Đối với mỗi Nhà đầu tư, việc tìm hiểu rõ các kênh đầu tư khác nhau sẽ giúp chúng ta chủ động đa dạng hóa hoạt động đầu tư của bản thân. Ngoài đầu tư vào cổ phiếu, nhà đầu tư còn có nhiều lựa chọn khác để đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ, trái phiếu đại chúng, bất động sản, vàng, gửi tiết kiệm, chứng chỉ quỹ…Nhưng làm sao để đầu tư vào trái phiếu đại chúng thì không phải ai cũng hiểu, bài viết này mình sẽ giải thích về điều đó.
Trái phiếu niêm yết là gì?
Đây là những loại trái phiếu được đăng ký và lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung như HOSE hoặc HNX. Các giao dịch trái phiếu đều phải được tuân theo quy định của Sở GDCK niêm yết.
Công ty đại chúng là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019 thì công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
– Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;
– Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng?
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán thì hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng của công ty đại chúng gồm:
a) Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
b) Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm;
c) Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua;
d) Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;
đ) Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
e) Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
g) Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng;
h) Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán;
i) Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.
Hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng?
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng của công ty đại chúng gồm:
1. Giấy đăng ký chào bán theo Mẫu số 07 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
2. Bản cáo bạch theo quy định tại Điều 19 Luật Chứng khoán.
3. Quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán trái phiếu ra công chúng, thông qua việc niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán, trong đó:
a) Phương án phát hành phải nêu rõ: loại trái phiếu chào bán, số lượng trái phiếu từng loại chào bán, lãi suất trái phiếu hoặc nguyên tắc xác định lãi suất trái phiếu; kỳ hạn trái phiếu;
b) Trường hợp đợt chào bán nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án, phương án sử dụng vốn phải bao gồm nội dung về phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.
4. Báo cáo tài chính của tổ chức phát hành trong 02 năm gần nhất phải đáp ứng quy định tại Điều 20 Luật Chứng khoán.
– Báo cáo tài chính được lập theo quy định của pháp luật về kế toán.
– Trường hợp tổ chức phát hành là công ty mẹ thì tổ chức phát hành phải nộp báo cáo tài chính hợp nhất theo quy định của pháp luật về kế toán.
– Báo cáo tài chính năm phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán. Ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính là ý kiến chấp nhận toàn phần; trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán; tổ chức phát hành phải có tài liệu giải thích hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc ngoại trừ.
– Trường hợp hồ sơ được nộp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm, báo cáo tài chính năm của năm trước đó trong hồ sơ ban đầu có thể là báo cáo tài chính chưa có kiểm toán, nhưng phải có báo cáo tài chính được kiểm toán của 02 năm trước liền kề. Trường hợp tổ chức phát hành hoàn thiện hồ sơ sau 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm, tổ chức phát hành phải bổ sung báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán.
– Trường hợp ngày kết thúc kỳ kế toán của báo cáo tài chính gần nhất cách thời điểm gửi hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng đầy đủ và hợp lệ đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quá 90 ngày, tổ chức phát hành phải lập báo cáo tài chính bổ sung đến tháng hoặc quý gần nhất.
5. Hợp đồng tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng với công ty chứng khoán, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán.
6. Cam kết bảo lãnh phát hành (nếu có) bao gồm các nội dung tối thiểu theo Mẫu số 08 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Trường hợp có tổ hợp bảo lãnh phát hành, cam kết bảo lãnh phát hành của tổ chức bảo lãnh phát hành chính phải kèm theo hợp đồng giữa các tổ chức bảo lãnh phát hành. Các tài liệu này phải được gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán.
7. Báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành hoặc đối với trái phiếu đăng ký chào bán trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký chào bán (nếu có).
8. Văn bản cam kết của Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty về việc triển khai niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.
9. Quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng. Đối với việc chào bán trái phiếu ra công chúng của tổ chức tín dụng, hồ sơ phải có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phương án phát hành trái phiếu ra công chúng theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng.
10. Tài liệu quy định tại điểm c khoản 1, điểm d, g khoản 3 Điều 18 Luật Chứng khoán và văn bản cam kết đáp ứng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán.
Quy trình đầu tư trái phiếu niêm yết?
- Trái phiếu niêm yết là trái phiếu phát hành đại chúng được đăng ký và lưu ký đầy đủ tại Trung tâm lưu ký chứng khoán; và được phép giao dịch trên sàn HNX (xem tại đây). Ngoài ra, toàn bộ quá trình trong khi giao dịch phải dựa trên các quy định mà Sở Giao dịch Chứng khoán đề xuất.
- Tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp phát hành trái phiếu và lựa chọn các công ty tốt như Ban quản trị tốt, vị thế trong ngành cao, tài chính vững chắc, có nhiểu triển vọng ngành, và thông tin luôn minh bạch, …
- Tìm hiểu mục đích phát hành trái phiếu: mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển hay là để tái cơ cấu nợ.
- Phân tích lợi suất trái phiếu (lợi nhuận cho nhà đầu tư), giá mua/bán, xếp hạng tín dụng…phù hợp với mức lợi nhuận yêu cầu và mức chấp nhận rủi ro của NĐT.
- Để mua trái phiếu niêm yết thì nhà đầu tư:
Bước 1. Mở tài khoản giao dịch (tài khoản tiền/chứng khoán, tài khoản giao dịch)
-
- Trường hợp mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán là thành viên thị trường TPCP: Công ty Chứng khoán có trách nhiệm đặt lệnh cho nhà đầu tư.
- Trường hợp mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán không phải là thành viên thị trường TPCP: Công ty Chứng khoán nơi mở tài khoản có trách nhiệm đặt lệnh cho khách hàng thông qua Công ty Chứng khoán thành viên.
- Trường hợp mở tài khoản tại Ngân hàng thương mại (tài khoản tiền/chứng khoán): khách hàng phải đặt lệnh giao dịch qua Công ty chứng khoán.
Bước 2. Ký quỹ giao dịch
-
- Khi đặt lệnh mua TPCP, khách hàng ký quĩ tiền giao dịch theo mức thỏa thuận với Công ty Chứng khoán.
- Khi đặt lệnh bán TPCP, khách hàng phải có đủ số lượng TPCP đặt bán.
Bước 3. Đặt lệnh giao dịch
-
- Lệnh giao dịch được thực hiện qua Công ty Chứng khoán thành viên thị trường TPCP (trừ Ngân hàng thương mại là thành viên hệ thống giao dịch trái phiếu).
- Viết phiếu lệnh mua/bán TPCP theo mẫu của Công ty Chứng khoán.
Bước 4. Nhận kết quả giao dịch chi tiết tại Công ty Chứng khoán đặt lệnh giao dịch.
Bước 5. Thanh toán vào ngày làm việc kế tiếp ngày thực hiện giao dịch, tiền/chứng khoán sẽ được chuyển tới tài khoản của khách hàng thông qua hệ thống thanh toán và bù trừ chứng khoán.
=> Tóm lại, đối với NĐT trong nước thì đơn giản là mở tài khoản chứng khoán tại CTCK là thành viên giao dịch (mấy CTCK lớn đều là TVGD), sau đó gõ mã trái phiếu và tự mua bán, nếu thỏa thuận thì nhờ broker làm.
=> Đối với NĐT nước ngoài thì Đăng ký mã số giao dịch (đăng ký trực tiếp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, Công ty Chứng khoán, Ngân hàng Lưu ký) và sau đó giao dịch như NĐT trong nước.
Nguồn: Lão Trịnh