Phân tích và dự báo giá dầu là vấn đề cực kỳ phức tạp, không chỉ bởi tính chất quan trọng của hàng hóa này với kinh tế mà còn bởi vì nó chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố khác nhau ở quy mô toàn cầu. Trong nội dung bài viết này, chúng ta hãy cùng nhìn vào những chỉ số tiêu biểu định lượng, giúp theo dõi và phân tích giá dầu.
1. Cung và Cầu dầu mỏ
Cung và Cầu dầu mỏ Thế giới là yếu tố căn bản nhất tác động đến giá dầu trong ngắn và dài hạn, sau đó mới tới các yếu tố khác.
Mặc dù tính chất cung cầu là rất quan trọng như vậy, nhưng để dự báo nó lại là một vấn đề rất phức tạp nên ý nghĩa của chỉ số này cũng bị giới hạn. Thông thường các tổ chức lớn như OPEC, EIA, IMF, WorldBank, OECD…mới đủ căn cứ dữ liệu từ cung dầu mỏ cho tới tăng trưởng kinh tế để có thể đưa ra các dữ liệu tương đối sát về mặt cung và cầu.
Thay đổi nhu cầu dầu mỏ Thế giới
Ngoài những phân tích ở trên về cung/cầu dầu mỏ thế giới thì định kỳ EIA và OPEC cũng đưa ra các ước tính về thay đổi trong nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Theo dõi những thay đổi này, cho chúng ta có cái nhìn tổng quát về nhu cầu dầu mỏ của thị trường hiện tại, kết hợp với theo dõi diễn biến nguồn cung thay đổi qua tăng/giảm sản lượng của OPEC+ và các thành viên chủ chốt có nguồn cung lớn non-OPEC+ sẽ giúp chúng ta dự báo chính xác hơn về cung cầu hiện tại.
Định kỳ hàng tuần, EIA (Cơ quan thông tin năng lượng của Bộ năng lượng Mỹ) và API (Hiệp hội dầu mỏ Quốc gia Mỹ) sẽ phát hành báo cáo về cung và cầu, tồn kho dầu mỏ + các sản phẩm dầu mỏ. Báo cáo này sẽ tác động tới thị trường dầu mỏ ở Mỹ và ảnh hưởng đến giá dầu nói chung vì tính ảnh hưởng của Mỹ với thế giới (20% nhu cầu toàn Thế giới). Tuy nhiên, tùy từng giai đoạn và nhìn tổng thể thì sức ảnh hưởng của chỉ số này là không quá lớn so với hai chỉ số nêu trên.
Nhìn rộng lớn hơn, Mỹ bây giờ mặc dù vẫn tiêu thụ 20% nhu cầu dầu Thế giới, nhưng đã trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ có sức ảnh hưởng lớn tới thế giới từ năm 2019, khi xuất khẩu>nhập khẩu.
Do đó, hoạt động sản xuất dầu mỏ của Mỹ bây giờ sẽ có sức ảnh hưởng lớn hơn so với trước dây. Và hơn nữa, công nghệ khai thác dầu đá phiến đã và đang giúp cho Mỹ có nguồn cung lớn bền vững, mặc dù chi phí giá thành vẫn còn cao hơn các loại dầu khai thác theo công nghệ truyền thống, nhưng tác động của nó tới phía cung sẽ rất đáng kể, đặc biệt trong giai đoạn giá dầu tăng cao.
2. Chỉ số tồn kho dầu thô của Mỹ
Tồn kho dầu thô của Mỹ (US – Crude Oil Inventories): Là lượng dầu mỏ chưa được chế biến, thường được lưu trữ trong các bể chứa dầu mỏ hoặc các cơ sở lưu trữ khác. Tồn kho dầu Mỹ được báo cáo bởi EIA/API, phản ánh thay đổi trong cung và cầu dầu mỏ, nó có tương quan -0.54 với giá dầu.
Theo quan sát trong khoảng 20 năm qua thì chu kỳ của chỉ số này thường kéo dài khoảng 3-4 năm. Hơn nữa, tồn kho thường tăng trong các tháng 2 đến 5 & 9 đến 11, trong khi giảm trong các tháng 6-8 và 12 hàng năm.
Divided by 5-Year Avg (Chia cho trung bình 5 năm) so với giá dầu: Đây là việc so sánh lượng tồn kho hiện tại với mức trung bình của tồn kho trong vòng 5 năm trở lại. Việc chia cho trung bình 5 năm giúp loại bỏ các biến động ngắn hạn và tạo ra một cái nhìn dài hạn về xu hướng tồn kho.
Khi tồn kho hiện tại cao hơn so với trung bình 5 năm, điều này có thể cho thấy có sự tích lũy dầu mỏ và có thể đề xuất một thặng dư cung trên thị trường. Ngược lại, nếu tồn kho thấp hơn so với trung bình 5 năm, có thể có dấu hiệu về sự khan hiếm cung.
Ngoài các chỉ số tồn kho nêu trên, thì còn rất nhiều dự liệu tồn kho có giá trị thống kê như: Chỉ số tồn kho Cushing (Cushing, Oklahoma là điểm giao hàng chính của các hợp đồng tương lai dầu thô WTI); Tỷ lệ công suất nhà máy lọc dầu = Tổng đầu vào dầu thô / Công suất hoạt động;
3. Dự trữ dầu chiến lược của Mỹ
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên nổ ra vào năm 1973 do lệnh cấm vận dầu mỏ của các nước Ả Rập áp đặt. Lệnh cấm vận khiến giá dầu thô tăng vọt, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Mỹ. Để đáp lại, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó Gerald Ford đã ký Đạo luật Bảo tồn và Chính sách Năng lượng (EPCA), thành lập Cục Dự trữ Dầu khí Chiến lược (SPR). Quốc hội ban đầu cho phép mục tiêu dự trữ cuối cùng của SPR là 500 triệu thùng dầu thô, được mở rộng lên 750 triệu thùng vào năm 1978, 1 tỷ thùng vào năm 2005 và trong năm 2023 đã giảm xuống còn khoảng 350 triệu thùng.
Chính phủ Mỹ thường dùng SPR để can thiệp bình ổn giá dầu, qua đó góp phần tác động tới thị trường dầu mỏ toàn cầu. Do đó, việc thay đổi căn bản (thay đổi lớn) trong chiến lược sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ cũng sẽ tác động với giá dầu.
Như hiện nay, dự trữ chiến lược sau khi can thiệp đã giảm về mức dưới 350 triệu thùng, điều này cho thấy khả năng can thiệp mạnh hơn của Mỹ là rất hạn chế, do đó giá dầu sẽ khó giảm mạnh trong thời gian tới.
4. Số lượng giàn khoan của Mỹ hoạt động
Baker Hughes công bố số lượng giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ vào ngày cuối cùng của tuần làm việc. Số lượng giàn khoan có thể phản ánh kỳ vọng của các nhà khoan dầu về giá dầu. Số lượng giàn khoan tăng khi các nhà khoan dầu kỳ vọng giá dầu tăng.
Ngoài ra, số liệu Frac Spread Count được cung cấp bởi công ty tư vấn năng lượng Primary Vision, đo lường số lượng đội ngũ làm việc thực hiện quá trình gãy nứt thủy lực trên đá phiến ở Mỹ (sản xuất dầu đá phiến), và đóng vai trò như một chỉ báo đồng thời về số lượng giếng đang được khoan và một chỉ báo dẫn đầu về sản xuất dầu.
5. Sản lượng dầu của OPEC
Sản lượng sản xuất dầu thô của OPEC
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bao gồm các quốc gia sản xuất dầu chủ chốt, bao gồm Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Iran, Iraq, Kuwait, v.v. Một trong những nhiệm vụ chính của OPEC là điều phối và thống nhất các chính sách dầu mỏ giữa các thành viên các nước nhằm giảm thiểu sự biến động giá có hại và đảm bảo sự ổn định giá cả của thị trường dầu mỏ.
OPEC chiếm khoảng 40% sản lượng dầu thô của thế giới và khoảng 80% trữ lượng đã được chứng minh của thế giới, nắm giữ ảnh hưởng đáng kể trên thị trường dầu mỏ. Vì vậy, các quyết định sản xuất của OPEC thường là tâm điểm chú ý của thị trường.
Lưu ý: Ước tính sản lượng trong tương lai là của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA).
Giá dầu hòa vốn tài chính, theo ước tính của IMF trong báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực Trung Đông và Trung Á, đề cập đến mức giá tối thiểu mỗi thùng mà một quốc gia xuất khẩu dầu cần để đáp ứng ngân sách tài chính của mình. Nghĩa là, đó là giá dầu tối thiểu để chính phủ thu thuế từ sản xuất và xuất khẩu dầu để có thể trang trải chi tiêu của chính phủ, bao gồm y tế, giáo dục, quốc phòng, cơ sở hạ tầng và trả nợ.
Giá dầu hòa vốn tài chính thay đổi tùy thuộc vào sản lượng dầu, hiệu quả của chính phủ và cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia. Khi giá dầu quốc tế thấp hơn giá dầu hòa vốn tài chính của một quốc gia, quốc gia đó có thể phải đối mặt với thâm hụt tài chính, điều này có thể gây ra các vấn đề kinh tế, chính trị hoặc xã hội. Để duy trì hoạt động của chính phủ và duy trì chi tiêu, quốc gia này có thể giảm nguồn cung dầu để đẩy giá dầu gần hơn hoặc cao hơn mức giá hòa vốn. Do đó, giá dầu hòa vốn tài chính là một chỉ số quan trọng để đánh giá sự ổn định kinh tế và chính trị của các nước sản xuất dầu.
Ngoài ra, còn có dữ liệu sản xuất dầu của các quốc gia được miễn trừ, dữ liệu về rủi ro địa chính trị và giá dầu….
6. Tổng kết
Nhìn chung, để phân tích được giá dầu thì cần rất nhiều thông tin mang tính chất vĩ mô và toàn cầu, điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn trong phân tích và dự báo chính xác. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm cho thấy, trong điều kiện thị trường mang tính chất bình thường, chỉ nên tập trung vào các yếu tố mang tính chất quan trọng nhất để dự báo chính xác. Còn trong điều kiện thị trường có biến động về yếu tố nào đó ngắn hạn, chúng ta thêm yếu tố này vào xem xét sẽ tránh được những sự mất tập trung hoặc đi quá nhiều vào chi tiết không cần thiết.
Nguồn: Lão Trịnh