Các thủ thuật gian lận trên Báo cáo tài chính

Phần 1:  Tổng quan về BCTC
Báo cáo tài chính là công cụ quan trọng nhất, và được pháp luật quy định bắt buộc các công ty công bố rộng rãi cho các nhà đầu tư tham khảo. Thường sẽ có các loại báo cáo quý, 6 tháng và báo cáo tài chính năm, trong đó còn có báo cáo riêng lẽ và báo cáo hợp nhất. 
Các loại BCTC thường gặp: 
Báo cáo tài chính quý I II III IV : Được lập cuối mỗi quý, thường hạn công bố là 20 ngày của tháng tiếp theo đối với báo cáo riêng lẽ, và 30 ngày với báo cáo hợp nhất.
Báo cáo tài chính công ty mẹ (đối với mô hình tập đoàn): Đây là báo cáo nói riêng về tình hình sản xuất kinh doanh của công ty mẹ.
Báo cáo tài chính hợp nhất (đối với mô hình tập đoàn): Đây là báo cáo sau khi đã hợp nhất các chỉ tiêu của các công ty con với công ty mẹ, đây là báo cáo quan trọng.
Báo cáo tài chính gồm các phần nhỏ sau: 
– Báo cáo của ban giám đốc: Tóm lược các điểm khái quát về công ty, nghành nghề kinh doanh chính, thông tin liên lạc, địa chỉ. Các vị trí hội đồng quản trị, hội đồng điều hành, …
– Báo cáo kiểm toán độc lập: Sau khi lập báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải đi thuê một công ty kiểm toán kiểm tra lại BCTC để kiểm tra lỗi sai, và xác nhận báo cáo tài chính có trung thực, chuẩn mực theo các tiêu chuẩn kế toán hiện hành hay không. Ý kiến của kiểm toán là 1 phần quan trọng trong báo cáo tài chính.
– Bảng cân đối kế toán: Bảng cân đối kế toán là bức ảnh chụp nhanh tại thời điểm lập BCTC về tình hình cơ cấu tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp. Đánh giá bức tranh chung về tình hình tài chính của doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn bao quát, tránh được những doanh nghiệp có vấn đề.
– Bảng kết quả hoạt động kinh doanh: Bao gồm các khoản mục liên quan tới việc kinh doanh của doanh nghiệp trong cả kì lập báo cáo. Các hoạt động thu, chi của doanh nghiệp sẽ được làm rõ tại đây. Đây gần như là phần được quan tâm nhất trong BCTC, nhiều người chỉ coi mỗi cái này .
– Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Phần này cũng quan trọng không kém bảng cân đối kế toán và kết quả KQKD, nhưng lại rất dễ bị bỏ qua và coi thường. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo chỉ chuyên tìm hiểu luồng tiền mặt của công ty.
– Thuyết minh báo cáo tài chính: Đây là phần dài nhất, đi kèm để giúp các nhà đầu tư hiểu chi tiết hơn các con số bao quát trong từng khoản mục ở bên trên. Các chế độ kế toán, trích lập, khấu hao… đều có trong đây.
Các lưu ý khi đọc BCTC:
– Đọc lần lượt hết các phần, không nên bỏ qua phần nào cả. Các phần trong báo cáo tài chính có liên quan mật thiết tới nhau, nếu bỏ qua các phần một cách dễ dàng, bạn có thể bị người lập BCTC dắt mũi. Chỉ 1 dòng chữ nhỏ của chế độ kế toán áp dụng đã có thể thay đổi nhiều số liệu trên BCTC.
Nên in ra đọc cho dễ nhìn.
– Chú ý tìm hiểu ban điều hành và những người chủ của công ty là một điều quan trọng trong phân tích doanh nghiệp.
– Chú ý tới các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn, vì chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng gay ra ảnh hưởng đáng kể, có thể dùng phương pháp tỷ trọng để xem dễ dàng hơn.
– Chú ý đặc biệt tới các khoản mục tăng bất thường so với kì trước, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân trong bảng thuyết minh và cố gắng hiểu tác động của nó.
– Chỗ nào chưa rõ, có thể liên hệ với bộ phận quan hệ cổ đông của công ty, yêu cầu được làm rõ.
– Một số loại hình công ty đặc biệt có những báo cáo tài chính gồm các khoản mục hơi khác lạ, ví dụ như công ty chứng khoán, ngân hàng hay bảo hiểm. Nhưng kết cấu chung của nó vẫn tuân theo kết cấu bên trên.
Việc đọc báo cáo tài chính nói dễ là dễ, nói khó cũng phải. Chỉ cần có sự tìm hiểu là mọi người đều có thể đọc được nó dễ dàng. Nó được thiết kế để sao cho dễ hiểu và chuẩn mực nhất, áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Kiên trì, mọi thứ đều trở nên dễ dàng. Trên đây là kết cấu chung nhất, các phần sau sẽ tập trung vào làm tìm hiểu từng phần trong BCTC.
Phần 2: Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toàn là bảng số liệu quan trọng đầu tiên của doanh nghiệp. Bảng cân đối kế toán là bức ảnh chụp nhanh về tình hình KẾT CẤU TÀI SẢN của công ty tại thời điểm lập báo cáo.
Chúng ta sẽ đi qua vài khái niệm: 
– Tài sản là những thứ thuộc về doanh nghiệp, có khả năng tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp như máy móc, nhà xưởng, hàng hóa, quyền sử dụng đất….
– Kết cấu tài sản là sự tương quan giữa các loại tài sản doanh nghiệp hiện có và nguồn gốc của chúng từ đâu ra.
– Nguồn vốn: là nguồn để hình thành nên bất kì tài sản nào của doanh nghiệp, bất kì thứ gì doanh nghiệp có đều phải dùng tiền từ đâu đó để mua, tiền này là vốn. Vốn của mình thì gọi là VỐN CHỦ SỞ HỮU, vốn đi vay người khác gọi là NỢ PHẢI TRẢ.Tổng vốn chủ sở hữu và nợ phải trả được gọi là nguồn vốn.
Như vậy, ta có 1 phương trình luôn cân bằng trên tất cả các BCTC:
TÀI SẢN = NGUỒN VỐN => TÀI SẢN NGẮN HẠN + TÀI SẢN DÀI HẠN = VỐN CHỦ SỞ HỮU + NỢ PHẢI TRẢ 
Vậy tức là với mỗi 1 đồng tài sản, ví dụ 1 chiếc máy, ta sẽ có 1 phần trong chiếc máy là của mình- tức được mua bằng tiền túi, và 1 phần trong chiếc máy mình đã đi dùng tiền của người khác để mua. Vấn đề ở đây là liệu chiếc máy hoàn toàn là của mình sẽ tốt hơn, hay chiếc máy có 1 phần vay mượn tốt hơn, tỉ lệ giữa phần của mình và phần vay mượn như thế nào là tối ưu. Đây chính là bản chất của bảng cân đối kế toán mà chúng ta cần phải hiểu.
Bảng báo cáo tài chính chia làm 2 mảng lớn nhất, bao gồm: 
1 – TÀI SẢN: Được chia ra làm tài sản ngắn hạn và dài hạn. Tài sản ngắn hạn có thể chuyển đổi ra tiền trong vòng dưới 1 năm hoặc trong vòng 1 chu kì kinh doanh. Tài sản dài hạn bao gồm những phần còn lại. Sau đây là 1 số khoản mục quan trọng của tài sản:
-Tiền và tương đương tiền: Là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng không kì hạn, tính thanh khoản lớn. Lượng tiền và tương đương tiền là 1 chỉ tiêu vô cùng quan trọng, là lượng tiền hiện đang tự do của doanh nghiệp.
– Đầu tư tài chính ngắn hạn – dài hạn: Là các khoản đầu tư hiện tại của doanh nghiệp, chi tiết hãy tìm tới phần thuyết minh để xem rõ các khoản đầu tư ở đây là gì, có thể là cổ phiếu, tiền gửi ngân hàng hoặc trái phiếu.
 Phải thu ngắn hạn – dài hạn: Bao gồm các khoản mà doanh nghiệp cho nợ hoặc trả trước. Các loại phải thu sẽ được ghi chi tiết rõ ràng
-Tồn kho: Là tổng lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp, tồn kho có thể nhiều có thể ít, và tùy trường hợp chúng ta sẽ quyết định tình hình hiện tại của doanh nghiệp là tốt hay xấu.
– Tài sản cố định: Là các tài sản hữu hình hoặc vô hình, nhà máy, công xưởng, đất đai, quyền sử dụng đất, bản quyền…vv
Chốt ở cuối khoản mục tài sản, ta sẽ có phần tổng cộng tài sản, nên so sánh con số này với năm trước xem sự biến động như thế nào.
2- NGUỒN VỐN: Chúng ta đã hiểu nguồn vốn ở khái niệm bên trên, giờ chúng ta sẽ xem xét 1 số khoản mục quan trọng của phần nguồn vốn, những phần khác có thể tự tìm hiểu thêm. Ở đây tôi sẽ cố đi vào giải thích bản chất của vấn đề rằng tại sao khoản mục này lại được xếp vào nợ phải trả hoặc vốn chủ sở hữu.
2.1: Nợ phải trả: Cố gắng hiểu rõ cụm từ, cái gì liên quan tới các nghĩa vụ nợ sẽ được xếp vào đây. Có nợ có trả, nên gọi là nợ phải trả, rất logic.
– Phải trả người bán ngắn hạn, dài hạn: Khi ta đã mua hàng nhưng chưa thanh toán, bản chất của việc này cũng giống như chúng ta đang đi vay 1 số tiền từ họ. Đây chính là nợ phải trả.
– Người mua trả tiền trước ngắn hạn, dài hạn: Bản chất cũng như bên trên, chưa giao hàng mà đã nhận trước tiền, thì ta đang nợ bên mua 1 khoàn. Đây chính là nợ phải trả.
2.2: Vốn chủ sở hữu: Cái gì của mình, chẳng có nghĩa vụ phải trả cho người khác thì là vốn chủ.
-Vốn góp của chử sở hữu: Là khoản vốn góp ban đầu của cổ đông để hình thành vốn điều lệ, mở công ty.
-Thặng dư vốn cổ phần: Chênh lệch giữa mệnh giá và giá phát hành cổ phiếu thực tế thu được.
-Các loại quỹ: Quỹ đầu tư phát triển, quỹ ban giám đốc, vài loại quỹ mà các quỹ này hình thành có thể là theo tiêu chuẩn kế toán, và tiền trong quỹ này hoàn toàn của mình.
-Lợi nhuận chưa phân phối: Sau khi kinh doanh có lãi, phần lãi này hoàn toàn là phần dôi ra và thuộc về chủ sở hữu. Phần lãi này có thể đem chia cổ tức cho các cổ đông hoặc tái đầu tư.
-Chênh lệch đánh giá lại tài sản: Tài sản cũ của công ty lên giá so với giá ghi sổ ban đầu. Phần dôi ra tất nhiên thuộc về chủ sở hữu.
-Chênh lệch tỉ giá hối đoái: Như trên, tự nhiên được lợi do biến động tỉ giá giữa các đồng tiền. Nó cũng như 1 khoản lãi, vấn đề không phải do kinh doanh nên người ta ghi riêng 1 mục cho dễ hiểu.
Chốt ở khoản mục nguồn vốn, chúng ta sẽ thấy con số tổng cộng nguồn vốn. Bằng tổng vốn chủ sở hữu và nợ phải trả cộng lại. Tổng cộng nguồn vốn luôn cân bằng với tổng tài sản. Không sai 1 đồng.
Do đó, chúng ta cần nắm được: 
-Nguyên lí của bảng cân đối kế toán, đây là bảng số liệu đầu tiên trong 3 bảng số liệu quan trọng.
-Tài sản và nguồn vốn, cố gắng hiểu tới bản chất của nó, các khái niệm nhỏ, nó có 1 sự logic chặt chẽ với nhau.
-Cách đọc bảng cân đối kế toán, cứ đọc từ trên xuống, lần lượt, nó đã được xếp theo 1 thứ tự nhất định.
-Bắt đầu để ý tới sự biến động giữa đầu kì và cuối kì, bắt đầu có 1 vài suy nghĩ giản đơn. Không cần suy nghĩ đúng, nhưng hãy bắt đầu suy nghĩ trước khi đi phân tích cụ thể.
Phần 3: Bảng kết quả kinh doanh
Bảng KQKD là bảng được đánh giá là dễ nhìn nhất, dễ hiểu nhất, tương đối ngắn gọn và đối với một số NĐT, nó gần như là bảng duy nhất mà họ quan tâm khi xem xét báo cáo tài chính, thậm chí có thể 1 số người chỉ nhìn xem lợi nhuận có tăng trưởng hay không mà gần như không quan tâm xem lợi nhuận đó tới từ đâu.
Để hiểu được bảng KQKD tốt thì cần người đọc có thể hiểu được 2 phần trên một cách tương đối.  Bảng kết quả hoạt động kinh doanh rất đơn giản. Được viết theo kết cấu như sau:
DOANH THU – CHI PHÍ = LỢI NHUẬN
Mẫu báo cáo chuẩn được đưa ra bao gồm 19 mục, như hình bên dưới
Sau đây tôi sẽ giải thích các khoản mục quan trọng:
1- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ: Đây là mảng doanh thu quan trọng nhất, bao gồm các khoản doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh chính yếu của doanh nghiệp. Mọi người hãy nhìn và so sánh khoản mục này trong 3-4 năm liên tiếp xem chiều hướng biến động của khoản mục này ra sao, có thể tính tốc độ tăng hoặc giảm trung bình của khoản mục này nếu được.
Chú ý: Hiện tại chủ yếu các doanh nghiệp đang áp dụng chế độ kế toán dồn tích, tức là sau khi người mua nhận được hàng và chấp nhận thanh toán thì có thể ghi nhận ngay doanh thu mà chưa cần biết có thu được tiền sau này hay không. Chú ý điểm này để sau này ta đi vào phân tích sâu hơn.
2- Các khoản giảm trừ doanh thu: Các khoản giảm trừ bao gồm giảm giá hàng bán , chiết khấu thương mại và hàng bán bị trả lại. Khoản mục này thường nhỏ, nếu thấy lớn bất thường thì nên tìm hiểu thật kĩ khoản mục này. Vì khoản mục này có thể dùng để cook báo cáo rất dễ và rất hợp pháp.
3 = 1 – 2 : doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ : Tức là doanh thu của chúng ta sau khi trừ đi hết các khoản giảm trừ. Khoản mục này có ý nghĩa hơn doanh thu khoản mục 1.
4: Giá vốn hàng bán: là tổng giá vốn của các hàng hóa, dịch vụ được bán ra trong kì kế toán.
Chú ý: Giá vốn hàng bán có thể thay đổi theo chế độ kế toán mà doanh nghiệp áp dụng, do vậy cần đọc kĩ ở bảng thuyết minh phần chế độ hạch toán hàng tồn kho. Phần này sẽ được viết kĩ hơn vào các phần sau.
5 = 3 – 4 : Lợi nhuận gộp: Đây là phần lợi nhuận ban đầu, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp rất quan trọng, nói lên mức độ hiệu quả của hoạt động kinh doanh chính yếu và nói chung là càng cao càng tốt.
6: Doanh thu hoạt động tài chính: Gồm các khoản doanh thu phát sinh từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp, như tiền lãi cho vay, tiền cổ tức nhận được từ đầu tư, tiền do thanh lí tài sản, tiền được nhận do chiết khẩu thanh toán trước hạn…vvv.
7: Chi phí tài chính: Gồm các khoản chi phí như lãi vay, giá vốn của khoản thanh lí…vv
Chú ý: Khoản mục 6 và 7 hay có sự đột biến rất thất thường và có ảnh hưởng kha khá tới lợi nhuận ròng của doanh nghiệp. Cần xem xét các khoản mục bất thường tới từ đâu và xem xét nó có tính bền vững hay không.
8: Chi phí bán hàng: Chi phí chi cho hoạt động bán hàng, quảng cáo,..vv
9: Chi phí quản lí doanh nghiệp: Các chi phí cho hoạt động quản lí hoạt động của doanh nghiệp.
10 = 5 + ( 6-7 ) – 8 – 9 : Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh: Lợi nhuận này đã tính sau khi trừ đi khoản chênh lệch do lãi vay. Nên để ý và so sánh lợi nhuận thuần và lợi nhuận gộp xem đột biến tới từ đâu.
11: Thu nhập khác: Thu nhập từ các khoản chuyển nhượng vốn góp, chuyển nhượng dự án, cho thuê tài sản…vv.
12: Chi phí khác: Không có gì hót lắm.
Chú ý: Nếu thấy đột biến khoản mục 11 và 12 so với kì trước, đào sâu và tìm lí do bằng được.
13 = 11 – 12: Lợi nhuận khác 
14: Lợi nhuận trước thuế: Đây là khoản mục lợi nhuận khi chưa tính thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác. Kkhông có gì khó hiểu cả.
15: Thuế: Tổng phần thuế phải nộp
16: Thuế thu nhập hoãn lại: Chênh lệch thuế giữa thuế tính theo các quy tắc kế toán và luật thuế. Cái này quá phức tạp, đòi hỏi có bàn tay kiểm toán viên để xem xét quy trình hạch toán. Nói chung là nó cũng không quá quan trọng và thường chiếm tỉ trọng cực ít. Nếu thấy nhiều cần xem xét xem có vấn đề gì không
17= 14 – 15 – 16: Lợi nhuận sau thuế: Đây là phần lợi nhuận cuối cùng của doanh nghiệp, là khoản lợi nhuận quan trọng nhất, sau khi đã trừ đi tất cả mọi chi phí. Khoản lợi nhuận này là cơ sở để tính rất nhiều các chỉ số quan trọng sau này như ROE, ROA, ROS…vv
18: Lãi cơ bản trên cổ phiếu: Đem lợi nhuận ròng chia đầu cổ phiếu ra là xong, đây chính là EPS trong kì.
19: Lãi suy giảm: Đem chia lợi nhuận ròng cho tổng số cổ phiếu sau khi dự kiến phát hành thêm (nếu có). Nhìn vào đây có thể tính toán được sự pha loãng EPS do tác động của việc phát hành thêm cổ phiếu.
Một số hạn chế của bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: 
-Bảng này rất dễ bị nặn theo các chế độ hạch toán kế toán của doanh nghiệp. Sau này tôi sẽ viết sâu hơn.
-Việc làm tăng giảm các số liệu doanh thu lợi nhuận thường không thể làm tăng giá trị thực, mà thường chỉ chuyển doanh thu lợi nhuận từ kì này sang kì khác cho những mục tiêu nhất định.
VD: Sắp lên sàn thì dồn lợi nhuận vào quý này cho nó đẹp mặt, rồi quý sau chịu thiệt tí cũng chẳng chết.
-Kết hợp với bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bảng cân đối kế toán để biết chất lượng doanh thu của doanh nghiệp.
VD: Doanh thu tăng 100 tỉ trong khi nợ phải thu khách hàng tăng 101 tỉ thì thua rồi. Đây là ông đi bán chịu cho nó dễ bán, bán chịu nhiều nhỡ có thằng bẩn tính không chịu trả là mình chết.
Tóm lại: Kết thúc phần này, mọi người cần nắm rõ kết cầu bảng kết quả hoạt động kinh doanh, đọc được thành thạo và hiểu tất cả các khoản mục trong đây. Bắt đầu hướng tới một vài nhận định sơ bộ và tìm hiểu thử những khoản mục tăng giảm bất thường so với các kì trước đó.
Phần 4: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một bảng báo cáo bị bỏ qua nhiều nhất, vì nó khó, rắc rối và một số người không biết nó thực sự hữu ích ở điểm nào.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì? Ngay cái tên đã cho chúng ta biết, đây là báo cáo trong đó thể hiện luồng tiền của doanh nghiệp. Nhưng đây là TIỀN THỰC TẾ ĐÃ THU VÀ CHI, là dạng tiền thanh khoản nhất, ta tạm gọi là tiền mặt, chú ý điểm này, tiền mặt cực kì quan trọng đối với doanh nghiệp.
Luồng tiền vào: Là luồng tiền ĐÃ thu vào của doanh nghiệp, các luồng tiền mà đi vào doanh nghiệp trong kì báo cáo được coi là luồng tiền vào, ví dụ thu từ bán hàng, từ thanh lí…vv.
Luồng tiền ra: Ngược lại với luồng tiền vào, nó là các khoản ĐÃ chi thực tế bằng tiền của doanh nghiệp.
Luồng tiền thuần: Chính là luồng tiền vào trừ đi luồng tiền ra. Doanh nghiệp có luồng tiền thuần dương là tốt.
Mỗi một công ty thường có 3 hoạt động chính là hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Tương ứng với đó ta cũng có 3 dòng tiền trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.
Có 2 phương pháp trực tiếp và gián tiếp khi lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong đó:
Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh: Áp dụng theo trực tiếp hoặc gián tiếp
Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư và tài chính: Chỉ áp dụng theo phương pháp trực tiếp.
Nguyên lí của phương pháp trực tiếp: Phương pháp trực tiếp rất dễ nhìn và dễ hiểu, đơn giản ta lấy các khoản mục thu từ hoạt động X trừ đi các khoản chi từ hoạt động X sẽ ra dòng tiền thuần từ hoạt động X. X ở đây là kinh doanh, đầu tư hoặc tài chính. Cái này rất dễ, nhìn phát hiểu ngay.
Nguyên lí phương pháp gián tiếp: Đây là phương pháp rất oái om nhưng lại thường được dùng hơn ở các doanh nghiệp. Nhìn nó rất khó hiểu, nó có nguyên lí là điều chỉnh lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp sao cho không ảnh hưởng bởi các hoạt động không chi tiền thực sự hoặc các hoạt động không phải là hoạt động kinh doanh.
– Bắt đầu với lợi nhuận trước thuế (LNTT), đây là khoản lợi nhuận quan trọng của doanh nghiệp. Lợi nhuận này là lợi nhuận sau khi đã tính hết được các phần thu chi trên sổ sách của doanh nghiệp.
– Cộng với các chi phí không chi tiền: Trong kì để tính ra LNTT ta đã trừ đi các khoản như khấu hao và dự phòng. Khấu hao và dự phòng không phải là 1 loại chi phí làm mất đi dòng tiền của doanh nghiệp, nó đơn giản được trừ đi như 1 loại chi phí, nhưng tiền thì lại vẫn ở trong doanh nghiệp. Như vậy, ta phải cộng 2 khoản này vào lợi nhuận trước thuế để tìm ra dòng tiền thực của doanh nghiệp.
– Cộng với giảm tài sản ngắn hạn: Giảm tài sản ngắn hạn ví dụ giảm phần nợ phải thu, giảm nợ phải thu thì đã có 1 dòng tiền vào doanh nghiệp. Ngược lại nếu tăng tài sản ngắn hạn ta phải trừ đi.
– Cộng với tăng nợ ngắn hạn: Nợ ngắn hạn tăng, ví dụ như ta chiếm dụng vốn làm tăng khoản phải trả người bán, đây thực tế cũng là 1 dòng tiền đã đi vào doanh nghiệp. Ngược lại nếu tăng nợ ngắn hạn ta lại đem trừ đi.
– Trừ đi lãi từ hoạt động đầu tư hoặc tài chính: là khoản lãi ta đã tính vào LNTT, tuy nhiên ở đây ta đang tính dòng tiền của hoạt động kinh doanh, nên lãi từ hoạt động đầu tư hoặc tài chính ta phải trừ đi cho khỏi ảnh hưởng tới dòng tiền của hoạt động kinh doanh. Nếu hoạt động đầu tư hoặc tài chính mà lỗ thì ta đem cộng vào, chỉ là phép đổi dấu thôi.
– Trừ đi các khoản tăng nợ ngắn hạn hay hay giảm tài sản ngắn hạn như bên trên.
– Trừ đi lãi vay đã trả.
– Cuối cùng, ta trừ đi phần thuế phải nộp vì lợi nhuận ở đây là trước thuế, tất nhiên không thể trốn thuế được.
Như vậy ta sẽ tìm được dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, ta đem cộng với dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính sẽ tìm ra dòng tiền thuần trong kì báo cáo.
Ta đem cộng dòng tiền thuần trong kì này với khoản tiền và tương đương tiền đầu kì sẽ tìm thấy khoản tiền và tương đương tiền cuối kì báo cáo. Doanh nghiệp cần có 1 lượng tiền và tương đương tiền đủ lớn để chi trả cho các hoạt động cần thiết của doanh nghiệp.
Tóm lại: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ tương đối rắc rối, đòi hỏi các bạn phải đọc kĩ nhiều lần, dò dẫm tìm ra mối liên quan của nó tới 2 bảng báo cáo còn lại. Đây là một bảng quan trọng và không nên bỏ qua khi đánh giá doanh nghiệp. Trong khi đọc, bắt đầu xem xét và suy đoán xem dòng tiền của doanh nghiệp như vậy là tốt hay xấu, tại sao dòng tiền này lại âm hoặc dương, nó đến chủ yếu từ khoản nào, nhận xét các khoản đột biến so với kì gốc xem kết quả ra sao và nhận xét tính chất của khoản đột biến này.
Như vậy ta đã đi xong 3 bảng số liệu quan trọng nhất của BCTC, phần sau sẽ là hướng dẫn đọc thuyết minh BCTC để có thể hiểu sâu hơn về các bảng số liệu này.
Phần 5: Các thủ thuật gian lận làm biến đổi doanh thu
Sau khi tìm hiểu được sơ lược về các bảng trong báo cáo tài chính, hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu với những chủ đề thú vị hơn, thực chiến hơn trong phân tích báo cáo tài chính. Hôm nay sẽ tìm hiểu về DOANH THU, CÁCH HẠCH TOÁN DOANH THU VÀ CÁC THỦ THUẬT LÀM BIẾN ĐỔI DOANH THU CỦA DOANH NGHIỆP.
Yêu cầu: Đọc hết 4 phần trước.
Doanh thu là khoản mục cực kì quan trọng trên báo cáo thứ 2 mà chúng ta đã tìm hiểu, ‘’Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh”. Doanh thu ở đây được chia ra làm 3 loại chính:
*Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ: Đây là khoản doanh thu chính yếu và quan trọng nhất của doanh nghiệp, là doanh thu tới từ mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi. Đo đó nó thường chiếm tỉ trọng cao nhất trong các nguồn thu vào của doanh nghiệp.
*Doanh thu hoạt động tài chính: Đây là khoản doanh thu phát sinh từ các hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Bao gồm:
-Lãi cho vay, lãi ngân hàng, lãi thanh toán trả chậm của khách hàng, chiết khấu thanh toán khi mua hàng hóa,
-Cổ tức, lợi nhuận được chia.
-Tiền chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng vốn góp công ty con, công ty liên kết…vv
-Lãi do chênh lệch tỉ giá hối đoái.
-Vài loại khác
 
*Doanh thu khác: Là khoản doanh thu thường chiếm phần nhỏ nhất trong 3 loại doanh thu, bao gồm các hoạt động như:
-Thanh lí nhượng bán các tài sản cố định, máy móc,…vv
-Tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng
-Các khoản thuế được miễn giảm vì lí do nào đó
-Tiền nợ tự nhiên không phải trả vì lí do gì đó, hoặc tiền nợ xấu đã xóa sổ trước đó nay tự nhiên bên nợ mình lại có tiền trả.
-Tóm lại, doanh thu khác bao gồm những khoản mục thu nhập lặt vặt mà không thuộc 2 loại trên, tức không phải từ bán hàng hóa hoặc các vấn đề liên quan tới tài chính…
Kết cấu 3 khoản thu nhập này là điều quan trọng quyết định mức độ lành mạnh của báo cáo tài chính. Doanh thu chủ yếu phải đến từ hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp, thường là doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, trừ 1 số trường hợp đặc biệt của các tổ chức tín dụng hoặc công ty tài chính …
Nếu thấy nhiều năm liền, doanh thu từ các hoạt động tài chính hoặc doanh thu khác chiếm phần lớn tổng doanh thu, các bác nên xem xét và bóc tách kĩ trường hợp này. Vì doanh thu từ các hoạt động tài chính hoặc doanh thu khác là những khoản doanh thu không bền vững, và không phải lúc nào cũng có, nên khi tính toán EPS cho định giá, cần phân bổ phần lợi nhuận tới từ các hoạt động này ra cho nhiều kì.
Ví dụ, 1 công ty có mức lợi nhuận tài chính cực kì cao do bán công ty con. Sau khi bán thì doanh thu từ hoạt động chính sụt giảm mạnh. Câu hỏi nên đặt ra ở đây là công ty con đem đi bán này có tốt không, và tại sao lại phải bán khi công ty con đang tốt.
Tiếp tục, chúng ta sẽ đi tới nguyên tắc hạch toán doanh thu. Tùy vào chế độ kế toán công ty áp dụng mà có cách hạch toán khác nhau, tuy nhiên ở đây tôi chỉ nói tới cách hạch toán doanh thu theo chế độ kế toán dồn tích, đây là chế độ kế toán được áp dụng phổ biến nhất. Các bác chỉ cần biết loại này thôi. Quy tắc như sau:
Doanh thu được ghi nhận khi bên bán đã giao hàng hoặc thực hiện xong dịch vụ, bên mua đã nhận hàng và chấp nhận thanh toán, xuất hóa đơn cho bên bán. Chấp nhận thanh toán ở đây có nghĩa là đồng ý với chất lượng của hàng hóa và dịch vụ này và sẽ chi tiền, nhưng có thể không trả ngay lập tức mà sẽ nợ tới 1 lúc nào đó sẽ trả.
Một điều chúng ta cần hiểu về doanh thu, doanh thu của doanh nghiệp bằng nhu cầu của khách hàng. Do vậy xét trên một khung thời gian nhỏ, nhu cầu của khách hàng không thay đổi quá nhiều, do vậy phần tăng thêm hoặc giảm đi của doanh thu từ các chiêu trò kế toán thực ra là lấy cắp doanh thu từ tương lai hoặc quá khứ để đắp vào. Hoàn toàn không tạo ra thêm doanh thu mới từ các hoạt động kế toán.
CÁC THỦ THUẬT LÀM BIẾN ĐỔI DOANH THU 
Do chế độ kế toán hiện hành cho phép doanh thu được ghi nhận một cách khá linh hoạt, nhiều công ty đã lợi dụng điều này để thổi phồng doanh thu, nhằm làm đẹp báo cáo tài chính. Sau đây là một số thủ thuật hay được các công ty áp dụng.
1, Tạo nghiệp vụ ảo 
Nghiệp vụ này xảy ra khi doanh nghiệp tự mình tạo ra nghiệp vụ, làm khống giấy tờ, hóa đơn để ghi nhận doanh thu. Cái này rất khó để nhà đầu tư cá nhân phát hiện ra được.
2, Giao dịch với các bên liên quan 
Thủ thuật này cũng thường xuyên được áp dụng, công ty A sẽ bán hàng cho công ty B ( thực chất là công ty liên quan tới công ty A), bán với giá cao hơn và khối lượng nhiều hơn cần thiết. Đẩy khoản lỗ về công ty B trong 1 thời gian nhất định để làm đẹp báo cáo của công ty A. Những hoạt động này rất hay không thu tiền mà cho nợ. Do đó xem kĩ khoản mục phải thu của khách hàng, đọc thuyết minh xem phải thu của công ty nào, có dấu hiệu liên quan gì tới công ty A không.
3, Bán và giữ 
Bên bán A sẽ thỏa thuận với khách hàng của mình một nghiệp vụ bán hàng. Tuy nhiên hàng thì vẫn ở trong kho của A chưa giao. Thực chất đây là 1 nghiệp vụ ăn cắp doanh thu từ tương lai, vì nhu cầu của bên khách hàng kia là chưa thay đổi nhiều, họ ghi nhận mua bây giờ thì sau này họ sẽ không mua nữa. Doanh nghiệp sẽ ghi nhận được doanh thu tăng lên trong 1 thời gian nhất định để làm đẹp cho mục tiêu nào đó, nhưng tương lai thì lãnh đủ vì doanh thu đã bị ăn cắp mất.
4, Doanh thu xác định theo ước tính công việc hoàn thành 
Điển hình nhất là các doanh nghiệp xây dựng, ví dụ tổng doanh thu của dự án A là 1000, sẽ được ghi nhận từng phần một theo tiến độ hoàn thành dự án vào doanh thu của công ty thi công, tuy nhiên tiến độ là 1 thứ rất khó xác định chính xác, làm sao biết được 1 dự án hàng trăm hạng mục đã hoàn thành được chính xác bao nhiêu %. Lợi dụng điểm này, 1 số doanh nghiệp đã cố tình ghi nhận doanh thu nhanh hơn công việc được hoàn thành. Ăn cắp 1 phần của tương lai.
5, Nhận rồi trả 
Cuối năm, do áp lực hoàn thành chỉ tiêu, công ty có thể thỏa thuận với khách hàng, nhờ họ mua nhiều hàng hơn bình thường. Sau khi hết kì kế toán, ví dụ đầu năm sau, công ty bên mua sẽ đem trả lại số hàng này, số hàng này được ghi nhận ở khoản giảm trừ doanh thu của quý đầu năm. Đây thực chất cũng chính là lấy cắp 1 phần doanh thu của quý đầu năm sau sang quý cuối năm trước để làm đẹp. Công ty nào có các khoản giảm trừ doanh thu lớn bất thường nên xem xét.
6, Tăng doanh thu nhờ chính sách giá hoặc tín dụng 
Để khuếch đại doanh thu cuối năm, doanh nghiệp đơn giản có thể thông báo rằng quý 1 năm sau sẽ tăng giá bán. Khách hàng thấy vậy lập tức mua nhiều hơn vào cuối năm nay để có giá rẻ. Vậy là doanh thu được đẩy lên cao. Vẫn là trò ăn cắp từ tương lai. Không có gì đặc biệt.
Chính sách tín dụng thì áp dụng linh hoạt hơn, ví dụ công ty cho bên mua nợ dài ngày hơn, tự nhiên bên mua họ được chiếm dụng vốn nhiều hơn, sẽ đẩy mạnh mua hàng.Tuy nhiên điều này làm ảnh hưởng tới các chỉ số tài chính của doanh nghiệp.Làm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thiếu lành mạnh.
Nhìn khoản mục nợ phải thu khách hàng, nếu thấy tăng nhanh bất thường, nhanh hơn cả doanh thu. Chắc chắn doanh nghiệp áp dụng trò này.
 
7, Ghi nhận sai kì kế toán. 
Đây là việc doanh nghiệp cố tình ghi nhận trước hay sau thời gian phát sinh một nghiệp vụ bán hàng. Nhằm để dành hoặc ăn trước doanh thu.
Trên đây là 1 số trò gian lận làm tăng doanh thu phổ biến, tuy dễ hiểu nhưng không dễ để nhận ra. Hãy đọc kĩ, lựa chọn kĩ ban lãnh đạo tốt, xác xuất họ lừa cổ đông sẽ giảm đi được đôi phần.
Nguồn: duyviet90.blogspot.com

Tags: