So sánh sự khác nhau giữa Wealth Management và Asset Management?

Trong xu thế hội nhập, các ngành nghề truyền thống dần chuyển dịch để tiệm cận với các dịch vụ ở các nước phát triển. Trong lĩnh vực tài chính, các hoạt động như môi giới chứng khoán, môi giới BĐS hay bán bảo hiểm…sẽ dần phải chuyển hóa lên thành ngành quản lý tài sản cho khách hàng, thứ mà đang rất phổ biến trên Thế giới. Trong lĩnh vực này có hai định nghĩa là  Wealth Management và Asset Management. Vậy sự khác biệt đó là gì? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó.

Điểm chung

Wealth Management và Asset Management đều là dịch vụ cung cấp sự hỗ trợ, tư vấn, lời khuyên từ các chuyên gia tài chính để giúp cho khách hàng là cá nhân/tổ chức sớm đạt được mục tiêu tài chính của mình, đồng thời bảo vệ được tài sản.

Sự khác biệt giữa Wealth Management và Asset Management

  • Asset Management

Quản lý tài sản (Asset Management) nói chung là đề cập tới sự tư vấn, giám sát của các chuyên gia với tài sản của khách hàng, giúp họ đạt được mục tiêu về tài chính, tối đa hóa lợi nhuận và bảo vệ tài sản. Nói cụ thể hơn trong lĩnh vực tài chính, vì quản lý tài sản được sử dụng chủ yếu để mô tả việc quản lý các khoản đầu tư của một cá nhân/tổ chức, chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu và bất kỳ công cụ nào khác được sử dụng để tăng giá trị cho họ.

Mục tiêu của quản lý tài sản là tối đa hóa lợi nhuận từ các khoản đầu tư của khách hàng. Nói cách khác, các chuyên gia sẽ giúp tiền được đưa vào “làm việc” một cách hiệu quả nhất để có thể làm cho bạn nhiều tiền hơn.

Đôi khi, quản lý tài sản và quản lý đầu tư (investment management) được sử dụng thay thế cho nhau, mặc dù trong thực tế có một chút khác biệt đó là quản lý tài sản nhắm tới mục tiêu là khách hàng cá nhân, trong khi quản lý đầu tư  có xu hướng cụ thể hóa sản phẩm và nhắm tới mọi đối tượng khách hàng.

Trong quản lý tài sản sẽ xuất hiện một khái niệm là nhà quản lý tài sản (asset manager), vậy họ làm gì?

Các chuyên gia được giao nhiệm vụ giúp khách hàng đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận thì được gọi là người quản lý tài sản. Một trong những nhiệm vụ chính của người quản lý tài sản là phân bổ tài sản cho khách hàng, điều này có nghĩa là chia tổng tài sản của khách hàng vào nhiều loại tài sản khác nhau. Phổ biến và đơn giản nhất là phân bổ tài sản vào cổ phiếu và trái phiếu theo tỷ lệ phù hợp với rủi ro và mục tiêu lợi nhuận của khách hàng.

Ví dụ, đối với khách hàng không thích rủi ro thì người quản lý tài sản nên tư vấn phân bổ tài sản nhiều hơn vào trái phiếu, và ngược lại nếu khách hàng có xu hướng ưa mạo hiểm hơn thì có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu cao hơn.

Các nhà quản lý tài sản thường được đăng ký làm đại lý môi giới và được thanh toán phí dựa trên phí quản lý hoặc phí hoa hồng là tỷ lệ phần trăm Tài sản thuộc quản lý (AUM). Dĩ nhiên, khách hàng có AUM cao hơn thường sẽ có cơ cấu phí thấp hơn, nhưng tổng số tuyệt đối phí thu về vẫn sẽ cao hơn.

Hiện nay, các CTCK lớn tại Việt Nam đang chuyển đổi mô hình môi giới truyền thống qua mô hình quản lý tài sản cho khách hàng, điều này tương lai có thể gây ra một cuộc cải tổ diện rộng trong hệ thống các CTCK.

  • Wealth Management

Wealth management hiểu nôm na là các dịch vụ quản lý tài sản cho người giàu, khách VIP của các định chế tài chính như: ngân hàng (NH), công ty chứng khoán hay công ty quản lý quỹ (CTQLQ).

Trong khi trọng tâm của Asset Management chú trọng hơn vào tối đa hóa giá trị đầu tư cho khách hàng, thì trọng tâm của Wealth Management là toàn diện hơn. Nói cách khác, họ tìm cách định vị tình hình tài chính chung của khách hàng, sau đó cung cấp các giải pháp để tối đa hóa và bảo vệ sự giàu có cho khách hàng trong thời gian dài. Một cách đơn giản để phân biệt hai loại hình trên là Asset Management chỉ là tập con của Wealth Management.

Ví dụ, một khách hàng của dịch vụ Wealth Management có thể tìm lời khuyên về loại bảo hiểm nào có thể là tốt nhất cho họ hoặc làm thế nào để thiết lập một quỹ đại học cho con cái họ.

  • Wealth Manager làm gì?

Một người quản lý tài sản (Wealth Manager) kết hợp các lĩnh vực quản lý tài sản (Asset Management) và lập kế hoạch tài chính (Financial Planning). Họ có trình độ hoặc tìm các chuyên gia có trình độ, để cung cấp cho khách hàng các dịch vụ bao gồm, đầu tư tài chính, lập kế hoạch thuế, lập kế hoạch bất động sản và kế hoạch hưu trí…

Ở phạm vi rộng, hầu hết các tổ chức quản lý tài sản bao gồm nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, bên ngoài lĩnh vực đầu tư truyền thống. Luật sư có thể cần thiết để xây dựng một kế hoạch chiến lược về bất động sản hiệu quả trong khi kế toán sẽ có lợi trong việc tư vấn về các vấn đề liên quan đến thuế.

Các nhà quản lý tài sản (Wealth Manager) thường đăng ký dưới dạng Cố vấn Đầu tư và được trả phí thông qua một khoản phí cố định, một khoản phí dựa trên tỷ lệ phần trăm của AUM hoặc kết hợp.

Kết luận, Việt Nam vẫn là một thị trường đang phát triển nhanh và hướng tới đa dạng hóa các sản phẩm tài chính như các nước đã phát triển. Hiện nay, các CTCK đã bắt đầu chuyển dịch dần từ hoạt động môi giới truyền thống qua quản lý tài sản cho khách hàng (asset management), tiến tới là tích hợp đẩy đủ các sản phẩm dịch vụ để có thể cung cấp luôn cả wealth management.

Nếu mà để hỏi các dịch vụ trên được cung cấp ở lĩnh vực nào thì ở Việt Nam các doanh nghiệp như Công ty Quản lý Quỹ, Ngân hàng, CTCK, Bảo hiểm đã và bắt đầu triển khai đầy đủ hơn các dịch vụ trên.

Nguồn: Lão Trịnh

Tags: ,