Giao dịch repo là gì? Những điều cần lưu ý?

Repo là nghiệp vụ phái sinh từ các nghiệp vụ cho vay có đảm bảo (hay nghiệp vụ cho vay cầm cố giấy tờ có giá, cho vay có bảo đảm bằng chứng khoán) và được sử dụng khá phổ biến hiện nay trên thị trường tài chính các nước và cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về hoạt động này, do đó bài viết này sẽ trình bày rõ hơn, hi vọng sẽ giúp được mọi người trong quá trình học tập và công tác.

 

Định nghĩa về giao dịch repo?

Theo quy định tại Điều 2 – Thông tư 41/2016/TT-NHNN thì:

Giao dịch Repo (Hợp đồng mua lại) là giao dịch trong đó một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu tài sản tài chính cho một bên khác, đồng thời cam kết sẽ mua lại và nhận lại quyền sở hu tài sản tài chính đó sau một thời gian xác định với một mức giá xác định.

Giao dịch Reverse Repo (Mua lại đảo ngược) là giao dịch trong đó một bên mua và nhận chuyển giao quyền sở hữu tài sản tài chính từ một bên khác, đồng thời cam kết sẽ bán lại và chuyển giao quyền sở hữu tài sản tài chính đó sau một thời gian xác định với một mức giá xác định, bao gồm cả giao dịch mua có k hạn tài sản tài chính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác (nhìn chung nó chính là phía bên kia của bên bán repo ở trên).

Hợp đồng mua lại (Repo) và mua lại đảo ngược (Reverse repo) bản chất là giao dịch đi vay và cho vay có kỳ hạn và được sử dụng khá phổ biến trên thị trường tiền tệ, hoạt động này tăng tính thanh khoản cho thị trường thứ cấp và đáp ứng nhu cầu vốn cấp bách cho tổ chức tài chính.

Đặc điểm của hoạt động giao dịch repo 

Hợp đồng Repo cũng có đặc điểm riêng và linh hoạt hơn các công cụ thị trường tiền tệ khác và từ năm 2000, các hợp đồng giao dịch repo bắt đầu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng là một trong các công cụ điều hành CSTT (nghiệp vụ thị trường mở). Đến nay, công cụ này đã ngày càng phát huy vai trò là một công cụ chủ yếu nhằm điều tiết tiền tệ của các TCTD.

Tính linh hoạt của Hợp đồng repo được thể hiện thông qua hai đặc điểm chinh sau:

– Thứ nhất là, người bán chứng khoán (người đi vay) có quyền thay thế tài sản cầm cố nhưng phải đảm bảo thực hiện các điều khoản gắn liền với thị trường.

– Thứ hai là, kỳ hạn hợp đồng ngắn và được điều chỉnh để đáp ứng một cách chính xác các nhu cầu đầu tư đa dạng. Các kỳ hạn chuẩn, phổ biến của hợp đồng Repo là qua đêm, vài ngày hoặc 1, 2 hay 3 tuần hoặc 1, 2, 3 hoặc 6 tháng. Đôi khi các hợp đồng Repo mà kỳ hạn có thể được thương lượng hoặc để mở và được duy trì liên tục cho đến khi một trong 2 bên yêu cầu chấm dứt hợp đồng.

– Thứ ba là, lãi suất và giá trị khoản vốn đầu tư được xem xét lại hàng ngày để điều chỉnh cho phù hợp với thực trạng của thị trường. Ví dụ, nếu giá thị trường của các chứng khoán làm tài sản cầm giảm xuống dưới mức hai bên thỏa thuận thì bên mua có thể buộc bên bán bổ sung thêm tài sản thế chấp hoặc hoàn trả vốn.

– Thứ tư là, khoản lợi nhuận từ giao dịch Repo là do 2 bên thương lượng và hình thành không phụ thuộc vào lãi coupon hay lãi của chứng khoán cầm cố. Ví dụ, nếu rủi ro của chứng khoán làm tài sản đảm bảo cao thì bên mua chỉ chiết khấu giá mua mức ở thấp khoảng 70-80% giá trị tài sản, còn nếu an toàn thì tỷ lệ này có thể được nâng cao hơn 90-95% chẳng han.

Một số lưu ý khi giao dịch repo trái phiếu Chính phủ Việt Nam (xem thêm tại đây)

  • Loại trái phiếu được giao dịch: Giao dịch repo trái phiếu được áp dụng cho

– TPCP có kỳ hạn danh nghĩa trên 1 năm do Kho bạc Nhà nước phát hành.

– Tín phiếu Kho bạc do Kho bạc Nhà nước phát hành có kỳ hạn danh nghĩa không vượt quá 52 tuần;

– Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

– Trái phiếu Chính quyền địa phương.

  • Thời gian giao dịch

Giao dịch Repo trái phiếu sẽ được giao dịch theo thời gian giao dịch của sở giao dịch chứng khoán đối với trái phiếu chính phủ. Cụ thể:

– Giao dịch từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, trừ ngày lễ tết theo quy định của luật Lao động.

– Thời gian giao dịch:

+ Phiên sáng: Phiên sáng: 9h00 –  11h30

+ Phiên chiều: 13h – 14h45

  • Mệnh giá niêm yết, đơn vị yết giá và đơn vị giao dịch

Trong giao dịch repo trái phiếu, nhà đầu tư cần tuân thủ quy định về mệnh giá niêm yết, đơn vị yết giá và đơn vị giao dịch như sau:

– Mệnh giá: 100.000 đồng

– Đơn vị yết giá: 01 đồng

– Đơn vị giao dịch: 01 trái phiếu/tín phiếu.

– Biên độ giao động giá: không quy định

  • Lệnh giao dịch repo trái phiếu

Khi thực hiện giao dịch mua bán lại TPCP, nhà đầu tư được thực hiện các lệnh giao dịch như sau:

– Lệnh thỏa thuận thông thường: Đây là lệnh báo cáo được sử dụng để nhập giao dịch vào hệ thống trong trường hợp giao dịch này đã được các bên thỏa thuận xong các điều kiện trong giao dịch.

– Lệnh thỏa thuận điện tử: Bao gồm 2 lệnh như sau:

+ Lệnh yêu cầu chào giá: Là lệnh có tính chất quảng cáo, được sử dụng khi nhà đầu tư chưa xác định được đối tác trong giao dịch. Lệnh có thể được gửi cho một, một nhóm thành viên hoặc toàn thị trường.

+ Lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn: Lệnh chào với cam kết chắc chắn được sử dụng để chào đối ứng với lệnh yêu cầu chào giá. Lệnh chào với cam kết chắc chắn chỉ được gửi đích danh cho thành viên gửi lệnh yêu cầu chào giá.

  • Khối lượng giao dịch tối thiểu

Đối với giao dịch mua bán lại repo, khối lượng giao dịch tối thiểu quy định đối với 1 mã TPCP trong giao dịch mua bán lại nhiều mã là 100 TPCP.

  • Sửa, hủy lệnh trong phiên giao dịch

Trong phiên giao dịch repo trái phiếu, nhà đầu tư được phép:

– Sửa hoặc hủy lệnh thỏa thuận chưa thực hiện. Đại diện giao dịch sửa hoặc hủy lệnh thỏa thuận khách hàng theo quy trình sửa, hủy lệnh giao dịch thỏa thuận do Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội qui định.

– Giao dịch thỏa thuận đã thực hiện trên hệ thống không được phép huỷ bỏ.

Lưu ý: Đối với giao dịch mua bán lại repo trái phiếu, việc sửa lệnh thỏa thuận đã thực hiện chỉ áp dụng đối với giao dịch lần một. Giao dịch lần hai trong giao dịch mua bán lại không được phép sửa, hủy.

Quảng cáo: Mở tài khoản chứng khoán Online

Nguồn: Lão Trịnh

 

Tags: ,,