Các cáo buộc của các bên đang làm cho xung đột giữa Nga và Ukraina ngày càng trở nên căng thẳng, liệu có xảy ra một cuộc chiến quân sự hay không và ai là người có lợi nhất trong xung đột này đứng ở góc độ kinh tế sẽ được tôi thảo luận trong bài viết này. Hi vọng, quan điểm dưới đây sẽ giúp cho mọi người có thêm góc nhìn về khả năng xảy ra chiến tranh, cũng nhưng có những tính toán về mặt đầu tư cho các kịch bản có thể xảy ra.
1. Nguyên nhân xung đột nhìn từ góc độ chính trị và kinh tế
Sau khi Chính phủ mới của Ukraina lên có xu hướng thân phương Tây, Nga liền tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Xung đột Nga và Ukraina diễn ra và đã được giải quyết tạm thời bằng Thỏa thuận hòa bình Minsk ký năm 2015 bởi các bên Pháp, Đức, Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, Ukraina từ lâu đã chỉ trích Thỏa thuận hòa bình Minsk, họ tuyên bố sẽ chỉ ủng hộ thỏa thuận nếu nó được tái cấu trúc, và trong lúc này thì Phương Tây (dẫn đầu là Mỹ) liên tục lôi kéo Ukraina ra nhập khối này. Việc NATO lôi kéo và ngày càng tiến gần hơn về gần lãnh thổ Nga khiến cho họ cảm thấy bị đe dọa, Nga buộc NATO phải cam kết các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, sẽ không bao giờ gia nhập liên minh quân sự NATO và dĩ nhiên Mỹ không chấp nhận rồi.
Nhưng tại sao câu chuyện này lại trở nên nóng vào lúc này, thì chúng ta đều hiểu vấn đề của mọi xung đột thì đằng sau vẫn là lợi ích kinh tế. Nguyên nhân là Nga vừa hoàn thành dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) dài 1,234 km (765-mile) vào tháng 10/2021, trị giá 11 tỷ USD được đầu tư bởi tập đoàn Gazprom. Dự án này có khả năng vận chuyển 55 tỷ m3 khí (1.9 trillion cubic feet) qua Châu Âu mà không cần phải đi qua các nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraina và Ba Lan (không còn thân Nga).
2. Người hưởng lợi và thiệt hại là ai?
Tất cả lợi ích hay thiệt hại đều chỉ được đo lường chính xác nhất khi nó kết thúc và xác định rõ được bên thắng cuộc, nhưng trong quá trình đấu “võ mồm” thì cơ bản những quốc gia tham ra trực tiếp là bị thiệt hại, còn các quốc gia gián tiếp là có nước lợi và nước bị thiệt.
Mỹ là bên có lợi nhất trong cuộc xung đột này ở cả góc độ kinh tế, chính trị và quân sự:
– Về góc độ chính trị và quân sự thì để mấy chuyên gia thuộc lĩnh vực này giải thích thêm, nhưng nói chung là Mỹ muốn thế giới thấy sức mạnh của anh Cả. Họ cung cấp vũ khí cho các quốc gia có mâu thuẫn với Nga để kiềm chế sức mạnh của Nga và đồng thời trừng phạt Nga khiến cho nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng hơn, tạo vùng đệm an toàn cho sức mạnh của Mỹ.
Ngoài ra, việc mở rộng vùng ảnh hưởng của NATO cũng như đảm bảo một vùng đệm vững chắc cho lợi ích của Mỹ về mặt kinh tế và chính trị sau này. Và việc Nga yếu đi có thể giúp Mỹ yên tâm hơn trong quá trình kiềm chế Trung Quốc trong tương lai mà không lo bị Nga đâm thọc sau lưng.
– Về kinh tế thì ngăn cản dự án dẫn khí của Nga, và tranh thủ cho các doanh nghiệp Mỹ bán dầu khí qua khu vực này.
Sau cách mạng đá phiến, hàng tỷ USD đã được đổ vào đầu tư khiến sản lượng dầu và khí của Mỹ tăng rất nhanh và trở thành nước có sản lượng dầu và khí lớn nhất Thế giới, trong đó sản lượng sản xuất khí đốt của Mỹ đạt số 1 kể từ những năm 2011. Mỹ cũng trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất Thế giới vào tháng 12/2021, trên mức sản lượng của Quatar (mức vượt không quá lớn có thể bị Quatar vượt lại, nhưng nói chung ở số 1 hoặc 2).
Xuất khẩu khí của Mỹ hiện nay khoảng 1/2 sản lượng qua Châu Á và khoảng 1/3 là qua Châu Âu. Và hiện nay chúng ta thấy xung đột giữa Nga và Ukraina đã tạo ra một cuộc khủng hoảng năng lượng, các tàu chở LNG của Mỹ đã ra tăng số lượng trong thập kỷ gần đây đã liên tục chở những chuyển tàu tăng cường cho khu vực EU với giá bán cao ngút.
– Vậy câu hỏi đặt ra là xung đột này nên được kéo dài và đẩy lên mức độ cao hơn nay chỉ nên “võ mồm” thì có lợi hơn cho Mỹ?
Việc bán dầu khí khi giá tăng cao trong khi Mỹ là quốc gia có sản lượng số 1-2 thế giới về dầu và khí thì chắc chắn giới tư bản dầu khí là hưởng lợi nhất, việc giá cao và sản lượng vẫn cao sẽ kéo dài cho tới khi mùa đông qua đi, ít nhất cũng phải cỡ sau tháng 3/2022 (lợi ích phải đến từ cả giá và sản lượng mới là đáng kể). Việc kéo dài xung đột có thể mang lại lợi ích nhiều hơn nhưng để ngăn cản dự án Nord Stream 2 thì khó lòng mà chỉ đấu “võ mồm” được, và rất khó để ngăn cản dự án này nếu không tính đến phương án quân sự.
Xét thêm về lợi ích quân sự thì việc bán vũ khí cho các nước Ukraina và những vùng lần cận lại mang thêm lợi ích kinh tế về cho Mỹ, nhưng nếu một xung đột xảy ra ở quy mô lớn chắc chắn sẽ khiến cho Mỹ phải tham gia trực tiếp hơn và lúc đó lợi ích về quân sự lại trở nên không rõ ràng. Điều tốt nhất trong trường hợp này là nên kích động một cuộc xung đột quy ước ở quy mô vừa tại các tỉnh giáp biên giới với Nga sẽ khiến cho tình hình không trở nên căng thẳng và lợi ích đạt được là thấy rõ hơn về kinh tế và quân sự.
Về mặt chính trị thì xu hướng xoay trục qua Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ đang diễn ra, và việc gây một cuộc khủng hoảng lớn với một nước Nga có ít mối nguy hại với Mỹ là không cần thiết. Nếu điều này xảy ra thì Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ và điều này sẽ khiến giới tinh hoa không hài lòng chút nào.
Kết luận của tác giả là một cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa Nga và Ukraina là khó lòng xảy ra, nhưng một cuộc chiến quy ước ở quy mô xung đột giữa một lực lượng thân Nga và Chính phủ Ukraina ở các tỉnh miền Đông Ukraina là rất cao.
Anh và Úc sẽ ủng hộ Mỹ hết mình?
Úc là một trong những quốc gia có lợi nếu đấu võ mồm cùng với Mỹ vì họ cũng có lợi ích về khí xuất khẩu, trong khi đó Anh là quốc gia có quan hệ chính trị mật thiết với Mỹ truyền thống. Ngoài ra, Anh ít bị ảnh hưởng bởi khí đốt của Nga hơn các nước Châu Âu khác, và giới lãnh đạo Anh hiện nay cũng có những lợi ích chính trị riêng từ xung đột này.
Các nước Châu Âu còn lại và Nga đều bị ảnh hưởng thiệt hại?
Nhìn thấy rõ là trừ những ông hưởng lợi ở trên thì phần lớn còn lại là bị hại, trong đó các nước Châu Âu như Pháp, Đức, Ba Lan, Ukraina… là bị ảnh hưởng thấy rõ vì giá khí đốt tăng cao trong khi không thể giảm mua trong giai đoạn mùa Đông này.
Nga được hưởng lợi từ giá dầu và khí tăng nhưng phải đánh đổi bằng những can thiệp quân sự và chính trị vô cớ từ sự ảnh hưởng của NATO.
Các quốc gia nhập khẩu dầu khí như Trung Quốc, Nhật, Hàn, Ấn Độ…. đều bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng này.
3. Tác động của xung đột Nga-Ukraina tới TTCK Việt Nam?
Như phân tích ở trên, chúng ta nghiêng về hai kịch bản xác suất cao là các bên chỉ đấu “võ mồm” hoặc là có xung đột quy ước ở quy mô vừa phải tại các tỉnh miền Đông Ukraina. Trong trường hợp nào thì việc kéo dài xung đột cũng sẽ neo giá dầu ở mức cao cho tới khi mùa đông qua đi hoặc xung đột hạ nhiệt, cá nhân dự báo sau giữa tháng 4/2022 trở đi là hạ nhiệt.
Vậy trong trường hợp xấu ở trên, có xung đột quy ước thì giá dầu có thể quanh 90-100$ hoặc hơn chút và giá khí neo ở mức cao, ảnh hưởng sự kiện này tới TTCK cơ bản sẽ không đáng kể nếu căn cứ theo những gì đã xảy ra tương tự vào tháng 2-3/2014 khi Nga sáp nhập Crimea.
VNINDEX và Oil và tháng 2-3/2014 khi Nga sáp nhập Crimea
Tuy nhiên, NĐT cũng cần chú ý mối lo không nằm ở vấn đề Nga và Ukraina mà nằm ở các vấn đề khác như việc tăng lãi suất của FED, Trung Quốc có thể tranh thủ tìm cớ gia tăng căng thẳng ở Biển Đông (như đã làm hồi tháng 4/2014) hoặc căng thẳng với Đài Loan.
Nguồn: Lão Trịnh