Đầu tư cổ phiếu theo chu kỳ ngành và chu kỳ kinh tế như thế nào?

Chiến lược đầu tư theo chu kỳ ngành được hiểu là việc tăng nắm giữ cổ phiếu hoặc danh mục đầu tư vào các ngành được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh trong suốt giai đoạn tăng của chu kỳ và giảm phân bổ tài sản vào các ngành đang trong giai đoạn giảm của chu kỳ. Mục tiêu của chiến lược này là xây dựng một danh mục mà sẽ mang lại lợi nhuận vượt trội hơn thị trường.

Giá chứng khoán phản ánh một yếu tố là thu nhập kỳ vọng tương lai. Ví dụ, giá cổ phiếu hôm nay không chỉ phản ánh những thành tích mà công ty đã đạt được trong quá khứ mà nó tập trung phản ánh kỳ vọng thu nhập của công ty trong tương lai.

1. Chu kỳ kinh tế & các thành phần tham gia

Nên kinh tế vận hành dựa trên mối quan hệ giữa các thành phần tham gia chính như người dân (người tiêu dùng/hộ gia đình), doanh nghiệp và chính phủ. Ba đối tượng chính này có những hành vi, chính sách tác động qua lại lẫn nhau tạo nên sự vận động của chu kỳ kinh tế.

  • Người tiêu dùng/Hộ gia đình

Đây là thành phần quan trọng nhất tham gia vào nền kinh tế, họ là người tạo ra nhu cầu tiêu dùng chính và cung cấp nguồn lực lao động, vốn cho nền kinh tế.

  • Các doanh nghiệp

Doanh nghiệp là người sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng/hộ gia đình. Họ phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả vào cung ứng các sản phẩm và dịch vụ phù hợp cho người dân, mang lại lợi nhuận cao trả lại cho cổ đông.

  • Chính phủ

Chính phủ là thành phần đóng vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế, thực hiện phân bổ nguồn lực vào các lĩnh vực kém phát triển để tạo ra sự công bằng xã hội. Một số chức năng chính bao gồm:

– Giảm sự bất bình đẳng thu nhập giữ người giàu và người nghèo.

– Ổn định nền kinh tế

– Thu thuế và tái phân phối lại cho các lĩnh vực yếu kém hoặc những nghèo để giúp cho xã hội công bằng hơn.

2. Chu kỳ thanh khoản (Liquidity Cycle)

Chu kỳ thanh khoản là một yếu tố rất quan trọng trong lựa chọn ngành để đầu tư vào. Hãy nhớ rằng, nó là việc lựa chọn nơi mà dòng tiền sẽ tập trung vào. Vậy thì làm thế nào để chu kỳ thanh khoản hoạt động giữa nhiều các thành phần tham gia nền kinh tế? Có một vài tiêu chuẩn mà chúng ta có thể sử dụng để hiểu về chu kỳ thanh khoản:

  • Cung tiền:

Cung tiền là một trong những công cụ chính để ngân hàng TW dùng để kiểm soát lạm phát. Nếu lạm phát giảm thì NHTW sẽ tăng cung tiền và ngược lại. Cung tiền và giá trị tiền mà ngân hàng TW in ra phụ thuộc vào lạm phát cầu kéo hay lạm phát cung đẩy.

  • Doanh nghiệp và Hộ gia đình:

Nguồn cung tiền tăng sẽ tự tìm cách để đi vào hệ thống nền kinh tế thông qua các khoản vay của ngân hàng cho doanh nghiệp hoặc cá nhân. Chúng ta giả định rằng lượng tiền này sẽ được đầu tư vào các nguồn lực sản xuất hoặc cho mục đích tiêu dùng. Doanh nghiệp cũng sẽ dùng để trả lương cho người lao động.

  • Tiêu dùng

Tăng cung tiền cũng sẽ giúp cho tăng sức cầu tiêu dùng lên thông qua việc tăng chi tiêu của người dân/doanh nghiệp.

  • Đầu tư

Đầu tư cũng có thể được giữ ở hình thức tiền gửi hoặc đầu tư vào nhiều loại tài sản như Cổ phiếu, Vàng, BĐS, công cụ tiền tệ…

Bong bóng đầu tư là khi mà có một niềm tin chắc chắn nào đó được bán cho đại đa số nhà đầu tư. Lúc đó sẽ làm tăng nhu cầu vào một loại tài sản nhất định, làm cho nó tăng giá rất mạnh. Bong bóng vỡ sẽ dẫn đến một sự vấn đề lớn cho nền kinh tế như thất nghiệp, suy thoái…

  • Lãi suất

Có một cách quan trọng để chiều tiết thanh khoản là đánh phí cho tiền tệ. Điều này có nghĩa là việc vay mượn tiền cần có lãi suất và khi lãi suất thấp thì thúc đẩy nhu cầu tiền và ngược lại.

Chúng ta hãy nhìn lại giai đoạn trước, lãi suất thấp gần zero ở nhiều quốc gia đã khiến cho bong bóng tài sản được tạo ra và khi lãi suất tăng trở lại khiến cho chi phí đi vay tăng cao và bong bóng bắt đầu vỡ ở nhiều quốc gia.

Lãi suất và thị trường chứng khoán có mối quan hệ rất chặt chẽ, khi chi phí tiền giảm thì dòng tiền sẽ chảy vào thị trường chứng khoán khiến giá chứng khoán tăng và ngược lại.

3. Các giai đoạn của Chu kỳ kinh tế

Chu kỳ kinh tế thường kéo dài từ nửa năm đến một năm. Chúng ta có thể có cảm nhận về nơi chúng ta đang đứng thông qua nhận thức về một số chỉ số kinh tế. Chu kỳ kinh tế sẽ trãi qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn suy thoái (Full Recession)

Đây là giai đoạn tồi tệ cho doanh nghiệp và người lao động thất nghiệp. GDP thì giảm theo từng quý, lãi suất cũng giảm, sức cầu tiêu dùng đang ở mức thấp và đường cong lợi suất có hình dạng bình thường (thấp ở kỳ ngắn và cao ở kỳ dài). Chúng ta có thể quan sát được là trong giai đoạn suy thoái hoặc đáy thị trường, người dân có xu hướng lựa chọn gia tăng tiết kiệm và thắt chặt các khoản chi tiêu của mình. Lãi suất ngân hàng giảm dần để thu hút thêm nhu cầu vay mượn, đây là cách mà ngành dịch vụ tài chính dẫn dắt nền kinh tế thoát khỏi suy thoái (CSTT mở rộng). Ngành tiêu dùng không thiết yếu (ví dụ: điện tử, nhà hàng-khách sạn, thời trang…) và công nghệ (ví dụ: IT, Nghiên cứu & Phát triển, Thiết kế…) có xu hướng phục hồi dần và dẫn dắt nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Ngành giao thông vận tải và logistics cũng bắt đầu xuất hiện tín hiệu phục hồi trong giai đoạn này để thúc đẩy thị trường. Khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, nhà đầu tư có thể bắt đầu tận dụng giai đoạn tăng trưởng này để đầu tư vào ngành tiêu dùng không thiết yếu và ngành tài chính. Những ngành đầu tư mang lại lợi nhuận nhất trong giai đoạn này gồm:

  • Ngành tài chính và giao thông vận tải (trong giai đoạn đầu chu kỳ)
  • Ngành công nghệ, ngành tiêu dùng không thiết yếu.
  • Ngành sản xuất công nghiệp (ở gần giai đoạn cuối chu kỳ).

Giai đoạn đầu phục hồi (Early Recession)

Đây là giai đoạn khi mà mọi thứ bắt đầu phục hồi rõ ràng hơn. Giai đoạn này của chu kỳ kinh tế có đặc điểm là tỷ lệ thất nghiệp thấp, mức độ tiêu dùng cao, lãi suất giảm và nhìn chung các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả bằng việc tăng doanh số và lợi nhuận. Cầu tiêu dùng tăng dần, sản xuất công nghiệp tăng trưởng, lãi suất đã ở mức thấp và đường cong lợi suất bắt đầu dốc hơn. GDP tăng, hoạt động tín dụng tăng (ví dụ như tăng mua nhà, mua xe, và các sản phẩm khác). Nhìn chung giai đoạn này là tăng trưởng, cổ phiếu cũng vào giai đoạn tăng trưởng và các hoạt động sản xuất, xây dựng, BĐS …tăng trưởng nhanh. Giai đoạn này nên tránh đầu tư vào các ngành tiện tích và viễn thông vì chúng thường có tính phòng thủ sẽ có lợi nhuận thấp, và nên đầu tư vào các ngành sau để đạt được hiệu quả tốt nhất:

  • Sản xuất công nghiệp (giai đoạn bắt đầu chu kỳ)
  • Vật liệu cơ bản
  • Năng lượng (giai đoạn gần cuối chu kỳ)

Cuối giai đoạn tăng trưởng ( Late Recovery)

Trong giai đoạn này, lãi suất bắt đầu tăng nhanh với đường cong lợi suất dịch chuyển phẳng dần. Nhu cầu tiêu dùng bắt đầu giảm dần và sản xuất công nghiệp bắt đầu đi ngang. Do đó, ở giai đoạn đỉnh chu kỳ thì các ngành công nghiệp hoạt động hết công suất, kéo theo đó nhu cầu năng lượng, tiện ích và viễn thông gia tăng theo. Vì vậy, lý do tại sao mấy ngành như tiện ích và viễn thông lại gia tăng trong giai đoạn này. Giai đoạn này, sẽ có nhiều sự dịch chuyển về lao động vì nhu cầu nhân sự cao, thu nhập và đãi ngộ cũng cao hơn. Sau khi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, nó có dấu hiệu thu hẹp lại, các ngân hàng bắt đầu thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay của mình lại, tỷ lệ thất nghiệp tăng, lợi nhuận doanh nghiệp bắt đầu suy giảm và hàng tồn kho bắt đầu tăng do hoạt động bán hàng yếu đi. Tuy nhiên, trước khi điều này xảy ra thì nhu cầu về hàng hóa dịch vụ vẫn cao, điều này làm cho lạm phát gia tăng. Khi lạm phát tăng thì những ngành bạn nên quan tâm đầu tư là năng lượng và nguyên vật liệu (ví dụ như dầu mỏ và thép). Theo kinh nghiệm lịch sử thì giai đoạn này nên đầu tư vào các ngành sau:

  • Năng lượng (lúc bắt đầu chu kỳ này)
  • Tiêu dùng thiết yếu
  • Công nghệ (gần lúc kết thúc chu kỳ)

Giai đoạn đầu của suy thoái (Early Recession)

Đây là lúc mọi thứ bắt đầu ảm đạm, nhu cầu tiêu dùng ở mức thấp, sản xuất công nghiệp suy giảm, lãi suất ở mức cao nhất, và đường cong lợi suất đảo ngược. Nói chung, trong giai đoạn giảm thì chúng ta hạn chế đầu tư, nhưng nếu đầu tư thì một số ngành có thể xem xét như:

  • Sản phẩm thiết yếu, viễn thông và chăm sóc sức khỏe.
  • Ngành tài chính và vận tải (vào cuối của giai đoạn này)

Các giai đoạn của chu kỳ chứng khoán

Thị trường chứng khoán và nền kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hai thị trường không  phải là một nhưng hoạt động theo cách tương tự. Thị trường chứng khoán cũng di chuyển theo chu kỳ và các giai đoạn khác nhau. Chu kỳ thị trường chứng khoán di chuyển trước chu kỳ kinh tế (thế nên người ta mới gọi TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế).

