Nên cho phép Quỹ tham gia cơ cấu trái phiếu riêng lẻ hay không?

Vừa qua, NHNN đã ban hành Dự thảo sửa đổi TT16/2021/TT-NHNN và kỳ vọng sẽ cho phép Ngân hàng tham gia giải cứu “có điều kiện” trái phiếu riêng lẻ. Động thái này được thị trường đánh giá tích cực về mặt quản lý, khi các cơ quan chức năng đã lắng nghe tiếng nói của các chuyên gia và linh hoạt cho phép các trung gian tài chính tham gia giải quyết tình trạng “khủng hoảng” trái phiếu riêng lẻ hiện tại trên thị trường. Tuy nhiên, việc chỉ cho phép tổ chức tín dụng tham gia giải cứu liệu đã đủ chưa, còn các tổ chức khác như công ty Quản lý quỹ, các quỹ…có nên cho phép tham gia hay không, chúng ta cùng thảo luận.

1. Đặt vấn đề

  • Trái phiếu riêng lẻ là trái phiếu chỉ phát hành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Theo quy định của Luật chứng khoán, thì NĐT chuyên nghiệp là là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán (Tổ chức tài chính (NH, CTCK, Quỹ…), DN >=100 tỷ vốn đã góp, cá nhân có chứng chỉ chứng khoán, cá nhân nắm giữ >= 2 tỷ chứng khoán…). Trong đó, đối với cá nhân nắm giữ >= 2 tỷ chứng khoán sẽ được quy định chi tiết hơn theo các Nghị định 65, 08….tùy từng thời kỳ theo ý chí BTC.
  • Năm 2022, khi BTC ban hành ND65 siết điều kiên đối tượng NĐT chuyên nghiệp, chấn chỉnh lại thị trường phát hành trái phiếu riêng lẻ. Động thái này được các chuyên gia đánh giá cao nhưng trong ngắn hạn hệ lụy của nó làm cho thị trường TP riêng lẻ bị “cú sốc đột ngột”.
  • Nhiều chuyên gia tài chính đã đề xuất, Việt Nam nên bắt trước một số nước trong khu vực và trên Thế giới là lập quỹ giải cứu hoặc cho các tổ chức trung gian tài chính tham gia giải cứu thị trường trái phiếu riêng lẻ, song song với đó sẽ là siết từ từ tránh gây hậu quả nghiêm trọng.
  • Gần đây, NHNN đã ban hành dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN, cho phép NHTM tham gia “giải cứu có điều kiện” với trái phiếu riêng lẻ. Điều này cho thấy cơ quan chức năng đã có sự lắng nghe thị trường, và đã đưa ra những hành động cần thiết trong khả năng để giải cứu hệ thống.
  • Đối với lĩnh vực Quỹ mở tại Việt Nam, với  quy mô còn quá nhỏ bé, đặc biệt là Quỹ trái phiếu lại càng nhỏ hơn sau khi xảy ra hiện tượng “fund run” cuối năm 2022. Không chỉ vậy, hàng hóa có thể lựa chọn cho Quỹ mở cũng khá khan hiếm, hiện chỉ có khoảng 55 trái phiếu DN niêm yết (trong đó 1/3 XĐ-BĐS, 1/3 Ngân hàng với LS thấp), 16 công ty tài chính, 35 NHTM (không tính nước ngoài), TPCP lãi suất thấp…Như vậy, khả năng lựa chọn để Quỹ mở có hiệu suất cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng là rất khó. Hàng ít, không có nhiều lựa chọn đầu tư thì khi huy động được nhiều tiền lại càng rủi ro hơn cho Quỹ (điển hình rất nhiều Quỹ đầu tư vào NVL).

Câu hỏi đặt ra là: Vậy có nên cho Công ty Quản lý Quỹ (Quỹ mở, ủy thác đầu tư…) tham gia giải cứu “trái phiếu riêng lẻ có điều kiện” hay không?

