Hướng dẫn đầu tư chứng khoán từ a-z

Nhà đầu tư khi muốn bắt đầu đầu tư chứng khoán hay cả những người mới bắt đầu cho tới các nhà đầu tư đã chuyên nghiệp đều cần phải trãi qua những bước quan trọng để có thể tìm và lọc được một cổ phiếu ưng ý, vừa đảm bảo khả năng sinh lợi vừa phù hợp với mức độ rủi ro của bản thân.
Bài viết này sẽ trình bày đầy đủ các bước cần thiết để nhà đầu tư có thể bắt đầu lựa chọn cổ phiếu đầu tư mà không cần lo lắng rằng mình là người mới bắt đầu hay là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Phương pháp trình bày và phân tích Top-Down sẽ được tôi ứng dụng trong bài này và phương pháp này cũng đã được đa số các chuyên gia sử dụng.
Chú ý rằng, bài viết chỉ là trình bày các bước ở mức cơ bản cần thiết, còn trong thực tế áp dụng thì nhà đầu tư có thể kết hợp thêm những hiểu biết của mình để mở rộng phân tích hơn nhằm tối ưu lựa chọn của mình.

Bước 1: Xem xét các yếu tố vĩ mô và xác định chu kỳ của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán

Các cách để xác định tình trạng kinh tê vĩ mô đang như thế nào trước khi quyết định lựa chọn kênh đầu tư gồm:
– Đọc các báo cáo vĩ mô của các công ty chứng khoán, các công ty tài chính độc lập hoặc các báo cáo vĩ mô của các tổ chức đa quốc gia.
+ Báo cáo của các công ty chứng khoán: Các bạn vào mục phân tích => Chọn báo cáo phân tích => Chọn báo cáo vĩ mô. Định kỳ hàng năm và hàng quý các công ty chứng khoán lớn đều sẽ có những báo cáo vĩ mô về kinh tế và chứng khoán, các bạn có thể đọc ở đó để có cái nhìn chung về tình hình kinh tế. Chú ý hãy đọc báo cáo của ít nhất 2 công ty để có cái nhìn độc lập và đa dạng hơn, tránh bị định hướng chủ quan của một công ty nào đó.

+ Báo cáo của các công ty BĐS: Để đa dạng hóa kênh đều tư thì nhà đầu tư có thể đọc thêm báo cáo vĩ mô về ngành BĐS của các tổ chức tư vấn BĐS như Saviil hoặc CBRE.

+ Báo cáo vĩ mô độc lập của các tổ chức quốc tế: Việc đọc báo cáo của các công ty chứng khoán và BĐS đã cho các bạn có một cái nhìn tổng thể, nhưng không tránh khỏi sự định hướng của các công ty này. Do đó, để khách quan hơn các bạn có thể đọc thêm các báo cáo vĩ mô của các tổ chức quốc tế độc lập như Worldbank, OECD, ABD…các bạn lo lắng về việc hạn chế ngôn ngữ thì có thể tra google về “báo cáo triển vọng kinh tế năm 20xx của tổ chức…” đảm bảo sẽ có nhiều bài báo tiếng Việt đã dịch và trích dẫn lại, các bạn có thể tham khảo các bài báo đó cũng được.

– Đọc của người ta không bằng mình tự phân tích, đó chính là việc các bạn tự mở các chỉ số tài chính quan trọng lên để đánh giá:
+ Xem chỉ số GDP: Công bố hàng quý một lần, xem tốc độ tăng trưởng như thế nào so với kỳ trước và cùng kỳ.
+ Xem chỉ số tỷ giá, lãi suất và lạm phát: Các chỉ số vĩ mô đều có quan hệ lẫn nhau, nhưng ba chỉ số này lại có quan hệ trực tiếp hơn, nên có thể xem chung. Lãi suất và lạm phát tăng thường có xu hướng tác động xấu tới chứng khoán và ngược lại. Trong khi đó tỷ giá biến động ở mức độ ổn định thì sẽ thuận lợi hơn cho chứng khoán. Tất nhiên, cần đặt các chỉ số vĩ mô trong bối cảnh của thị trường từng giai đoạn, tuy nhiên khi các chỉ số biến động ở mức mạnh thì cần phải tỉnh táo xem xét.
+ Chỉ báo các về năng lực sản xuất (PMI), hay sản lượng sản xuất của ngành...đều phát ra cảnh báo về tín hiệu tình hình kinh tế, mà nhà đầu tư cần lưu tâm. Khi các chỉ báo giảm thì xác định năng lực sản xuất đang có dấu hiệu đi xuống, cần xem xét cẩn thận. Tuy nhiên, đây mới là tín hiệu cảnh báo có thể do ảnh hưởng nhất thời, cần phân tích kỹ, nhưng nếu giảm mạnh thì là tín hiệu xấu.
+ Xem thêm các chỉ báo liên quan đến kinh tế thế giới: phân này thường là đã được trình bày trên báo cáo vĩ mô trong phần trên, tuy nhiên các bạn cũng có thể làm những bước tương tự để tự đánh giá cho mình bức tranh tổng thể. Chú ý đến các chỉ báo mà giới đầu tư đang quan tâm từng giai đoạn, hãy đọc và nghiên cứu thêm để tự đưa ra đánh giá.

 (Có thể tra trên trang http://duyviet90.blogspot.com/ trong khung bên tay phải có lưu sẵn các đường dẫn)

Xác định mức độ tương quan giữa các chỉ báo vĩ mô với thị trường chứng khoán. Làm điều này để xác định rằng các chỉ báo vĩ mô đã phản ánh đầy đủ vào chỉ số thị trường chứng khoán hay chưa, để từ đó xác định được mức độ đắt rẻ của thị trường.
– Đánh giá chu kỳ chứng khoán tương ứng với các chỉ báo vĩ mô
+ Thực hiện điều này là bởi vì chỉ số chứng khoán và chỉ báo vĩ mô mặc dù có tương quan cao nhưng thời gian xảy ra lại khác nhau. Thông thường, chỉ số chứng khoán sẽ phản ánh trước các tín hiệu vĩ mô được công bố và có những lúc tâm lý nhà đầu tư phản ứng quá mức các thông tin nhận được => dẫn đến tình trạng quá bán.
+ Đánh giá chu kỳ chứng khoán để xác định là thị trường đang giao dịch trong sóng tăng của chu kỳ ngắn hạn hay dài hạn để từ đó xác định cho mình một phương pháp giao dịch phù hợp.
– Cần hiểu được bản chất tương quan của chỉ số chứng khoán và chỉ số tài chính để tránh những xung đột trong quá trình lựa chọn phong cách đầu tư.
+ Chỉ số vĩ mô như GDP, PMI, CPI….thường được xem theo tháng hoặc quý, do đó sẽ có độ trễ so với chỉ số chứng khoán. Hơn nữa, những chỉ số như GDP đặc biệt được công bố theo quý và ảnh hưởng rất quan trọng, nhưng lại có thể được dự báo tương đối chính xác trước khi công bố và do đó chỉ số chứng khoán đã được phản ánh một phần nào đó trước thời điểm công bố.
+ Các chỉ báo như lãi suất, tỷ giá, …. thường biến động hằng ngày và trong một giai đoạn nhất định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên, cũng chính vì độ nhạy của nó mà nó cũng biến động nhanh không khác chỉ số chứng khoán, dẫn đến NĐT có thể nhất thời phản ứng thái quá với các chỉ số này. Cần nắm bắt được tâm lý này để xác định tâm lý giao dịch vững vàng.

Bước 2: Phân tích ngành

Sau khi đã xem xét các yếu tố vĩ mô và xác định được chu kỳ hiện tại, bước tiếp theo là lựa chọn ngành để đầu tư. Vấn đề này là hết sức quan trọng không kém gì việc xem sự vận động của chỉ số, vì nếu lựa chọn đúng ngành tăng trưởng thì xác suất thua của bạn sẽ được hạn chế đi rất nhiều và ngược lại nếu lựa chọn sai vào ngành đang suy giảm thì phải rất khó khăn mới chọn đúng được cổ phiếu đi ngược dòng.

Để lựa chọn ngành đầu tư cũng có nhưng kỹ thuật đơn giản sau:

– Căn cứ vào những chính sách mới ban hành hoặc định hướng hỗ trợ của Chính phủ để xác định được ngành sẽ ưu tiên phát triển hoặc có một chính sách gì đó có thể kích thích tăng trưởng ngành.
– Đối với những ngành có tương quan tới các dữ liệu ngành như nguyên liệu thôi thì xem giá nguyên liệu thế giới, đối với ngành dịch vụ đầu vào đầu ra thì có thể xem các số liệu liên quan đến cung cầu đầu vào đầu ra…
Ví dụ: Đầu tư cao su tự nhiên phải xem giá cao su thế giới, đầu tư ngành đường phải xem giá đường thế giới, đầu tư ngành dầu mỏ phải xem giá dầu thế giới, đầu tư ngành vận tải du lịch phải xem giá đầu vào là giá dầu thế giới và đầu ra là tăng trưởng du lịch….
– Đến cuối cùng các bạn thấy việc làm hai bước trên khó quá thì có thể nhờ hỗ trợ thêm bằng cách vào các trạng web chứng khoán của các công ty chứng khoán lớn và vào các phần báo cáo ngành, họ sẽ trình bày những ngành triển vọng và nêu nguyên nhân, các bạn có thể phát triển thêm ý từ đó.

Bước 3: Phân tích công ty

Mọi nẽo đường cũng phải tới được mục tiêu, đây mới là phần quan trọng nhất của quá trình đầu tư. Hai bước ở trên các bạn nên cố gắng rèn luyện để đạt tới độ hiểu biết rộng và sâu, nhưng nếu trong nhất thời vẫn chưa đạt được thì cố gắng hiểu biết ở mức tương đối để có khả năng phán đoán, phần còn lại là đọc trong báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán. Còn trong bước này, nhất định bản phải nắm lòng và luôn luôn cải thiện bản thân nếu muốn xác định đầu tư chứng khoán lâu dài và chuyên nghiệp.

– Lọc công ty: Là việc bạn lựa chọn cho mình một nhóm cổ phiếu đạt một tiêu chuẩn nhất định, trước khi bước vào phân tích. Có nhiều phương pháp lọc, bạn có thể áp dụng các cách sau.
+ Lọc theo phương pháp CANSLIM
+ Lọc theo phương pháp Net Cash, Net Working
+ Lọc theo các hệ số định giá cơ bản: P/E, P/B.
+ Lọc theo các tiêu chí đặt ra: ROA, ROE, P/E, P/B, Beta, Volume, EPS, Doanh thu…

– Phân tích các chỉ số cơ bản: là việc bạn xem xét các yếu tố chính ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng, sức khỏe tài chính…trước khi đầu tư.
+ Bước 1: Nhập mã cổ phiếu cần nghiên cứu vào mục tìm kiếm trong trang web: https://dag.vn/

+ Bước 2: Xem xét cơ cấu bảng cân đối tài chính tóm tắt trong mục thông tin tài chính

Chú ý xem tăng trưởng doanh thu theo năm và theo quý, lợi nhuận theo năm và quý tăng trưởng như thế nào theo các phương pháp lọc ở bước 1 (chọn chế độ xem theo năm hoặc quý tương ứng). Sau đó xem xét cơ cấu nợ phải trả/TTS để xác nhận doanh nghiệp đang có cơ cấu nợ tương đối ổn định.

+ Bước 3: Xem các chỉ tiêu cơ bản thông qua các chỉ số tính toán sẵn

Nếu NĐT đã thông thạo BCTC thì có thể bỏ qua bước này, tuy nhiên việc xem xét các chỉ số sẽ giúp tiết kiệm thời gian, và hạn chế trường hợp nhiều NĐT không còn nhớ cách tính toán các chỉ số này.
Đến đây có thể được xem là bước cuối cũng của việc lựa chọn cổ phiếu ở mức độ cơ bản, tuy nhiên dựa vào các chỉ số P/E, BVPS để đánh giá tương đối giá trị cổ phiếu mới chỉ ở mức độ cơ bản. Bạn cần phải có 2 bước mở rộng như phần dưới.

+ Bước 4: Xem chi tiết trong BCTC và cả thuyết minh BCTC.
Hãy nhớ rằng, phương pháp lọc và các chỉ số tài chính ở trên chỉ giúp nhà đầu tư hạn chế các cổ phiếu kém chất lượng chứ chưa thể giúp lựa chọn được cổ phiếu xuất sắc. Bước tiếp theo là trước khi bạn quyết định có nên đầu tư vào cổ phiếu bạn đã lọc hay không là mở báo cáo và xem kỹ các con số mà bạn cảm thấy đang ngờ, có thể xem thêm phần thuyết minh để hiểu rõ hơn.

+ Bước 5: Kết hợp với phân tích kỹ thuật
Đây là bước cuối cùng tức là kết hợp với tín hiệu PTKT để xác định điểm mua tối ưu, nếu các bạn không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này cũng không cần quá lo lắng. Chỉ cần sử dụng các chỉ báo cơ bản nhất như MA hoặc Trendline là đủ, vì đây chỉ là bước hỗ trợ cho phân tích cơ bản ở trên.

Tổng kết

Trên đây là các bước cơ bản để phân tích và lựa chọn cổ phiếu đầu tư theo phương pháp top-down mà đang được rất nhiều các nhà đầu tư áp dụng. Bạn thấy có vẻ dài dòng và phức tạp phải không?
Đừng quá lo lắng, vì trong một khoảng thời gian ngắn, bạn có thể bỏ qua 2 bước đầu và trực tiếp đi vào lọc cổ phiếu để đầu tư, đơn giản là vì các yếu tố vĩ mô và ngành trong ngắn hạn sẽ ít biến động và không cần phải thực hiện phân tích nhiều lần.
Để áp dụng cách trên không cần bạn phải là một chuyên gia tài chính hay một người có trí tuệ siêu phàm, nhưng ít nhất bạn phải hiểu được các con số, sự tăng trưởng để có thể đánh giá. Hãy nâng cấp bản thân từng ngày, kết hợp với những tố chất riêng của bản thân. Chúng tôi tin bạn sẽ trở thành nhà đầu tư thành công.

Nguồn: Lão Trịnh

https://vfin.vn/khoa-hoc/

Tags: