Dầu khí là một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, đóng góp rất lớn cho công cuộc phát triển đất nước. Mặc dù tỷ trọng đóng góp vào GDP đang giảm dần do nền kinh tế Việt Nam đã phát triển đa dạng và cân đối hơn, cũng như sản lượng của các mỏ dầu khí hiện tại đang dần cạn kiệt, tuy nhiên nó vẫn là một đóng góp rất lớn trong cơ cấu nền kinh tế. Đối với ngành dầu khi, Việt Nam cần tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa thì mới có thể cải thiện được sản lượng tương lai, qua đó cũng giúp cho các doanh nghiệp dầu khí kéo dài tăng trưởng.
Những điểm nổi bật có thể khiến ngành dầu khí nổi sóng trong năm 2022 có thể được phân tích như dưới đây, liệu có thể tạo nên một cú hích tạo sự tăng trưởng cho ngành được hay không thì NDT cùng đánh giá.
1. Sửa luật dầu khí
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được bố cục gồm 10 chương và 69 điều và có thể được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 5-6/2022. So sánh với Luật Dầu khí 1993, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã có những thay đổi về bố cục, kết cấu:
– Bổ sung thêm 3 chương về: trình tự, thủ tục phê duyệt trong hoạt động dầu khí, dự án dầu khí; công tác kế toán, kiểm toán và quyết toán; các chính sách ưu đãi trong hoạt động dầu khí.
– Bỏ 2 chương về: thanh tra các hoạt động dầu khí; xử lý vi phạm.
Về số lượng điều khoản, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã giữ lại những nội dung điều khoản cơ bản phù hợp với các Hợp đồng dầu khí đã ký đang có hiệu lực và cấu trúc lại để phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều khoản vào Luật.
Một số điểm nổi bật có thể giúp thúc đẩy ngành Dầu khí phát triển nhanh hơn như là: PVN được quyền ưu tiên mua lại một phần hoặc toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng; Nhà thầu được quyền ký kết hợp đồng về dịch vụ dầu khí, nhưng phải ưu tiên ký kết những hợp đồng đó với tổ chức, cá nhân Việt Nam (GAS); Việc chuyển nhượng một phần hay toàn bộ hợp đồng dầu khí phải được Bộ Công thương chuẩn y, đáp ứng các yêu cầu về luật đầu tư và bên nhận chuyển nhượng phải cam kết thực hiện tiếp tục thực hiện các cam kết trong hợp đồng; Thời hạn thực hiện hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thêm nếu được Thủ tướng đồng ý;
Nhìn chung, các sửa đổi nhằm khắc phục những hạn chế bất cập trong phiên bản cũ, giúp các dự án dầu khí dễ triển khai, triển khai nhanh, lược bỏ những phát sinh không đáng có trong quá trình hoạt động;
Toàn văn Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
2. Triển vọng phát triển chuỗi dự án dầu khí có sử dụng vốn vay ODA
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 114/2021/NĐ-CP, ngày 16/12/2021, về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (thay thế Nghị định 56). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để phê duyệt đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3, chìa khóa để chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn tháo gỡ nút nghẽn để có thể sớm khởi công nguồn điện khí quan trọng này.
Như vậy, việc tháo gỡ vướng mắc cho dự án Ô Môn III sẽ khai thông bế tắc cho cụm khí Lô B-Ô Môn, và có thể FID dự án Ô Môn III trong khoảng quý 1/2022 và FID dự án Lô B trong quý 2/2022;
Lô B-Ô Môn triển khai có thể thúc đẩy hoạt động cho các doanh nghiệp xây lắp như PTSC, PVCoating, PVDrilling, PVC-MS, PVGAS…cụ thể như sau:
– PVGAS được giao đại diện phân phối khí từ dự án tới các nhà máy điện khí, dự án tăng thêm nguồn thu trong khâu vận chuyển và khai thác cho PVGAS;
– PTSC (PVS) được giao phụ trách thầu xây lắp cho dự án, có thể mang lại doanh thu từ 1-1.2 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2025;
– PVCoating (PVB) là công ty được hưởng lợi lớn nhất khi được giao bọc ống cho dự án, với doanh thu có thể từ 1800-2200 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp cao có thể giúp PVB tăng trưởng mạnh trở lại như giai đoạn trước 2014;
– PVDrilling (PVD) sẽ được thuê khoan các giếng khi trong dự án, tăng tần suất hoạt động cho các giàn khoan của PVD và duy trì công việc ổn định trong khoảng thời gian dự án;
– Các doanh nghiệp thầu phụ, hoặc cung cấp các sản phẩm gián tiếp cho dự án như PXS, PVC…cũng sẽ được hưởng lợi từ dự án này;
– Trường hợp liên quan đến các dự án điện khí Ô Môn 1-4 thì cũng có lợi cho các doanh nghiệp xây lắp điện, tư vấn điện và doanh nghiệp được giao khai thác khi hoàn thành: PGV, POW, TV2, PC1, Lilama, PVS…
3. Triển vọng giá dầu năm 2022
– Phân tích cung cầu theo dự báo của OPEC và EIA đều cho thấy cho tới hết quý 1/2022 thì cung thâm hụt so với cầu khoảng hơn 1 triệu thùng/ngày và sau đó sẽ chuyển trạng thái từ thâm hụt qua cân bằng vào giữa năm 2022 và thặng dư sau đó;
– Các biến tác động đến giá dầu hiện nay tập trung vào các biến số:
+ Diễn biến của COVID và các biến thể nghiêm trọng như thế nào trong mùa đồng và sau khi mùa đông kết thúc, điều này ảnh hưởng tới nhu cầu dầu mỏ.
+ Kế hoạch cung sản lượng của OPEC+ nếu được giữ nguyên sẽ tăng nguồn cung lên mức trước dịch vào tháng 6/2022, khi đó nếu cầu chưa phục hồi đầy đủ như trước dịch sẽ khiến cho tình trạng dư thừa diễn ra;
+ Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới phía cầu dầu mỏ, và theo dự báo cầu sẽ phục hồi đầy đủ vào gần cuối năm 2022;
+ Quá trình đàm phán hạt nhân giữa Iran, EU và Mỹ sẽ diễn biến thế nào, hiện tại thì vẫn đang đàm phán thu hẹp các bế tắc, nhưng quá trình này có thể cần mất thời gian;
+ Các biến số khác cũng có thể tác động như nguồn năng lượng thay thế, mức đầu tư của ngành, biến số thị trường BĐS Trung Quốc, sự can thiệp bằng kho dự trữ của các nước lớn…
Tóm lại, nhìn nhận ở góc độ cá nhân thì dự báo giá dầu (WTI) sẽ tăng dến lên trên 75-80$ trong giai đoạn tháng 1-3/2022 do cầu tăng mà cung chưa đáp ứng kịp, nhưng hạ nhiệt dần sau đó và duy trì mức trung bình cả năm 2022 ở mức 65$/thùng;
Do dó, năm 2022 có thể nói khá thuận lợi cho ngành dầu khí ổn định phát triển và các cổ phiếu dầu khí có nhiều cơ hội để tạo sóng tăng vào nửa đầu năm 2022.
Nguồn: Lão Trịnh