hoạt động kinh doanh khó khăn, cầu tiền ngắn hạn sẽcó xu hướng giảm, nền kinh tế giảm tốc và NHTW sẽ phải hạ lợi suất ngắn hạn để kích thích nền kinh tế. Và nếu NĐT nắm giữ các khoản kỳ hạn ngắn với lợi suất có xu hướng giảm dần thì thì họ sẽ cân nhắc chuyển qua mua ở các kỳ hạn dài hơn với kỳ vọng xu hướng dài sẽ tăng lên vì triển vọng kinh tế dài hạn phục hồi.

Hơn nữa, chúng ta cũng cần phải biết khi hiện tượng này xảy ra thì đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là ngành ngân hàng, nơi hầu như huy động tiền với các kỳ hạn ngắn và cho vay các khoản vay dài hạn hơn. Do đó, khi huy động lợi suất ngắn hạn tăng lên trong khi lợi suất cho vay ra dài hạn xu hướng giảm thì chênh lệch bị thu hẹp, khiến cho lợi nhuận ngân hàng bị suy giảm, và nếu không kiểm soát tốt có thể dẫn đến thua lỗ.

Liên quan đến tại sao đường lợi suất lại có xu hướng phẳng và đảo ngược tại thời điểm hiện tại, có một số lo ngại về tình trạng chiến tranh thương mại, các chính sách bảo hộ của các quốc gia đang có xu hướng gia tăng, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn giảm xuống. Hơn nữa, việc FED tiếp tục theo đuổi một chính sách tăng lãi suất độc lập bất chấp sự biến động của thị trường cũng đang làm nhà đầu tư lo ngại về tình trạng lãi suất ngắn hạn tiếp tục tăng cao, cộng với tình trạng cầu tăng mạnh đối với trái phiếu kỳ hạn dài từ các tổ chức lớn như quỹ hưu trí, và các công ty bảo hiểm cũng làm cho lợi suất trái phiếu dài hạn có xu hướng giảm.

Liệu có suy thoái xảy ra khi có hiện tượng đường lợi suất phẳng hoặc đảo ngược?

Theo nghiên cứu của tác giả David Andolfatto (Vice President and Economist) và Andrew Spewak (Senior Research Associate), thì hiện tượng đường lợi suất phẳng hay đảo ngược chỉ phản ánh tâm lý nhà đầu tư kỳ vọng tăng trưởng ở hiện tại không được như trước đó. Hay nói đơn giản chỉ phản ánh kỳ vọng của NĐT về triển vọng tăng trưởng kinh tế giảm so với trước đó, chứ đường lợi suất phẳng hay đảo ngược không phải là báo hiệu cho khủng hoảng. Tuy nhiên, khi kỳ vọng nhà đầu tư kém đi thì chỉ cần một hiện tượng bất ngờ xảy ra có thể dẫn đến khả năng nền kinh tế rơi vào khủng hoảng cao hơn (yếu mà ra gió thì cảm thôi).

Nguồn: LT phân tích và tổng hợp

Tags: ,