FOMO (Fear Of Missing Out) là nỗi sợ hãi mình bỏ lỡ những điều thú vị, hay ho trong cuộc sống mà người khác đang được trải nghiệm. Một nghiên cứu mô tả hiệu ứng FOMO là cảm giác lo lắng rằng mọi người xung quanh có thể có đang có những trải nghiệm hạnh phúc, vui vẻ và thú vị hơn bạn. Tâm lý lo lắng này khiến bạn luôn muốn cập nhập về hoạt động của bạn bè hoặc người khác để xem họ đang làm gì.
Thuật ngữ FOMO dần trở nên phổ biến khi các phương tiện truyền thông phát triển. Thực tế, các nghiên cứu cho thấy có tới 51% thanh thiếu niên thực sự cảm thấy lo lắng khi họ không được biết về hoạt động hay trải nghiệm bạn bè mình đang có.
Những người gặp phải hiệu ứng này thường hoạt động nhiều trên phương tiện truyền thông để có thể liên tục nắm bắt những trải nghiệm hay hoạt động của mọi người.
Năm 1996, hiệu ứng FOMO lần đầu tiên được xác định bởi Tiến sĩ Dan Herman (Israel), một chuyên gia marketing và tác giả của tờ The Journal of Brand Management. Ông đã làm một số nghiên cứu và rút ra kết luận rằng hiệu ứng FOMO có thể là một trong những lý do khiến khách hàng không còn trung thành với một thương hiệu nào đó. Vì hiệu ứng FOMO, khách hàng sẽ liên tục mua sản phẩm mới từ những thương hiệu mới để không bỏ lỡ những xu hướng thú vị.
Ảnh hưởng của hiệu ứng FOMO
Hiệu ứng FOMO tuy khá mơ hồ nhưng có thể gây ra những ảnh hưởng rất dễ quan sát. Nếu chú ý, bạn có thể thấy những ảnh hưởng này xảy ra mọi ngày ở mọi nơi.
1. Bạn luôn dán mắt vào điện thoại
Ngay cả khi đang lái xe, nấu ăn, làm việc thì bạn vẫn không muốn bỏ lỡ bất kỳ cập nhập nào của mọi người trên mạng xã hội. Vậy nên, bạn luôn dán mắt vào màn hình điện thoại để chờ đợi bài đăng, một trạng thái hay một thông báo mới từ mạng xã hội.
Mặc dù việc lên mạng xã hội để giải trí cuối ngày hoặc để giết thời gian rảnh là bình thường nhưng kiểm tra mạng xã hội mọi lúc mọi nơi là không lành mạnh. Nếu bạn không thể chú tâm vào cuộc sống của chính mình vì quá bận rộn theo dõi cuộc sống của người khác trên mạng thì bạn đang mắc hội hiệu ứng FOMO rồi đấy.
2. Mất tập trung trong công việc
Hiệu ứng FOMO có thể khiến bạn ngừng công việc để trả lời cuộc gọi hoặc email không liên quan hoặc không quá quan trọng. Hơn nữa, bạn cũng liên tục kiểm tra điện thoại và không tập trung làm việc vì sợ mình sẽ bỏ lỡ một cuộc gọi hoặc tin nhắn. Việc này sẽ khiến bạn khó hoàn thành tốt công việc.
Nếu bạn đang ở một nơi an toàn như văn phòng công ty hoặc phòng riêng, bạn nên để điện thoại di động ngoài tầm tay. Cách xa điện thoại sẽ giúp bạn bớt dần thói quen kiểm tra vật dụng này quá thường xuyên.
3. Mua đồ xa xỉ không cần thiết
Bạn có thể mua chiếc điện thoại đời mới nhất vì sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ một sản phẩm có nhiều cải tiến dù điện thoại cũ vẫn dùng tốt. Tuy nhiên, việc chạy theo xu hướng chỉ mang tới lợi ích ngắn hạn và gây ảnh hưởng tới tương lai. Bạn sẽ không còn một khoản để dành cho những khi đau ốm hay khi muốn mua nhà hay đầu tư.
Cảm giác lo lắng muốn mua ngay những sản phẩm thời thượng là một dấu hiệu rõ ràng của hiệu ứng FOMO. Vậy nên khi thấy một sản phẩm đời mới nào, bạn hãy đợi một thời gian để chắc sản phẩm này thực sự hữu dụng và có ích cho mình rồi mới mua nhé.
4. Bỏ lỡ những điều quan trọng
Điện thoại và mạng xã hội có thể chen ngang cuộc họp ở công ty hay buổi hẹn hò lãng mạn. Đây là một ví dụ khi bạn đặt các thứ tự ưu tiên của mình không đúng. Bạn không để tâm tới sự nghiệp hay mối quan hệ của mình mà lại muốn cập nhập những gì mọi người đăng trên mạng xã hội.
5. Có quá nhiều mối quan hệ không quan trọng
Đôi khi bạn chấp nhận yêu cầu kết bạn của mọi người chỉ vì muốn có cơ hội biết thêm người mới và mở rộng mối quan hệ. Thật ra, việc mở rộng quan hệ là điều cần thiết nếu bạn muốn có thêm cơ hội phát triển bản thân. Tuy nhiên, bạn nên tập trung vào những mối quan hệ chất lượng thay vì bỏ công sức vào quá nhiều mối quan hệ không quan trọng.
6. Bạn không hạnh phúc trong mối quan hệ
Bạn có thể thấy những chàng trai hay cô gái khác luôn thú vị, hấp dẫn hay giỏi giang hơn nửa kia của mình và nghĩ rằng mình có rất nhiều lựa chọn tốt hơn hiện tại. Điều này sẽ khiến bạn không vui vẻ trong mối quan hệ của mình và muốn quay lại khoảng thời gian độc thân để thoải mái chọn lựa.
7. Bạn hẹn hò chỉ để giống mọi người
Khi thấy mọi người xung quanh đang hạnh phúc trong mối quan hệ, hiệu ứng FOMO sẽ khiến bạn vội vàng tìm cho mình một mối quan hệ. Quyết định vội vàng này có thể khiến bạn không có lựa chọn đúng đắn nhất.
Mặc dù bước vào một mối quan hệ có thể giúp bạn hài lòng tạm thời nhưng sẽ không mang lại hạnh phúc lâu dài. Bạn hãy chờ đợi một người thực sự khiến bạn hạnh phúc để tình cảm có thể xây dựng mối quan hệ bền vững.
Cách giảm ảnh hưởng của hiệu ứng FOMO
Tình trạng lo lắng về cuộc sống của mọi người có thể kìm hãm bạn trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp. Bạn hãy tìm cách giảm sự lo lắng của mình và tránh các tác hại của mạng xã hội bằng một số cách sau.
1. Thừa nhận hiệu ứng FOMO
Khi thừa nhận mình lo lắng về việc bỏ lỡ những thứ vui vẻ đang xảy ra trên mạng có nghĩa là bạn đã thừa nhận sự bất an của mình và sẵn sàng bắt đầu đối mặt với vấn đề.
Ảnh hưởng từ xã hội là rất lớn sẽ không dễ mất đi. Nhưng nếu bạn có thể nhận ra rằng những ảnh hưởng này, bạn sẽ có thể lướt qua dễ dàng. Vậy nên, bạn hãy thành thật với bản thân hơn nhé.
2. Tránh phương tiện truyền thông
Tuy rất khó khăn nhưng bạn cần ngắt kết nối với mạng xã hội để tránh những tác động tiêu cực của hiệu ứng FOMO. Thật ra, bạn càng dành ít thời gian cho phương tiện truyền thông, bạn sẽ càng cảm thấy mình ít cần những phương tiện này. Tuy thời gian ban đầu, bạn sẽ cảm thấy bứt rứt và hoảng sợ khi không được cập nhập tin tức về mọi người thường xuyên nhưng cảm giác này sẽ qua đi rất nhanh.
3. Tìm thấy niềm vui ngay cả khi “lạc hậu”
Bạn có thể bỏ qua những thông tin về cuộc đi chơi, ăn uống hay du lịch mà vẫn vui vẻ chứ không hề lạc hậu hay quê mùa. Thật ra, bạn sẽ càng hạnh phúc hơn nếu làm những gì mình thích thay vì mải theo dõi cuộc sống của người khác.
Bạn cũng không cần cảm thấy tội lỗi về việc tắt điện thoại và tận hưởng thời gian riêng của mình. Sau một thời gian, điều này sẽ cho bạn sự an toàn và tự tin ai cũng ao ước đấy.
4. Tận hưởng giây phút hiện tại
Việc chú tâm hơn đến những gì bạn đang làm giúp bạn trân trọng khoảnh khắc hiện tại thay vì ước ao mình được trải nghiệm một điều gì khác. Vậy nên, bạn hãy dành hết sự tập trung vào những việc mình đang làm như nói chuyện với người bên cạnh, lái xe hay nấu ăn. Khi bạn tập trung vào giây phút hiện tại, bạn sẽ không cần lo sợ về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của người khác.
5. Tập tính biết ơn mọi thứ
Thay vì suy nghĩ về những thứ mình muốn có, bạn hãy tập biết ơn những gì mình đang có. Khi này, bạn sẽ tránh được tâm lý tiêu cực hiệu ứng FOMO mang lại và trở nên hạnh phúc cũng như hài lòng hơn với cuộc sống của mình. Mỗi ngày, bạn hãy viết ra những gì mình thấy biết ơn trong ngày nhé.
6. Đặt ra thứ tự ưu tiên
Bạn hãy nhớ rằng mỗi người đều có những ưu tiên khác nhau trong cuộc sống. Vậy bạn đặt thứ gì trong danh sách ưu tiên của mình? Khi bạn không có ưu tiên, bạn sẽ dễ tập trung vào những việc không quan trọng mà bỏ qua nhiều cơ hội lớn.
Khi biết chuyện gì quan trọng với mình, bạn sẽ không còn quan tâm tới cuộc sống của người khác nữa. Từ đó, bạn sẽ làm được nhiều việc quan trọng hơn và chạm đến thành công sớm hơn.
7. Trải nghiệm những điều ý nghĩa
Bạn hãy tập trung vào việc tự mình trải nghiệm những điều ý nghĩa và nâng tầm bản thân thay vì ngồi sau màn hình theo dõi trải nghiệm của người khác. Những trải nghiệm và kí ức đẹp là thứ bạn nhớ suốt đời chứ không phải những bức ảnh về buổi tiệc tùng vui vẻ và chuyến du lịch thú vị của ai đó.
Khi đã biết hiệu ứng FOMO là gì, bạn sẽ dễ dàng vượt qua tâm lý muốn theo dõi và cập nhập những điều thú vị đang diễn ra trong cuộc sống người khác. Từ đó, bạn sẽ có những trải nghiệm vui vẻ và khó quên cho chính bản thân mình.
Nguồn: Như Vũ