Phân tích Các chỉ tiêu hoạt động ngoại bảng trên BCTC Ngân hàng

Báo cáo tài chính ngành ngân hàng khá đặc thù, do đó với người phần tích báo cáo thì phải hiểu được các chỉ tiêu để có những đánh giá chính xác. Trước đây, các chỉ tiêu quan trọng mình đã liệt kê rồi, nay cũng khá phổ biến trong giới đầu tư. Tuy nhiên, một trong những khoản mục ít được để ý là số liệu ngoại bảng, nên bài viết này mình sẽ bổ sung phần này.

Hoạt động ngoại bảng (Off-Balance Sheet – OBS) là gì?

Hoạt động ngoại bảng dùng để chỉ các hoạt động liên quan đến các dạng cam kết hay hợp đồng tạo ra nguồn thu nhập cho ngân hàng nhưng không được ghi nhận như Tài sản hay Nợ theo thủ tục kế toán thông thường.

Hoạt động cho vay ngoại bảng khác với cho vay thông thường ở chỗ là các khoản vay ngoại bảng ở dưới dạng cam kết trước và việc sử dụng khoản vay đó hay không tùy thuộc vào tình hình thực tế của khách hàng.

Tại sao phải có hoạt động ngoại bảng?

Nguyên nhân phát triển các hoạt động ngoại bảng là do các hoạt động ngoại bảng sẽ tăng thêm thu nhập dưới hình thức hoa hồng hay thu phí để bù đắp cho sự giảm thấp thu nhập các nghiệp vụ truyền thống của ngân hàng. Ngoài ra,
khi thực hiện các hoạt động ngoại bảng các NHTM còn có thể tránh được các khoản chi phí về thuế và chi phí về dự trữ bắt buộc, chi phí cho bảo hiểm tiền gửi và một số các khoản chi phí khác không phải áp dụng cho các hoạt động ngoại bảng. Những năm gần đây, tốc độ phát triển của các hoạt động ngoại bảng gia tăng nhiều hơn so với các hoạt động nội bảng truyền thống. Nhiều hoạt động ngoại bảng làm gia tăng thêm rủi ro tiềm ẩn cho ngân hàng.

Phân loại các hoạt động ngoại bảng

Theo sự phân loại của Tổ chức bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), các hoạt động ngoại bảng bao gồm các hoạt động sau: Các hoạt động phái sinh (Off-Balance Sheet Items and Derivatives); Các hoạt động cho vay ngoại bảng (Off-balance sheet Lending Activities); Chuyển giao tài sản ngoại bảng (Off-Balance Sheet Asset Transfer); Khoản nợ tiềm ẩn ngoại bảng (Off-Balance Sheet Contingent Liabilities).

Tại Việt Nam, chúng ta áp dụng theo tiêu chuẩn Basel và cụ thể đang triển khai Basel II nên phân loại các hoạt động ngoại bảng thành 4 nhóm: (i) nhóm 1 bao gồm các hoạt động bảo lãnh hay các khoản nợ tiềm tàng khác; (ii) nhóm 2 bao gồm các khoản cam kết; (iii) nhóm 3 bao gồm các giao dịch liên quan đến thị trường và (iv) nhóm 4 bao gồm các dịch vụ như cố vấn, quản trị hay chức năng bảo đảm. Cụ thể có các khoản mục như: Bảo lãnh vay vốn; Cam kết giao dịch ngoại hối (cam kết mua/bán ngoại tệ giao ngay hoặc hoán đổi); Cam kết trong nghiệp vụ thư tín dụng (L/C); Bảo lãnh khác; Cam kết khác (cam kết hoán đổi chéo tiền tệ, hoán đổi chéo lãi suất, cam kết giấy tờ có giá, hạn mức tín dụng chưa sử dụng);

Một trong những hoạt động chiếm tỷ trọng lớn là việc sử dụng các hợp đồng phái sinh dưới dạng tương lai, kỳ hạn, quyền chọn và hoán đổi tăng nhanh đã đóng góp rất nhiều vào sự gia tăng của các hoạt động ngoại bảng. Các sản phẩm tài chính này tạo ra nguồn thu nhập phí và cung cấp các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, chúng cũng dẫn đến những rủi ro khác cho ngân hàng

Rủi ro hoạt động ngoại bảng?

Mặc dù các hoạt động ngoại bảng đem lại nhiều lợi ích cho ngân hàng như làm tăng thu nhập, đa dạng hoạt đông kinh doanh, giảm chi phí… Tuy nhiên, khi thực hiện các hoạt động này thì ngân hàng cũng phải chịu không ít rủi ro.

Phần lớn các hoạt động ngoại bảng hiện tại chưa được ghi nhận trong nội bảng nhưng là các khoản mục tài sản hoặc nợ tiềm ẩn, trong tương lai sẽ được ghi nhận hoặc tác động đến trạng thái nội bảng của ngân hàng, từ đó phát sinh rủi ro cho ngân hàng như các sản phẩm phái sinh, bảo lãnh, cam kết cho vay.

