Thường thì khi nghe thông tin ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu, chúng ta thường thấy thị trường phản ứng tích cực với thông tin này. Vậy, thực tế thì việc chia cổ tức này có tác động như thế nào tới doanh nghiệp, chúng ta cùng phân tích qua bài này nhé.
Phân tích các yếu tố tác động tới giá trị của ngân hàng từ chính sách chia cổ tức bằng cổ phiếu
1. Tác động tới hệ số an toàn vốn (CAR)
Công thức: CAR = C / {RWA + 12.5 * (Kor + Kmr)} *100%
Trong đó:
- C: Vốn tự có = Vốn cấp 1 + Vốn cấp 2
– Vốn cấp 1 = Vốn điều lệ + Quỹ bổ sung vốn điều lệ + Quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ + Quỹ dự phòng tài chính + Vốn đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm TSCĐ + Lợi nhuận chưa phân phối + Thặng dư vốn cổ phần – Lợi thế thương mại – Lỗ lũy kế – Cổ phiếu quỹ;
– Vốn cấp 2 = Các quỹ khác trích từ LNST (trừ quỹ khen thưởng phúc lợi và thưởng ban điều hành) + 50% chênh lệch tăng đánh giá lại TSCĐ + 45% chênh lệch tăng đánh giá lại vốn góp đầu tư dài hạn + 80% dự phòng chung theo quy định + Công cụ vốn chủ sở hữu do Ngân hàng phát hành (ví dụ CP ưu đãi) + Nợ thứ cấp do ngân hàng phát hành (với điều kiện: kỳ hạn >= 5 năm + không có TSĐB của ngân hàng + được trả nợ trước hạn + các điều khoản khác) – Một số khoản giảm trừ.
- RWA = Tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng;
- KOR: Vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động;
-
KMR: Vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường.
Như vậy, vốn điều lệ và lợi nhuận giữ lại đã nằm trong công thức tính hệ số CAR và việc chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ là chuyển từ mục này qua mục kia và không làm thay đổi hệ số CAR. Nhưng nếu chia cổ tức bằng tiền thì sẽ làm giảm vốn cấp 1 và từ đó giảm hệ số CAR. Do đó, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không làm thay đổi tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng như nếu chia bằng tiền thì sẽ giảm hệ số an toàn vốn.
2. Tác động tới tỷ số tài sản ngắn hạn cho vay trung và dài hạn
Công thức: A (%) = B / C * 100%
Trong đó:
– A: Tỷ lệ của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.
– B: Tổng dư nợ cho vay trung hạn, dài hạn – tổng nguồn vốn trung hạn, dài hạn
– C: Nguồn vốn ngắn hạn
Trong tổng nguồn vốn trung và dài hạn đã bao gồm: Vốn điều lệ + quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ + quỹ đầu tư phát triển + quỹ dự phòng tài chính còn lại sau khi trừ đi lỗ lũy kế + giá trị nguyên giá của các khoản mua, đầu tư tài sản cố định, góp vốn, mua cổ phần theo quy định của pháp luật + Thặng dư vốn cổ phần + lợi nhuận chưa phân phối;
Như vậy, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ không ảnh hưởng tới khoản mục nguồn vốn trung và dài hạn mà chỉ dịch chuyển từ mục này qua mục khác trong tổng nguồn vốn trung và dài hạn, và do đó cũng không hề ảnh hưởng tới tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
3. Tác động tới các chỉ tiêu trong Basel II
Nhìn chung, Basel II giới thiệu một chuỗi các cách tiếp cận rủi ro tín dụng phức tạp và tập trung mới vào rủi ro vận hành, trong đó chủ yếu tập trung vào ba yếu tố: (1) Yêu cầu vốn tối thiểu, (2) rà soát giám sát, (3) nguyên tắc thị trường.
Như vậy, trong yếu tố về yêu cầu vốn tối thiểu thì chúng ta đã biết là việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không làm thay đổi, và vì vậy thì sẽ không tác động gì tới các chỉ tiêu của Basel II.
Vậy chia cổ tức bằng cổ phiếu có yếu tố tích cực gì không?
Như phân tích ở trên, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không tác động tới giá trị ngân hàng xét theo góc độ lý thuyết, vậy tác động tích cực của nó tới giá trị ngân hàng thực tế là gì?
1. Tác động tích cực về mặt cam kết của cổ đông
Khi tiền đang ở mục lợi nhuận chưa phân phối, nghĩa là nó có thể được phân phối cho cổ đông ở dạng tiền mặt và như vậy sẽ làm giảm tỷ lệ an toàn vốn bất cứ lúc nào. Vậy, nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu thì hàm ý rằng cổ đông đã cam kết góp vốn bằng lợi nhuận giữ lại để phát triển. Điều này tăng bộ đệm an toàn dài hạn cho ngân hàng và tăng niềm tin cho nhà đầu tư và khách hàng khi đầu tư hay vay vốn ngân hàng và cuối cùng tác động tích cực lên giá cổ phiếu.
2. Tác động về tương lai
Khi nói về chính sách cổ tức ngân hàng duy trì là trả bằng cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận không chia cổ tức trong một khoảng thời gian trong tương lai (ví dụ 2-5 năm). Điều này nghĩa là lợi nhuận làm ra sẽ nằm ở mục lợi nhuận giữ lại lũy kế hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn điều lệ, thì sẽ làm tăng hệ số an toàn vốn cho ngân hàng.
Như vậy, khi báo chí nhắc về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu làm tăng hệ số an toàn vốn cho ngân hàng hay giúp ngân hàng có lợi hơn, là họ có thể đang hàm ý về một chính sách thương lai của ngân hàng đang cam kết.
Tác động của chính sách cổ tức của ngân hàng có khác với các doanh nghiệp khác không?
Chính sách có tác động tới giá trị doanh nghiệp hay không thì theo nhiều học thuyết họ có những tranh luận khác nhau, trong đó tiêu biểu có một số lý thuyết như sau:
1. Quan điểm của Modigliani-Miller (M&M)
- Theo lý thuyết của Modigliani và Miller (1958), trong một thị trường hoàn hảo (không có thuế, chi phí giao dịch, hoặc bất cân xứng thông tin), chính sách cổ tức không ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp. Điều này là do nhà đầu tư có thể tự tạo ra “cổ tức nhân tạo” bằng cách bán một phần cổ phần của mình nếu họ muốn nhận tiền mặt. Ngược lại, nếu họ không muốn nhận cổ tức, họ có thể tái đầu tư cổ tức vào cổ phiếu của công ty.
- Tuy nhiên, thị trường thực tế không hoàn hảo và có những yếu tố làm cho chính sách cổ tức có thể ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp.
2. Quan điểm Bird in the-hand
- Quan điểm này cho rằng các nhà đầu tư có xu hướng ưu tiên cổ tức nhận được ngay lập tức hơn là kỳ vọng về lợi nhuận vốn trong tương lai (giá cổ phiếu tăng). Điều này là do cổ tức được xem là an toàn và ít rủi ro hơn. Do đó, một chính sách cổ tức cao có thể làm tăng giá trị doanh nghiệp vì nó giảm rủi ro và tăng mức độ hài lòng của nhà đầu tư.
- Theo quan điểm này, thì NĐT hiểu rằng cầm tiền trước là chắc ăn nhất, nên công ty có chính sách cổ tức đều hoặc mỗi lần chi trả cổ tức có thể giúp giá trị doanh nghiệp tăng hơn nếu như không làm như vậy (mặc dù đôi khi công ty vẫn đang tạo ra lợi nhuận tốt hơn cá nhận tự làm).
3. Hiệu ứng tín hiệu (Signaling Effect)
- Chính sách cổ tức cũng có thể gửi tín hiệu đến thị trường về sức khỏe tài chính và triển vọng tương lai của công ty. Khi một công ty tăng cổ tức, nó có thể gửi tín hiệu rằng ban quản lý tự tin vào khả năng tạo ra thu nhập trong tương lai, điều này có thể làm tăng giá trị của doanh nghiệp. Ngược lại, việc cắt giảm cổ tức có thể bị xem là dấu hiệu tiêu cực, khiến giá trị doanh nghiệp giảm.
4. Ảnh hưởng của thuế (Tax Preference Theory)
- Mức thuế áp dụng lên cổ tức và lãi vốn (capital gains) cũng có thể ảnh hưởng đến quan điểm của nhà đầu tư về cổ tức. Nếu thuế suất trên cổ tức cao hơn lãi vốn, nhà đầu tư có thể thích nhận lại giá trị thông qua sự tăng giá cổ phiếu thay vì nhận cổ tức. Điều này có thể làm cho các doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận (thay vì trả cổ tức) có giá trị cao hơn.
5. Chính sách cổ tức và cơ cấu vốn (Agency Costs)
- Việc trả cổ tức có thể giảm thiểu chi phí đại diện (agency costs) giữa các cổ đông và ban quản lý. Khi công ty giữ lại lợi nhuận quá nhiều, có rủi ro là ban quản lý sẽ đầu tư vào các dự án không hiệu quả. Bằng cách trả cổ tức, công ty buộc phải tiếp cận thị trường vốn để tài trợ cho các dự án mới, điều này giúp tăng cường giám sát từ phía nhà đầu tư và có thể tăng giá trị doanh nghiệp.
Như vậy, về chính sách cổ tức tác động tới giá trị doanh nghiệp hay không (ngân hàng và phi ngân hàng) thì có rất nhiều lý thuyết tranh luận. Tuy nhiên, trong thực tế tại Việt Nam thì việc ngân hàng chia cổ tức thường giúp cho giá cổ phiếu tăng có thể một phần do nhận thức của nhà đầu tư chưa đầy đủ, một phần vì tính chất đặc biệt của ngành ngân hàng cần duy trì bộ đệm vốn cao hơn các ngành khác (càng cao càng tốt).
Tuy nhiên, để hiểu đúng thì chúng ta nên phân biệt rõ việc giá cổ phiếu tăng khi có chính sách cổ tức của ngân hàng hay của một doanh nghiệp phi ngân hàng cũng khá giống nhau và tùy thuộc vào giai đoạn thị trường, cảm xúc của nhà đầu tư và nhiều yếu tố khác, mà không hoàn toàn là do chính sách cổ tức đó làm gia tăng giá trị doanh nghiệp như mọi người đang hiểu nhầm.
Nguồn: Lão Trịnh