I. TỔNG QUAN CÁC HỆ THỐNG DẪN KHÍ VIỆT NAM
Hệ thống đường ống dẫn khí của Việt Nam (không bao gồm đường ống dẫn khí nội mỏ thuộc các công trình khai thác khí – thượng nguồn) gồm các công trình như sau:
1. Các công trình đang vận hành
– Hệ thống đường ống dẫn khí Bạch Hổ (Sư Tử Vàng – Rạng Đông – Bạch Hổ – Dinh Cố – Phú Mỹ) với tổng chiều dài 242 km (trong đó trên biển 197 km, trên bờ 45 km), công suất thiết kế 2.2 tỷ m3/năm cho đường ống Bạch Hổ-Dinh Cố-Phú Mỹ, cùng các hạng mục khác (Trạm nén tăng áp Dinh Cố, Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, đường ống vận chuyển LPG, condensate từ Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, đường ống vận chuyển LPG, condensate từnhà máy xử lý khí Dinh Cố đến Thị Vải, đường ống dẫn khí Dinh Cố – Bà Rịa – Phú Mỹ, Trạm phân phối khí Bà Rịa, Trạm phân phối khí Phú Mỹ, các trạm van ngắt tuyết), vận hành từ 1995.
– Hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 1 (Nam Côn Sơn – Long Hải- Dinh Cố- Phú Mỹ) với tổng chiều dài 400 km (trong đó đường ống từ mỏ Lan Tây – Dinh Cố dài 370km, đường ống Dinh Cố – Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ 32 km), công suất thiết kế 7 tỷ m3/năm, vận hành từ năm 2002.
– Hệ thống đường ống dẫn khí thấp áp Phú Mỹ – Mỹ Xuân – Gò Dầu với chiều dài 7 km, công suất thiết kế 1 tỷ m3/năm, vận hành từ năm 2003.
– Hệ thống đường ống dẫn khí Phú Mỹ – thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 1: Phú Mỹ – Nhơn Trạch – Hiệp Phước) với chiều dài 40 km, công suất thiết kế 2 tỷ m3/năm, vận hành từ 2008.
– Hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 – Giai đoạn 1 (từ giàn Thiên Ưng kết nối vào đường ống nội mỏ Bạch Hổ) với chiều dài đường ống trên biển 151 km, công suất thiết kế 7 tỷ m3/năm, vận hành từ năm 2015.
– Hệ thống đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau với chiều dài 325 km (trong đó trên biển 298 km, trên bờ 27 km), công suất thiết kế 2 tỷ m3/năm, cùng các hạng mục khác (Trạm tiếp bờ tại Mũi Tràm – Cà Mau, Trạm phân phối khí Cà Mau), vận hành từ 2007.
2. Các công trình đang và chuẩn bị xây dựng
– Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2- Giai đoạn 2 với chiều dài khoảng 117 km, công suất thiết kế khoảng 7 tỷ m3/năm, cùng nhà máy xử lý khí GPP2, dự kiến bắt đầu từ quý 4/2019 và hoàn thành trong quý 3/2020;
– Đường ống dẫn khí từ Kinh Ngư Trắng với chiều dài khoảng 45 km ống từ giàn Kinh Ngư Trắng đến giàn xử lý trung tâm mỏ Bạch Hổ (BH CPP) để xử lý dầu và khí. Dự án dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai phần đường ống trong quý 2/2020 và hoàn thành trong năm.
– Đường ống dẫn khí từ Mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt kết nối vào đường ống dẫn khí NCS2 với chiều dài khoảng 46 km. trong đó 23 km ống 26 inch và 23 km ống 18 inch. Dự án dự kiến được mở thầu EPC vào đầu quý 1/2020 và hoàn thành trong năm.
– Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn (Lô B-Kiên Giang/Cà Mau- Cần Thơ) với tổng chiều dài 431 km (trong đó trên biển: đường ống chính 292 km, đường ống nhánh 37 km, trên bờ 102 km), công suất thiết kế 7 tỷ m3/năm, dự kiến đi vào vận hành năm 2021-2022. Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh quy mô dự án Điện khí Ô Môn II, với thời gian vận hành dự kiến là 2022-2023, do đó các khâu trong quá trình vận hành đường ống mỏ sẽ được bắt đầu trong thời gian từ 2021-2022 là phù hợp với thiết kế tổng thể. Ngoài ra, vấn đề chính của sự chậm trễ dự án là đến từ khâu sắp xếp vốn, và điều nãy sẽ dễ dàng giải quyết hơn là các mỏ khí xa bờ ở phí Đông, vẫn thường bị Trung Quốc quấy phá.
– Đường ống dẫn khí mỏ Cá Voi Xanh với chiều dài khoảng 100 km, công suất thiết kế khoảng 7 tỷ m3/năm, cùng nhà máy xử lý khí, dự kiến đi vào vận hành trong giai đoạn 2023-2024.
– Các đường ống thu gom khí khu vực Đông Nam, Tây Nam và miền Trung,…
Nguồn: DAS