Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ và tác động với Việt Nam?

Đạo luật Giảm lạm phát chính thức được Tổng thống Mỹ Biden ký ban hành hôm 16/8, đưa ra các khoản đầu tư lớn để giảm lượng khí thải carbon nhằm chống lại biến đổi khí hậu, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, tài trợ cho Dịch vụ doanh thu nội bộ và cải thiện việc tuân thủ của người nộp thuế thông qua mức thuế tối thiêu. Đạo luật này đang gây nên một cuộc tranh luận rằng liệu có một cuộc chiến tranh thương mại ngầm giữa Mỹ với các quốc gia khác (Mỹ-EU, Mỹ-Trung…) hay không? Và liệu xu hướng toàn cầu hóa có gặp cản trở bởi chủ nghĩa bảo hộ trong thời gian tới hay không?

Đạo luật nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư vào năng lực sản xuất trong nước, khuyến khích mua sắm từ các nhà cung cấp trong nước hoặc từ các đối tác thương mại tự do của Mỹ, và thúc đẩy hoạt động Nghiên cứu & Phát triển cũng như thương mại hóa các công nghệ tiên phong trong cuộc cách mạnh năng lượng xanh. Đây là một trong những nội dung được cho là có tác động lớn tới các đối tác thương mại của Mỹ, đang khiến giới đầu tư lo ngại về một xu hướng Phi toàn cầu hóa.

Năm nội dung chính của Đạo luật

Đạo luật Giảm lạm phát nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư vào năng lực sản xuất trong nước, khuyến khích mua sắm từ các nhà cung cấp trong nước hoặc từ các đối tác thương mại tự do của Mỹ, và thúc đẩy hoạt động Nghiên cứu & Phát triển cũng như thương mại hóa các công nghệ tiên phong trong cuộc cách mạnh năng lượng xanh. Đồng thời, đạo luật cũng qui định về các khoản hỗ trợ giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và quy định về tăng thuế tối thiểu đối với một số đối tượng công ty có doanh thu lớn. Theo đó, đạo luật có 5 nội dung lớn đáng chú ý sau:

1. Áp mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu: Các công ty có thu nhập ít nhất 1 tỷ USD sẽ chịu mức thuế mới là 15%, thuế đánh vào cá nhân và hộ gia đình sẽ không bị tăng. Các tập đoàn tiến hành mua lại cổ phiếu cũng sẽ phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 1%. Điều này nhắm vào các doanh nghiệp lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả trên BCTC nhắm lách luật, nhưng lại ít ảnh hưởng tới các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vì mức thuế liên bang hiện tại đã là 21%.

Theo một phân tích mới của Credit Suisse, năm ngoái, chỉ hơn 170 công ty trong chỉ số S&P 500 nộp thuế dưới 15%. Trong số những doanh nghiệp này, gần một nửa có thể phải nộp thuế cao hơn trong năm 2023. “Nhìn chung, tác động sẽ không lớn và ở thời điểm hiện tại khó mà hiểu hết”, chiến lược gia Ron Graziano của Credit Suisse nói trong một cuộc phỏng vấn. “Liệu sẽ có một số công ty bị ảnh hưởng nhiều hơn những công ty khác? Có thể. Nhưng với các doanh nghiệp lớn thì tác động không đáng kể”. Mặc dù vậy, ước tính của các nhà làm luật thì quy định này có thẻ giúp giảm thâm hụt ngân sách liên bang khoảng 300 tỷ USD trong thập kỷ tới.

2. Cải cách giá thuốc kê đơn: Một trong những điều khoản quan trọng nhất của Đạo luật Giảm lạm phát sẽ cho phép chương trình chăm sóc y tế giá rẻ Medicare thương lượng giá của một số loại thuốc theo toa, hạ mức giá mà những người thụ hưởng sẽ phải trả cho thuốc của họ. Chi phí thuốc theo toa tự trả hàng năm của những người tham gia Medicare sẽ có giới hạn là 2.000 USD. Chính sách này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ năm 2025.

3. Hỗ trợ IRS thực thi chính sách thuế: Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) đã lên tiếng cảnh báo trong nhiều năm liền về việc bị thiếu nguồn cung tài chính và không thể thực hiện nhiệm vụ của mình. Đạo luật sẽ đầu tư 80 tỷ USD vào cơ quan thuế quốc gia trong 10 năm tới.

4. Gia hạn trợ cấp cho Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (ACA): Hiện tại, chính phủ liên bang đang trợ cấp phí bảo hiểm y tế theo ACA để giúp giảm chi phí cho người dân. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, những khoản trợ cấp dự kiến hết hạn vào cuối năm nay sẽ được gia hạn đến năm 2025. Khoảng 3 triệu người Mỹ có thể mất bảo hiểm y tế nếu những khoản trợ cấp này không được gia hạn.

5. Đầu tư vào an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu: Đạo luật cũng bao gồm nhiều khoản đầu tư vào việc bảo vệ khí hậu. Chúng bao gồm tín dụng thuế cho các hộ gia đình để bù đắp cho chi phí năng lượng, đầu tư vào sản xuất năng lượng sạch cũng như tín dụng thuế nhằm giảm lượng khí thải carbon. Đây là vấn đề chính gây nên tranh cãi giữa các quốc gia có quan hệ thương mại với Mỹ, vì họ cho rằng đây là một hành động thể hiện sự “phi thương mại hóa”, chủ nghĩa bảo hộ …ảnh hưởng tới hoạt động thương mại tự do.

Điểm chính trong quy định này là nằm ở điều khoản đề xuất cung cấp một khoản tín dụng thuế lên tới 7.500 USD cho những người mua xe điện mới được sản xuất tại Mỹ, thời gian đến năm 2032. Đối với xe điện đã qua sử dụng và thậm chí một số dòng xe plug-in hybrid vẫn được coi là đủ điều kiện nhận tín dụng tối đa là 4.000 USD. Một yêu cầu khác trong đạo luật mới về sửa đổi tín dụng thuế EV hiện có cũng đặt giới hạn giá xe và thu nhập của người mua để được khuyến khích. Tạp chí Consumer Reports – chuyên ngành về đánh giá sản phẩm cho biết, các nhà sản xuất xe điện nội địa như Tesla và startup Rivian sẽ nằm trong danh sách những bên được hưởng lợi tiềm năng.

Các doanh nghiệp đến từ nước ngoài muốn tham gia vào “sân chơi mới”, như các hãng ô tô Nhật Bản cũng phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhận được khoản tín dụng thuế đầy đủ là 3.750 USD, nếu thực hiện lắp ráp tại Bắc Mỹ (Mỹ & Canada) và chấp nhận sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng cho các khoáng chất pin quan trọng bao gồm lithium và coban. Một phần nhất định của các khoáng chất này phải được khai thác hoặc chế biến tại Mỹ hay tại một quốc gia đối tác thương mại tự do của Mỹ. Các khoáng chất pin cũng có thể đạt yêu cầu nếu được tái chế ở Bắc Mỹ. Theo Consumer Reports, nếu chiếu theo các điều kiện của Đạo luật ban hành thì chỉ có một số mẫu xe của General Motors, Ford Motor, Volkswagen và Nissan Motor là có khả năng đáp ứng.

Như vậy, Đạo luật này sẽ ảnh hưởng tới các nhà sản xuất xe từ Châu Á, Châu Âu, hay ảnh hưởng tới các nhà cung ứng các sản phẩm trong chuỗi cung ứng như pin, khoáng chất cho pin…từ các nước ngoài Bắc Mỹ.

Ảnh hưởng tới các nhà sản xuất bên ngoài Mỹ?

Ngay sau khi đạo luật được Hạ viện Mỹ thông qua, các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp pin Châu Á đồng loạt công bố các kế hoạch mở rộng sản xuất tại Mỹ. Nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc Hyundai Motor cho biết sẽ đầu tư 5,5 tỷ USD để xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện và pin ở Georgia – một dự án hứa hẹn tạo ra hơn 8.000 việc làm và hỗ trợ chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy xe điện. Trong khi đó, Samsung SDI cũng sẽ xây dựng một nhà máy pin ở Mỹ với nhà sản xuất Stellantis, trong khi Panasonic Holdings sẽ thiết lập một nhà máy sản xuất pin thứ hai ở Mỹ để cung cấp cho Tesla.

Với những ràng buộc kèm theo các ưu đãi của đạo luật mới dành cho xe điện, thị trường xe điện tại Mỹ được kỳ vọng sẽ có bước tăng trưởng đáng kể trong tương lai. Trong khi đó ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ gặp khó, nhất là các nhà sản xuất ô tô tại Nhật, Hàn, Trung Quốc, EU…muốn bán hàng tại Mỹ, nếu như họ chưa đặt nhà máy sản xuất xe và pin ở đó.

Với quy mô lên đến 430 tỷ USD, Đạo luật này kỳ vọng sẽ thúc đẩy công ăn việc làm cho ngành sản xuất của Mỹ, tạo cơ hội phục hồi sau khủng hoảng Covid. Nhưng lại cướp đi công ăn việc làm của các nước khác và ngăn cản sự tự do thương mại toàn cầu theo quy định WTO.

Các quốc gia đối tác với Mỹ đang có những cuộc điện đàm hoặc chuẩn bị những kịch bản ứng phó với Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ. Trong đó, khối EU đang có những trao đổi thảo luận và chuẩn bị cho những hành động ứng phó để tái cân bằng với Mỹ, Hàn Quốc thì có những cuộc điện đàm trao đổi với Mỹ về đạo luật…còn Trung Quốc thì chắc chắn đã hiểu mình là đối tượng chính chịu tác động, với Việt Nam thì Vinfast – một nhà sản xuất xe điện mới chắc chắn cũng sẽ có những chiến lược xây dựng nhà máy tại Mỹ nhằm đối phó với Đạo luật mới này để khai thác thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đạo luật này cũng sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung ứng Pin của các hãng xe, phải cơ cấu lại để tránh vi phạm quy định khi bán xe tại thị trường Mỹ.

Nguồn: Lão Trịnh

 

 

 

Tags: ,