Quỹ đầu tư Archegos sử dụng nghiệp vụ Swaps như thế nào?

Quỹ đầu tư Archegos đã sử dụng đòn bẩy quá lớn thông qua nghiệp vụ Swaps với các ngân hàng đầu tư Mỹ để mua số lượng lớn cổ phiếu của công ty ViacomCBS, Discovery cùng một loạt công ty khác. Vậy nghiệp vụ đó được hiểu như thế nào, cách thức thực hiện ra sao, tại sao có những ngân hàng bị thiệt hại rất lớn và bài học gì cho chúng ta?

Nghiệp vụ Swaps chứng khoán là gì?

Nghiệp vụ Swaps cho phép NĐT đầu tư vào cổ phiếu mà không cần trực tiếp sở hữu chúng. Trong một hợp đồng swaps, nhà đầu tư sẽ trả cho ngân hàng đầu tư một khoản phí cộng với một khoản lãi suất (trường hợp này là Libor).

Cách thức thực hiện thế nào?

Khi Quỹ Đầu tư Archegos muốn mua cổ phiếu Discovery với số lượng lớn nhưng muốn ẩn danh tính hoặc với một lượng vốn vừa phải thì họ sẽ liên hệ với các ngân hàng đầu tư  như Goldman, Morgan Stanley, Deutsche, Credit Suisse và UBS để ký hợp đồng Swaps.

Quỹ Archegos ký hợp đồng Swap với các ngân hàng đầu tư với điều kiện là Archegos phải trả cho các ngân hàng này một khoảng phí swap (ví dụ là 2% trên NAV của danh mục tài sản cơ sở) họ mua + khoản lãi suất thả nổi, đồng thời với đó là Archegos sẽ để một khoản tài sản thế chấp theo quy định (chắc khoảng 15%-30% giá trị tài sản cơ sở).

Hợp đồng sẽ có thời hạn khoảng 6 tháng, khi đó các ngân hàng sẽ tiến hành thanh lý tài sản cơ sở để chốt NAV (sau trừ phí và thuế bán) và thu phí swap + lãi suất, sau đó phần dư còn lại sẽ thanh toán cho khách hàng.

Vẫn có trường hợp đến hạn, các bên đồng ý gia hạn hợp đồng, khi đó hai bên chỉ cần thanh toán vị thế trên tài khoản mà không cần phải thanh lý tài sản cơ sở.

– Trường hợp sau khi thanh lý mà lời thì các ngân hàng đầu tư sẽ trả phần lời đó cho quỹ Archegos. Như vậy là cả hai bên đều có lợi vì ngân hàng đầu tư thì thu được phí và lãi suất, còn quỹ Archegos thì thu được một phần lợi lớn cho vị thế đúng dựa trên phần vốn nhỏ.

– Trường hợp thanh lý bị lỗ thì các ngân hàng đầu tư sẽ thực hiện thanh lý tài sản cầm cố/thế chấp để thu hồi nợ. Như vậy, thì các ngân hàng đầu tư vẫn là người chiến thắng chỉ có Quỹ Archegos là bị thua trong trường hợp này.

– Trường hợp đặc biệt là khi giá cổ phiếu giảm quá nhanh chạm tới mức tỷ lệ Margin Call (tỷ lệ bán thanh lý) đã quy định trong hợp đồng, thì các ngân hàng sẽ bán tài sản cơ sở ngay khi nó giảm chạm tỷ lệ này. Trong trường hợp của Archegos thì do cùng ký hợp đồng với khá nhiều ngân hàng đầu tư và với tỷ lệ đòn bẩy cao dẫn đến một hiệu ứng Domino khi các ngân hàng bán ra cổ phiếu cơ sở của họ. Kết cục cuối cùng là ngân hàng thu hồi hết tài sản cầm cố nhưng vẫn không đủ và ghi nhận lỗ, còn quỹ Archegos thì phá sản.

Tại sao có ngân hàng thoát được và có ngân hàng lỗ rất nhiều?

Sẽ có nhiều tình huống xảy ra với từng ngân hàng khác nhau, có ngân hàng làm hợp đồng swap với những cổ phiếu vốn hóa lớn với mức độ an toàn cao sẽ có thể thanh lý dễ dàng hơn mà chưa bị chạm mức cảnh báo Margin Call của hợp đồng.

Cũng sẽ có ngân hàng áp thận trọng tỷ lệ cảnh báo Margin Call an toàn, nên họ chủ động thanh lý được với mức giá tốt, sau đó tạo hiệu ứng bán tháo thì các ngân hàng sau mới đi vào thanh lý thì đã quá trễ sau đà rơi của tài sản cơ sở.

Vậy bài học ở đây là gì?

– Thứ nhất, cần điều tra kỹ khách hàng khi thực hiện các hợp đồng Swap này, đặc biệt là sức khỏe tài chính định kỳ, tránh rơi vào tình trạng tỷ lệ đòn bẩy quá cao.

– Thứ hai, lựa chọn những cổ phiếu cơ sở cho hợp đồng Swap phải thận trọng, chú ý tới đà tăng giá trước khi ký hợp đồng và tùy từng giai đoạn mà yêu cầu một tỷ lệ tài sản đảm bảo cao hay thấp tùy theo mức độ rủi ro biến động của tài sản cơ sở.

– Tránh trường hợp khách hàng ký Swap/đòn bẩy quá cao và mua một tỷ lệ quá lớn với một tài sản cơ sở, như vậy sẽ rất khó khăn trong trường hợp thanh lý tài sản.

Nguồn: Lão Trịnh

 

 

 

 

Tags: ,,