Arbitrage chỉ số VN30

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường phái sinh Việt Nam, nghiệp vụ arbitrage giữa chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai VN30 ngày càng trở nên phổ biến. Đây là chiến lược đầu tư nhằm tận dụng sự chênh lệch giá giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh để tìm kiếm lợi nhuận gần như không rủi ro, nếu được thực hiện đúng kỹ thuật.

Arbitrage là gì?

Trong tài chính, arbitrage (kinh doanh chênh lệch giá) là việc mua một tài sản ở thị trường này và bán đồng thời tài sản đó ở thị trường khác, khi tồn tại chênh lệch giá. Lợi nhuận thu được là phần chênh lệch giữa hai mức giá sau khi trừ đi chi phí giao dịch.

Tại Việt Nam, chỉ số VN30 – đại diện cho 30 cổ phiếu vốn hóa lớn và thanh khoản cao nhất sàn HoSE – là chỉ số cơ sở duy nhất của hợp đồng tương lai phái sinh (VN30F). Khi giá hợp đồng tương lai lệch nhiều so với giá trị hợp lý (fair value), cơ hội arbitrage xuất hiện.

Cơ chế arbitrage giữa VN30 và VN30F

Có hai tình huống phổ biến:

  1. Hợp đồng tương lai cao hơn giá chỉ số cơ sở (premium lớn):

    • Nhà đầu tư bán hợp đồng tương lai (short VN30F)

    • Đồng thời mua rổ cổ phiếu VN30 tương ứng với tỷ trọng chỉ số, có thể thay thế bằng ETF VN30.

    • Chờ đến ngày đáo hạn hoặc khi giá hai thị trường hội tụ trong ngày, nhà đầu tư tất toán cả hai vị thế và ghi nhận lợi nhuận.

Ví dụ:

1)Tại ngày 1/4/20xx, nếu chỉ số phái sinh là 1515 điểm, chỉ số VN30 cơ sở là 1505 điểm => premium 10 điểm => Mở short 500 tỷ VN30F (danh nghĩa) tại 1515 điểm => tương đương 3,300 hợp đồng + đồng thời MUA rổ cổ phiếu VN30 500 tỷ tại VN30-Index lúc 1505 điểm, đưa NOP=0. 

2) Nếu cuối ngày 1/4/20xx, chỉ số phái sinh và VN30 cân bằng tại 1,510 điểm, khi đó sẽ thực hiện Đóng lệnh Short VN30F tại 1,510 điểm + BÁN rổ cổ phiếu tại 1,510 điểm, đưa NOP = 0.

3) Đánh giá lời/lỗ: 

      • Lãi từ phái sinh (Short 1515 → Long lại 1510) = (1515 – 1510) × 100.000 × 3.300 = 5 điểm × 100.000 × 3.300 = 1.65 tỷ đồng.
      • Lãi từ rổ cơ sở (Mua tại 1505 → Bán tại 1510) = (1510 – 1505) / 1505 × 500 tỷ = 0.33% × 500 tỷ = 1.66 tỷ đồng
      • Lãi/lỗ ròng  = 1.65 + 1.66 = 3.31 tỷ đồng (chưa tính phí và trượt giá). Thông thường phí/thuế và trượt giá khoảng 5 điểm tùy size và thanh khoản thị trường, thì mức lợi nhuận thực tế có thể đạt 1.65 tỷ đồng.
  1. Hợp đồng tương lai thấp hơn giá cơ sở (discount lớn):

    • Nhà đầu tư mua hợp đồng tương lai (long VN30F)

    • Đồng thời bán rổ cổ phiếu VN30 tương ứng (có thể thay thế bằng ETF VN30)

    • Lợi nhuận thu được khi hai mức giá hội tụ.

Ví dụ:

1) Tại ngày 1/4/20xx, giá hợp đồng tương lai kỳ gần nhất là 1500 điểm và giá VN30-Index cũng là 1500 điểm => Vào vị thế rổ cơ sở 500 tỷ đồng, đồng thời vào vị thế Short VN30F với giá trị danh nghĩa tương ứng 500 tỷ = 3,350 hợp đồng, để cho NOP = 0 (NOP-giá trị vị thế ròng cuối ngày);

2)Tại ngày 5/4/20xx, nếu chỉ số phái sinh là 1505 điểm, chỉ số VN30 cơ sở là 1515 điểm => discount 10 điểm => Long 500 tỷ VN30F (danh nghĩa) tại 1505 điểm + đồng thời bán rổ cổ phiếu VN30 500 tỷ tại VN30-Index lúc 1515 điểm, đưa NOP=0. 

3) Đánh giá lời/lỗ: 

      • Lỗ từ phái sinh (Short 1500 → Long lại 1505) = (1505 – 1500) × 100.000 × 3.350 = 5 điểm × 100.000 × 3.350 = 1.67 tỷ đồng.
      • Lãi từ rổ cơ sở (Mua tại 1500 → Bán tại 1515) = (1515 – 1500) / 1500 × 500 tỷ = 1% × 500 tỷ = 5 tỷ đồng
      • Lãi/lỗ ròng  = -1.67 + 5 = 3.325 tỷ đồng (chưa tính phí và trượt giá). Thông thường phí/thuế và trượt giá khoảng 5 điểm tùy size và thanh khoản thị trường, thì mức lợi nhuận thực tế có thể đạt 1.65 tỷ đồng.

Khoảng chênh lệch đủ lớn để tạo arbitrage thường phải vượt qua chi phí tài chính (lãi vay, phí giao dịch, phí spread, phí quản lý danh mục…), theo ước tính khoảng >=5 điểm nếu arbitrage trong ngày.

Vai trò của nghiệp vụ này với thị trường

  • Góp phần cân bằng giá: Khi giá hợp đồng tương lai lệch xa giá cơ sở, hoạt động arbitrage sẽ giúp đưa giá hai bên hội tụ trở lại.

  • Tăng thanh khoản: Các giao dịch arbitrage thường có khối lượng lớn, góp phần tăng thanh khoản trên cả hai thị trường.

  • Cải thiện hiệu quả định giá: Arbitrage giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá lý thuyết và giá giao dịch thực tế, từ đó giúp thị trường phái sinh phản ánh tốt hơn kỳ vọng của nhà đầu tư.

Những thách thức tại Việt Nam

Dù hấp dẫn về lý thuyết, nhưng việc thực hiện arbitrage chỉ số tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản:

  • Khó xây dựng rổ VN30 mô phỏng chính xác: Giao dịch đủ số lượng cổ phiếu trong rổ để phản ánh đúng tỷ trọng yêu cầu nguồn vốn lớn, công nghệ và hệ thống hỗ trợ tốt.

  • Thiếu cơ chế bán khống hiệu quả: Việc thực hiện arbitrage khi hợp đồng tương lai đang discount thường bị hạn chế do không thể bán khống cổ phiếu cơ sở.

  • Chi phí giao dịch cao: Spread mua – bán trên cả hai thị trường, trượt giá, chi phí vốn, phí quản lý rổ mô phỏng (phần mềm), phí giao dịch phái sinh, thuế… có thể làm triệt tiêu lợi nhuận arbitrage.

Nghiệp vụ arbitrage giữa chỉ số VN30 và phái sinh VN30 là một công cụ quan trọng trong thị trường tài chính hiện đại, vừa mang lại cơ hội lợi nhuận cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, vừa góp phần giúp thị trường vận hành hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để nghiệp vụ này phát triển đúng tiềm năng, thị trường Việt Nam cần tiếp tục cải thiện các yếu tố hạ tầng, thanh khoản và chính sách như cho phép bán khống cổ phiếu, tăng tính linh hoạt cho các ETF mô phỏng VN30, cũng như giảm chi phí giao dịch cho nhà đầu tư tổ chức.

Tags: