Phân tích ngành Bảo hiểm

Ngành bảo hiểm là ngành kinh doanh đặc thù dựa trên việc bảo vệ tài sản, sức khỏe và tính mạng con người. Do đó, đặc thù của ngành là huy động phí bảo hiểm sau đó dùng các kỹ thuật chuyên ngành để vừa phòng ngừa rủi ro và vừa kiếm lời dựa trên các khoản phí nhận được. Trong phần này, mình xin phân tích sơ qua một chút đặc điểm ngành để các bạn quan tâm đầu tư thì chú ý trước khi Luật Bảo Hiểm được Quốc Hội thông qua.

1. Tìm hiểu về cách tính doanh thu và chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm

  • DOANH THU PHÍ BẢO HIỂM (bao gồm cả nhân thọ và phi nhân thọ)

Công thức tính:

Doanh thu phí bảo hiểm = Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ + Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ

– Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ

Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ phản ánh tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm sau khi trừ (-) các khoản, gồm: giảm phí bảo hiểm gốc, giảm phí nhận tái bảo hiểm, hoàn phí bảo hiểm gốc, hoàn phí nhận tái bảo hiểm và chênh lệch tăng, giảm dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Công thức tính:

Doanh thu phí bảo hiểm = Phí bảo hiểm gốc + Phí nhận tái bảo hiểm – Tăng (giảm) dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm

Trong đó:

+ Phí bảo hiểm gốc phản ánh tổng số doanh thu phí bảo hiểm gốc sau khi trừ (-) các khoản giảm phí bảo hiểm gốc, hoàn phí bảo hiểm gốc phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ; 

+ Phí nhận tái bảo hiểm phản ánh tổng số doanh thu phí nhận tái bảo hiểm sau khi trừ (-) các khoản giảm phí nhận tái bảo hiểm, hoàn phí nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ;

+ Tăng (giảm) dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm phản ánh số chênh lệch tăng, giảm dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm chưa được hưởng, là số chênh lệch giữa số dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm phải trích trong năm tài chính với số dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm năm trước chuyển sang.

Do đặc thù thị trường bảo hiểm mở cửa muộn nên phần lớn thị phần phi nhân thọ nằm trong tay các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp xuất thân từ nhà nước và thuộc các tập đoàn/ngân hàng nhà nước trước đây.

– Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ

Doanh thu phí bảo hiểm phản ánh tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm sau khi trừ (-) các khoản, gồm giảm phí bảo hiểm gốc, giảm phí nhận tái bảo hiểm, hoàn phí bảo hiểm gốc, hoàn phí nhận tái bảo hiểm và chênh lệch tăng, giảm dự phòng phí chưa được hưởng của bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Công thức tính:

Doanh thu phí bảo hiểm = Phí bảo hiểm gốc + Phí nhận tái bảo hiểm – Tăng (giảm) dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm hiểm chưa được hưởng

Trong đó:

– Phí bảo hiểm gốc phản ánh tổng số doanh thu phí bảo hiểm gốc sau khi trừ (-) các khoản giảm phí bảo hiểm gốc, hoàn phí bảo hiểm gốc phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ;

– Phí nhận tái bảo hiểm phản ánh tổng số doanh thu phí nhận tái bảo hiểm sau khi trừ (-) các khoản giảm phí nhận tái bảo hiểm, hoàn phí nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ;

– Tăng (giảm) dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm chưa được hưởng phản ánh số chênh lệch tăng, giảm dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm chưa được hưởng, là số chênh lệch giữa số dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm chưa được hưởng phải trích trong năm tài chính với số dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm chưa được hưởng năm trước chuyển sang.

Bảo hiểm nhân thọ hơn một thập niên gần đây mới được người dân tiếp cận nhiều, do sự gia tăng thu nhập và kiến thức sau một giai đoạn mở cửa. Do đó, nhà nước đã cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường này khiến thị trường sôi động hơn và cũng cạnh tranh hơn.

  • TỔNG CHI TRẢ BẢO HIỂM

Công thức tính:

Tổng chi trả bảo hiểm = Chi bồi thường bảo hiểm phi nhân thọ + Tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhân thọ

– Chi bồi thường bảo hiểm phi nhân thọ

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số chi bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm và các khoản chi liên quan đến hoạt động bồi thường khi xảy ra tai nạn tổn thất sau khi trừ (-) các khoản phải thu ghi giảm chi bồi thường, gồm thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100% của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phát sinh trong kỳ báo cáo.

Công thức tính:

Chi bồi thường = Tổng chi bồi thường – Các khoản giảm trừ

Trong đó:

– Tổng chi bồi thường phản ánh tổng số chi bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm và các khoản chi liên quan đến hoạt động bồi thường khi xảy ra tai nạn tổn thất như chi bồi thường cho người được bảo hiểm, chi giám định tổn thất, chi điều tra, thu thập thông tin liên quan đến sự kiện bảo hiểm, chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100% của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phát sinh trong kỳ báo cáo.

– Các khoản giảm trừ phản ánh tổng số thu giảm chi bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm gồm thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100% của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phát sinh trong kỳ báo cáo.

Nói chung, nếu doanh nghiệp hoạt động với quy mô lớn, mà không xảy ra sự kiện gì quá lớn thì mảng này mang lại lợi nhuận tương đối nhiều.

– Chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhân thọ

Chỉ tiêu này là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sau khi trừ (-) các khoản thu giảm chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm (như thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm) và sau khi điều chỉnh các khoản tăng giảm dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm phát sinh trong kỳ báo cáo.

Công thức tính:

Tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm = Chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm – Thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm + Tăng (giảm) dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc + Tăng (giảm) dự phòng nghiệp vụ nhận tái bảo hiểm

Trong đó:

+ Chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm phản ánh tổng số chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phát sinh trong kỳ báo cáo.

+ Thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm phản ánh số chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm phải thu của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm để giảm chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong kỳ báo cáo.

+ Tăng (giảm) dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc phản ánh số tăng, giảm dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc, là số chênh lệch giữa số dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc phải trích trong năm tài chính với số dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc năm trước chuyển sang.

+ Tăng (giảm) dự phòng nghiệp vụ nhận tái bảo hiểm phản ánh số tăng, giảm dự phòng nghiệp vụ nhận tái bảo hiểm, là số chênh lệch giữa số dự phòng nghiệp vụ nhận tái bảo hiểm phải trích trong năm tài chính với số dự phòng nghiệp vụ nhận tái bảo hiểm năm trước chuyển sang.

2. Hoạt động trích lập dự phòng bảo hiểm

Trích lập dự phòng chắc chắn là một trong những nghiệp vụ quan trọng trong hoạt động ngành bảo hiểm, vừa đảo bảo an toàn cho đối tượng được bảo hiểm khi có sự cố và cũng như đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, đối với người phân tích thì phần này nên được chú ý nhiều hơn vì phức tạp và tác động đến con số phân tích.
Về mặt nguyên tắc doanh nghiệp có quyền định đoạt phí dự phòng nhưng không được thấp hơn quy định của Bộ tài chính nhằm tránh gây rủi ro tương lai cho quyền lợi người mua bảo hiểm.
  •  Vấn đề trích lâp dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm nhân thọ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, trong đó có những quy định sau:
– Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
– Ngày 11/11/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 89/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 26/12/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư 50/2017/TT-BTC.

– Thông tư 01/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật kinh doanh bảo hiểm.

  • Dự phòng với bảo hiểm phi nhân thọ
– Dự phòng với phí bảo hiểm chưa được hưởng

Quỹ này được sử dụng để bồi thường cho trách nhiệm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo.

– Dự phòng bồi thường cho khiếu nại chưa giải quyết

Quỹ này được sử dụng để bồi thường cho các tổn thất đã phát sinh thuộc trách nhiệm bảo hiểm chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết.

– Dự phòng bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất

Quỹ này được sử dụng để bồi thường khi có dao động lớn về tổn thất hoặc tổn thất lớn xảy ra mà tổng phí bảo hiểm giữ lại trong năm tài chính sau khi đã trích lập dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường cho khiếu nại chưa giải quyết không đủ để chi trả tiền bồi thường đối với phần trách nhiệm giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm.

  • Dự phòng với bảo hiểm nhân thọ
– Dự phòng toán học

Là khoản chênh lệch giữa giá trị hiện tại của số tiền bảo hiểm và giá trị hiện tại  của phí bảo hiểm sẽ thu được trong tương lai. Quỹ này được sử dụng để trả tiền bảo  hiểm đối với những trách nhiệm đã cam kết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Công thức tính:

Dự phòng toán học = Giá trị hiện tại của tổng số tiền được bảo hiểm sẽ thanh toán trong tương lai – giá trị hiện tại của tổng phí bảo hiểm thuần điều chỉnh sử dụng hệ số Zillmer 3% số tiền bảo hiểm

– Dự phòng phí chưa được hưởng

Quỹ này được sử dụng để trả tiền bảo hiểm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo, chỉ áp dụng cho hợp đông <1 năm

– Dự phòng bồi thường

Quỹ này được sử dụng để trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết.

– Dự phòng chia lãi

Quỹ này được sử dụng để trả lãi mà doanh nghiệp bảo hiểm đã thoả thuận với bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm.

– Dự phòng bảo đảm cân đối

Quỹ này được sử dụng để trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm do có biến động lớn về tỷ lệ tử vong, lãi suất kỹ thuật.
  • Chú ý:

– Đối với hoạt dộng bảo hiểm phi nhân thọ thì chúng ta chú ý tới khoản “dự phòng chưa được hưởng”, còn đối với bảo hiểm nhân thọ thì chú ý tới “dự phòng toán học”.

– Chi tiết về dự phòng mọi người có thể đọc thông tư hướng dẫn ở trên, nhưng trong phân tích đầu tư chúng ta chỉ cần xem xét tới các yếu tố trọng yếu nhất là được.

– TT89 thay đổi một chút là nâng trần phí bảo hiểm thực tế từ 90% lên 100%, điều này sẽ khiến cho “giá trị hiện tại của tổng phí bảo hiểm thuần điều chỉnh sử dụng hệ số Zillmer 3% số tiền bảo hiểm” tăng lên và khiến dự phòng toàn học giảm xuống, giúp cải thiện con số hiệu quả kinh doanh kể từ năm 2021.

3. Kỳ vọng vào Luật kinh doanh bảo hiểm mới được Quốc Hội thông qua vào tháng 10/2021

Luật Kinh doanh Bảo hiểm mới dự kiến sẽ được thông qua tại phiên họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV với một vài điểm nổi bật sau:

  • Theo luật bảo hiểm trước đây thì NĐT nước ngoài muốn làm chiến lược tại công ty bảo hiểm ở Việt Nam thì phải là doanh nghiệp bảo hiểm ở nước sở tại. Điều này khiến cho nhiều tổ chức tài chính lớn nước ngoài muốn tham gia lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam không được.
  • Theo cam kết EVFTA với EU thì các doanh nghiệp bảo hiểm EU có thể lập chi nhánh ở Việt Nam từ 1/8/2023, do đó cần có hành lang pháp lý cho vấn đề này. Nói chung điều này cũng giúp nhiều Doanh nghiệp Châu Âu tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.
  • Quy định chặt ché hơn về mô hình quản lý các công ty bảo hiểm theo hướng đặc thù của ngành, tạo điều kiện cho ngành này phát triển.
  • Và nhiều quy định khác nhằm khuyến khích ngành này phát triển hơn nữa theo kịp với sự phát triển của thời kỳ công nghệ số.

Kỳ vọng luật bảo hiểm mới không chỉ giúp các doanh nghiệp phát triển tốt hơn trong thời gian tới mà còn tạo ra làn sóng M&A giữa các NĐT nước ngoài, đặc biệt là nhóm Châu Âu vào Việt Nam.

4. Phân tích cơ cấu phí bảo hiểm

Tính tới cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm có 69 doanh nghiệp KDBH (trong đó có 31 DNBH phi nhân thọ, 18 DNBH nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 18 DNMGBH) và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài. Xu hướng này sẽ ngày càng tăng vì thị trường Bảo hiểm Việt Nam dần mở cửa hội nhập theo các cam kết của các hiệp định thương mại.

– Tổng tài sản năm 2020 ước đạt 556.669 tỷ đồng (tăng 20,4% so với năm 2019), trong đó, các DNBH phi nhân thọ ước đạt 100.215 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 456.454 tỷ đồng.

– Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH năm 2020 ước đạt 457.982 tỷ đồng (tăng 21,1% so với năm 2019), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 48.833 tỷ đồng; các DNBH nhân thọ ước đạt 409.149 tỷ đồng.

– Tổng dự phòng nghiệp vụ của các DNBH năm 2020 ước đạt 352.318 tỷ đồng (tăng 20,7% so với năm 2019), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 24.203 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 328.115 tỷ đồng.

– Tổng doanh thu phí năm 2020 ước đạt 182.654 tỷ đồng (tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 55.094 tỷ đồng (tăng 3,2% so với năm 2019), các DNBH nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng (tăng 19,6% so với năm 2019).

– Tổng nguồn vốn chủ sở hữu năm 2020 ước đạt 115.945 tỷ đồng (tăng 21,5% so với năm 2019), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 33.457 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 82.488 tỷ đồng.

– Tổng số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm năm 2020 ước là 45.675 tỷ đồng (tăng 4,1% so với năm 2019), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 20.560 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 25.115 tỷ đồng.

– Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới năm 2020 ước đạt 9.679 tỷ đồng (tăng 16% so với năm 2019). Tổng hoa hồng môi giới bảo hiểm năm 2020 ước đạt 880 tỷ đồng (tăng 17,8% so với năm 2019).

Năm 2020, khoảng 11,9 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương hơn 10% dân số, 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ…

  • Cơ cấu phí bảo hiểm phi nhân thọ

Tính đến ngày 31/12/2020, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có 31 DNBH, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

Năm 2020, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (17.551 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,9%), tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe (17.322 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,4%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (7.101 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,9%), bảo hiểm cháy nổ (6.085 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,0%), bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (2.271 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,1%).

Untitled

Hình: Cơ cấu doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ 2019

Năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 55.094 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc là Bảo Việt với doanh thu ước đạt 9.301 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 16,9% thị phần. Tiếp đến là PVI với doanh thu ước đạt 7.547 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2019, chiếm 13,7% thị phần, PTI đứng thứ ba với doanh thu ước đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2019, chiếm 10,9% thị phần; Bảo Minh đứng thứ tư với doanh thu ước đạt 3.864 tỷ đồng, giảm 0,3% so với năm 2019, chiếm 7,0% thị phần, PJICO đứng thứ năm với doanh thu ước đạt 3.479 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2019, chiếm 6,3% thị phần.

Bieu do 2

Hình: Cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm gốc phi nhân thọ

Về bồi thường thì số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của bảo hiểm phi nhân thọ năm 2020 ước khoảng 20.560 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 37,3%; thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2019 (39,0%).

22 DNBH phi nhân thọ và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 09 DNBH phi nhân thọ còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 01 DNBH có tỷ lệ bồi thường trên 50% là Bảo Việt (59,7%). Riêng HDI mới thành lập nên tỷ lệ bồi thường cao.

  • Cơ cấu phí bảo hiểm nhân thọ

Năm 2020, tổng số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ: 18 doanh nghiệp;

– Tổng tài sản của các DNBH nhân thọ năm 2020 ước đạt 456.454 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2019;

– Tổng số tiền đầu tư năm 2020 ước đạt 409.149 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2019;

– Tổng dự phòng nghiệp vụ năm 2020 ước đạt 328.115 tỷ đồng, tăng trưởng 22,6% so với năm 2019.

– Vốn chủ sở hữu năm 2020: Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 82.488 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2019. Trong đó, vốn điều lệ đạt 94.071 tỷ đồng (tăng thêm 27.953 tỷ đồng trong năm 2020: FWD tăng 11.499 tỷ đồng; Sun Life: 9.310 tỷ, Manulife: 3.400 tỷ; Generali: 1.600 tỷ, Bảo Việt nhân thọ 850 tỷ, Prudential: 825 tỷ, Aviva: 299 tỷ đồng, Phú Hưng: 170 tỷ đồng).

– Tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm: Trong năm 2020, ước là 25.115 tỷ đồng (bao gồm chi trả giá trị hoàn lại, chi đáo hạn, sự kiện bảo hiểm), tăng 10%.

– Tổng doanh thu thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2020 ước đạt 154.668 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2019. Trong đó: Tổng doanh thu phí ước đạt 127.560 tỷ đồng, tăng 19,6% và doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt 27.108 tỷ đồng, tăng 25,6%.

Số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) ước đạt khoảng 11,6 triệu hợp đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 61,9% tổng doanh thu phí tiếp theo là nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp 25,9%; bảo hiểm tử kỳ 1%; bảo hiểm trọn đời, sinh kỳ, trả tiền định kỳ, sức khỏe 0,8%. Doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ đóng góp 10,4% tổng doanh thu phí toàn thị trường.

Bieu do 3

Hình: Cơ cấu doanh thu bảo hiểm nhân thọ 2019

Thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm như sau: Bảo Việt Nhân thọ (21,9%), Prudential (18,6%), Manulife (16,5%), Dai-ichi (11,8%), AIA (11,4%), Chubb (3,1%), Generali (2,9%), Hanwha (2,6%), MB Ageas (2,6%), Aviva (2,3%), FWD (1,8%), Cathay (1,3%), BIDV MetLife (1%), Sun Life (1%). Các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ dưới 1%.

Bieu do 4

Hình: Cơ cấu thị phần doanh thu bảo hiểm nhân thọ 2019

 

(Còn nữa….)

Nguồn: Lão Trịnh

Tham khảo: [at url=”https://mof.gov.vn/webcenter/portal/cqlgsbh/pages_r/l/chi-tiet-tin-cuc-quan-ly-giam-sat-bao-hiem?dDocName=MOFUCM205010″]Cục quản lý giám sát bảo hiểm Việt Nam[/at]

Tags: ,,,,