Chu kỳ của thị trường chứng khoán được chia thành bốn giai đoạn:

  • Giai đoạn tích lũy

Giai đoạn này diễn ra sau khi thị trường xác định được đáy của nó. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư giá trị và một số ít quỹ có kinh nghiệm sẽ bắt đầu mua, họ đánh giá rằng những thứ tồi tệ nhất đã qua. Định giá của giai đoạn này khá hấp dẫn nhưng tâm lý thị trường vẫn còn rất bi quan.

  • Giai đoạn đi lên

Trong giai đoạn này, thị trường ổn định và bắt đầu di chuyển cao hơn. Các nhà phân tích kỹ thuật hàng đầu sẽ nhận ra được hướng đi của thị trường và thấy rằng đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước. Tâm lý thị trường bắt đầu tích cực lên, các câu chuyện media bắt đầu thảo luận về khả năng thị trường đã qua giai đoạn xấu nhất. Vào cuối giai đoạn này sẽ càng có nhiều nhà đầu tư tham gia vào, lòng tham bắt đầu nổi lên và sẽ khó phân biệt được nhà đầu tư và nhà đầu cơ.

  • Giai đoạn phân phối

Đây là giai đoạn thứ ba của thị trường chứng khoán và ở đây người bán sẽ bắt đầu thống trị thị trường. Có một số đang kể người bán tham gia thị trường và giữ cho xu hướng tăng giá chậm lại, giá bắt đầu vận động trong biên độ hẹp và đi ngang trong chu kỳ này. Số người tham gia trong giai đoạn tích lũy và tăng giá bắt đầu thoát hàng dần để giữ lợi nhuận.

  • Giai đoạn giảm giá

Giai đoạn giảm giá là giai đoạn cuối của chu kỳ thị trường, người bán bắt đầu hành động quyết liệt hơn, nguồn cung bán ra bắt đầu áp đảo. Giá giảm mạnh và tâm lý thị trường bắt đầu bi quan. Một số nhà đầu tư tham gia thị trường ở vùng đỉnh có thể tiếp tục giữ chứng khoán của họ với hi vọng thị trường sẽ tăng trở lại. Cảm xúc sợ hãi và hi vọng thống trị giai đoạn này, nhưng thật không may là giá tiếp tục giảm và tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư mới, người mà nhận diện được thời điểm kết thúc chu kỳ giảm. Sau đó vòng quay chu kỳ tiếp tục lặp lại.

4. Mối quan hệ của chu kỳ thị trường chứng khoán và chu kỳ nền kinh tế?

Chu kỳ chứng khoán có thể di chuyển hình dạng khác một chút so với chu kỳ nền kinh tế, nhưng nó luôn đi trước chu kỳ kinh tế để phản ánh nền kinh tế thực kỳ vọng thời gian tới, đây là tính chất phong vũ biểu của thị trường chứng khoán với nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán nhìn về phía trước và phản ánh kỳ vọng thu nhập tương lai. Quan trọng là chúng ta phải hiểu là hai thị trường này di chuyển có độ trễ nhất định và độ trễ này tạo nên thách thức cho nhà đầu tư. Thách thức thể hiện ở việc lựa chọn giải ngân ở vùng đáy khi mà thông tin về nền kinh tế vẫn còn bi quan, thách thức là bán đi chứng khoán ở vùng đỉnh khi mà thị trường đang rất hào hứng và nền kinh tế vẫn còn nhiều thông tin tích cực. Việc nhận diện chính xác được điều này sẽ giúp nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận vượt trội hơn thị trường.

5. Phân loại ngành trong thị trường chứng khoán

Chúng ta thường phân loại doanh nghiệp dựa trên sản phẩm và dịch vụ họ cung cấp. Ví dụ, doanh nghiệp sản xuất dầu mỏ thì phân loại vào Oil & Gas Industry. Doanh nghiệp cũng có thể được phân loại dựa trên sự nhạy giảm với chu kỳ kinh doanh. Những doanh nghiệp mà di chuyển theo chu kỳ thị trường được gọi là cổ phiếu chu kỳ và cũng có những doanh nghiệp không bị tác động bởi chu kỳ thị trường được gọi là cổ phiếu phòng thủ hoặc cổ phiếu không chu kỳ.

  • Ngành có tính chất chu kỳ

Các doanh nghiệp thuộc các ngành như kim loại, dầu khí, xi măng, BĐS, tư liệu sản xuất…được hiểu là ngành có chu kỳ. Lơi nhuận của những ngành này liên quan trực tiếp với chu kỳ kinh tế. Nếu kinh tế tăng tốc thì những ngành này sẽ mang lại lợi nhuận vượt trội và ngược lại nếu kinh tế giảm tốc thì những ngành này bị tác động nặng nề.

  • Ngành phòng thủ/ngành không có chu kỳ

Doanh nghiệp thuộc các ngành dịch vụ thiết yếu, tiêu dùng không bền, dược, công nghệ…được xem là ngành phòng thủ. Nó ít chịu tác động của sự suy giảm của chu kỳ kinh tế, ví dụ cho dù có suy thoái thì mọi người cũng  phải dùng những dịch vụ thiết yếu, dịch vụ sức khỏe, hàng tiêu dùng thiết yếu và các hàng cơ bản cần thiết khác. Cổ phiếu các doanh nghiệp này sẽ vượt trội hơn trong thị trường suy giảm nhưng cũng kém hơn trong thị trường bùng nổ.

Dưới đây là một phân loại mẫu về phân hệ ngành để giúp nhà đầu  tư xác định được chu kỳ, trong thực tế thì sẽ phức tạp hơn nhiều khi doanh nghiệp hoạt động ở đa nghề, lúc đó cần sự phân tích cụ thể của nhà đầu tư để đánh giá tác động:

1. Vật liệu cơ bản (Basic Materials)

  • Vật liệu xây dựng cơ bản
  • Hóa chất
  • Thùng chứa và bao bì
  • Kim loại quý, khoáng sản và khai thác phi kim loại

2. Hàng tiêu dùng không thiết yếu (Consumer Discretionary)

  • Hàng điện tử
  • Trang phục
  • Nhà hàng và khách sạn

3. Hàng tiêu dùng thiết yếu (Consumer Staples)

  • Thực phẩm, nông sản
  • Đồ uống (nước ngọt, bia, đồ uống khác)
  • Thuốc lá
  • Dược phẩm
  • Hàng hóa gia dụng
  • Sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân

4. Năng lượng (Energy)

  • Thăm dò và khai thác năng lượng
  • Lọc hóa dầu, chuyển đổi năng lượng.
  • Sản xuất năng lượng (dầu, khí, than đá…)
  • Cung cấp thiết bị cho ngành năng lượng
  • Dịch vụ cho ngành năng lượng

5. Dịch vụ tài chính (Financial Sevices)

  • Ngân hàng
  • Bảo hiểm
  • Công ty chứng khoán
  • Quản lý tài sản

6. Bất động sản và xây dựng (Real Estate – có thể phân vào Financial Services)

  • Bất động sản
  • Xây dựng

7. Vận tải (Transportations)

  • Vận tải nói chung
  • Vận tải Containers
  • Logistics

8. Công nghệ (Technology)

  • Máy tính
  • Phần mềm
  • Hệ thống công nghệ
  • Trang thiết bị điện tử

6. Luân chuyển ngành được hiểu là gì?

  • Luân chuyển ngành là một chiến lược đầu tư theo phương pháp Top-Down thông qua việc dịch chuyển tiền từ ngành này qua ngành khác theo nhiều giai đoạn của chu kỳ kinh tế trong một nổ lực để đánh bại thị trường.
  • Luân chuyền ngành nó cũng giống như chiến thuật phân bổ tài sản. Thay vì đầu tư vào một loại tài sản cụ thể như là cổ phiếu, trái phiếu hoặc hàng hóa…, thì để tận dụng các điều kiện thị trường hiện tại, nhà đầu tư xây dựng một danh mục áp dụng cho các ngành kinh tế được lựa chọn.

Chúng ta đều hiểu rằng, nếu chúng ta lựa chọn đúng ngành và đầu tư vào đúng lúc thì có thể kiếm tiền rất là nhanh. Tuy nhiên, vấn đề nó nằm ở chỗ làm sao để lựa chọn chính xác được đúng ngành và giải ngân đúng lúc theo chu kỳ kinh tế và từng giai đoạn trong chu kỳ kinh tế, đây mới chính là nhiệm vụ thách thức cho hầu hết các nhà đầu tư. Điều này mở rộng ra, cũng đã được đúng kết qua câu “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”, ở đây địa lợi có thể được hiểu ở góc độ hẹp là lựa chọn được chỗ cho mình đầu quân, còn nhân hòa đó chính là năng lực làm việc của mỗi cá, và chỉ cần 2/3 yếu tố đúng thì đã giúp cho mỗi cá nhân thành công. Nếu như mà được cả sự giúp sức từ thiên thời thì chắc người đó sẽ vào top thành công trong một lĩnh vực/khu vực/thế giới.

Việc hiểu về chu kỳ ngành trong đầu tư chứng khoán và chu kỳ kinh tế lại là một vấn đề rất quan trọng. Chu kỳ ngành trong đầu tư sẽ có sự lệch pha so với chu kỳ nền kinh tế, điều này có thể được hiểu là giá của chứng khoán phản ánh trước kỳ vọng về vấn đề kinh tế thực sẽ diễn ra sau đó. Hay mở rộng hơn thì TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế.

Là nhà đầu tư chứng khoán, chúng ta nên hiểu rằng sự biến động của thị trường chứng khoán phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tiền tệ. Trước đây, độ trễ giữa yếu tố chu kỳ thị trường và chu kỳ kinh tế là khá lâu, nhưng ngày nay mức độ trễ đã được thu hẹp lại hơn nhiều.

7. Xác định được ngành để đầu tư

Chúng ta đã biết cách phân loại ngành, hiểu được vận động các giai đoạn của ngành và chu kỳ kinh tế, nhưng để sử dụng cho mục đích đầu tư thì điều quan trọng là phải xác định được đúng ngành và đúng thời điểm.

Vậy làm như thế nào lựa chọn được công ty tốt nhất ở đúng ngành và đúng thời điểm để tạo ra được lợi nhuận tốt nhất, chúng ta hãy xem gợi ý sau:

  • Mua lúc bi quan và bán lúc lạc quan

Đây là một chiến lược đầu tư ngành được đánh giá là quan trọng nhất, cốt yếu nhất. Nhà đầu tư phải đủ can đảm để tích lũy một cách từ từ cổ phiếu trong giai đoạn thị trường ảm đạm, khi mà báo cáo lợi nhuận của doanh nghiệp còn xấu và triển vọng thị trường còn mờ mịt. Tương tự, chúng ta phải quyết liệt thoát ra từ từ vị thế nắm giữ của mình tại vùng đỉnh của chu kỳ, khi mà mọi người tham gia mua bán tấp nập và các chuyên gia phân tích cập nhật ngành liên tục.

  • Đầu tư theo xu hướng

Một lần nữa chúng ta phải xác định rằng một ngành mà khi đã quay lại chu kỳ thì bạn chúng ta phải nắm giữ cổ phiếu trong một thời gian dài thay vì chỉ bán để chốt lời 15-20%. Khi sóng ngành đã thức giấc, thì tiềm năng tăng trưởng nó sẽ rất là cao, chúng ta phải kiên nhẫn tận dụng nó.

Dưới đây là gợi ý các bước để giao dịch theo ngành:

  1. Bước đầu tiên là giao dịch theo luân chuyển theo ngành bằng cách tìm ra ngành mà chuẩn bị qua giai đoạn uptrend hoặc đã vào uptrend rồi.
  2. Sau khi đã lựa chọn đúng ngành, chúng ta phải lựa chọn cổ phiếu có thể trở thành ngôi sao dẫn dắt ngành (thị trường) trong sóng tăng. Dẫn dắt thị trường không nhất thiết phải là cổ phiếu có vốn hóa cao nhất thị trường mà có thể là một cổ phiếu mà ở vị thế tốt nhất để gặt hái được lợi nhuận cao trong giai đoạn chu kỳ tăng này.

Một số sự kiện và chủ đề quan trọng cần chú ý

Một số sự kiện và chủ đề nổi bật cũng có những tác động mạnh mẽ tới ngành/thị trường mà chúng ta đang đầu tư vào. Những sự kiện lớn thường xuất phát từ Chính phủ hoặc vấn đề xã hội mà nó có thể khiến xã hội thay đổi cách nhìn nhận, ví dụ như Covid-19, hay OPEC+ thúc đẩy giảm sản lượng làm tăng giá dầu, chiến tranh Nga – Ukraina…

8. Chiến lược đầu tư luân chuyển theo ngành

Bây giờ, chúng ta sẽ thảo luận về chiến lược xác định giao dịch theo ngành và theo luân chuyển ngành, để làm sao mà nhận diện được ngành nào đang khỏe – cổ phiếu nào đang khỏe, ngành nào đang yếu – cổ phiếu nào đang yếu để có sự dịch chuyển dòng tiền hợp lý.

  • So sánh tương quan sức mạnh với thị trường

Tương quan sức mạnh là một chỉ số thể hiện tương quan giữa hai hoặc nhiều loại tài sản khác nhau, trong đầu tư chứng khoán nó thường là được so giữa một chứng khoán với chỉ số trung bình thị trường (VNINDEX). Để tính toán được mức độ tương quan mạnh/yếu của một cổ phiếu nào đó, chúng ta có thể tính tỷ lệ phần trăm thay đổi của cổ phiếu và thị trường trong cùng một chu kỳ thời gian. Nếu độ sai lệch là 0 thì cổ phiếu này vận động theo thị trường và nếu nó là âm thì là yếu hơn thị trường và dương là mạnh hơn thị trường.

  • So sánh tương quan sức mạnh của nội tại cổ phiếu thông qua chỉ số RSI

Chúng ta có thể sử dụng chỉ số RSI để xác định giá hiện tại của công phiếu là mạnh hay yếu dựa trên giá giao dịch trên thị trường của chính nó thông qua chỉ số RSI.

– Chỉ số RSI dao động trong khoảng từ 0 đến 100 điểm, nếu RSI của cổ phiếu trên 70 thì là quá mua và dưới 30 là quá bán.

– RSI trên trung bình 50 điểm là cổ phiếu bắt đầu mạnh lên, càng gần 70 điểm thì cổ phiếu rõ xu hướng tăng và ngược lại.

– Chúng ta cũng có thể sử dụng tính phân kỳ của RSI để xác định xu hướng của cổ phiếu.

  • Chiến lược lựa chọn khi luân chuyển ngành

– Nhà đầu tư có thể dịch chuyển từ cổ phiếu có tính chu kỳ qua cổ phiếu không có tính chu kỳ, hoặc dịch chuyển theo các giai đoạn của chu kỳ ngành trong tổng thể chu kỳ kinh tế.

– Nhà đầu tư cũng có thể dịch chuyển từ việc mua chứng chỉ quỹ đại chúng  (mang tính phòng thủ nhờ đa dạng hóa) qua mua cổ phiếu riêng lẻ khi chu kỳ tăng và ngược lại. Ngoài ra, họ cũng có thể họ cũng có thể lựa chọn dịch chuyển qua lại giữa các quỹ ETFs và cổ phiếu để giao dịch theo từng chu kỳ thị trường.

Nói chung, các kỹ thuật trên là chúng ta đang xác định kết hợp với yếu tố phân tích kỹ thuật, trong thực tế thì chúng ta phải cũng có thể sử dụng phân tích cơ bản về doanh nghiệp, để thấy rõ bức tranh về kế hoạch/triển vọng lợi nhuận để xác định xu hướng vận động, trước khi ra quyết định đầu tư.

Nguồn: Lão Trịnh

 

Tags: ,