Tìm hiểu về báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Trong phân tích đầu tư, và đặc biệt là trong quá trình lựa chọn một công ty tốt để đầu tư các bạn thường nghe câu “tiền mặt là vua”. Điều đó cho thấy tính chất quan trọng của báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty, điều mà ít người có thể hiểu được. Đa số NĐT thường chỉ tập trung vào bảng CĐKT và báo cáo KQKD, và cuối cùng là lướt qua báo cáo LCTT để kiểm tra dòng tiền trong kỳ âm hay dương.

Về nguyên tắc thì cách làm trên không sai, tuy nhiên với tính chất quan trọng của báo cáo LCTT thì không nên chỉ đơn giản như vậy và trong nội dung bài viết này mình đề cập một vài vấn đề liên quan đến BC LCTT, hi vọng điều này giúp ích được các bạn trong quá trình đọc hiểu BCTC.

Cấu trúc báo cáo LCTT

  • Dòng tiền từ HĐKD
  • Dòng tiền từ HĐĐT
  • Dòng tiền từ HĐTC

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể được trình bày theo hai cách là trực tiếp hoặc gián tiếp, nhìn chung hai cách trình bày đó chỉ khác nhau ở “Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh”, còn lại thì gần như giống nhau. Do đó, phần tiếp theo sẽ đi chi tiết hơn về sự khác biệt của dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Sự khác nhau giữa cách trình bày theo PP trực tiếp và gián tiếp

Dòng tiền trực tiếp liệt kê dòng tiền vào và dòng tiền ra theo nguồn hình thành và mục đích sử dụng, trong khi đó dòng tiền gián tiếp thì tính dòng tiền hoạt động kinh doanh từ lợi nhuận sau thuế, điều chỉnh các khoản mục phi tiền mặt và thay đổi ròng về vốn lưu động. Tóm lại, dòng tiền trực tiếp cho biết lợi nhuận được tạo ra từ đâu, còn dòng tiền gián tiếp cho biết sự khác biệt giữa dòng tiền thực từ HĐKD và lợi nhuận trên bảng KQKD do đâu.

Dòng tiền trực tiếp cho biết thông tin về các nguồn gốc cụ thể của các dòng tiền, trong khi đó dòng tiền gián tiếp cho biết nguyên nhân của sự khác nhau giữa thu nhập ròng và dòng tiền hoạt động

Trình bày chi tiết BC LCTT và những lưu ý

Dòng tiền từ HĐKD

Trình bày theo phương pháp trực tiếp: báo cáo các dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh được liệt kê theo từng khoản thu và chi trả

– Cách trình bày:

(a) Thu tiền bán hàng = Doanh thu – Tăng các khoản phải thu
(b) Trả tiền cho người cung cấp = Giá vốn hàng bán (COGS) + Tăng hàng tồn kho – Tăng các khoản phải trả
(c) Chi phí hoạt động bằng tiền mặt = Chi phí hoạt động – Tăng các khoản nợ hoạt động
(d) Chi phí trả lãi bằng tiền mặt = Chi phí trả lãi – Tăng nợ lãi dồn lại
(e) Chi phí nộp thuế bằng tiền mặt = Thuế – Tăng thuế phải nộp

– Nguyên lý:

Dòng tiền vào:

  • Tiền thu bán hàng
  • Tiền thu từ các khoản nợ phải thu
  • Tiền thu từ các khoản thu khác

Dòng tiền ra:

  • Tiền đã trả cho người bán
  • Tiền đã trả cho công nhân viên
  • Tiền đã nộp thuế và các khoản kác cho Nhà nước
  • Tiền đã trả cho các khoản nợ phải trả khác
  • Tiền đã trả cho các khoản khác

Chênh lệch giữa dòng tiên vào và dòng tiền ra được gọi là lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trình bày theo phương pháp gián tiếp:

Điều chỉnh thu nhập ròng bằng việc giảm thiểu các khoản mục phi tiền tệ để tính toán dòng tiền vào (ra) ròng từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Cần chú ý giữa thu nhập và dòng tiền có sự khác nhau, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh được ghi nhận tích luỹ, cả doanh thu và chi phí đều được ghi nhận khi có nghiệp vụ phát sinh, không quan tâm đến thời điểm phát sinh dòng tiền.

Lợi nhuận ròng
(-) Lãi/ (+) Lỗ từ hoạt động đầu tư hoặc tài chính
(+) Các chi phí phi tiền mặt (ví dụ: khấu hao, thuế trả sau)
(+) Tăng các khoản nợ ngắn hạn/ (-) tăng các tài sản lưu động phi tiền mặt

Hiện nay, các doanh nghiệp hầu hết đều sử dụng phương pháp gián tiếp. Tuy nhiên cần ghi nhớ rằng, hai phương pháp trên là những cách chuyển đổi đơn giản cho kết quả giống nhau.

Dòng tiền từ hoạt động đầu tư

Là các dòng tiền vào ra liên quan đến việc mua và thanh lí các tài sản sản xuất kinh doanh do công ty sử dụng hoặc đầu tư vào các chứng khoán của công ty khác.

Dòng tiền ra phản ánh các khoản đầu tư tiền mặt toàn bộ để có được các tài sản này. dòng tiền vào chỉ được ghi nhận khi nhận được tiền từ việc thanh lí các tài sản đầu tư trước. Các dòng tiền từ hoạt động đầu tư gồm:

Dòng tiền vào:

  • các khoản đầu tư vào đơn vị khác
  • lãi các khoản đầu tư vào đơn vị khác
  • bán tài sản cố định

Dòng tiền ra:

  • đầu tư vào các đơn vị khác
  • mua tài sản cố định

Chênh lệch giữa dòng tiền ra và vào gọi là lưu chuyển thuần từ hoạt động đầu tư.

Dòng tiền từ hoạt động tài chính

Bao gồm dòng tiền ra và vào liên quan đến các nghiệp vụ tiền tệ với các chủ thể ngoài doanh nghiệp (từ các chủ sở hữu và chủ nợ) tài trợ cho doanh nghiệp và các hoạt động của doanh nghiệp. Dòng tiền vào ghi nhận các hoạt động tài chính nhận tiền từ chủ sở hữu vốn và chủ nợ. Dòng tiền ra ngược lại. Các hoạt động đó gồm:

Dòng tiền vào:

  • do đi vay
  • do các chủ sở hữu góp vốn
  • từ lãi tiền gửi

Dòng tiền ra:

  • tiền đã trả nợ vay
  • tiền đã hoàn vốn cho các chủ sở hữu
  • tiền lãi đã trả cho các nhà đầu tư vao doanh nghiệp

Số chênh lệch dòng tiền ra và vào gọi là: lưu chuyển thuần từ hoạt động tài chính.

Các bước đánh giá báo cáo LCTT

  • Đánh giá hoạt động chính tạo ra dòng tiền và sử dụng dòng tiền.
  • Đánh giá yếu tố xác định dòng tiền hoạt động kinh doanh
  • Đánh giá yếu tố xác định dòng tiền hoạt động đâu tư
  • Đánh giá yếu tố xác định dòng tiền hoạt động tài chính

Dòng tiền tự do

Tiền mặt tạo ra từ hoạt động kinh doanh trong kỳ vượt mức cần thiết để duy trì năng lực sản xuất hiện tại của công ty.

Dòng tiền tự do đối với công ty (FCFF) = Dòng tiền hoạt động ròng – Đầu tư vốn cố đinh trong kỳ – Thay đổi vốn lưu động trong kỳ

Dòng tiền tự do đối với chủ sở hữu (FCFE) = Dòng tiền hoạt động ròng – Đầu tư vốn cố định trong kỳ – Thay đổi vốn lưu động trong kỳ + Vay nợ ròng

Nguồn: Lão Trịnh

Tags: