Phân tích hoạt động kinh doanh cổ phiếu PVS

Sau Covid, nền kinh tế Thế giới được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ và song song với đó là giá cả của các loại hàng hóa cũng tăng theo. Theo dự báo, giá dầu sẽ phục hồi và ổn định ít nhất cho tới giữa năm 2022 ở mức khoảng 70-80$ (WTI) do cung tăng chậm hơn cầu và thâm hụt trong khoảng trung bình 1-1.5 triệu thùng/ngày. Do đó, để đón đầu xu hướng này, tác giả xin lần lượt phân tích các cổ phiếu dầu khí và trong bài viết này chúng ta cùng phân tích cổ phiếu PVS – Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).

1. Ngành nghề kinh doanh

  • Dịch vụ cơ khí (M&C):

– Dịch vụ cơ khí M&C là các hoạt động liên quan đến Thiết kế kỹ thuật, Thiết kế chi tiết, Mua sắm, Thi công và Chạy thử cho lĩnh vực công nghiệp trên bờ và dưới biển.

– PVS hiện là nhà thầu xây lắp dầu khí hàng đầu tại Việt Nam và có uy tín trong khu vực, thực hiện các công trình trên bờ và dưới biển như: công trình trên bờ như xây dựng các nhà máy điện, nhà máy lọc hóa dầu, cụm thiết bị công nghệ và cơ khí, nhà máy sản xuất phân bón,…và công trình ngoài khơi như các giàn khoan, giàn đầu giếng, giàn nén khí, giàn công nghệ trung tâm, giàn nhà ở, giàn nửa nổi nửa chìm, tàu chứa và xử lý dầu (FSO/FPSO), các hệ thống ngầm dưới biển (subsea),…

– Dịch vụ này đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 50-60% doanh thu của PVS trong nhiều năm qua, tuy nhiên biên lợi nhuận thường thấp và chỉ cao hơn nếu công ty trực tiếp làm tổng thầu EPC.

  • Dịch vụ kho nổi FSO/FPSO:

– FPSO (Floating Production, Storage and Offloading) là một kho nổi được sử dụng để tiếp nhận hỗn hợp dầu khí, sau đó xử lý, lưu trữ và chuyển lên một tàu chở dầu, hoặc được vận chuyển thông qua một hệ thống đường ống dẫn. FPSO được sử dụng phổ biến ở ngoài khơi vì dễ dàng lắp đặt, và không đòi hỏi một cơ sở hạ tầng đường ống dẫn để xuất dầu.

– FSO (Floating Storage & Offloading) là kho nổi chứa dầu khí, được sử dụng để lưu trữ dầu (không có hệ thống xử lý dầu).

– FPSO và FSO được xem như là những con gà đẻ trứng vàng cho PVS và các đối tác của PVS trong liên doanh, chiếm khoảng 15-20% doanh thu hàng năm. Hoạt động của FPSO và FSO chịu rủi ro chính từ các yếu tố kỹ thuật trong quá trình hoạt động của giàn khai thác cũng như của tàu FSO/FPSO.

– PVS hiện đang sở hữu 06 kho nổi FSO/FPSO gồm:

+ Kho nổi FSO Orkid, sức chứa 650.000 thùng, sử dụng cho Mỏ PM3 CAA. Malaysia Vietnam Offshore Terminal (Labuan) Limited (“MVOT”) là liên doanh đồng kiểm soát, được thành lập giữa PVS và đối tác Malaysia International Shipping Corporation Berhard (“MISC”) từ năm 2009 để:đầu tư kho chứa nổi FSO “Orkid”. Hợp đồng hiện được gia hạn cho thuê đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2027; 

+ Kho nổi FPSO Ruby II, sức chứa 645.000 thùng, sử dụng cho Mỏ Hồng Ngọc. Vietnam Offshore Floating Terminal (Ruby) Limited (“VOFT”) là liên doanh đồng được thành lập giữa PVS và đối tác MISC từ năm 2009, trong đó PVS chiếm 60% vốn để sở hữu, quản lý, và khai thác kho nổi chứa dầu FPSO “Ruby II” phục vụ hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Công ty Petronas Carigali Vietnam Limited.

+ Kho nổi Biển Đông I, sức chứa 350.000 thùng, sử dụng cho mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh. PTSC South East Asia Private Limited (“PTSC SEA”) là liên doanh đồng kiểm soát, được thành lập trong tháng 9 năm 2011 bởi Tổng công ty cùng đối tác Yinson Holding Berhad để đầu tư đóng mới và cho thuê kho nổi chứa, xuất dầu (“FSO”) cho Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (“BDPOC”) thuê phục vụ khai thác dầu thô tại Lô 05.2 và Lô 05.3 ngoài khơi Việt Nam.

+ Kho nổi FPSO Lam Sơn , sức chứa 350.000 thùng, sử dụng cho mỏ Thăng Long – Đông Đô. FPSO Lam Sơn là tàu kho nổi được vận hành bởi công ty PTSC Asia Pacific (PTSC AP), một liên doanh liên kết giữa Yinson (49%) và PVS (51%).

+ Kho nổi FSO Golden Star, sức chứa 777.700 thùng, sử dụng cho cụm mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt. Malaysia Vietnam Offshore Terminal (Labuan) Limited (“MVOT”) cũng là liên doanh đầu tư kho chứa nổi FSO Golden Star phục vụ khai thác tại Mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt ngoài khơi Việt Nam với thời hạn hợp đồng thuê trong vòng 7 năm từ tháng 11 năm 2020 đến tháng 11 năm 2027 và có thể gia hạn thêm 8 năm;

+ Kho nổi FSO MV12, sức chứa 300,000 thùng, sử dụng cho mỏ Rồng Đôi. Rong Doi MV12 Pte. Ltd. là liên doanh đồng kiểm soát, được thành lập giữa PVS và các đối tác Modec, Inc., và Mitsui & Co., Ltd (Modec, Inc., và Mitsui & Co., Ltd được thành lập tại Nhật) vào năm 2006 để đầu tư kho nổi FSO “MV12” với sức chứa 300.000 thùng dầu cho Công ty Korea National Oil Corporation (“KNOC”) thuê từ năm 2007 và để phục vụ khai thác dầu ngoài khơi tại mỏ Rồng Đôi. 

  • Dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng các CTDK biển (O&M-Operation & Maintenance):

– Dịch vụ vận hành và bảo dưỡng (O&M) bao gồm vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, chạy thử, sửa chữa, tháo dỡ các công trình dầu khí. PVS đã cung cấp dịch vụ cho nhiều công trình, dự án quan trọng của các nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước.

– PVS thành công trong lĩnh vực vận chuyển, lắp đặt, đấu nối các công trình dầu khí biển, đồng thời đóng góp tỷ trọng khoảng 10-15% doanh thu hàng năm của PVS. Công trường thi công chính tại Vũng Tàu với diện tích gần 160 ha. Ngoài ra, PTSC còn có các bãi chế tạo tại Quảng Ngãi, Thanh Hóa với diện tích trên 40 ha. Ngoài ra, công ty còn có tàu sà lan nhà ở 300 chỗ, sà lan 5000 tấn, xưởng cơ khí bảo dưỡng…

  • Dịch vụ tàu chuyên ngành dầu khí:

– PVS đang sở hữu đội tàu dịch vụ dầu khí lớn nhất Việt Nam bao gồm các tàu dịch vụ hiện đại như tàu kéo, thả neo và vận chuyển hàng hóa giữa bờ và giàn khoan (AHTS), tàu định vị động học (DP1 & DP2), tàu chữa cháy, tàu trực mỏ, tàu bảo vệ,… được vận hành bởi đội ngũ thuyền viên Việt Nam có năng lực, nhiều kinh nghiệm.

– Ngoài đội tàu hiện tại, PVS còn hợp tác với nhiều chủ tàu trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức như thuê mua, thuê tàu trần dài hạn, thuê tàu ngắn hạn,… nhằm bổ sung phương tiện để đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ tàu cho hoạt động dầu khí tại Việt Nam và khu vực. Hiện PVS cung cấp khoảng 90% dịch vụ tàu chuyên dụng phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam.

– Đội tàu dịch vụ dầu khí PTSC hiện đang sở hữu, quản lý bao gồm 21 tàu đa dạng về công suất và chủng loại như tàu kéo, thả neo và vận chuyển, tàu định vị động học (DP), tàu hỗ trợ lặn khảo sát, tàu chống cháy, tàu trực mỏ, tàu bảo vệ… được vận hành hoàn toàn bởi đội ngũ thuyền viên Việt Nam có năng lực, giàu kinh nghiệm.

– Doanh thu mảng tàu dịch vụ đóng góp khoảng 12-15% doanh thu hàng năm cho công ty và duy trì khá ổn định.

  • Dịch vụ cảng:

– PVS đang quản lý và vận hành hệ thống gồm 8 căn cứ cảng dịch vụ tại tất cả các trung tâm trên cả ba miền Bắc, miền Trung và miền Nam với tổng diện tích hơn 360 héc ta như: Cảng PTSC Đình Vũ (15,2 ha), Cảng Nghi Sơn (35 ha), Cảng Hòn La (8,8 ha), Cảng Sơn Trà (10 ha), Cảng Dung Quất (4,2 ha), Cảng tổng hợp Phú Mỹ (26,5 ha), Cảng Sao Mai – Bến Đình (163 ha), Cảng Hạ lưu Vũng Tàu (82,2 ha).

– Trong số các cảng trên, có 5 cảng được sử dụng làm căn cứ hậu cần dầu khí, gồm: Cảng Nghi Sơn, Cảng Dung Quất, Cảng Sao Mai – Bến Đình, Cảng tổng hợp Phú Mỹ, Cảng Hạ lưu Vũng Tàu. Nhờ đó, PVS đã đáp ứng đầy đủ các dịch vụ hậu cần cho tất cả các công ty và nhà thầu đang hoạt động thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam.

– Nhìn chung hoạt động cảng khá ổn định và mang lại doanh thu khoảng 10-13% cho công ty hàng năm với biên lợi nhuận tương đối cao.

  • Dịch vụ khác + khảo sát địa chấn:

Các hoạt động khác chỉ chiếm khoảng 5%-10% doanh thu hàng năm của công ty. Trong đó, mảng khảo sát địa chấn sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả thì công ty đã tiến hành thanh lý 2 tàu khảo sát và giải thể công ty.

2. Triển vọng của các mảng kinh doanh chính

  • Dịch vụ cơ khí M&C và công trình biển O&M: ước tính backlog hợp đồng M&C của PVS đạt 2,5-3 tỷ USD vào cuối năm 2021.

– Dự án hiện hữu:

+ Sao Vàng- Đại Nguyệt (500tr USD): cơ bản gần như xong

+ Gallaf 1 (300 triệu USD): Đã hoàn thành, chờ hạch toán phần còn lại

+ Sông Hậu (250 triệu USD): đang triển khai

+ Dự án LNG Thị Vải (100 triệu USD): Đang triển khai

+ Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam – Gói A1 (50 triệu USD): Đang triển khai

– Dự án trúng thầu hoặc xác suất trúng cao trong 2021 và đầu 2022

+ PTSC M&S (đơn vị thành viên của PVS) mới đây cũng đã trúng gói thầu Gallaf giai đoạn 3 (gói 05), trong đó PTSC M&C thực hiện công tác thiết kế, mua sắm, chế tạo, tiền chạy thử, hạ thủy, vận chuyển và lắp đặt, đấu nối chạy thử và hoàn thiện ngoài khơi với tổng khối lượng khoảng 19.000 tấn cho 2 giàn đầu giếng, trị giá 300 triệu USD với thời gian dự kiến trong vòng 3 năm (2021-2023).

+ PVS tham gia với vai trò thầu phụ tại gói thi công chế tạo chân đế giàn công nghệ trung tâm cho dự án Shwe Phase 3 Development (Chủ đầu tư Posco Daewoo ở Myanmar), trong khoảng thời gian dự tính từ tháng 11/2021 đến 12/2023, trị giá 200 triệu USD.

+ Tháng 5/2021, PVS đã ký kết hợp đồng dịch vụ cung cấp, lắp đặt và vận hành phao nổi FLIDAR phục vụ dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long (Thang Long Wind) với Tập đoàn Enterprize Energy (EE); Dự án Thăng Long Wind nằm cách bờ biển tỉnh Bình Thuận 20-50 km, ở độ sâu 20-50m với tổng công suất lắp đặt ước tính là 3.400MW trải rộng trên diện tích 2.000 km2 có kết cấu trụ gió đặc biệt, các tua bin có thể có công suất khác nhau.

+ PTSC cùng đối tác Semco Maritime của Đan Mạch đã vượt vòng sơ tuyển để vào vòng tiếp theo tại siêu dự án gió xa bờ Hải Long quy mô 1800MW ở Đài Loan, giá trị gói thầu dự kiến khoảng 200-250 triệu USD và còn có thể tăng thêm.

+ PVS cũng đang chờ phê duyệt dự án Lô B-Ô Môn vào khoảng quý 4/2021 với trị giá hợp đồng dự kiến từ 1-1.2 tỷ USD, thực hiện từ 2022-2025.

– Dự án tiềm năng cần theo dõi để đưa vào dự phóng

+ Dự án Điện gió La Ngàn

+ Dự án Cá Voi Xanh (900 triệu USD)

+ Dự án Sư Tử Trắng (250 triệu USD)

+ Dự án Kinh Ngư Trắng

+ Dự án Nam Du – U Minh (250 triệu USD)

+ Dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ (1.3 tỷ USD)

+ Dự án Dinh Cố II (250 triệu USD)

+ Dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất (1.8 tỷ USD)

  • Dịch vụ kho nổi FSO/FTSO:

+ Kho nổi FSO Orkid                      – Giá thuê khoảng 41.000 USD/ngày. Hợp đồng thuê trong vòng 10 năm (tới hết 2027), phục vụ khai thác dầu ngoài khơi tại khu vực chồng lấn thương mại PM-3 giữa Việt Nam và Malaysia.

+ Kho nổi FPSO Ruby II                 – Giá thuê khoảng 90,000 USD/ngày

+ Kho nổi Biển Đông I                    – Giá thuê khoảng 50.000 USD/ngày

+ Kho nổi FPSO Lam Sơn              – Giá thuê khoảng 40,000 USD/ngày

+ Kho nổi FSO Golden Star            – Giá thuê khoảng 90.000 USD/ngày. Hợp đồng thuê từ 11 năm 2020 đến tháng 11 năm 2027 và có thể gia hạn thêm 8 năm, phục vụ cho mỏ SV_ĐN.

+ Kho nổi FSO MV12                     

  • Dịch vụ tàu chuyên ngành dầu khí:

Mảng tàu kéo tàu dịch vụ ghi nhận lợi nhuận giảm dưới tác động của Covid-19 và sự cạnh tranh trong mảng này, khiên nhu cầu và khối lượng công việc bị giảm sút, kể cả với những thuyền được PVS cho thuê dưới dạng bareboat (thuê trần – PVS không phải chịu chi phí nhiên liệu)

 

3. Triển vọng về giá dầu

  • Nhu cầu:
– Theo báo cáo năm 2019 (lúc chưa Covid), tổng nhu cầu dầu mỏ trung bình đạt 100.8 triệu thùng/ngày – năm 2020 thì tổng nhu cầu dầu mỏ trung bình đạt 94.28 triệu thùng/ngày.
– Theo báo cáo mới nhất (9/2021), OPEC dự báo như cầu trung bình dầu mỏ Thế giới trong năm 2021 đạt khoảng 96.7 triệu thùng/ngày và đạt trung bình 100.83 triệu thùng/ngày trong năm 2022;
  • Nguồn cung;
– Cuối năm 2019, tương ứng tổng cung dầu mỏ trung bình đạt 100.3 triệu thùng/ngày – năm 2020, tổng cung trung bình đạt 93.63 triệu thùng/ngày;
– Vấn đề đặt ra là, theo báo cáo thì nguồn cung dầu TG tại thời điểm cuối quý 2/2021 đạt 93.86 triệu thùng/ngày (cung của OPEC đạt 25.53 triệu thùng/ngày) và OPEC+ đã có kế hoạch tăng sản lượng 400 ngàn thùng/ngày kể từ tháng 8/2021 – 12/2021 và như vậy tổng cung trung bình đến cuối năm 2021 tăng khoảng 2 triệu thùng/ngày. Như vậy, tổng cung trung bình năm 2021 dự kiến khoảng 96.54 triệu thùng/ngày. Như vậy, sản lượng sẽ thâm hụt nhẹ dưới 1 triệu thùng/ngày nếu không có những biến động bất thường ngoài dự báo.
– Năm 2022, tổng cung trung bình của nhóm Non-OPEC và OPEC NGLs dự kiến khoảng 72.09 triệu thùng/ngày và như vậy để cân bằng với cầu thì OPEC cần sản xuất khoảng 28.74 triệu thùng/ngày (tức phải tăng khoảng 1.2 triệu thùng/ngày.
Hình: Cung cầu dầu mỏ 2021-2022 dự báo

Do đó, dựa trên số liệu trên, nếu trong khoảng nửa đầu năm 2022, OPEC+ mà tăng sản lượng ở dưới mức khoảng 1-1.2 triệu thùng trên ngày thì giá dầu được dự báo cơ bản ổn định ở mức trên 70-80$ (WTI) nếu không có sự kiện bất thường lớn.

4. Những rủi ro khi đầu tư cổ phiếu dầu khí

  • Rủi ro biến động giá dầu

– Với đặc thù sản phẩm dầu khí rất được phổ biến và có tính lưu thông toàn cầu, trong khi để đầu tư dự án dầu khi cần tốn rất nhiều chi phí vốn. Do đó, để dự án hiệu quả thì khi khai thác dầu và khí phải bán được giá trên mức hòa vốn hoặc ở mức cao thì nhà đầu tư mới hăng hái tham gia triển khai.

– Hiện các dự án đầu tư mới ở Việt Nam ngày càng ở xa bờ hơn và có chi phí cao hơn, do đó mức giá hòa vốn tính theo giá dầu cũng theo đó mà tăng lên. Do đó, việc giá dầu ổn định ước lượng khoảng trên 50 USD/thùng thì dự án mới có triển vọng và càng lên cao thì hoạt động dầu khi càng sôi động hơn.

  • Rủi ro địa chính trị

– Việt Nam là một trong những quốc gia có tài nguyên dầu khí lớn, đã và đang được khai thác để phục vụ phát triển kinh tế từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Trong các bể trầm tích đang được khai thác thì có hai bể trầm tích lớn nhất là Bể Cửu Long và Bể Nam Côn Sơn.

Hình: Bản đồ các lô dầu khí

+ Bể trầm tích dầu khí Cửu Long có diện tích khoảng 36.000 km2, nằm dọc theo bờ biển Vũng Tàu- Bình Thuận. Việt Nam đã phát hiện các mỏ dầu khí lớn như Bạch Hổ, Rồng, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu, Tê Giác Trắng, Hải Sư Trắng, Rạng Đông, Hồng Ngọc, Kình Ngư Trắng. Hiện nay, sản lượng khai thác dầu hàng năm của bể trầm tích dầu khí Cửu Long chiếm hơn 80% tổng sản lượng khai thác của Ngành Dầu khí.

+ Bể trầm tích dầu khí Nam Côn Sơn nằm ở vùng Đông Nam thềm lục địa Việt Nam với diện tích khoảng 100.000 km2. Tiếp giáp phía Bắc của bể là bể trầm tích Phú Khánh, phía Đông là bể trầm tích Tư Chính- Vũng Mây, phía Nam là Đới nâng Natuna, còn về phía Tây là Đới nâng Côn Sơn ngăn cách với bể trầm tích dầu khí Cửu Long. Hiện nay, Việt Nam đã phát hiện được nhiều mỏ dầu khí như Đại Hùng, Lan Tây- Lan Đỏ, Rồng Đôi Tây, Chim Sáo, Hải Thạch, Mộc Tinh, Thiên Ưng, Cá Rồng Đỏ, Dừa, Đại Nguyệt, Kim Cương Tây, Gấu Chúa. Tiềm năng dầu khí cũng như sản lượng khai thác hàng năm của bể trầm tích Nam Côn Sơn được đánh giá đứng thứ 2 trên thềm lục địa Việt Nam, sau bể trầm tích dầu khí Cửu Long.

+ Ngoài ra còn có các Bể trầm tích có triển vọng khác như Tư Chính- Vũng Mây, Mã lai -Thổ Chu, Bể trầm tích Trường Sa, Bể trầm tích Phú Khánh, Bể trầm tích Sông Hồng…tuy nhiên, do vị trí địa lý xa, độ sâu cao, áp lực chính trị nên Việt Nam chỉ khai thác từng bước.

– Trước đây, Trung Quốc luôn đưa ra luận điểm sai trái bằng việc lấy đường lưỡi bò làm ranh giới để cấm các quốc gia trong khu vực không được khai thác dầu khí, và cấm các tổ chức nước ngoài hợp tác khai thác dầu khí trong khu vực. Hiện nay, theo thông tin mới nhất, trong thương lượng COC thì Trung Quốc đã thay đổi quan điểm bằng việc lấy Hoàng Sa làm điểm ranh giới tính 200 hải lý đặc quyền kinh tế thay vì đường lưỡi bò. Như vậy, trong phạm vi quanh Hoàng Sa khoảng 370 km sẽ bị Trung Quốc làm căng hơn khi chúng ta hoạt động dầu khí. Điều này có nghĩa là việc khai thác dầu khí ở khu vực Tư Chính-Chân Mây và Phú Khánh có thể gặp nhiều sự cản trở của Trung Quốc hơn.

  • Rủi ro pháp lý

– Với đặc thù có vốn đầu tư lớn, rủi ro lại cao cũng như không chỉ chịu sự chi phối của luật pháp Việt Nam mà còn phải tuân theo các thông lệ quốc tế, việc triển khai đầu tư các dự án dầu khí, trong đó có các dự án ở lĩnh vực thượng nguồn như thăm dò khai thác dầu khí đang gặp rất nhiều khó khăn. Và khó khăn này lại càng lớn hơn khi bản thân các dự án dầu khí đang bị trói buộc bởi hệ thống văn bản pháp luật chồng chéo, không còn phù hợp trong môi trường đầu tư có nhiều thay đổi để ngành Dầu khí có thể đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế.

– Để giải quyết vấn đề này, dự kiến Quốc Hội sẽ phê duyệt Luật Dầu Khí mới vào giữa năm 2022, đây có thể là bước đột phá mới góp phần đẩy nhanh việc triển khai các dự án dầu khí trong thời gian tới.

5. Kết luận.

– Chúng ta có thể thấy PVS là Tổng công ty hoạt động với rất nhiều mảng kinh doanh và khá nhiều công ty con và liên kết, hoạt động trên rất nhiều dự án cả trong và ngoài nước. Do đó, việc phân tích cụ thể doanh thu để đưa ra con số gần đúng sẽ rất mất nhiều công sức.

– Tuy nhiên, dựa trên cơ cấu các hoạt động kinh doanh chính và biên lợi nhuận của nó chúng ta có thể đúc kết được chỉ cần chú ý tới mảng M&C, O&M và FSO/FPSO. Hai mảng khác cũng quan trọng là cảng biển và tàu dịch vụ tương đối ổn định, chỉ có mảng tàu dịch vụ có thể bị ảnh hưởng đôi chút trong năm 2020-2021 vì Covid.

– Bài viết này chỉ giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn về PVS, trong các bài biết sau sẽ phân tích cụ thể hơn về hoạt động kinh doanh và cơ cấu tài chính để có cái nhìn chính xác hơn vè định giá.

Tham khảo:

Bản đồ dầu khí Việt Nam

Nguồn: Lão Trịnh

 

Tags: ,