Hệ số alpha là thuật ngữ phổ biến được sử dụng trong đầu tư, trong vận hành thị trường điện…do đó có thể hay gặp với nhà đầu tư và cũng dễ gây nên lầm lẫn. Do đó, trong bài này mình ghi chú một chút và phân biệt để nhà đầu tư thuận tiện theo dõi trong quá trình đầu tư.
Hệ số Alpha trong đầu tư
Trong đầu tư, hệ số alpha được xem là phần lợi nhuận thặng dư haytỉ suất sinh lời vượt trội so với thị trường chung hay chỉ số chung.
Hệ số alpha là một trong năm hệ số rủi ro phổ biến, các hệ số còn lại gồm: hệ số beta, độ lệch chuẩn, hệ số R và hệ số Sharpe. Hệ số alpha thường được sử dụng kèm với hệ số beta – là hệ số đo lường độ dao dộng hoặc rủi ro của thị trường chung, còn được biết đến với tên gọi rủi ro hệ thống của thị trường.
Do đó, trong đầu tư hệ số alpha là một thước đo cho sự hiệu quả, cho thấy một chiến lược hay một người giao dịch, hay một người quản lí quỹ đầu tư có thể đánh bại thị trường như thế nào. Hệ số Alpha được coi như lợi nhuận chủ động hay lợi nhuận thặng dư của quỹ chủ động so với các quỹ đầu tư thụ động hoặc so với các chỉ số tham chiếu. Hệ số alpha có thể dương hoặc âm và là kết quả của quá trình đầu tư chủ động. Ngược lại, hệ số beta lại có được từ việc đầu tư bị động theo chỉ số.
Hệ số alpha thường được thể hiện dưới dạng đơn số (như là +3,0 hay -5,0), cho biết kết quả khi so sánh hiệu suất của danh mục với chỉ số tiêu chuẩn (ví dụ như tốt hơn 3% hay kém hơn 5%).
Hệ số Alpha trong ngành điện
Hệ số Alpha trong ngành điện được định nghĩa là tỷ lệ sản lượng điện năng thanh toán theo giá hợp đồng. Hệ số này được định nghĩa là tỷ lệ điện năng mà EVN sẽ thanh toán cho đơn vị phát điện theo giá hợp đồng Qc khi phát điện trên thị trường cạnh tranh.
Đối với các nhà máy điện khi xây dựng, đặc biệt với các nhà máy nhiệt điện chi phí cao, họ sẽ cố gắng thương lượng với EVN một mức Qc cố định, nhằm đảm bảo hiệu quả dòng tiền và hiệu quả đầu tư dự án. Như vậy, trong trường hợp 02 bên đã thống nhất trong hợp đồng mua bán điện tỷ lệ Qc thì sẽ áp dụng theo hợp đồng đã thống nhất ban đầu;
Ngược lại, nếu chưa có thống nhất thì tổng sản lượng hợp đồng năm của nhà máy điện (Qc) sẽ được tính toán theo công thức sau:
Qc = α x AGO
Trong đó:
- Qc: Tổng sản lượng hợp đồng năm N (kWh);
- AGO: Sản lượng kế hoạch năm N của nhà máy điện (kWh);
- α: Tỷ lệ sản lượng thanh toán theo giá hợp đồng áp dụng cho năm N (%).
Trong trường hợp đơn vị phát điện chưa thống nhất Qc ban đầu, thì sẽ chia thành hai đối tượng có mong muốn hệ số Alpha hay Qc khác nhau:
- Nhà máy phát điện có chi phí thấp (Thủy điện) thì thích hệ số Alpha thấp hay Qc thấp, để họ có thể phát điện trên thị trường cạnh tranh nhiều hơn. Vì chi phí vốn của họ thấp nên phát trên thị trường cạnh tranh với giá nào thì họ vẫn có lợi thế hơn so với các loại nhà máy phát điện khác.
- Đối với các nhà máy phát điện có khi phí cao (Khí, Gió, Than…) họ thường thích Qc cao, vì chi phí cao họ sẽ khó cạnh tranh được với các mảng thủy điện hay mặt trời…Để thu hồi vốn đầu tư họ cần EVN cam kết tiêu thụ cho họ một sản lượng tối thiểu ở mức cao nhằm ổn định dòng tiền và IRR.
Ngoài ra, mức trần của giá điện năng thị trường điện (SMP cap) càng cao thì càng có lợi cho các doanh nghiệp phát triển điện, vì họ có thể được bán với giá cao hơn trong thị trường cạnh tranh.
- Mức trần của giá điện năng thị trường điện (SMP cap) áp dụng trong thị trường điện năm 2022 là 1602,3 đồng/kWh
- Mức trần của giá điện năng thị trường điện (SMP cap) áp dụng trong thị trường điện năm 2023 là 1778,6 đồng/kWh.
- Mức trần của giá điện năng thị trường điện (SMP cap) áp dụng trong thị trường điện năm 2024 là 1547,5 đồng/kWh.
Nguồn: Lão Trịnh