ETF là gì?
Exchange Traded Fund hay ETF là một hình thức quỹ đầu tư thụ động mô phỏng theo một chỉ số cụ thể. Ban đầu, thị trường chứng khoán chỉ biết tới ETF mô phỏng chỉ số cổ phiếu (gọi là ETF Equity, mô phỏng chỉ số cổ phiếu theo mức vốn hóa, theo ngành hay theo khu vực địa lý). Sau này, đã có thêm nhiều loại ETF mới ra đời mô phỏng chỉ số các công cụ nợ (gọi là ETF Fixed Income, mô phỏng chỉ số trái phiếu chính phủ), chỉ số hàng hóa (gọi là ETF Commodity, mô phỏng chỉ số vàng, nông sản), chỉ số tiền tệ (gọi là ETF Currency, mô phỏng chỉ số đồng tiền của các nước đã phát triển) và rất nhiều loại chỉ số khác.
Danh mục ETF?
Danh mục của ETF gồm một rổ chứng khoán có cơ cấu như cơ cấu của chỉ số mà nó mô phỏng. Có hai kỹ thuật mô phỏng chỉ số cơ sở của một ETF: mô phỏng dựa vào thị trường giao ngay (spot-market based replication) và mô phỏng dựa vào giao dịch hoán đổi (swap-based replication).
Nếu theo thị trường giao ngay, việc mô phỏng được thực hiện chủ yếu bằng cách mua toàn bộ chứng khoán theo cơ cấu của chỉ số cơ sở (gọi là mô phỏng hoàn toàn – full relpication). Trong trường hợp không thể mua toàn bộ chứng khoán cơ sở (có thể do chi phí quá cao hay do một số chứng khoán cơ sở không có tính thanh khoản), việc mô phỏng có thể được thực hiện bằng cách lấy mẫu (sampling replication) hoặc tối ưu hóa (optimization replication) để nắm giữ một phần danh mục chứng khoán cơ sở sao cho vẫn đạt được mục tiêu tối thiểu hóa sai số mô phỏng của ETF.
Việc mô phỏng chỉ số cơ sở còn có thể được thực hiện dựa vào giao dịch hoán đổi. Bằng cách này, một hợp đồng hoán đổi sẽ được thực hiện giữa quỹ ETF và một đối tác (thường là một ngân hàng đầu tư), theo đó, quỹ chấp nhận trả cho đối tác mức sinh lợi của rổ chứng khoán mà quỹ đang nắm giữ và nhận lại từ phía đối tác mức sinh lợi của chỉ số cơ sở. Trong trường hợp này, rổ chứng khoán mà quỹ nắm giữ sẽ không bao gồm tất cả các chứng khoán của chỉ số cơ sở mà danh mục của rổ sẽ được mô tả trong hợp đồng hoán đổi. Kỹ thuật mô phỏng dựa vào giao dịch hoán đổi này có thể xem như là quỹ ETF thực hiện thuê ngoài (outsourcing) bằng cách nhờ đối tác của mình mô phỏng thay. Ví dụ sau sẽ minh họa một cách đơn giản nhất kỹ thuật này.
Ví dụ: Kỹ thuật mô phỏng dựa vào giao dịch hoán đổi |
Giá trị của rổ chứng khoán mà ETF đang nắm giữ tăng từ $100 lên $105 trong một kỳ nhất định, trong khi đó, chỉ số mà nó mô phỏng lại tăng từ $100 lên $107. Việc thanh toán sẽ diễn ra như sau:
1) ETF trả $5 – lợi nhuận của rổ chứng khoán – cho ngân hàng đầu tư 2) ETF nhận được $7 – lợi nhuận của chỉ số – từ ngân hàng đầu tư Sau khi cấn trừ, số tiền ETF nhận được là $2, làm cho NAV của ETF tăng lên thành $107. Kết quả này phản ánh chính xác theo kết quả của chỉ số mà nó mô phỏng. |
Nguồn: Luxembourg Agency for Development Cooperation, 2009
So sánh hoạt động quỹ ETF và quỹ đầu tư thông thường tại Việt Nam
Thứ nhất, nếu bạn muốn mua ETFs, bạn vẫn đặt lệnh mua trên sàn như cổ phiếu thông thường. Theo cách này, tiền không chuyển đến quỹ, mà chuyển đến nhà đầu tư bán ETFs.
Thứ hai, là cách giao dịch đặc biệt của ETFs dành cho những Nhà tạo lập thị trường (Authorized Participant – AP): Creation/Redemption. Những AP này là những nhà đầu tư lớn, tại Việt Nam quy định là trên 1 tỷ đồng, giao dịch trực tiếp với công ty quản lý quỹ và thị trường, nhằm tìm kiếm cơ hội chênh lệch giá, mà không chịu rủi ro (Arbitrage).
Cụ thể, AP mua trên thị trường những cổ phiếu hoặc tài sản tham chiếu theo tỷ lệ cấu thành nên rổ danh mục cơ sở của ETF (ví dụ như rổ VN30, HNX30), rồi đem rổ cổ phiếu đó hoán đổi với công ty phát hành ETF lấy chứng chỉ quỹ ETF theo NAV của quỹ (ít nhất là 100.000 ccq). AP có thể bán lại ETF này trên sàn giao dịch khi phát hiện ra giá ETF trên sàn giao dịch cao hơn giá trị tài sản ròng (NAV) để hưởng chênh lệch giá.
Ngược lại, AP có thể đổi ccq ETF để lấy một rổ danh mục cổ phiếu hoặc tài sản tham chiếu tại giá tính NAV của quỹ (fair value) để bán lẻ trên sàn giao dịch.
Cơ hội và rủi ro từ ETFs
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến lên một tầm cao mới khi quỹ ETF nội đầu tiên niêm yết trên sàn giao dịch HOSE vào ngày 6/10/2014. Các nhà đầu tư nước ngoài rất lão luyện trong đầu tư vào ETFs, do sản phẩm này đã có mặt từ lâu tại các thị trường phát triển, trong khi nhà đầu tư trong nước lần đầu được tiếp cận với loại sản phẩm này, dù thường xuyên giao dịch đón đầu ETFs trong những kỳ cân đối danh mục của 2 quỹ ETFs của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam là Van Eck và FTSE.
Vậy giao dịch ETF, nhà đầu tư sẽ gặp được những thuận lợi và rủi ro gì?
Cơ hội
ETFs được phân chia thành nhiều loại theo lớp tài sản để có thể lựa chọn phù hợp với nhà đầu tư và danh mục đầu tư. ETF đầu tư vào cổ phiếu chiếm đến hơn 80% tổng số các loại ETFs đang có mặt trên thế giới.
Bên cạnh đó, ETFs là loại tài sản có thanh khoản cao hơn cổ phiếu và các tài sản khác, do đặc điểm giao dịch: (i) từ chính giao dịch ETF trên sàn thứ cấp và (ii) từ giao dịch tài sản cơ sở với chính nhà phát hành ETF. Hai đặc điểm này kết hợp lại giúp cho ETF thường xuyên tạo ra cơ hội đầu tư chênh lệch giá cho nhà đầu tư và đầu cơ.
Ngoài ra, chi phí hoạt động của ETFs thấp hơn nhiều so với các quỹ đầu tư (0,51% và 0,79%, theo Morningstar Direct), sẽ giúp nhà đầu tư tiết kiệm chi phí hơn so với đầu tư vào quỹ thông thường. Đặc điểm này đến từ hình thức quản lý thụ động của ETFs và giao dịch chủ động của các quỹ khác. Tại Việt Nam, VFMVN30 có mức phí rất thấp như miễn phí phát hành, 0,1% phí thành viên lập quỹ và 0,15% phí giao dịch của lô chứng chỉ quỹ đối với nhà đầu tư.
Mặt khác, ETFs còn có lợi thế về thuế. Tại các thị trường phát triển, thuế đánh trên lợi nhuận từ đầu tư rất cao. Hoạt động Creation/Redemption giúp ETFs ít chi phí về thuế hơn các quỹ đầu tư. Khi các nhà đầu tư rút tiền tại các quỹ đầu tư, nhà quản lý quỹ phải bán tài sản của quỹ để chuyển thành tiền, việc bán này có thể phải đóng thuế lợi tức. Trong khi đó, do ETF giao dịch theo rổ tài sản, nhà quản lý quỹ không phải bán một loại cổ phiếu đơn lẻ nào, vì vậy không tạo ra lợi tức từ đầu tư nên sẽ chịu ít hơn thuế lợi tức.
Hơn nữa, ETFs được giao dịch suốt thời gian giao dịch như các loại cổ phiếu khác, không như các quỹ khác chỉ được giao dịch một lần sau ngày giao dịch sau khi đã xác định được giá đóng cửa cổ phiếu. Nhờ tính chất này, nhà đầu tư có thể dễ dàng mua và bán hoặc sử dụng các công cụ hỗ trợ như lệnh stop loss, limit orders đối với ETF.
Một lợi thế nữa của ETFs là tính minh bạch. Danh mục của ETFs được công bố hằng ngày, khác với tính chất “bí mật” của các quỹ khác khi chỉ công bố vào cuối quý. Nhờ đó, nhà đầu tư dễ dàng biết mình đang sở hữu loại tài sản gì vào bất cứ lúc nào.
Thêm nữa, nhà đầu tư có thể tìm thấy rất nhiều loại ETFs phù hợp với từng chiến lược đầu tư hoặc tại các thị trường khác nhau.
Rủi ro
Dù có nhiều ưu điểm, nhưng ETFs cũng có một số rủi ro mà nhà đầu tư cần chú ý khi đầu tư. Trong đó, rủi ro lớn nhất là rủi ro thị trường, bởi ETF gắn chặt với rổ tài sản cơ sở đầu tư và sẽ biến động cùng chiều với thị trường.
Rủi ro thứ hai lại xuất phát từ lợi thế của loại quỹ này chính là sự đa dạng. Trên thế giới hiện nay có đến 1.500 ETFs đang hoạt động. Chính vì quá nhiều ETFs, nên nhà đầu tư phải đối mặt với việc có quá nhiều chọn lựa trong cùng một lĩnh vực.
Rủi ro thứ ba là rủi ro giao dịch. Giá ETF giao dịch dựa trên cung cầu, do vậy những ETFs có thanh khoản lớn, thì khoảng cách giá sẽ thấp (spread), ngược lại, những ETFs ít thanh khoản sẽ có spread cao, có thể từ 2- 4%, nên sẽ làm giảm lợi nhuận khoản đầu tư hoặc làm tăng chi phí đầu tư khi giao dịch ETFs.
Bên cạnh đó, ETF cũng chịu rủi ro tỷ giá khi chứng chỉ quỹ được niêm yết ở thị trường khác so với tài sản cơ sở. Chứng chỉ ETF được giao dịch ở thị trường nước ngoài, trong khi tài sản cơ sở ở thị trường trong nước. Nếu đồng nội tệ bị mất giá so với ngoại tệ, NAV của ETF sẽ giảm và nhà đầu tư phải gánh chịu mức lỗ này.
(P2) ETFs có nguy cơ làm trầm trọng thêm khủng hoảng?
Nguồn: Vietstock, Cafef, LT