Nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và các công cụ giao dịch trên thị trường này luôn được giới phân tích rất chú ý, tuy nhiên để có thể hiểu rõ về thị trường này thì không phải ai cũng có thể nắm bắt được. Trong loạt bài viết tiếp theo mình sẽ đi sâu vào vấn đề này, để phân tích các chính sách tiền tệ mà NHNN đang áp dụng, từ đó dự báo ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Bài này tạm thời mình nêu vào các định nghĩa làm nền tảng lý thuyết cơ sở, hi vọng giúp ích được cho mọi người.
Tín phiếu là gì?
Tín phiếu là Chứng chỉ ghi nhận khoản nợ ngắn hạn được phát hành theo phương thức do pháp luật quy định để vay tiền. Tín phiếu xác nhận quyền chủ nợ, quyền được hưởng lợi tức ổn định của người sở hữu và nghĩa vụ tương ứng của chủ thể phát hành.
Phân loại tín phiếu dựa vào chủ thể phát hành
+ Tín phiếu kho bạc nhà nước (của Chính phủ)
+ Tín phiếu Ngân hàng nhà nước (NHTW)
+ Tín phiếu doanh nghiệp: ví dụ như là chứng nhận tiền gửi khách hàng của các NHTM phát hành….
Thời hạn tín phiếu
Được xác nhận là khoản nợ ngắn hạn nên thời hạn của tín phiếu dưới 1 năm (trên thời gian này gọi là trái phiếu), nhưng đa số các đơn vị phát hành như NHNN hay kho bạc nhà nước thì thường phát hành tín phiếu kỳ hạn 3 tháng.
Tín phiếu kho bạc nhà nước?
Tín phiếu kho bạc là tín phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành để vay ngắn hạn cho ngân sách Nhà nước, ghi nhận cam kết của Chính phủ trong việc trả nợ gốc và lãi cho chủ sở hữu.
Tín phiếu ngân hàng nhà nước?
Tín phiếu là một loại “trái phiếu ngắn hạn” do ngân hàng nhà nước (NHNN) phát hành, khác nhau về thời gian có giá trị tối đa là 364 ngày. Theo qui định, tín phiếu có thời hạn dưới 12 tháng, còn thời hạn của trái phiếu là trên 12 tháng.
NHNN sử dụng công cụ tín phiếu kho bạc để điều tiết cơ sở thanh toán của hệ thống ngân hàng với mục đích kiểm soát cung tiền tệ. Về nguyên tắc, tín phiếu do các ngân hàng thương mại tự nguyện mua, trên cơ sở tính toán nguồn vốn của mình. Trường hợp cần thiết, ngân hàng thương mại có thể bán lại tín phiếu cho NHNN để lấy tiền về. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết NHNN “bắt buộc” các ngân hàng thương mại… phải mua một lượng tín phiếu để điều chỉnh chính sách tiền tệ, như tháng 02/2008
Trái phiếu là gì?
Trái phiếu là một loại chứng khoán quy định nghĩa vụ của người phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ chứng khoán (người cho vay) một khoản tiền xác định, thường là trong những khoảng thời gian cụ thể, và phải hoàn trả khoản cho vay ban đầu khi nó đáo hạn. Phát hành trái phiếu là đi vay vốn.
Trái phiếu về bản chất là một khoản vay có kỳ hạn trên 1 năm, trong đó người mua trái phiếu (trái chủ – bondholder) cho bên phát hành trái phiếu (bond issuer) vay.
Người phát hành có thể là doanh nghiệp (trái phiếu trong trường hợp này được gọi là trái phiếu doanh nghiệp – corporate bond), một tổ chức chính quyền như Kho bạc nhà nước (trong trường hợp này gọi là trái phiếu kho bạc – Treasury bond), hay chính phủ (trong trường hợp này gọi là công trái hoặc trái phiếu chính phủ – government bond).
Các loại hình trái phiếu phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam
Fixed rate bond (Trái phiếu với lãi suất cố định): trái phiếu mà lợi tức được xác định theo một tỷ lệ phần trăm (%) cố định tính theo mệnh giá
Floating rate bond (Trái phiếu lãi suất thả nổi): trái phiếu mà lợi tức trả trong các kỳ khác nhau và được tính theo một lãi suất tham chiếu (LIBOR, Euribor).
Zero-coupon bond (Trái phiếu zero coupon): trái phiếu không trả lãi, thường được phát hành với giá chiết khấu rất sâu so với mệnh giá. Khoản tiền có giá trị bằng mệnh giá được trả khi đáo hạn.
High-yield bond (trái phiếu rác – junk bond): trái phiếu có mức độ uy tín thấp hơn các tiêu chuẩn thông thường. Các trái phiếu này thường tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ và thường chào bán với YTM cao.
Convertible bond (Trái phiếu chuyển đổi): trái phiếu có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu công ty theo một tỉ lệ công bố trước và vào một khoảng thời gian xác định trước
Assets-backed securities (ABS): là trái phiếu được phát hành trên cơ sở có sự đảm bảo bằng một tài sản hoặc một dòng tiền nào đó từ một nhóm tài sản gốc của người phát hành.
Sự điều tiết của Chính Phủ và NHNN qua thị trường mở (OMO – Open Market Operations)
Nghiệp vụ thị trường mở (OMO) là các biện pháp thực thi chính sách tiền tệ mà theo đó ngân hàng Trung ương của một nước kiểm soát cung tiền của nước đó bằng cách mua bán các chứng khoán do chính phủ phát hành hoặc các công cụ tài chính khác. Nghiệp vụ này được thực hiện căn cứ theo các mục tiêu của chính sách tiền tệ, như lãi suất hay tỉ giá.
Thành viên tham gia thị trường mở: gồm các tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng đáp ứng đủ các điều kiện của NHNN.
Các loại giấy tờ có giá sử dụng trong giao dịch nghiệp vụ thị trường mở:
(1) – Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.
(2) – Trái phiếu Chính phủ, bao gồm: Tín phiếu Kho bạc; Trái phiếu Kho bạc; Trái phiếu công trình Trung ương; Công trái xây dựng Tổ quốc; Trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trước đây là Quỹ Hỗ trợ phát triển) được Thủ tướng Chính phủ chỉ định phát hành.
(3) – Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, bao gồm: Trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn.
(4) – Trái phiếu Chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát hành.
(5) – Riêng đối với giao dịch mua có kỳ hạn. Ngân hàng Nhà nước chỉ giao dịch đối với: Công trái xây dựng Tổ quốc; Trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn; Trái phiếu Chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát hành.
Tham khảo thêm các thông tin chi tiết tại đây
Nguồn: LT tổng hợp