Đây là câu hỏi được rất nhiều nhà đầu tư đã từng đặt ra trong quá trình giao dịch chứng khoán hoặc là trong các cuộc trò chuyện cũng bạn bè về quá trình đầu tư. Đại loại là “ sao mà lúc tôi mua thì nó không tăng, đợi mãi-đợi mãi đến múc vừa bán thì nó lại tăng và còn tăng mạnh”, hoặc “hình như đội lái họ soi tài khoản của mình thì phải, nên khi mua vào là họ đè cổ phiếu mình giảm và đợi cho tới khi mình bán ra thì họ mới cho tăng”, hoặc có một nhà đầu tư lớn một chút (khoảng 2-3 tỷ) “mình mua cổ phiếu thanh khoản thấp vậy, mua vào là đội lái biết ngay nên họ không kéo” …Và còn rất nhiều câu chuyện tương tự kể về quá trình mua bán chứng khoán nữa.
Vậy thật sự có ai soi tài khoản chứng khoán của bạn không?
Gốc rễ của việc này chính là tâm lý so sánh của con người, khi bạn nhìn vào một cổ phiếu nào đó tốt hơn cổ phiếu của bạn hoặc là một nhà đầu tư nào khác có lợi nhuận cao hơn bạn, ngay lập tức não bạn tiết ra một hợp chất tên là “cortisol”. Hợp chất này chính là phản ánh tâm lý so sánh của bạn, từ đó hình thành nên suy nghĩ tiêu cực trong bạn. Cũng giống như trong đời sống hằng ngày, bạn nhìn vào ai đó thành công hơn bạn và so sánh thì “cortisol” tiết ra đưa bạn vào cảm giác tiêu cực.
Trong đầu tư thì điều này lại càng đúng, đặc biệt khi bạn mua cổ phiếu. Ban đầu bạn lên kế hoach sẽ nắm giữ ít nhất 2-3 tháng để có được 10% lợi nhuận, nhưng bạn mới giữ được 1-2 tuần thì cổ phiếu biến động tăng giảm khoảng 2-3% (thậm chi là đi ngang) bạn bắt đầu có tâm lý so sánh. Bạn bắt đầu nhìn vào các cổ phiếu khác thấy tăng 10-15% rồi, nhiều nhà đầu tư khoe lời 10-15% chỉ trong có 1-2 tuần và bạn sốt ruột bán cổ phiếu của mình đi thì nó tăng ngay sau đó.
Giải thích đơn giản thì có ba nguyên nhân chính
- Thứ nhất, tâm lý so sánh nảy sinh tiêu cực làm cho nhà đầu tư không đủ kiên nhẫn nắm giữ cổ phiếu vì sợ mất đi nhiều cơ hội hoặc không tin vào bản thân, cho rằng mình đã chọn sai cổ phiếu.
- Thứ hai, bản chất cơ bản của công ty là thay đổi chậm hơn so với mong đợi của nhà đầu tư chứng khoán, hơn nữa kỳ báo cáo thường theo quý và năm, tức thông tin mới nhanh nhất phải mất 3 tháng mới đến tay nhà đầu tư. Vì vậy, biến động cổ phiếu trên sàn cần một khoảng thời gian nhất định để có thể thay đổi, và có thể ngắn hạn cổ phiếu sẽ đi sai khác so với thị trường chung.
- Thứ ba, trong quá trình so sánh thì nhà đầu tư thường chỉ nhớ đến cơ hội mình bỏ qua mà không tập trung nhiều vào những sai lầm có thể xảy ra. Tức là nếu bạn không mua cổ phiếu XXX và nó giảm, bạn thường quên nhanh hơn là khi bạn không mua cổ phiếu YYY mà nó tăng. Vì vậy bạn thường thấy mất đi cơ hội chứ không nhìn ra rủi ro mà bạn gặp phải nếu mua bán quá nhiều trong một thời gian ngắn.
Vậy làm sao để khắc phục sai lầm này?
Để khắc phục những sai lầm này đầu tiên về mặt bản chất bạn phải kiểm soát thôi thúc so sánh của bộ não của bạn. Để làm điều này bạn hãy đơn giản làm theo một trong các cách sau đây:
- Thứ nhất, hãy tập trung vào so sánh vào các cổ phiếu khác có mức tăng giá tương tự và bạn sẽ cảm thấy lựa chọn nắm giữ của mình là không hề sai.
- Thứ hai, hãy lập danh sách cổ phiếu đáng để đầu tư riêng của bạn và theo dõi cả danh mục đó, sau đó tính trung bình xem cùng thời gian thì mức sinh lợi của danh mục là bao nhiêu, có hơn được cổ phiếu bạn đang nắm giữ không.
- Cuối cùng, luôn nâng cao khả năng phân tích cổ phiếu, nắm chắc triển vọng tương lai, bạn sẽ có đủ tự tin và không lo sợ mình bị tụt lại phía sau so với các nhà đầu tư khác.
Sau khi thực hiện các bước trên, bạn chắc chắn sẽ không còn lo sợ là ai đang soi tài khoản của bạn cả, mà là chính tâm lý so sánh của bạn làm cho bạn nghỉ như vậy, chứ bản chất cổ phiếu vẫn vận động theo kết quả kinh doanh riêng của nó và biến động tương quan với thị trường chung (bài này ngoại trừ trường hợp những NĐT lớn khi mua chiếm >1% tổng số cổ phiếu lưu hành của công ty).
Nguồn: Lão Trịnh.