Định giá doanh nghiệp theo phương pháp giá trị tài sản

Định giá doanh nghiệp bằng phương pháp tài sản là việc tính toán, đo lường giá trị doanh nghiệp theo giá trị sổ sách, giá trị thị trường…thông qua tài sản hay các khoản thu nhập và tùy thuộc vào chủ thể quan tâm đến giá trị doanh nghiệp là ai. Định giá doanh nghiệp là công việc phức tạp bởi hàng hóa “doanh nghiệp” là hàng hóa đặc biệt cả về chủ thể định giá và cấu thành của hàng hóa này. Khi định giá cần xem xét các yếu tố tác động đến giá trị doanh nghiệp trong từng bối cảnh cụ thể.

  1. Khái niệm

Là phương pháp ước tính giá trị của doanh nghiệp dựa trên giá trị thị trường của tổng tài sản của doanh nghiệp.

  1. Công thức tính:

Giá trị thị trường của doanh nghiệp được tính toán dựa trên bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp và giá trị của vốn chủ sở hữu được tính như sau:

V= VA – VD           

Trong đó:    VE: Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu

                   VA: Giá trị thị trường của toàn bộ tài sản

                   VD: Giá trị thị trường của nợ

Với:

2.1 Giá trị thị trường của toàn bộ tài sản (VA) gồm có:

2.1.1. Tài sản hữu hình

2.1.1.1 Tài sản là hiện vật:

–  Tài sản cố định (kể cả tài sản cố định cho thuê)

Giá trị thực tế của tài sản cố định = Nguyên giá tính theo giá thị trường x Chất lượng còn lại của tài sản cố định tại thời điểm định giá.

+ Đối với những tài sản có giao dịch phổ biến trên thị trường thì căn cứ vào giá thị trường và áp dụng phương pháp so sánh giá bán để ước tính nguyên giá.

+ Đối những tài sản không có giao dịch phổ biến trên thị trường thì áp dụng các  phương pháp thẩm định giá bất động sản, máy thiết bị phù hợp khác để ước tính giá.

 –  Hàng hoá, vật tư, thành phẩm:

+ Đối với những hàng hoá, vật tư, thành phẩm có giá trên thị trường thì xác định theo giá thị trường:

Giá trị thực tế của hàng hoá, vật tư, thành phẩm = Số lượng hàng hoá, vật tư, thành phẩm * Đơn giá hàng hoá, vật tư, thành phẩm tính theo giá thị trường tại thời điểm định giá  * Chất lượng còn lại của hàng hoá, vật tư, thành phẩm

+ Đối với những hàng hoá, vật tư, thành phẩm không có giá trên thị trường thì xác định theo nguyên giá  ghi trên sổ sách kế toán * Chât lượng còn lại

2.1.1.2.  Tài sản bằng tiền gồm tiền mặt, tiền gửi và các giấy tờ có giá (tín phiếu, trái phiếu,…) của doanh nghiệp vào thời điểm thẩm định giá được tính như sau:

  1.  Tiền mặt được xác định theo biên bản kiểm quỹ.
  2. Tiền gửi được xác định theo số dư đã đối chiếu xác nhận với ngân hàng.
  3.  Các giấy tờ có giá thì xác định theo giá giao dịch trên thị trường. Nếu không có giao dịch thì xác định theo mệnh giá của giấy tờ.

2.1.1.3. Giá trị tài sản ký cược, ký quỹ ngắn hạn và dài hạn được xác định theo số dư thực tế trên sổ kế toán đã được đối chiếu xác nhận vào thời điểm thẩm định giá.

2.1.1.4. Giá trị các khoản đầu tư ra bên ngoài doanh nghiệp: về nguyên tắc phải đánh giá một cách toàn diện về giá trị đối với doanh nghiệp hiện đang sử dụng các khoản đầu tư đó. Tuy nhiên nếu các khoản đầu tư này không lớn thì căn cứ vào số liệu của bên đối tác đầu tư để xác định.

2.1.1.5. Đối với các khoản phải thu: do khả năng đòi nợ các khoản này có nhiều mức độ khác nhau; nên thông qua việc đối chiếu công nợ, đánh giá tính pháp lý, khả năng thu hồi nợ của từng khoản nợ cụ thể, từ đó loại ra những khoản nợ mà doanh nghiệp không thể đòi được, để xác định giá trị thực tế của các khoản phải thu.

2.1.1.6.   Đối với quyền thuê bất động sản tính theo thu nhập thực tế trên thị trường  hoặc theo phương pháp chiết khấu dòng thu nhập trong tương lai.

– Nếu doanh nghiệp đã  trả tiền thuê một lần cho nhiều năm thì tính lại theo giá thị trường vào thời điểm thẩm định giá.

  2.1.1.7.  Giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp: theo phương pháp này, người ta chỉ thừa nhận giá trị các tài sản vô hình đã được xác định trên sổ kế toán (số dư trên sổ kế toán vào thời điểm thẩm định giá) hoặc lợi thế về quyền thuê tài sản và thường không tính đến lợi thế thương mại của doanh nghiệp.

Giá trị lợi thế thương mại của doanh nghiệp (nếu có) sẽ được xác định trên cơ sở lấy giá trị doanh nghiệp tính theo phương pháp so sánh thị trường, hoặc theo phương pháp thu nhập trừ cho giá trị doanh nghiệp tính theo phương pháp tài sản

 2.2. Giá trị thị trường của nợ (VD): được xác định theo số dư thực tế trên sổ kế toán vào thời điểm thẩm định giá.

  1. Điều kiện áp dụng

Phương pháp này có thể áp dụng đối với đa số các loại hình doanh nghiệp mà tài sản của doanh nghiệp chủ yếu là tài sản hữu hình.

  1. Ưu, nhược điểm:

+ Ưu: Đơn giản, dễ thực hiện, không đòi hỏi những kỹ năng tính toán phức  tạp.

+ Nhược: Phát sinh một số chi phí do phải thuê chuyên gia đánh giá tài sản; Không thể loại bỏ hoàn toàn tính chủ quan khi tính giá trị doanh nghiệp; Việc định giá doanh nghiệp dựa vào giá trị trên sổ sách kế toán, chưa tính được giá trị tiềm năng như thương hiệu, sự phát triển tương lai của doanh nghiệp.

  1. Hạn chế

Phương pháp này bị giới hạn trong trường hợp tài sản của doanh nghiệp chủ yếu là tài sản vô hình như doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, có bí quyết công nghệ, ban lãnh đạo doanh nghiệp có năng lực và đội ngũ nhân viên giỏi,…

Nguồn: CFO

Tags: