Chứng khoán hóa các sản phẩm tài chính?

Chứng khoán hóa (Securitization) là nghiệp vụ phát hành những công cụ tài chính (financial instruments) mới bằng cách kết hợp các tài sản tài chính khác lại với nhau (“đóng gói” chúng lại rồi chia nhỏ ra), sau đó bán những sản phẩm này cho các nhà đầu tư. Quá trình có thể bao gồm bất cứ loại tài sản tài chính và thúc đẩy tính thanh khoản trên thị trường.

Các sản phẩm chứng khoán hóa thông dụng

– Trái phiếu được chứng khoán hóa từ các khoản vay thế chấp bất động sản (Mortgage backed securities – MBS): là loại chứng khoán được tạo ra từ việc tập hợp (“đóng gói”) các khoản vay được đảm bảo bằng tài sản thế chấp lại (thông thường là bất động sản) hình thành nên một khoản nợ với giá trị lớn (a pool of mortgages) và chia nhỏ khoản nợ này thành những phần nhỏ bằng nhau (shares or participation certificates in pool).

– Trái phiếu được chứng khoán hóa từ các khoản vay tài sản (Asset-Backed Securities – ABS): là loại chứng khoán được đảm bảo bởi giá trị của một số lượng các khoản vay hay các khoản phải thu gộp lại (a pool of loans or receivables). Đây là một công cụ có thu nhập cố định và nguồn thu cũng dựa trên nguồn thu dự kiến từ tài sản cơ sở (các khoản vay hay các khoản phải thu đó).

– Trái phiếu được chứng khoán hóa từ các nghĩa vụ nợ có đảm bảo (CDOs): là một sản phẩm có lợi suất cố định, là một phần của thị trường giao dịch các chứng khoán đảm bảo bằng các tài sản.

Nếu hàng hóa cơ sở của các trái phiếu CDOs bao gồm các loại trái phiếu (trái phiếu công ty, trái phiếu ở thị trường mới nổi) thì trái phiếu CDOs còn được gọi theo thuật ngữ tiếng Anh là collateralized bond obligation (CBO). Khi hàng hóa cơ sở của trái phiếu CDOs gồm các khoản vay ngân hàng trái phiếu CDOs được gọi theo thuật ngữ tiếng Anh là collateralized loan obligation (CLO).

Công cụ để xử lý bài toán trái phiếu phát hành riêng lẻ tại Việt Nam?

Theo dự kiến thì Nghị định 153/2020/NĐ-CP sẽ được sửa đổi, bổ sung để hạn chế đối tượng nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư vào trái phiếu phát hành riêng lẻ. Theo đó, ngoài các trường hợp khác thì riêng điều kiện đối tượng mua là nhà đầu tư cá nhân có giá trị chứng khoán >=2 tỷ đồng theo Luật Chứng khoán bị kèm thêm yêu cầu là tính theo giá trị bình quân theo ngày trong vòng 6 tháng liền kề. Như vậy, gần như đối tượng NĐT cá nhân sẽ rất khó tiếp cận được với trái phiếu riêng lẻ, còn một số ít tiếp cận đủ tiêu chuẩn này thì họ đã “chuyên nghiệp hơn” cả nhà đầu tư chuyên nghiệp theo các điều kiện khác.

Vậy thì chứng khoán hóa có thể là một lựa chọn cho các doanh nghiệp khi muốn tìm đầu ra cho kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ này, cụ thể:

1. Một công ty đủ điều kiện phát hành các sản phẩm đại chúng và là nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp sẽ thực hiện thu mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

2. Trái phiếu riêng lẻ được mua về sẽ được đóng gói làm tài sản thế chấp (hơi giống sản phẩm CDOs ở trên) khi phát hành trái phiếu ra công chúng và như vậy sẽ thỏa mãn điều kiện mục đích đầu tư khi xin ý kiến của ĐHCĐ, hoặc vẫn còn một cách khác tương tự.

3. Công ty sẽ tiếp tục dùng tiền chứng khoán hóa đó đi đầu tư tiếp để đa dạng gói sản phẩm hoặc đầu tư vào các dự án khác. Nếu doanh nghiệp nào đó tập trung làm điều này thì với quy mô thị trường hiện tại họ có thể tăng quy mô tài sản đầu tư của mình lên rất lớn.

Ưu điểm và rủi ro của việc sử dụng các sản phẩm chứng khoán hóa?

Lợi ích

+ Chứng khoán hóa giúp cho dòng vốn được luân chuyển liên tục, giúp cung ứng vốn kịp thời cho các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là những chủ sở hữu ban đầu của các tài sản cơ sở (các khoản vay).

+ Chứng khoán hóa giúp những người cho vay có thể thu hồi được vốn sớm hơn, nên giúp họ giảm thiểu chi phí, tăng khả năng sinh lời trong tương lai khi sớm tái đầu tư. Mặt khác, nhà đầu tư sở hữu công cụ chứng khoán hóa được hưởng cả lãi và gốc chia đều định kì hàng tháng nên thu hồi vốn nhanh hơn so với việc sở hữu trái phiếu coupon chẳng hạn thì định kì 6 tháng hoặc 1 năm chỉ được hưởng phần lãi phát sinh, đến kì trả lãi cuối mới được nhận phần lãi kì cuối và nợ gốc.

+ Chứng khoán hóa tạo thêm nhiều loại chứng khoán mới cung ứng cho thị trường tài chính, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư, làm tăng tính thanh khoản cho thị trường tài chính, giúp các chủ thể phát hành các khoản nợ có cơ hội huy động những nguồn vốn mới.

+ Quá trình thực hiện chứng khoán hóa chính là quá trình hoán chuyển và chia sẻ rủi ro mà theo đó, rủi ro ban đầu của chủ thể cho vay này sẽ được phân tán cho các chủ thể tham gia trong quá trình chứng khoán hóa. Do đó, chứng khoán hóa giúp giảm thiểu rủi ro các khoản nợ, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng.

+ Với người sở hữu các công cụ chứng khoán hóa này, rủi ro thanh toán cũng được giảm thiểu do có sự tham gia của người quản lí các khoản nợ (the asset manager), chủ thể đặc biệt và tổ chức xếp hạng tín nhiệm (rating agencies) tư vấn tái cấu trúc các dòng tiền và có thể nâng cao mức xếp hạng tín nhiệm của các công cụ chứng khoán hóa này so với mức xếp hạng cũ của các khoản nợ gốc.

+ Vì các chủ sở hữu ban đầu của những khoản nợ đã sớm “bán” các khoản nợ này cho chủ thể đặc biệt làm cho thông tin thể hiện trên báo cáo tài chính của họ cũng tốt hơn, đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về hệ số nợ, hệ số an toàn vốn trong hoạt động kinh doanh.

Rủi ro

– Với các khoản nợ được thanh toán lãi và gốc định kì hàng tháng, người đi vay vẫn có quyền được trả trước một phần nợ gốc hoặc toàn bộ nợ gốc; do đó, thời hạn của các khoản nợ bị rút ngắn lại, làm cho lãi tính trên dư nợ của tháng tiếp theo có thể thấp hơn dẫn đến rủi ro trả trước (prepayment risk) đối với người sở hữu khoản nợ đó, tạo ra tính không chắc chắn của dòng thu nhập trong tương lai.

– Vì khoản nợ được chuyển hóa qua nhiều công đoạn, có thể dẫn đến sự vỡ nợ dây chuyền của những chủ thể có liên quan nếu như người đi vay không thanh toán được các khoản nợ gốc và lãi định kì.

Bài học từ Mỹ và lời cảnh tỉnh về nguy cơ với Việt Nam?

– Thứ nhất, một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng 2007-2008 của Mỹ là hoạt động chứng khoán hóa các sản phẩm nợ của các NHTM. Thông qua nghiệp vụ chứng khoán hóa, các NHTM cho vay bất động sản đã có thể chuyển rủi ro của hoạt động này sang cho tổ chức khác (tổ chức thực hiện chứng khoán hoá các khoản nợ bất động sản). Chính điều này đã kích thích các NHTM mở rộng và tăng trưởng tín dụng bất động sản quá mức và rủi ro xuất hiện mang tính tất yếu khi thị trường bất động sản biến động và khủng hoảng.

– Thứ hai, thị trường BĐS Mỹ cũng có một thời gian phát triển rất dài và ổn định, điều đang xảy ra tương tự như ở Việt Nam (khi mà người người chỉ luôn nghĩ rằng BĐS sẽ tăng giá với hiệu suất cao hơn các kênh đầu tư khác nên có tiền là mua đất). Điều này dẫn đến tình trạng hoạt động cho vay BĐS đã dần giảm đi chất lượng với những khoản tín dụng không được tôn trọng đầy đủ nguyên tắc và quy định.

Khủng hoảng tín dụng bất động sản dẫn tới nhiều định chế tài chính trung gian như: các NHTM; các tổ chức tài chính lớn; các công ty chứng khoán hoá…tại Mỹ gặp phải vấn đề về thanh khoản; kinh doanh thua lỗ xuất phát từ chính việc xem nhẹ hoạt động cho vay và qúa “tự tin” vào sự phát triển của thị trường bất động sản (thị trường bất động sản của Mỹ liên tục tăng trưởng tốt trong một thời gian dài). Hậu quả là khi thị trường điều chỉnh mạnh, các khoản cho vay bất động sản bắt đầu phát sinh nợ xấu, và tạo ra hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống tài chính của Mỹ.

Điều này cũng đã xảy ra với Việt Nam trong giai đoạn 2008-2011, tuy nhiên mức độ chứng khoán hóa các khoản cho vay BĐS vào thời gian này chưa nhiều, nên hậu quả chỉ là một sự tái cơ cấu chứ không gây ra hậu quả quá nặng nề. Tuy nhiên, vào chu kỳ hiện tại thì dư nợ cho vay BĐS trong hệ thống ngân hàng đã lên đến 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (T6/2022).

Có những ngân hàng phát biểu rằng hoạt động cho vay mua BĐS của họ gần như rủi ro bằng 0, trong khi họ đang cho vay qua cả hai kênh là tài sản thế chấp bằng BĐS và trái phiếu với tài sản thế chấp cũng là BĐS, nhưng trái phiếu sẽ được chuyển hóa qua NĐT khác và room tín dụng lại tiếp tục được mở rộng cao hơn.

– Thứ ba, phát triển và ứng dụng kỹ thuật chứng khoán hoá cần chuẩn bị kỹ lưỡng và có bước đi thích hợp để tận dụng được ưu điểm của nó và hạn chế những rủi ro từ bài học khủng hoảng 2007-2008 ở Mỹ. Rõ ràng hiệu ứng từ khủng hoảng thị trường bất động sản Mỹ và hệ thống tài chính nước này có sức lan toả lớn hơn rất nhiều bởi kỹ thuật chứng khoán hoá, thông qua đó nó tác động đến toàn bộ hệ thống tài chính (đối với thị trường tín dụng; đối với tổ chức phát hành; đối với thị trường chứng khoán…). Mặc dù hệ thống pháp luật của Mỹ đối với thị trường tài chính nói chung và đối với kỹ thuật chứng khoán hoá nói riêng đã rất đầy đủ (từ quy định về cơ chế hoạt động; đến hệ thống các tổ chức có liên quan như tỏ chức định mức tín nhiệm; tổ chức phát hành; thị trường bất động sản; thị trường chứng khoán phát triển đạt mức hoàn thiện). Đây là bài hoc kinh nghiệm về xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đầy đủ -Yêu cầu mang tính kỹ thuật và quyết định đến việc phát triển và ứng dụng kỹ thuật chứng khoán hoá.

Nguồn: Lão Trịnh

Nguồn tham khảo: tại đây

 

Tags: ,