Kinh tế Việt Nam đã thoát đáy chưa?

Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn nào và thoát đáy hay chưa nó không phải là chủ đề khó nếu nhìn vào số liệu tăng trưởng GDP, tuy nhiên nội dung bài viết này muốn đề cập tới các yếu tố cấu thành nên tăng trưởng đó và thực chứng để chúng ta có góc nhìn đa diện hơn.

1. Giai đoạn khó khăn nhất đã qua

Nếu chúng ta chỉ nhìn theo góc nhìn riêng, sẽ có rất nhiều khác biệt trong nhận định giai đoạn khó khăn nhất đã qua hay chưa. Ví dụ, nếu làm trong ngành xây dựng giao thông công cộng sẽ thấy nhiều việc hơn, nhưng nếu làm trong ngành xây dựng dân dụng thì thấy rằng không có chuyển biến đáng kể.

Tôi dựa trên báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được công bố để đưa ra kết luận tạm, dựa trên mẫu quan sát thì có thể tạm khẳng định giai đoạn khó khăn nhất đã qua.

(*) Ngành tài chính bao gồm: Ngân hàng – Chứng khoán – Bảo hiểm

Dựa trên thống kê lợi nhuận sau thuế của 583 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE và HNX đại diện cho 84% vốn hóa thị trường cuối năm 2023, chúng ta có thể thấy quý 4/2022 là quý có lợi nhuận thấp nhất. Nhưng nếu xét theo quy mô thời gian thì quý 3/2023 và cả năm 2023 là giai đoạn thấp điểm nhất của lợi nhuận các doanh nghiệp.

Lơi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp thấp nhất trong quý 4/2022 nhưng tổng cả năm thì vẫn cao hơn của 2023, điều này có thể thấy sự kiện đóng băng BĐS và các vấn đề liên quan đến ngân hàng SCB + yếu tố bên ngoài có điểm rơi tác động lớn vào năm 2023.

Mặc dù vậy, quý 4/2023 và quý 1/2024 thì mức tăng trưởng lợi nhuận đã bền vững hơn, đã có hai quý liên tiếp tăng trưởng. Hơn nữa, nếu nhìn vào con số lợi nhuận kế hoạch cả năm 2024 của 400 doanh nghiệp niêm yết đã công bố, thì mức kế hoạch đặt ra tăng trưởng trung bình 19.4%, trong khi đó lợi nhuận quý 1-2024 đã đạt được 24.3% trên số kế hoạch cả năm. Điều này cho thấy năm 2024 sẽ có khả năng tiếp tục là năm phục hồi và giai đoạn khó khăn nhất có thể đã qua.

2. Tăng trưởng kinh tế nhìn vào yếu tố cấu thành nên GDP

Theo phương pháp thu nhập, chúng ta có thể thấy GDP được cấu thành bởi các yếu tố như Tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình (C) + Chi đầu tư của tư nhân (I) + Chi tiêu Chính phủ (G) + Xuất khẩu ròng (X-M).

Chi tiêu cá nhân và hộ gia đình (C) chúng ta tạm lấy đại diện bằng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, thì có thể thấy rằng số liệu 4 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã đạt 8.5% so với cùng kỳ, sự phục hồi này mặc dù còn chậm nhưng đã bắt đầu bền vững hơn.

Đối với Chi tiêu Chính phủ (G) đã được tích cực đẩy mạnh sau giai đoạn 2020 để kích thích nền kinh tế. Chúng ta có thể thấy rõ bằng việc đẩy mạnh giải ngân các dự án hạ tầng trong gia đoạn 2022-2023 và còn tiếp tục trong năm 2024. Chi tiêu Chính phủ là động lực thúc đẩy nền kinh tế thời gian qua và còn tiếp tục trong thời gian tới để kéo khu vực tư nhân phục hồi theo, cũng như gia tăng sức cầu cho toàn nền kinh tế.

Đầu tư khu vực tư nhân (I) là thành phần chính để kéo nền kinh tế đi lên bền vững, tuy nhiên cũng là thành phần dễ bị tỗn thương trong giai đoạn khủng hoảng hoặc suy thoái. Thời gian Covid thì khu vực này đã suy giảm mạnh, chỉ phục hồi trở lại vào năm 2022 nhưng sau đó lại chững lại trong năm 2023. Việc thiếu hành lang pháp lý vững, cộng những khó khăn trong triển vọng đã khiến cho khu vực này đầu tư thận trọng hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều điểm sáng cho việc mở rộng khu vực này trong nửa sau 2024 trở đi, khi mà nhiều dự án luật quan trọng có hiệu lực cộng với tình hình sáng hơn trong triển vọng kinh tế.

Với chỉ tiêu xuất khẩu ròng (X-M) thì đang có sự cải thiện đáng kể từ đầu năm 2024. Kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 240 tỷ đồng, tăng trưởng trên 15% so với cùng kỳ năm 2023 và gần tương đương với cùng kỳ 2022. Thặng dư ước đạt 8.33 tỷ USD và có khả năng sẽ đạt được mức thặng dư gần bằng năm 2023. Những tín hiệu cho thấy xu hướng giảm lãi suất của các nước phát triển sẽ diễn ra mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024 sẽ thúc đẩy triển vọng chung nền kinh tế đi lên, tạo điều kiện cho sức cầu tiêu dùng toàn cầu tăng theo.

Như vậy, các yếu tố cấu thành nên tăng trưởng GDP đang cho tín hiệu khả quan trong quý 1/2024 và chúng ta có niềm tin rằng tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt được mức trên 6% và chính thức đưa kinh tế Việt Nam hồi phục vào giai đoạn mới.

3. Vẫn còn nhiều mối lo nhưng hãy đầu tư với tâm thế bắt đầu chu kỳ

Giai đoạn đầu tiên của phục hồi sẽ là tăng trong nghi ngờ vì còn nhiều mối lo hiện hữu khiến cho nhiều người hoài nghi về khả năng duy trì sự phục hồi đó. Chúng ta hãy nhìn nhận xem những yếu tố nào đang khiến mọi người quan tâm:

  • Thứ nhất, xung đột địa chính trị vẫn còn phức tạp và kéo dài. Cuộc chiến Nga-Ukraina dự kiến sẽ còn kéo dài thêm 1-2 năm nữa ở mức độ cao cho tới khi có một chiến thắng mang tính rõ ràng hơn, khi đó các bên mới có thể ngồi vào bàn đàm phán. Vấn đề chúng ta quan tâm ở đây sẽ là liệu cuộc chiến này có thể mở rộng ra xung đột toàn cầu và kéo Thế giới vào chiến tranh Thế giới thứ 3 hay không? Dựa trên các dữ liệu hiện tại thì xác suất này vẫn còn thấp, nhưng chúng ta hãy xem nó như là một kịch bản Thiên Nga Đen trong đầu tư.
  • Thứ hai, lột trình giảm lãi suất chậm của FED + các nước phát triển khác (EU). Việc các nước phát triển duy trì một mặt bằng lãi suất cao kéo dài để kìm lạm phát khiến cho các nước đang phát triển như Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn từ tỷ giá cho tới hoạt động xuất nhập khẩu. Nổi lo sức chịu đựng của các nền kinh tế lớn gặp điểm tới hạn, ảnh hưởng tới cầu tiêu dùng và điều này tác động ngược lại nền kinh tế mở của Việt Nam. Hơn nữa, việc tỷ giá tăng gây áp lực không nhỏ, khiến cho lạm phát và lãi suất Việt nam có thể tăng trở lại, cản trở sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy đây là nỗi lo của TTCK nhưng ở góc độ kinh tế chung thì yếu tố này lại tác động chưa quá nhiều tới sự phục hồi của kinh tế Việt Nam, thể hiện qua các số liệu xuất nhập khẩu và thặng dư thương mại.
  • Ngoài các vấn đề trên thì sẽ còn nhiều vấn đề khác nhưng tôi cho rằng các yếu tố bên ngoài như xung đột địa chính trị, cạnh tranh thương mại và áp lực lãi suất-tỷ giá-lạm phát là các yếu tố chính tác động tới nền kinh tế và TTCK hiện nay đang được quan tâm.

Chúng ta hãy tập trung theo dõi các yếu tố lớn, điều này sẽ giúp chúng ta thêm dữ liệu khẳng định về chu kỳ phục hồi nền kinh tế, thay vì nhìn vào những biến động TTCK ngắn hạn. Việc kinh tế phục hồi không đồng nghĩa với sự tích cực của TTCK trong ngắn hạn, nhưng nó giúp TTCK phục hồi dài hạn một cách bền vững hơn và giúp chúng ta nhận biết mình đang ở đâu trong chu kỳ này và ra những quyết định đúng đắn hơn.

Nguồn: Lão Trịnh

 

 

 

 

 

 

Tags: ,