Chào mua công khai là việc tổ chức, cá nhân công khai thực hiện việc mua một phần hoặc toàn bộ số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ của một quỹ đóng nhằm mục đích nắm quyền kiểm soát trong công ty đại chúng, quỹ đóng theo các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo công bằng cho các cổ đông của công ty mục tiêu.
Tuy nhiên việc chào mua không phải lúc nào cũng nhận được sự thiện chí từ công ty mục tiêu và khi đó trở thành hành vi thâu tóm thù địch (Hostile takeover). Theo quy định của pháp luật chứng khoán, các công ty mục tiêu là đối tượng của hành vi chào mua công khai nếu không muốn bị thâu tóm vẫn có cách thức để chống lại hành vi chào mua thù địch thông qua các hình thức sau:
- Tăng hoặc giảm số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết thông qua tách, gộp cổ phiếu hoặc chuyển đổi cổ phần ưu đãi, trái phiếu chuyển đổi (Công cụ trái phiếu chuyển đổi có thể phát huy tác dụng pha loãng cổ phần ở thời điểm chuyển đổi, giảm nguy cơ bị thâu tóm. Quan trọng là công ty cần phải cân đối tỷ lệ, thời gian chuyển đổi và chọn được đối tác tin tưởng).
- Phát hành chứng khoán bổ sung để tăng vốn điều lệ (Nhằm mục đích pha loãng cổ phiếu để tránh bị thâu tóm, công ty có thể sử dụng một phần cổ phiếu phát hành thêm để phát hành cho cổ đông hiện hữu, một phần phát hành cho đối tác chiến lược hoặc phát hành riêng lẻ. Mục đích của phương án này là làm tăng chi phí với bên có ý định thâu tóm. Năng lực tài chính và tỷ lệ giải ngân là có hạn, khi chi phí bị đẩy nên cao, bên thâu tóm có thể sẽ xem xét lại hành động của mình và ngừng ý định thâu tóm. Để sử dụng được phương pháp này, diễn biến giao dịch cổ phiếu của công ty trên TTCK cần được theo dõi sát, cần để ý tới nhóm cổ đông có sở hữu từ 2-4.9%, sớm phát hiện ra hành vi thâu tóm và lên kế hoạch đề phòng. Nếu phát hiện muộn, bên thâu tóm hoặc nhóm “chân rết” của bên thâu tóm nắm cổ phần sẽ tạo mâu thuẫn giữa ban điều hành và cổ đông khác, bỏ phiếu không thông qua phương án phát hành hoặc triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường yêu cầu thay thế thành viên HĐQT)
- Bán toàn bộ hoặc một phần tài sản hoặc một bộ phận hoạt động của công ty.
- Giảm vốn cổ phần bằng các mua cổ phiếu quỹ – vừa tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông hiện hữu và hơn nữa là dùng nguồn lực của chính công ty đấu với tổ chức muốn thâu tóm, tuy nhiên cần thực hiện trước khi có thông tin chào mua công khai (Do Thông tư 18/2007/TT-BTC không cho phép công ty đại chúng mua cổ phiếu quỹ trong trường hợp cổ phiếu công ty là đối tượng chào mua công khai nên phương án mua cổ phiếu quỹ không khả thi. Công ty có thể bàn bạc với cá nhân hoặc pháp nhân có thể tin tưởng để chuyển giao cổ phiếu cá nhân hoặc chào mua công khai trên sàn giao dịch. Tuy nhiên, chi phí phải trả sẽ cao hơn so với bên đang thực hiện chào mua, và chỉ có như vậy thì mới có thể “tranh” mua được với bên đang thực hiện chào mua.)
- Ngoài hai biện pháp kể trên, các công ty mục tiêu của thâu tóm thù nghịch có thể sử dụng các biện pháp khác như: phê phán chỉ trích kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, các điểm yếu trong công tác quản trị của bên thâu tóm; chỉ trích các xác định giá chào mua của bên thâu tóm là dưới giá trị thực của công ty; lôi kéo CBCNV cốt cán phản đối kế hoạch mua thâu tóm; phát hành cổ phiếu ưu đãi biểu quyết, …
Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, ngày 20/7/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán quy định: tổ chức, cá nhân chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng hoặc chứng chỉ quỹ đóng phải gửi tài liệu đăng ký chào mua đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tài liệu đăng ký chào mua phải được đồng thời gửi cho công ty mục tiêu, công ty quản lý quỹ (bên được chào mua). Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được tài liệu đăng ký chào mua, bên được chào mua có nghĩa vụ công bố thông tin về việc nhận được đề nghị chào mua trên phương tiện công bố thông tin của công ty và sở giao dịch chứng khoán.
Như vậy, theo quy định này, kể từ khi hội đồng quản trị tổ chức chào mua chứng khoán ra quyết định và gửi hồ sơ chào mua cho đến khi thông tin này được công bố lần đầu ra công chúng kéo dài ít nhất tới 3 ngày.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là quyết định một phía bên chào mua, còn phải chờ quyết định của “hai phía” nữa. Cụ thể: trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được tài liệu đăng ký chào mua, hội đồng quản trị bên được chào mua phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thông tin cho cổ đông hoặc nhà đầu tư biết ý kiến đồng ý hay không về đề nghị chào mua công khai.
Và cuối cùng, “bên thứ ba” được quy định: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tài liệu đăng ký chào mua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải có ý kiến trả lời bằng văn bản. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, rõ ràng, tổ chức hoặc cá nhân đăng ký chào mua phải bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Một sự chậm trễ và rắc rối về thời gian nữa là quy định: việc chào mua công khai chỉ được thực hiện sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản chấp thuận đăng ký chào mua và trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bên chào mua phải công bố công khai việc chào mua trên một trang báo điện tử hoặc một tờ báo viết trong ba số liên tiếp. Như vậy, việc chào mua công khai được phép thực hiện trong vòng 7 ngày mới phải công bố thông tin ra công chúng.
Từ quy định ở trên có thể thấy, việc làm giá chứng khoán do công bố thông tin chào mua rất dễ dàng xảy ra giữa thời điểm bắt đầu gửi tài liệu đăng ký chào mua đến thời điểm chào mua công khai chính thức, thời gian kéo dài ít nhất tới 18 ngày
Theo: vfin.vn