Cung tiền là gì? Mối quan hệ giữa cung tiền với lãi suất và lạm phát

Năm 2022 là một năm nhiều biến động trong chính sách tiền tệ của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã phải rất cẩn trọng trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ, và có đôi lúc phải kiểm soát chặt lượng cung tiền ra nền kinh tế khiến cho thanh khoản hệ thống không được thoải mái như các năm trước. Vậy câu hỏi đặt ra là cung tiền là gì, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát cung tiền như thế nào và mối quan hệ giữa cung tiền với các yếu tố khác như lạm phát, lãi suất…sẽ được trình bày trong bài viết này.

Cung tiền là gì?

Cung tiền (Money Supply) là thước đo lượng tiền tồn tại trong một quốc gia hoặc nền kinh tế. Lượng tiền tồn tại trong nền kinh tế bao gồm tất cả các loại hình tiền tệ được phát hành và các công cụ thanh khoản khác trong nền kinh tế của một quốc gia, được đo lường vào một thời điểm nhất định.

Cung tiền bao gồm cả tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế, tiền gửi ngân hàng, séc và nhiều loại giấy tờ có thể quy đổi ra tiền mặt khác. Cung tiền có thể được kiểm soát bởi Ngân hàng Trung ương (NHTW) dựa vào các công cụ chính sách tiền tê.

NHTW phát hành tiền ra nền kinh tế như thế nào?

NHTW phát hành tiền thông qua các kênh sau:

  • Thông qua nghiệp vụ tín dụng giữa NHTW với các ngân hàng thương mại, cung ứng thêm trong năm theo kế hoạch, theo mục tiêu của chính sách tiền tệ, nhu cầu vay vốn của các tổ chức tín dụng, cho vay tái cấp vốn.
  • Phát hành thị trường mở: mua các giấy tờ có giá của Chính phủ (tín phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá ngắn hạn)
  • Phát hành thông qua ngân sách nhà nước: bù đắp thiếu hụt ngân sách ngắn hạn;
  • Phát hành tiền thông qua kênh ngoại hối: mua ngoại tệ làm dự trữ.

Cung tiền được đo lường như thế nào?

Dựa vào tình thanh khoản, cung tiền được phân loại bao gồm M0, M1, M2, M3, cụ thể như sau:

M0 (Tổn lượng tiền mặt)

Bao gồm toàn bộ tiền mặt và tiền xu được phát hành bởi chính NHTW và được lưu thông trong quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà nó trực thuộc. Một điều cần lưu ý là lượng tiền mặt đươc gửi trong các hệ thống ngân hàng không phải là tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế, vì vậy không được tính vào M0.

Chính vì M0 có thể rất dễ dàng thay đổi chỉ bằng cách gửi tiền hoặc rút tiền mặt khỏi ngân hàng, nó hiếm khi được sử dụng để tính toán cung tiền.

M1 (Tiền tệ thanh toán – Transactions Money)

Bao gồm toàn bộ lượng tiền mặt được lưu thông cộng thêm tiền gửi không kỳ hạn, tài khoản thanh toán, tài khoản vãng lai, séc. Đặc điểm chung của các loại hình trên là chúng hoàn toàn có thể sử dụng dễ dàng để thanh toán, và rất dễ dàng để quy đổi thành tiền mặt.

M1 = C + DD + OD

Trong đó:

+ C đại diện cho tiền tệ, bao gồm cả tiền giấy và tiền xu.

+ DD đại diện cho tiền gửi không kỳ hạn được thực hiện trong các ngân hàng .

+ OD đại diện cho các loại khác tiền gửi được thực hiện bằng RBI, như tiền gửi từ tài trợ của khu vực công, ngân hàng nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế như IMF.

M2 (Tiền tệ mở rộng – Broad money)

Bao gồm M1 cùng với các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng trong các tài khoản tiết kiệm hay tài khoản thị trưởng tiền tệ (Money Market Account), chứng chỉ tiền gửi (CD – Certificate of Deposit) và một số loại hình gần tiền mặt khác. Các loại hình trên có tính thanh khoản cao tuy nhiên không bằng M1, bởi như các tài khoản tiết kiệm, người gửi chỉ có thể rút hoặc nộp tiền vào một số thời điểm nhất định.

M2 = M1 + tiền gửi tiết kiệm gửi tại ngân hàng

M3

M3 là thước đo được một số ngân hàng trung ương sử dụng để đo lượng cung tiền. Trong hầu hết các trường hợp, M3 rất giống với M2. Ví dụ như M3 bao gồm M2 và một số trái phiếu kỳ hạn ngắn, hoặc một số nước sử dụng cả M4 và nhiều hơn thế. Tuy vậy, hiện nay mỗi quốc gia định nghĩa cung tiền M0, M1, M2… của họ theo các cách khác nhau, vì vậy nó khó phản ánh tính thống nhất của việc đo lường cung tiền toàn cầu. Thông thường, hai chỉ số dung để đo lường cung tiền của một quốc gia hay được sử dụng nhất là M1 và M2.

Cung tiền ở Việt Nam được tính toán và xem ở đâu?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) là đơn vị phát hành tiền ra nền kinh tế và thông tin này sẽ được công bố định kỳ trên website của SBV. Tuy nhiên, thay vì thực hiện tính toán cụ thể lượng tiền cung ra nền kinh tế theo M0, M1, M2 thì SBV dùng bài toán ngược đó chính là dựa vào đo lường Tổng phương tiện thanh toán.

Tổng phương tiện thanh toán gồm tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng; các khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của các tổ chức, cá nhân là người cư trú của Việt Nam thuộc khu vực thể chế phi tài chính, khu vực thể chế hộ dân cư, khu vực thể chế không vì lợi nhuận phục vụ hộ dân cư; các loại giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ do các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành cho các tổ chức, cá nhân là người cư trú của Việt Nam.

Công thức tính:

Tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng = Tổng số tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành Tiền mặt tồn quỹ tại Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước và tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Như vậy, về bản chất Tổng phương tiện thanh toán chính là đo lường lượng cung tiền M2 của SBV từng thời kỳ và được công bố trên website: tại đây

Mối quan hệ giữa cung tiền với các yếu tố khác

  • Lãi suất

Về lý thuyết, giả định các yếu tố khác không đổi thì khi lượng cung tiền thay đổi sẽ làm thay đổi lãi suất cân bằng. Theo đó, cung tiền tăng lên thì sẽ làm cho lãi suất giảm và ngược lại.

  • Lạm phát

Milton Friedman, nhà kinh tế học nhận giải thưởng Nobel kinh tế 1976, cho rằng lạm phát chỉ là biểu hiện của tăng lên quá mức của cung tiền. Theo thuyết số lượng tiền tệ thì giữa các tham số cung tiền và giá cả trong nền kinh tế có mối quan hệ và được thể hiện qua công thức:

M * V = P * Y

Trong đó:

M: Số lượng tiền tệ                             V: Số nhân tiền

P: Giá                                                  Y: Sản lượng

Khi triển khai công thức dưới dạng phần trăm, thu được:

% M + % V = % P + % Y

Hay :

% P = % M – % Y – % V

Như vậy, lạm phát (% thay đổi P) phụ thuộc rất lớn vào thay đổi cung tiền (% M). Khi tốc độ tăng cung tiền quá cao mà các yếu tố ngược lại thay đổi không tương ứng như V và Y sẽ gây nên lạm phát cao.

Lạm phát có nguyên nhân từ cung tiền, nhưng cung tiền chỉ lại là hệ quả của sự tương tác giữa tính có chủ đích từ phía chính phủ và nhu cầu tự thân của nền kinh tế. Ngân hàng Trung ương bằng chính sách tiền tệ tiến hành chủ động mở rộng hay thu hẹp cung tiền qua các công cụ: tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất cho vay chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở… Ngược lại, nhu cầu số lượng tiền lưu thông lại chịu tác động khách quan của nền kinh tế bao gồm chi tiêu chính phủ trong chính sách tài khóa, của doanh nghiệp với mở rộng hoạt động kinh doanh và cuối cùng là tác động của dòng vốn nước ngoài chảy vào với sự chuyển đổi từ ngoại tệ sang nội tệ.

Nguồn: Lão Trịnh

 

 

Tags: ,,