Hiểu về trạng thái ngoại tệ của Tổ chức tín dụng

Trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng là thuật ngữ chuyên môn khó hiểu với đại đa số mọi người, nhưng lại có nhiều ý nghĩa trong phân tích và dự báo tình hình quản trị ngoại tệ. Do đó, bài viết này sẽ làm rõ hơn về quy định về trạng thái ngoại tệ của NHNN.

Định nghĩa

Trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng (TCTD) là chênh lệch giữa tổng Tài sản Có và tổng Tài sản Nợ bằng ngoại tệ, bao gồm cả các cam kết ngoại bảng tương ứng nguyên tệ của ngoại tệ đó được quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá quy đổi trạng thái.

Trong các giao dịch liên quan đến ngoại tệ, có những giao dịch chỉ làm phát sinh sự chuyển giao quyền sử dụng (như quan hệ tín dụng) và có những giao dịch không chỉ làm phát sinh chuyển giao quyền sử dụng mà còn làm phát sinh sự chuyển giao quyền sở hữu (như quan hệ mua bán). Trong số các giao dịch đó, thì chỉ những giao dịch nào mà làm phát sinh sự chuyển giao quyền sở hữu về ngoại tệ mới làm phát sinh trạng thái ngoại tệ.

Các giao dịch làm tăng quyền sở hữu về một ngoại tệ làm phát sinh trạng thái dương của ngoại tệ đó. Các giao dịch làm giảm quyền sở hữu về một ngoại tệ làm phát sinh trạng thái âm của ngoại tệ đó.

Các giao dịch làm phát sinh chuyển giao quyền sở hữu về ngoại tệ

– Mua hay bán ngoại tệ giao ngay.

– Mua hay bán ngoại tệ có kỳ hạn như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn…

– Thu lãi cho vay, trả lãi tiền gửi bằng ngoại tệ.

– Các khoản thu phí dịch vụ và các khoản trả phí dịch vụ bằng ngoại tệ.

– Các rủi ro mất mát, hư hỏng, bồi thường thiệt hại bằng ngoại tệ…

Nguyên tắc tính trạng thái ngoại tệ

– Trạng thái ngoại tệ của TCTD được xác định vào thời điểm cuối ngày làm việc.

– Cộng các trạng thái ngoại tệ dương với nhau để tính tổng trạng thái ngoại tệ dương. Cộng các trạng thái ngoại tệ âm với nhau để tính tổng trạng thái ngoại tệ âm.

– Thời điểm phát sinh trạng thái ngoại tệ là ngay tại thời điểm chuyển giao quyền sở hữu về ngoại tệ, tức tại thời điểm ký kết hợp đồng chứ không phải tại thời điểm thanh toán.

Giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ

– Giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ được tính bằng tỷ lệ giữa tổng trạng thái ngoại tệ dương hoặc tổng trạng thái ngoại tệ âm chia cho vốn tự có của TCTD.

– Vốn tự có để tính giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ của TCTD là vốn tự có của tháng liền kề trước kỳ báo cáo của TCTD.

– Tổng trạng thái ngoại tệ dương hoặc âm cuối ngày của các TCTD không được vượt quá 20% vốn tự có của TCTD.

– Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có vốn tự có từ 25 (hai mươi lăm) triệu đô la Mỹ trở xuống được phép áp dụng mức giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ như sau:

+ Tổng trạng thái ngoại tệ dương cuối ngày quy ra đô la Mỹ không được vượt quá 5 (năm) triệu đô la Mỹ.

+ Tổng trạng thái ngoại tệ âm cuối ngày quy ra đô la Mỹ không được vượt quá 5 (năm) triệu đô la Mỹ.

Phân biệt trạng thái ngoại tệ với trạng thái luồng tiền

– Hoạt động đi vay và cho vay làm phát sinh luồng tiền dương và âm của một đồng tiền tại các thời điểm khác nhau; trong khi đó, giao dịch mua bán tiền tệ làm phát sinh luồng tiền dương và luồng tiền âm của hai đồng tiền tại cùng một thời điểm.

– Trong hoạt động đi vay và cho vay bằng ngoại tệ, đối với khoản tiền gốc chỉ có sự chuyển giao quyền sử dụng, nên không tạo ra trạng thái ngoại tệ; còn đối với khoản tiền lãi là sự chuyển giao quyền sở hữu, nên làm phát sinh trạng thái ngoại tệ. Tuy nhiên, do khoản lãi phát sinh thường là rất nhỏ so với khoản tiền gốc, nên trong thực tế, theo cách hiểu phổ thông, người ta thường không đề cập đến trạng thái ngoại tệ trong các hoạt động đi vay và cho vay bằng ngoại tệ. Trong khi đó, các hoạt động mua bán ngoại tệ (giao ngay và kỳ hạn) tạo ra trạng thái ngoại tệ đúng bằng giá trị mua bán bởi vì các hoạt động này làm phát sinh sự chuyển giao quyền sở hữu về ngoại tệ.

– Các giao dịch mua bán ngoại tệ làm phát sinh đồng thời cả trạng thái ngoại tệ và trạng thái luồng tiền. Trạng thái luồng tiền có thể làm cân bằng thông qua các giao dịch đi vay và cho vay hay thông qua mua bán; tuy nhiên, trạng thái ngoại tệ chỉ có thể làm cân bằng thông qua các giao dịch mua bán ngoại tệ.

Trạng thái ngoại tệ và rủi ro tỷ giá

Nếu một ngân hàng thương mại (NHTM) huy động vốn bằng ngoại tệ; sau đó, dùng toàn bộ vốn huy động được để cho vay cũng bằng ngoại tệ (tức không có sự chuyển đổi mua bán nào), thì cho dù tỷ giá biến động thế nào, NHTM cũng không chịu rủi ro tỷ giá, bởi vì trạng thái ngoại tệ không được tạo ra. Vậy, câu hỏi được đặt ra là: Khi nào thì một NHTM chịu rủi ro tỷ giá? Câu trả lời đương nhiên là: Khi NHTM duy trì trạng thái ngoại tệ mở khác 0, tức duy trì trạng thái TSC và TSN nội và ngoại bảng không cân xứng với nhau, khi đó, rủi ro phát sinh theo hướng biến động của tỷ giá như sau:

– Nếu NHTM duy trì trạng thái ngoại tệ dương, tức TSCF > TSNF (bao gồm cả nội và ngoại bảng): Thì khi tỷ giá tăng (tức ngoại tệ F lên giá, còn nội tệ giảm giá) làm phát sinh lãi ngoại hối; ngược lại, khi tỷ giá giảm (tức ngoại tệ F giảm giá, còn nội tệ lên giá) làm phát sinh lỗ ngoại hối.

– Nếu NHTM duy trì trạng thái ngoại tệ âm, tức TSCF < TSNF (bao gồm cả nội và ngoại bảng): Thì khi tỷ giá tăng (tức ngoại tệ F lên giá, còn nội tệ giảm giá) làm phát sinh lỗ ngoại hối; ngược lại, khi tỷ giá giảm (tức ngoại tệ F giảm giá, còn nội tệ lên giá) làm phát sinh lãi ngoại hối.

  – Nếu NHTM duy trì trạng thái ngoại tệ cân bằng (square position), tức TSCF = TSNF (bao gồm cả nội và ngoại bảng): Thì khi tỷ giá tăng hay giảm cũng không làm phát sinh lãi hay lỗ ngoại hối đối với NHTM.

Nguồn: Lão Trịnh

Tham khảo Thông tư 07/2012/TT-NHNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tags: