Dự thảo sửa đổi, bổ sung NĐ 153/2020/NĐ-CP có gì nổi bật?

Chính phủ đang có mong muốn sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 153/2020/NĐ-CP nhằm khắc phục những lỗ hỗng, và phát triển lành mạnh hơn thị trường trái phiếu riêng lẻ. Từ khi đề án này đi vào thực hiện đã có nhiều bản dự thảo được đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia, bộ ngành và đến đầu tháng 8/2022 đã có một bản cập nhật mới nhất. Theo phương thức tiếp cận thì bản thảo đầu tháng 8/2022 có điều chỉnh một chút so với bản thảo nửa đầu tháng 7/2022 nhưng các ý cơ bản không thay đổi nhiều. Do đó, mình xin lấy bản thảo này để review xem có gì nổi bật và thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, mọi người hãy chờ đợi bản chính thức được Chính phủ ban hành nhé.

1. Cách tiếp cận vấn đề

Để dễ hình dung trong cách tiếp cận vấn đề, mình sẽ đi phân tích theo phía cạnh tác động:

  • Phía cạnh đầu ra: Tức đối tượng mua của sản phẩm Trái phiếu PHRL.
  • Phía cạnh đầu vào: Tức đối tượng là các tổ chức phát hành, các tổ chức liên quan đến quá trình phát hành.

2. Những thay đổi căn bản ở phía cạnh đối tượng mua Trái phiếu PHRL

– Điều 5 bổ sung thêm khoản 4, với nội dung là các điều kiện và điều khoản cơ bản của trái phiếu chỉ được thay đổi khi có >=65% tỷ lệ người đại dienjd sở hữu trái phiếu thông qua.

– Điều 7 về mua lại trái phiếu trước hạn, sửa đổi và bổ sung nhưng đáng chú ý là quy định cụ thể các trường hợp được mua lại trái phiếu trước hạn:

+ Đối với mua lại theo thỏa thuận của DN và trái chủ thì vẫn không khác nhiều.

+ Thêm trường hợp bắt buộc mua lại trước hạn khi vi phạm pháp luật về chào bán hoặc phương án phát hành mà không được >=65% người đại diện sở hữu trái phiếu chấp thuận.

– Điều 8 về NĐT mua trái phiếu. Đây chính là điểm chính yếu trong lần sửa đổi này, tác động rất lớn đến đối tượng được mua Trái phiếu riêng lẻ, cụ thể:

+ Trước đây đối tượng mua trái phiếu là NĐT chuyên nghiệp theo quy định tại Luật Chứng khoán, nhưng nay Nghị định thêm vào là đối với NĐT cá nhân thì giá trị 2 tỷ đồng đó được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 06 tháng liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại.  Quy định này ngăn chặn việc 3 trường hợp phổ biến trước đây là CTCK cấp khoản vay cho NĐT mua chứng khoán 2 tỷ, repo trái phiếu chính phủ và KH chỉ mua chứng khoán trong thời gian ngắn để đáp ứng tiêu chí 2 tỷ.

+ Về trách nhiệm của NĐT mua trái phiếu thì thêm khá nhiều khoản, trong đó nếu NĐT sai phạm thì không chỉ có thể bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị hình sự (nếu nghiêm trọng). Ngoài ra, NĐT phải ký thêm bản cam kết trước khi mua trái phiếu sơ cấp và thứ cấp nhằm tăng thêm trách nhiệm, cấm luôn các hành vi bán hoặc cùng góp vốn đầu tư với những NĐT chứng khoán không chuyên dưới mọi hình thức, nghĩa là cấm luôn cách hình thức lách luật huy động vốn qua NĐT chuyên nghiệp.

+ Về quyền của NĐT mua trái phiếu thì quy định rõ ràng hơn thôi, chủ yếu được quyền yêu câu DN mua lại trái phiếu theo hai trường hợp là thỏa thuận trước hoặc mua lại bắt buộc.

Tổng kết lại thì đối tượng NĐT mua trái phiếu sẽ bị thu hẹp rất nhiều, đặc biệt là quy định NĐT phải có danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 06 tháng liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Như vậy, đối với NĐT cá nhân mua trái phiếu bây giờ chỉ là những NĐT đã từng đầu tư chứng khoán (mấy bác nhiều BĐS sẽ bị loại vì ko đủ thời gian chứng minh), và giá trị đầu tư phải liên tục hoặc nếu mà không liên tục thì phải là một khối tài sản lớn hơn rất nhiều so với 2 tỷ đồng đó.

3. Những thay đổi căn bản ở phía cạnh đối tượng phát hành Trái phiếu PHRL

– Điều 9 được bổ sung thêm khoản 4 với nội dung quy định chặt hơn trong trường hợp phát hành riêng lẻ cho NĐT cá nhân chuyên nghiệp, phải là công ty đại chúng, năm liền trước phải có lãi và không có lỗ lũy kế, trái phiếu phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán. Nói chung quy định thế này thì nói chung đối tượng được phát hành riêng lẻ bị giảm lại rất nhiều, đặc biệt là các DN vừa, chân gỗ…

– Điều 10, giảm thời gian phân phối xuống với từng đợt không quá 30 ngày (trước đây 90 ngày) và nhiều đợt thì không quá 6 tháng (trước đây là 12 tháng). Điều này đơn giản là hàm ý phát hành riêng lẻ thì cho một nhóm nhỏ NĐT, không nhất thiết phải phân phối quá lâu, cái này chắc ảnh hưởng không quá lớn.

– Điều 12, về hồ sơ chào bán trái phiếu thì giờ thêm khá nhiều điều kiện chặt chẽ, trong đó nổi bật nhất là đối với trường hợp phát hành trái phiếu >= 500 tỷ hoặc >= 50% VCSH thì phải có xếp hạng tín nhiệm. Đối với trái phiếu có tài sản đảm bảo thì phải được tổ chức có chứng năng thẩm định đánh giá và tài sản phải đăng ký bảo đảm theo quy định. Đối với các phần liên quan đến công bố thông tin, hợp đồng với bên thứ 3 cũng khá nhiều, nhưng không ảnh hưởng quá lớn.

Nếu bán thành nhiều đợt thì báo cáo tài chính phải được kiểm toán và chấp nhận toàn phần, và nếu có ngoại trừ thì không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán.

– Điều 13, phương án phát hành và thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận. Trong phần các chỉ tiêu tài chính trong vòng 3 năm liền kề thì phải công bố rất chi tiết và rất nhiều chỉ tiêu, báo cáo chi tiết về tình hình phát hành và sử dụng vốn.

– Điều 14, phương thức phát hành trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ. Nêu cụ thể các đối tượng có trách nhiệm xác định NĐT chứng khoán chuyên nghiệp khi giao dịch là DN phát hành, CTCK được ủy quyền hoặc CTCK nơi NĐT giao dịch. Quy định cụ thể về người đại diện sở hữu trái phiếu là thành viên lưu ký của Tổng công ty lưu ký (CTCK, QLQ…).

– Điều 16 về giao dịch trái phiếu. Quy định rõ hơn DNPH phải đăng ký trái phiếu phát hành lên hệ thống giao dịch trái  phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán. Ngoài ra còn có nhiều quy định chặt chẽ hơn trong việc đăng ký và giao dịch trên hệ thống tập trung.

Tổng kết, nói chung Nghị định mới không chỉ siết về đối tượng NĐT mua trái phiếu mà còn siết luôn cả đối tượng phát hành, trách nhiệm rõ giữa các bên. Có thể nói hoạt động Phát hành trái phiếu chắc chắn sẽ bị giảm rất mạnh, và chỉ doanh nghiệp tốt mới có thể tiếp tục phát hành theo Nghị định mới này.

4. Những nội dung khác

– Ngoài các nội dung chính thay đổi ở trên, còn có nhiều nội dung khác mà NĐT có thể đọc thêm. Trong mục nội dung khác thì có trách nhiệm các bên, điều khoản chuyển tiếp và công bố thông tin.

– Trong phần trách nhiêm của các bên thì tổ chức chào bán ngoài bị phạt hành chính thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình dự nếu vi phạm nghiêm trọng, trách nhiệm của người sở hữu trái phiếu đã nói ở trên là cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành cũng thêm phần trách nhiệm hình sự. Đối với UBCKNN thì quy định cụ thể hơn trách nhiệm cụ thể trong việc cho ý kiến, tiếp nhận, giám sát và báo cáo thông tin trong quá trình DN phát hành trái phiếu.

– Điều khoản chuyển tiếp thì đối với các Trái phiếu phát hành theo NĐT 153/2020/NĐ-CP phải kết thúc phân phối và thu tiền trái phiếu khi Nghị định mới có hiệu lực. Trái phiếu đã phát hành trước đây mà vẫn còn dư nợ phải công bố thông tin theo Nghị đinh mới.

Tổng kết, nhìn chung Nghị định mới ban hành thì các DN còn dư nợ trái phiếu cũ sẽ mệt mỏi, không chỉ có thể sai phạm bị chuyển tiếp áp dụng theo quy định mới mà còn phải công bố thông tin bổ sung khá phức tạp. Do đó, nếu DN nào mà khỏe thì thôi tốt nhất mua lại trước hạn thì còn đỡ chi phí và rủi ro hơn nhiều.

5. Tổng kết

Siết mạnh so với Nghị định cũ, nhưng đỡ hơn so với các dự thảo trước. Tuy nhiên, nếu bạn là tốt thì sẽ không sợ lửa, nhưng nếu bạn đã tốt thì bạn có nhiều lựa chọn khác.

Nguồn: Lão Trịnh

 

 

Tags: ,