2. Thực trạng

  • Theo quy định tại khoản 4, Điều 16, Thông tư 99/2020/TT-BTC có quy định, trường hợp NĐT ủy thác chỉ định thì công ty quản lý quỹ được phép đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ. Mặc dù vậy, UBCKNN đã có văn bản hướng dẫn cấm các Công ty QLQ nhận tiền NĐT không chuyên để đầu tư vào trái phiếu DNRL.
  • Theo quy định tại Thông tư 98/2020/TT-BTC thì Quỹ mở chỉ được đầu tư không quá 10% vào trái phiếu riêng lẻ nếu có bảo lãnh ngân hàng hoặc cam kết mua lại tối thiểu 30% từ TCPH trong thời gian 12 tháng (chi tiết đọc trong TT).
  • Theo quy định tại Điều 8, Nghị định 65/2022/NĐ-CP thì người mua trái phiếu không được cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức.
  • Như vậy, nếu xét theo logic Nghị định trên Thông tư thì Công ty QLQ/Quỹ không được lấy tiền của NĐT không chuyên để đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ dưới mọi hình thức. Điều này về cơ bản là hợp lý, vì bản chất của phát hành riêng lẻ là mong muốn lựa chọn NĐT có hiểu biết, kiến thức và chấp nhận “high risk – high return”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh một lượng lớn trái phiếu riêng lẻ sắp đáo hạn 2023-2024, và Chính phủ cũng đang mong muốn tìm cách giải cứu các DN tốt do ảnh hưởng bởi những hành động “dễ giải” thời gian vừa qua. Thì việc cho phép các tổ chức trung gian chuyên nghiệp làm kênh kết nối sàng lọc và giải quyết phần nào hệ lụy của TPRL có thể gây ra.

Bản chất chung, TCTD cũng huy động tiền từ NĐT và đi cho vay, đại diện quản lý vốn cho NĐT bằng sự chuyên nghiệp, giám sát chặt và đang được tham gia đề xuất giải cứu TPRL “có điều kiện”. Vậy tại sao, không cho Quỹ/công ty QLQ tham gia cùng giải cứu?

3. Phương án thế nào?

  • Nghị định 65/2022/NĐ-CP và Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã quy định rõ “không được cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức”. Như vậy, nếu xem Ngân hàng là tổ chức chuyên nghiệp theo luật định, thì việc họ dùng vốn để đầu tư TPRL hoàn toàn hợp lý, vậy thì cho công ty QLQ hay Quỹ có thể đầu tư thêm vào TPRL “có điều kiện” thì có được hay không, nếu hiểu theo cách này?
  • Nếu muốn cho công ty QLQ hay Quỹ đầu tư vào TPRL “có điều kiện” thì các bước cần là:

+ Thứ nhất, cũng cần quy định rõ “điều kiện TPRL mà Quỹ mở, Công ty QLQ được phép đầu tư từ tiền của Quỹ hoặc KHUT, tỷ lệ đầu tư…”.

+ Thứ hai, làm rõ hơn về mặt luật theo quy định tại Điều 8 – Nghị định 65, Thông tư 99/2020/TT-BTC về việc nhận tiền của NĐT để mua TPRL, Thông tư 98/2020/TT-BTC về việc nâng tỷ lệ và điều kiện cho phép Quỹ mở được đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ.

Quy định về Luật chứng khoán rất tổng thể, Nghị định/Thông tư lại thuộc quyền của Chính phủ/Bộ ngành, nên việc linh hoạt xử lý từng giai đoạn như NHNN là cần thiết.

Các tổ chức trung gian sẽ như một bộ lọc, giúp giải cứu có điều kiện và kết nối những nhà đầu tư “high risk-high return” đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ. Có rất nhiều doanh nghiệp tốt có thể vay ngân hàng, nhưng vì sự “dễ dãi” của việc phát hành TPRL nên họ cũng đã tham gia phát hành thay vì đi vay vốn ngân hàng.

4. Kết luận

Thị trường tài chính Việt Nam đang ở trong một giai đoạn khó khăn, Chính phủ đã và đang có nhiều biện phát thiết thực để giải quyết những bất cập đó. Những thứ khó khăn nhất đang dẫn qua hoặc được phân tán dài hơn, tránh đổ vỡ hệ thống và chúng ta tin rằng nó rồi sẽ qua.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh hơn quá trình cứu “giải cứu” tình trạng này thì thiết nghĩ nên cho phép thêm nhiều tổ chức trung gian tham gia vào quá trình giải cứu này.

Nguồn: Lão Trịnh

Tags: ,