Tiếp theo của bài phân tích về cán cân thanh toán, hôm nay mình tiếp tục đi sâu hơn về phân tích các chỉ tiêu cán cân thanh toán và dùng cán cân thanh toán dự báo cung tiền, dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
1. Hiểu sâu hơn về các chỉ tiêu trong cán cân thanh toán
Các nội dung cơ bản các bạn có thể đọc thêm tại đây (https://vfin.vn/hieu-ve-can-can-thanh-toan-cua-viet-nam/), trong phần này mình sẽ nói chi tiết và sâu hơn về các chỉ tiêu để các bạn hiểu hơn và có thể phân tích được.
Cán cân vãng lai
- Cán cân vãng lai ghi nhận những giao dịch về hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng. Ngoài ra còn bao gồm cả các dòng tiền nhận viện trợ, kiều hối…
- Cán cân vãng lai có tính chất một chiều, nghĩa là sau khi kết thúc giao dịch thì dòng tiền kết thúc mà không có nghĩa vụ đối ứng. Ví dụ, bán hàng hóa xong là thu tiền về, chứ không có trách nhiệm hoàn trả lại tiền trong tương lai.
- Việc ghi nhận cán cân vãng lai chỉ được thực hiện khi có sự thay đổi quyền sở hữu. Ví dụ, hàng hóa đã được chuyển giao qua người nhập khẩu.
- Cán cân vãng lai gồm: Hàng hóa ròng (Xuất khẩu theo FOB – Nhập khẩu theo FOB); Dịch vụ ròng (Xuất khẩu – Nhập khẩu); Thu nhập sơ cấp ròng (Thu – Chi), thường là thu nhập từ đầu tư; Thu nhập thứ cấp ròng (Thu – Chi), thường là thu nhập từ kiều hối. Chú ý ở đây là số xuất khẩu và nhập khẩu ghi trên cán cân thanh toán ghi theo số FOB, sẽ khác với số của Hải quan ghi theo CIF.
- Đối với các doanh nghiệp FDI của Việt Nam, khi xuất khẩu thì cũng được tính vào cán cân vãng lai của Việt Nam, nhưng ngoại tệ họ thu được sẽ chuyển về nước sẽ được hạch toán vào cán cân tài chính (khoản đầu tư khác ròng, vay nợ hoặc khoản tiền gửi).
- Khi doanh nghiệp xuất khẩu thì tiền thu được bắt buộc phải chuyển về nước trong vòng 45 ngày kể từ khi đến hạn thanh toán. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn gia hạn thì phải được phép của NHNN chấp thuận và thuộc hai trường hợp sau: tiền để lại dùng để nhập khẩu hàng hóa hoặc dùng để trả nợ. Tuy nhiên, thông thường các doanh nghiệp khi xuất khẩu sẽ kỳ hợp đồng L/C (thanh toán trả chậm) nên rất khó kiểm soát được thời gian dòng tiền về. Đây cũng là một cách để doanh nghiệp lách giữ lại ngoại tệ lâu hơn nếu như diễn biến VND được dự báo mất giá mạnh trong thời gian sau khi họ bán hàng.
- Kiều hối chuyển tiền về nước được ghi nhận vào cán cân vãng lai và chiếm tỷ trọng không nhỏ, hàng năm có thể lền đến 12-13 tỷ USD. Theo quy định thì kiều hối về có thể được gửi vào tiết kiệm, rút tiền mặt, gửi vào tài khoản thanh toán, bán lại cho ngân hàng…nghĩa là không bắt buộc phải chuyển đổi. Do đó, nguồn tiền này có thể được tuồn ra chợ đen và rất khó kiểm soát.
Cán cân vốn
- Cán cân vốn ghi lại những giao dịch về tài sản thực và tài sản chính, mang tính chất đầu tư. Các cân vốn luôn có tính chất hai chiều, nghĩa là một khoản tiền vào sẽ được chuyển ra trong một thời gian trong tương lai và ngược lại.
- Cán cân vốn gồm các khoản mục chính như: đầu tư trực tiếp (FDI); đầu tư gián tiếp (FII); Vay nợ nước ngoài; Tiền và tiền gửi;
- Chính phủ phát hành trái phiếu cho nước ngoài thì được tính vào đầu tư gián tiếp, mặc dù bản chất nó là vay nợ. Lý do, trái phiếu chính phủ có thể được giao dịch mua đi bán lại, nó tương tự tính chất của hoạt động đầu tư vốn.
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là cấu phần rất quan trọng của Việt Nam, hàng năm chiếm tỷ trọng rất lớn, cao hơn nhiều so với đầu tư gián tiếp. FDI được phân thành đăng kỳ và giải ngân, trong đó cấu phần quan trọng nhất là đầu tư vốn cổ phần, vốn vay và một phần từ lợi nhuận tái đầu tư. Đặc điểm của FDI thường có chiến lược vốn mỏng, nghĩa là họ sẽ đầu tư vốn chủ vào Việt Nam rất thấp, phần còn lại sẽ là vốn vay từ công ty mẹ nhằm giảm lợi nhuận và từ đó đóng thuế thấp.
- FDI được hạch toán trên cán cân thanh toán thường chỉ bằng 80% số giải ngân được công bố theo số của Bộ Kế hoach và Đầu tư. Lý do là số trên CCTT là số nước ngoài chuyển tiền đầu tư, còn số mà Bộ KH&ĐT đưa ra là bao gồm 80% là số họ đưa vào đầu tư + 20% số vốn đối ứng của Việt Nam (góp đất đai, thương hiệu,….);
- Đầu tư gián tiếp (FII) được tính dựa trên tổng giá trị mua/bán ròng của Nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp và Chính phủ. Khi các quỹ đầu tư bán ròng mà họ chưa rút tiền về nước thì nó nằm trên mục tiền gửi của họ, cho tới khi nào họ rút về nước mới tính vào FII.
- Vay và trả nợ nước ngoài: Đối với khu vực Nhà nước gồm vay của Chính phủ và vay của Chính phủ bảo lãnh, nhưng gần đây thì phần Chính phủ bảo lãnh giảm mạnh; Đối với khu vực tư nhân thì hoạt động vay nợ nước ngoài ngày càng lớn, nên tác động lên tỷ giá khá nhiều và ngược lại.
- Tiền và tiền gửi: Vay nợ của các TCTD được tính vào tiền và tiền gửi và khi các tổ chức tín dụng thấy điều kiện thuận lợi họ sẽ thực hiện kinh doanh vốn này rất nhiều. Ví dụ, trong năm 2023, khi điều kiện không thuận lợi thì các TCTD trả nợ rất nhiều làm cho ngoại tệ ra khá lớn.
Lỗi và sai sót
- Theo lý thuyết thì lỗi và sai sót phát sinh trong quá trình ghi nhận, thu thập và tổng hợp dữ liệu. Lỗi và sai sót được tính ngược bằng cách lấy cán cân thanh toán tổng thể trừ đi cán cân vãng lai và cán cân vốn & tài chính.
- Trước và trong các cú sốc lớn thì lỗi và sai sót thường cao bất thường, điều này thể hiện rất nhiều khoản tiền được dịch chuyển vào các khu vực rất khó thống kê.
Cán cân thanh toán tổng thể
- Cán cân tổng thể dùng để phản ánh toàn bộ giao dịch kinh tế ròng của người cư trú và không cư trú trong kì, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ, các khoản đầu tư dài hạn, các khoản đầu tư ngắn hạn, các khoản viện trợ không hoàn lại cho mục đích đầu tư, các khoản viện trợ được xóa…
- Các tính đơn giản nhất CCTT tổng thể = thay đổi dự trữ kỳ này – kỳ trước.
2. Phân tích dự trữ ngoại hối từ cán cân thanh toán tổng thể
Cán cân thanh toán là một trong những phương pháp được áp dụng chính trong dự báo tỷ giá. Lý do là thay đổi trong dự trữ ngoại tệ một năm gần bằng với thay đổi trong can cân thanh toán tổng thể và gần bằng số dự trữ mà NHNN mua cộng với thay đổi tiền gửi ngoại tệ của TCTD tại NHNN.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam bao gồm quỹ bình ổn vàng và tỷ giá, có tỷ trọng nhỏ; nắm giữ ngoại tệ và vàng; còn lại là tiền gửi bao gồm không kỳ hạn, trái phiếu Chính phủ Mỹ, tiền USD, AUD…và hàng năm cũng thu được khoảng lãi từ 1-2 tỷ USD từ các khoản tiền gửi này.
Việc quản lý dự trữ ngoại hối của Việt Nam tuân thủ theo hướng dẫn của IMF, tức là theo tiêu chí >= 3 tháng nhập khẩu (năm trước đó). Tuy nhiên, hàng hóa gia công cần được tách ra khỏi chỉ tiêu nhập khẩu, vì theo tính chất nhập khẩu hàng hóa là phải chuyển giao sở hữu, nhưng trường hợp này thì không.
Do đó, nhìn vào các biến động thành phần trong cán cân thanh toán sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể để dự báo thành phần đang tác động lên tỷ giá.
Nguồn: Lão Trịnh