Mô hình đầu tư qua Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital)?

Venture Capital hay Quỹ đầu tư mạo hiểm không còn quá xa lạ với nhiều người trong lĩnh vực tài chính, nhưng cụ thể cách thức hoạt động của nó như thế nào và làm sao có thể đầu tư vào quỹ thì không phải ai cũng biết. Trong bài viết này mình sẽ nêu qua một số điểm mà nhà đầu tư quan tâm.

Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) là gì?

Quỹ đầu tư mạo hiểm là một hình thức giống với Quỹ đầu tư vốn tư nhân (Private Fund) được lập ra và rót vốn cho một công ty mới thành lập (Startup), chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán nhưng được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng tích cực và nhà đầu tư tin rằng sẽ phát triển trong tương lai.

Các đối tượng đầu tư (startup) là các doanh nghiệp mới thành lập, đang giai đoạn non trẻ và khó có thể tiếp cận các nguồn vốn khác như ngân hàng, vốn cổ phần đại chúng, trái phiếu…. Đầu tư vào các doanh nghiệp này có rủi ro cao, tuy nhiên nếu thành công thì lợi nhuận mang lại cũng rất lớn.

Loại hình doanh nghiệp Quỹ Venture Capital là gì?

Các quỹ đầu tư mạo hiểm hay quỹ tư nhân thường thành lập ở dưới dạng công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn với ít cổ đông, nhằm thống nhất mục tiêu và dễ ra quyết định.

Vốn của các quỹ này có thể tới từ nhiều nguồn, có thể là vốn tư nhân có nhiều tiền, các tập đoàn lớn, có thể từ các nhân hàng, có thể từ các quỹ đầu tư đại chúng hoặc một tổ chức tài chính khác.

Ở Việt Nam, quy định về thành lập và hoạt động của công ty quản lý quỹ chỉ áp dụng với các quỹ có giấy phép hoạt động được cấp phép bởi UBCKNN, còn đối với các quỹ Venture Capital hay Private Capital được hình thành theo mô hình công ty cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn hoặc Quỹ đổi mới sang tạo nên chịu sự quản lý của Bộ kế hoạch và đầu tư.

Ưu nhược điểm của Quỹ đầu tư mạo hiểm?

  • Ưu điểm

– Quỹ mạo hiểm sẽ rót một tỷ lệ vốn lớn vào doanh nghiệp mục tiêu, đóng vai trò là cổ đông chiến lược toàn diện và tham gia vào các quyết định liên quan đến hoạt động công ty. Do đó, việc này khác với đầu tư tài chính thông thường và họ chủ động được trong vấn đề quản trị doanh nghiệp và phân phối lợi nhuận trong tương lai.

– Việc huy động vốn thông qua Quỹ mạo hiểm sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn các hình thức khác với các doanh nghiệp mới thành lập, đơn giản vì giống như hình thức góp vốn cổ phần.

  • Nhược điểm

– Các doanh nghiệp được rót vốn thường đang ở giai đoạn đầu, mới thành lập và khả năng tiếp tục phát triển sẽ có nhiều khó khăn. Do đó, rót vốn đầu tư giai đoạn này thường có nhiều rủi ro về khả năng thành công của thương vụ.

– Ngoài ra, giai đoạn đầu tư mạo hiểm NĐT còn phải chịu rủi ro về mặt quản trị, mâu thuẫn lợi ích với người sáng lập và ngoài ra nếu kế hoạch giải ngân không phù hợp thì rất khó quản trị dòng vốn, do đó rủi ro mất vốn là rất cao.

Hình: Một số Quỹ đầu tư và các thương vụ đầu tư tiêu biểu

Các bước triển khai thương vụ đầu tư mạo hiểm ở góc độ Venture Capital

– Bước 1: Xác định doanh nghiệp mục tiêu

Hiện nay, các quỹ mạo hiểm thường tập trung tìm kiếm các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghệ, lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, y tế, chuỗi tiêu dùng…đây là các mô hình có thể tạo ra nhiều giá trị thặng dư cho Quỹ nếu như thành công.

Việc tìm kiếm có thể từ các mối quan tâm trên các hiệp hội, diễn đàn, hội thảo liên quan đến gọi vốn Venture hoặc có thể từ một nguồn quen biết nào đó.

– Bước 2: Thẩm định và xác định giá trị doanh nghiệp

Xác định giá trị doanh nghiệp là bước tiếp theo các Quỹ Venture cần làm nhằm xác định số vốn cần đầu tư trong giai đoạn đầu tiên.

Sau khi xác định được giá trị doanh nghiệp thì sẽ đàm phán về giá trị mua tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần nắm giữ và các cam kết ràng buộc.

– Bước 3: Hỗ trợ/đồng hành cũng doanh nghiệp phát triển

Các Quỹ Venture sẽ hỗ trợ tư vấn chiến lược quản trị, tư vấn quản trị tài chính và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nhà đầu tư mới, hệ thống phân phối, khác hàng mục tiêu, thị trường…

Nhờ uy tín và sự hỗ trợ của các Quỹ Venture có thể giúp cho các doanh nghiệp mới thành lập (Startup) tiếp cận tốt hơn tới thị trường và khách hàng mục tiêu, từ đó cũng giúp rút ngắn thời gian đi đến thành công và tăng xác suất thành công cho thương vụ. Trên hết thì mục tiêu chính của Venture Capital là việc tăng trưởng giá trị của doanh nghiệp. Từ đó thì các dự án có cơ hội phát triển, có chỗ đứng trên thị trường và Venture Capital sẽ thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của dự án.

– Bước 4: Thoái vốn

Sau khi doanh nghiệp đã đủ lớn mạnh hoặc khi đạt đến một khoảng thời gian nhất định (thường 5-7 năm cho một thương vụ) thì các Quỹ Venture sẽ tìm kiếm đối tác khác để chuyển nhượng lại cổ phần của mình, hoặc niêm yết lên thị trường chứng khoán và thoái vốn.

Trong trường hợp xấu, thì các bên sẽ thực hiện giải thể doanh nghiệp để thanh lý tài sản chia cho các bên.

Các vòng gọi vốn của một doanh nghiệp Startup

Các dự án gọi vốn trong thị trường phi tập trung thường trãi qua các vòng chính là Seed Round (hoặc có thêm Pre-Seed Round), Series A, Series B hoặc có thể còn Series C.

  • Seed Round: Vòng hạt giống là giai đoạn mà khi các startup đã có sản phẩm mẫu hoặc/và đã bán được vài đơn hàng (đôi khi mới có ý tưởng về một sản phẩm/dịch vụ/mô hình kinh doanh), lúc này startup rất cần nguồn vốn để phát triển ý tưởng kinh doanh. Số tiền đầu tư ở vòng này dao động 10.000-100.000 USD và các Quỹ Venture đầu tư ở giai đoạn này thường là các quỹ nhỏ.
  • Series A: Series A là khi công ty startup bắt đầu mở rộng hoạt động hoặc tăng trưởng nhanh (doanh thu và khách hàng đã ổn định ở một mức độ cụ thể), các nhà đầu tư bắt đầu nhìn vào những dữ liệu thực tế để xem xét tiềm năng để dự án có thể trở thành một cỗ máy kiếm tiền có giá trị hay không.

Một số nhà đầu tư tham gia ở vòng này có thể là các công ty tư nhân, công ty gia đình, quỹ phòng hộ hay các liên doanh. Nếu có các Quỹ trước đó đã đầu tư ở Seed Round thì họ sẽ đánh giá lại nguồn vốn họ bỏ ra đã được sử dụng như thế nào và liệu lần đầu tư này có tốt cho nguồn quỹ của họ hay không.

  • Series B: Ở vòng series B, startup tìm kiếm sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Số tiền trong giai đoạn này dùng để xây dựng công ty dựa trên những thành công hiện có, với việc mở rộng đội ngũ, không gian địa lý để khám phá các thị trường mới và nhìn chung là mở rộng về mặt quy mô.

Số tiền huy động được ở vòng này có thể lên đến hàng chục triệu USD hoặc hàng trăm triệu USD. Các nhà đầu tư thường chọn lựa kỹ lưỡng để tạo bước nhảy vọt cho startup. Các quyết định mua lại có thể bắt đầu được đặt trong tầm ngắm tiềm năng với các nhà đầu tư.

Đối với những startup có triển vọng lớn, có mô hình tốt có thể vươn ra toàn cầu thì có thể còn có Series C. Từ thời điểm này, startup có thể bước vào một cuộc chạy nước rút, gia tăng thị phần và vị trí trên thị trường.

Các Venture Capital nổi tiếng ở Việt Nam

Các doanh nghiệp startup muốn kêu gọi vốn đầu tư mạo hiểm cần làm gì?

Nếu bạn đã xác định kêu gọi vốn mạo hiểm là phù hợp với doanh nghiệp nhỏ (startup) của bạn, trước tiên bạn sẽ cần xác định giá trị của doanh nghiệp, quyết định vốn cần thiết và chuẩn bị trình bày cho các nhà đầu tư. Khi bạn có các chi tiết về doanh nghiệp của bạn, bạn sẽ cần phải xác định vị trí các nhà đầu tư tiềm năng và thể hiện về sân chơi của mình.

Khi bạn đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư mạo hiểm, bạn sẽ bắt đầu đàm phán về các điều khoản cho việc sử dụng vốn tài trợ. Sau đó các nhà đầu tư sẽ trãi qua quá trình đánh giá kỹ lưỡng doanh nghiệp của bạn, và nếu được thông qua bạn sẽ được rót vốn.

Tóm lược 7 bước mà bạn cần thực hiện  để thu hút vốn như dưới đây:

  • Xác định giá trị doanh nghiệp
  • Xác định số vốn cần thiết
  • Chào hàng về doanh nghiệp
  • Kết nối với các nhà đầu tư mục tiêu
  • Thương lượng về tỷ lệ và giá mua
  • Tiến hành các bước thẩm định doanh nghiệp
  • Kết thúc Deal

Nhìn chung Venture Capital là một hình thức đầu tư mạo hiểm ngày càng phổ biến giúp cho các doanh nghiệp non trẻ có cơ hội trở nên lớn mạnh hơn, giúp thúc đẩy nhanh các ý tưởng thành tiền. Ở góc độ nhà đầu tư thì đây là một cơ hội tăng trưởng lợi nhuận cao cũng đi cùng rủi ro cao, còn ở góc độ doanh nghiệp nhận vốn thì có thêm kênh huy động vốn và nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển, nhưng cũng đi kèm với sự pha loãng cổ phần và bị kiểm soát.

Mô hình nào cho Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam?

  • Thực trạng

Số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động (2020). Trong số này, có thể kể đến các quỹ có tên tuổi trên thị trường, gồm: IDG Ventures Vietnam, Vina Capital Ventures, CyberAgent Ventures, DFJ VinaCapital, FPT Ventures, ESP Capital, Golden Gate Ventures. Ngoài các quỹ này, có thể kể đến nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm lớn khác, bao gồm: Dragon Capital, Mekong Capital, Kutso Vietnam, Prosperous Vietnam Investment, Softbank Capital, TNF Ventures, Asia Venture Group. Chưa có Quỹ nào thành lập pháp nhân ở Việt Nam, mà vẫn thông qua đại diện chi nhánh hoặc là một bộ phận của công ty quản lý.

  • Luật quy định về Đầu tư mạo hiểm

– Nghị định số 99/2003/NĐ-CP, ngày 28/8/2003 của Chính phủ quy định quỹ đầu tư mạo hiểm là “tổ chức tài chính được thành lập theo quy định của pháp luật để đầu tư vào hoạt động ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao” (Điều 19), cùng với các quy định về chức năng và các ưu đãi, hỗ trợ kinh phí ban đầu đối với quỹ đầu tư mạo hiếm. Tuy nhiên, do quy định này năm trong Quy chế khu công nghệ cao, nên phạm vi hoạt động của quỹ còn giới hạn và chưa thực sự phù hợp với thực tiễn.

– Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư cũng bỏ ngỏ khái niệm này và chỉ nêu duy nhất một điều: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam” (Điều 67), nghĩa là trách nhiệm sẽ thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo cũng đề cập đến quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, được thình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp sau khi nhận đầu tư. Như vậy, quy định liên quan đến quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo chịu sự điều tiết của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 38/2018/NĐ-CP. Nghị định 38/2018/NĐ-CP khẳng định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập.

Trong khi trên thực tế, nếu phân loại theo hình thức tổ chức, thì quỹ đầu tư mạo hiểm bao gồm cả quỹ đầu tư tín thác, quỹ đầu tư dạng công ty con và quỹ đầu tư dạng công ty cổ phần. Ngoài ra, các luật về thuế của Việt Nam cũng chưa khuyến khích hoạt động đầu tư mạo hiểm. Chẳng hạn, Việt Nam chưa có thuế thu nhập thặng dư, nên đối với nhà đầu tư cá nhân, đầu tư cho khởi nghiệp khi thoái vốn thì họ sẽ thuộc đối tượng bị thu thuế cao cho khoản đầu tư có lợi và không được tính theo phương pháp bù trừ cho các đầu tư lỗ. Trong khi đó, do tính chất của hoạt động đầu tư mạo hiểm, tỷ lệ thất bại cao hơn nhiều so với tỷ lệ thành công.

  • Lựa chọn mô hình nào?

– Quỹ có thể lựa chọn lập theo mô hình theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP, theo đó quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập. Quỹ được thình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp sau khi nhận đầu tư. Ở Việt Nam, có rất ít quỹ thành lập và hoạt động theo Nghị định này.

+ Quỹ Sáng tạo CMC (CIF) hoạt động theo mô hình quỹ mạo hiểm – Nghị định 38

+ Quỹ FPT Capital lại theo mô hình Quỹ thành viên

+ Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA), ra mắt từ tháng 1/2017 do FPT Ventures và Dragon Capital đồng sáng lập, hoạt động chủ yếu ở cầu kết nối là chính.

+ Các CLB chỉ là nơi kết nối các Startup với các Quỹ.

– Mô hình quỹ theo pháp nhân Công ty Cổ phần/TNHH…nếu lập Quỹ theo mô hình này phải tuân thủ theo quy định từ luật doanh nghiệp 2020 về việc mua bán cổ phần.

+ Công ty (Quỹ) sẽ hoạt động như một nhà gây quỹ và môi giới, họ tận dụng chuyên môn và hệ sinh thái của mình để kết hợp các Startup liên quan tạo thành một hệ sinh thái khép kín cộng hưởng.

+ Mô hình này không phải là quỹ đầu tư mạo hiểm, nó chỉ đóng vai trò trong việc quản lý hay điều hành những startup được công ty đầu tư như thế nào? Quỹ đầu tư hỗ trợ vốn và nguồn lực khác khi cần thiết chứ không tham gia trực tiếp vào các công việc điều hành. Nhìn chung cách điều này phụ thuộc vào người đứng đầu doanh nghiệp, và lượng cổ phiếu chi phối, cách hạch toán như một doanh nghiệp thông thường.

– Mô hình đầu tư gián tiếp thông qua mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đây là mô hình phổ biến của các quỹ đầu tư lớn nước ngoài khi vào Việt Nam, họ tham gia đầu tư trực tiếp và chỉ để hoạt động đại diện thông qua văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Nguồn: Lão Trịnh

Tags: ,