Về nguyên tắc các rủi ro liên quan đến các hoạt động ngoại bảng, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất và rủi ro thị trường thì không khác gì với các rủi ro liên quan đến các hoạt động nội bảng nhưng việc xác định rủi ro gặp nhiều khó khăn bởi vì các hoạt động ngoại bảng là những hoạt động phức tạp.

Phân tích yếu tố chính trong hoạt động ngoại bảng

  • Các cam kết bảo lãnh

Tại Việt Nam, các loại hình bảo lãnh hiện đang được NHTM cung ứng bao gồm: Bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh thanh toán, thực hiện hợp đồng, dự thầu, bảo lãnh chất lượng sản phẩm, bảo lãnh đối ứng… Trong đó một số loại hình bảo lãnh phổ biến bao gồm:

– Bảo lãnh vay vốn: Là hình thức bảo lãnh do TCTD phát hành một chứng thư bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh (bên cho vay, thường là một tổ chức tín dụng khác), về việc cam kết trả nợ thay cho người được bảo lãnh (là khách hàng của TCTD) trong trường hợp người được bảo lãnh không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ, đúng hạn theo quy định cuả hợp đồng vay vốn ký kết giữa người được bảo lãnh (bên vay) và người nhận bảo lãnh (bên cho vay).
– Bảo lãnh dự thầu: Là hình thức bảo lãnh do TCTD phát hành một chứng thư bảo lãnh cho bên mời thầu để đảm bảo nghĩa vụ của người dự thầu khi người dự thầu trúng thầu. Mục đích của bảo lãnh dự thầu là đảm bảo cho việc người dự thầu không rút lui, không ký hợp đồng hay thay đổi ý định khi đã trúng thầu. Nếu người dự thầu đã trúng thầu nhưng không ký hợp đồng hay sau đó không thực hiện hợp đồng, thì bên mời thầu (bên thụ hưởng) sẽ yêu cầu TCTD thanh toán khoản tiền quy định trong chứng thư bảo lãnh để trang trải chi phí đấu thầu, thiệt hại do chậm trễ thực hiện tiến độ thầu hoặc chi phí để tổ chức lại một cuộc đấu thầu khác.
– Bảo lãnh thực hiện hợp đồng: Là loại hình bảo lãnh ngân hàng do TCTD phát hành chứng thư bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ của khách hàng trong hợp đồng hợp đồng đã ký kết.

– Bảo lãnh thanh toán: Là loại hình bảo lãnh ngân hàng do TCTD phát hành chứng thư bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người bán. Loại bảo lãnh này được ứng dụng trong các hợp đồng mua bán thiết bị hàng hóa trả chậm. Trong trường hợp người mua không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền theo hợp đồng thì ngân hàng bảo lãnh chịu trách nhiệm trả thay cho người mua như đã cam kết.

  • Các cam kết thư tín dụng (L/C) và cam kết cho vay không hủy ngang

Hoạt động thanh toán quốc tế bằng L/C chịu sự điều chỉnh đồng thời bởi các điều luật, công ước quốc tế liên quan và các điều luật quốc gia, đồng thời nó chịu sự điều chỉnh trực tiếp bởi các thông lệ và tập quán quốc tế như UCP (Quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ), ISBP (Tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm tra chứng từ theo L/C), eUCP (Bản phụ trương UCP về xuất trình chứng từ điện tử) và URR (Quy tắc thống nhất về hoàn trả liên hàng theo L/C).
Trong đó, UCP là văn bản chính, còn các văn bản khác có tính chất giải thích và làm rõ việc áp dụng và thực hiện UCP. Hiện tại các công ước quốc tế điều chỉnh hoạt động L/C bao gồm UCP 600, ISBP 681, eUCP 1.1 và URR 525 1995. Tại Việt Nam hiện nay, các văn bản pháp lý về hoạt động L/C bao gồm Luật các TCTD năm 2010, Quyết định 711/2001/QĐ-NHNN về thư tín dụng trả chậm, Thông tư 41/2016/TT-NHNN.

Khi thực hiện cung ứng L/C, các NHTM thu được các khoản phí thủ tục. Ngoài ra, các ngân hàng còn thu hút được một khoản tiền khá lớn (khi có ký quỹ), đồng thời thực hiện được một số nghiệp vụ khác như cho vay xuất khẩu, bảo lãnh, xác nhận, mua bán ngoại tệ… Hơn nữa, thông qua nghiệp vụ này, uy tín và vai trò của ngân hàng trên thị trường tài chính quốc tế được củng cố và mở rộng.

  • Các giao dịch phái sinh và các cam kết giao dịch hối đoái

Theo Pháp lệnh Ngoại hối (2013), Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh ngoại hối (2014), Thông tư 15/2015/TT-NHNN ngày 2/10/2015 về “Hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các TCTD được phép hoạt động ngoại hối”, các giao dịch ngoại hối mà các NHTM được sử dụng trong hoạt động kinh doanh bao gồm:

Giao dịch mua, bán ngoại tệ giao ngay (sau đây gọi là giao dịch giao ngay) là giao dịch hai bên thực hiện mua, bán với nhau một lượng ngoại tệ với VNĐ hoặc với một ngoại tệ khác theo tỷ giá giao ngay xác định tại ngày giao dịch.

Giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn (sau đây gọi là giao dịch kỳ hạn) là giao dịch hai bên cam kết mua, bán với nhau một lượng ngoại tệ với VNĐ hoặc với một ngoại tệ khác theo tỷ giá kỳ hạn xác định tại ngày giao dịch. Kỳ hạn của giao dịch được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Giao dịch hoán đổi ngoại tệ (sau đây gọi là giao dịch hoán đổi) là giao dịch giữa hai bên, bao gồm một giao dịch mua và một giao dịch bán cùng một lượng ngoại tệ với VNĐ hoặc với một ngoại tệ khác, trong đó ngày thanh toán của hai giao dịch là khác nhau và tỷ giá của hai giao dịch được xác định tại ngày giao dịch. Giao dịch hoán đổi bao gồm hai giao dịch giao ngay hoặc hai giao dịch kỳ hạn hoặc một giao dịch giao ngay và một giao dịch kỳ hạn. Giao dịch hoán đổi giữa VNĐ và ngoại tệ phải có ít nhất một giao dịch là giao dịch kỳ hạn.
– Giao dịch quyền chọn mua, bán ngoại tệ (sau đây gọi là giao dịch quyền chọn) là giao dịch giữa hai bên, trong đó bên mua trả cho bên bán giá mua quyền chọn để có quyền nhưng không có nghĩa vụ mua hoặc bán giao ngay một lượng ngoại tệ với một ngoại tệ khác trong một khoảng thời gian do hai bên thỏa thuận theo tỷ giá xác định tại ngày giao dịch. Nếu bên mua chọn thực hiện quyền mua hoặc quyền bán ngoại tệ của mình, bên bán có nghĩa vụ bán hoặc mua lượng ngoại tệ đó theo tỷ giá đã thỏa thuận. Giá mua quyền chọn là số tiền mà bên mua quyền chọn phải trả cho bên bán quyền chọn để mua quyền mua hoặc quyền bán một lượng ngoại tệ trong giao dịch quyền chọn. Giá mua quyền chọn do các bên thỏa thuận.

  • Các khoản nợ ngoại bảng

Các khoản nợ ngoại bảng là các khoản nợ bị tổn thất trong thời gian theo dõi (nợ nhóm 5) và bao gồm cả dư nợ xấu đã bán cho VAMC chưa thu hồi được. Có thể thấy rằng, tình hình nợ xấu của các NHTM Việt Nam đặc biệt nghiêm trọng vào năm 2011 và 2012. Theo đó, để giải quyết vấn đề nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện đánh giá thực trạng nợ xấu của hệ thống Ngân hàng và chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 843/2013/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 về phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC)”. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nằm trong kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đề án “Cơ cấu lại hệ thống TCTD giai đoạn 2011- 2015”. Sau gần 3 năm thực hiện, tính đến cuối tháng 2/2017, nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đã được xử lý một bước căn bản, nợ xấu nội bảng đã được kiểm soát. Nhưng tại một số NHTM, tỷ lệ nợ ngoại bảng vẫn còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro tín dụng cho các ngân hàng này.

Kết luận

Các hoạt động ngoại bảng thường được các nhà phân tích bỏ qua khi phân tích ngành vì hoạt động này chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu tài sản của ngân hàng thời gian qua. Tuy nhiên, theo thời gian hội nhập thì tỷ trọng các khoản mục ngoại bảng đang gia tăng dần và tác động không nhỏ tới kết quả phân tích ngành.

Các khoản mục chính ở ngoại bảng thường tập trung ở Cam kết giao dịch ngoại hối, Cam kết trong nghiệp vụ thư tín dụng (L/C) và Bảo lãnh khác.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, thì giá trị hoạt động ngoại bảng của một số ngân hàng như TCB, VPB, VIB, MBB, STB, CTG, BID,…là chiếm một tỷ trọng khá lớn, nhà đầu tư cần lưu ý. Tuy nhiên, có những hoạt động mà rủi ro sẽ thấp và có hoạt động thì rủi ro cao hơn, người phân tích cần bóc tách và có đánh giá riêng biệt chứ cũng không nên chỉ nhìn vào con số tuyệt đối.

Tham khảo:

https://luatvietnam.vn/tai-chinh/thong-tu-11-2021-tt-nhnn-ngan-hang-nha-nuoc-viet-nam-206806-d1.html

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tien-te-Ngan-hang/Thong-tu-27-2021-TT-NHNN-sua-doi-He-thong-tai-khoan-ke-toan-cac-to-chuc-tin-dung-500119.aspx

Nguồn: Lão Trịnh

 

Tags: ,