Dự trữ ngoại hối của Việt Nam quản lý như thế nào?

Trong bối cảnh hiện nay tỷ giá biến động mạnh, giới đầu tư lại bắt đầu nhòm ngó vào kho dự trữ ngoại tệ quốc gia, để đánh giá về khả năng kiểm soát của Chính phủ. Vậy dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay ra sao, và theo dõi như thế nào thì bài này mình sẽ hướng dẫn các bạn làm điều đó.

1. Dự trữ ngoại hối là gì?

Dự trữ ngoại hối nhà nước, thường gọi tắt là dự trữ ngoại hối hoặc dự trữ ngoại tệ là lượng ngoại tệ mà ngân hàng trung ương của một quốc gia hay lãnh thổ nắm giữ. Đây là một loại tài sản của Nhà nước được cất giữ dưới dạng ngoại tệ nhằm mục đích thanh toán quốc tế hoặc hỗ trợ giá trị đồng tiền quốc gia. Tại Việt Nam, Chính phủ giao cho NHNN thực hiện quản lý dự trữ ngoại hối, bao gồm:

– Dự trữ ngoại hối chính thức là phần tài sản bằng ngoại hối thuộc sở hữu Nhà nước được Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước trực tiếp quản lý;

– Tiền gửi ngoại tệ và vàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) và Kho bạc Nhà nước gửi tại Ngân hàng Nhà nước;

– Các nguồn ngoại hối khác.

Như vậy dự trữ ngoại hối nhà nước là tài sản bằng ngoại hối được thể hiện trong bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước gồm những tài sản như trên.

2. Dự trữ ngoại hối bao nhiêu là tốt?

Có nhiều cách để tính toán dự trữ ngoại hối bao nhiêu là hợp lý, thông thường là so sánh với tỷ lệ nhập khẩu của quốc gia hoặc so sánh với tỷ lệ nợ nước ngoài hoặc so sánh với cung tiền M2.

  • Tỷ lệ giữa dự trữ ngoại hối so với tuần (tháng) nhập khẩu

Theo IMF, quy mô dự trữ ngoại hối của một quốc gia sẽ bị coi là thấp nếu chỉ tiêu này nhỏ hơn 8 tuần nhập khẩu; 8-12 tuần nhập khẩu: Mức tối thiểu; 12-16 tuần nhập khẩu: Mức trung bình; 16-24 tuần nhập khẩu: Mức cao; Trên 24 tuần: Mức quá cao. Nghĩa là quốc gia phải duy trì được một lượng ngoại hối đủ lớn để đảm bảo cho hoạt động nhập khẩu cho sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trong quốc gia. Tiêu chí này cho thấy mức độ hỗ trợ thanh toán quốc tế của dự trữ ngoại hối.

  • Tỷ lệ giữa dự trữ ngoại hối so với nợ ngắn hạn nước ngoài

Tỷ lệ dự trữ ngoại hối/Nợ ngắn hạn nước ngoài (trong đó, nợ ngắn hạn bao gồm các khoản nợ ngắn hạn đến 1 năm và các khoản nợ trung, dài hạn đến hạn phải trả trong năm): Chỉ tiêu này chủ yếu được dùng để đo lường khả năng trả nợ ngắn hạn và chống đỡ đối với các cuộc tấn công tiền tệ hoặc đối với việc rút vốn ào ạt ra khỏi một quốc gia.

Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới thì tỷ lệ này của mỗi quốc gia nên là >=200% để đảm bảo an toàn trong trường hợp bị tấn công ngoại tệ hoặc gặp cự cố bất ngờ.

  • Tỷ lệ dự trữ ngoại hối/mức cung tiền M2

Ðối với các quốc gia có mức độ đô la hóa thì chỉ tiêu này nhằm đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu ngoại hối của ngân hàng trung ương. Tỷ lệ này theo chuẩn quốc tế là từ 10 đến 20%. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu thì tỷ số dự trữ trên M2 lại không có mối tương quan cao với tỷ số dự trữ so với nợ ngắn hạn. Do đó, một tỷ lệ dự trữ so với M2 cao hay thấp không nhất thiết phải dẫn đến sự biến động tương ứng trong tỷ lệ dự trữ so với nợ. Tỷ lệ DTNH/M2 có tầm quan trọng đặc biệt ở những quốc gia có khả năng thất thoát vốn trong nước do hệ thống ngân hàng quá yếu kém hoặc chính sách điều hành tỷ giá cứng nhắc theo kiểu cố định.

3. Dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm những thành phần nào?

Dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm những thành phần sau đây:

– Ngoại tệ tiền mặt, tiền gửi bằng ngoại tệ ở nước ngoài.

– Chứng khoán và các giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ do Chính phủ, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế phát hành.

– Quyền rút vốn đặc biệt, dự trữ tại Quỹ tiền tệ quốc tế.

– Vàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý.

– Các loại ngoại hối khác của Nhà nước.

Tùy từng giai đoạn, tùy từng mối quan hệ giữa các quốc gia từng thời điểm mà Chính phủ quyết định tỷ trọng các thành phần dự trữ ngoại hối.

4. Dự trữ ngoại hối nhà nước được hình thành qua những nguồn nào?

Dự trữ ngoại hối nhà nước được hình thành qua những nguồn sau:

– Ngoại hối mua từ ngân sách nhà nước và thị trường ngoại hối.

– Ngoại hối từ các khoản vay ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế.

– Ngoại hối từ tiền gửi ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng.

– Ngoại hối mua từ các khoản sinh lời từ đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước.

– Ngoại hối từ các nguồn khác.

5. Đối với nhà đầu tư, thì xem dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở đâu?

Có rất nhiều nguồn để xem dự trữ ngoại hối của Việt Nam, nhưng mình xin nêu ra nguồn uy tín, miễn phí và cập nhật liên tục để mọi người theo dõi.

Nguồn IMF: Tại đây

Tùy tình hình từng giai đoạn, Chính phủ/NHNN có thể tạm thời không công bố thông tin để tránh tâm lý đầu cơ hoặc kiểm soát thông tin vì mục đích khác.

Như vậy, vào cuối tháng 8/2022 thì Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở mức là 93 tỷ USD, sau khi giảm gần 7 tỷ so với tháng 7/2022 và giảm gần 15 tỷ so với cuối năm 2021.

Nguồn: Lão Trịnh

Tham khảo: Nghị định về quản lý ngoại hối

Tags: ,