Thanh Hóa – Vùng đất địa linh nhân kiệt

Thanh Hóa từ xưa tới nay thường được gọi là “Vùng đất địa linh nhân kiệt”, “Đất học” hay “Vua xứ Thanh – Thần xứ Nghệ”… để nói về đặc điểm nổi bật xuất sắc của vùng đất này. Điều này đã được chứng minh qua rất nhiều số liệu, mà dễ thấy nhất có thể kể đến như mật độ dân số, số người làm vua/chúa thời phong kiến, tần suất phát tích các cuộc đấu tranh giành chính quyền, số lượng lãnh đạo cấp cao thời hiện đại. Để chi tiết hơn cho các bạn có thêm thông tin, mình xin trích dẫn một bài viết trên mạng về Đất Thanh Hóa như sau:

Nội dung bài viết

Chỉ tính từ thời nước Nam có tự chủ, bắt đầu từ Ngô Quyền: Triều đại Nhà Ngô (939–965) với 3 đời vua, nhà Đinh (968–980) với 2 đời vua, nhà Tiền Lê (980–1009) có 3 đời vua, nhà Lý (1009–1225) có 9 đời vua, nhà Trần (1226–1400) có 12 đời vua, nhà Hồ (1400–1407) có 2 đời vua, nhà Lê sơ (1428–1527) có 10 đời vua, Nhà Mạc (1527 –1592) có 5 đời vua, nhà Lê trung hưng (1533–1789) có 16 đời vua, chúa Trịnh (1545–1787) có 12 đời chúa, chúa Nguyễn (1558–1777) có 10 đời chúa; nhà Tây Sơn (1778–1802) có 3 đời vua, nhà Nguyễn (1802 – 1945) có 13 đời vua.
Tổng cộng có 11 triều đại thì có tới 4 triều đại gốc là Thanh Hoá gồm Tiền Lê, Lê sơ, Lê trung hưng, Nguyễn, đó là chưa tính Ngô Quyền hiện vẫn chưa thống nhất quê ở Sơn Tây hay Thanh Hoá và Nhà Hồ phát tích ở Thanh Hoá. Có 2 nhà Chúa thì cả 2 đều là người Thanh Hoá.
Và nếu tính đúng thêm thì còn có bà Triệu Trinh Nương, và Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ người có công đặt dấu chấm hết cho 1000 năm đô hộ của phương Bắc, mở ra nền tự chủ cho nước Nam.
Tổng cộng các triều đại phong kiến Việt Nam có 78 đời vua thì Thanh Hoá có 42 vua = 53,8%. Có 22 đời chúa thì cả 22 chúa đều là người Thanh Hoá = 100%

LỊCH SỬ DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC.

1. Cuộc khởi nghĩa của Chu Ðạt (156 – 160)

Năm 156, Chu Ðạt, người huyện Cự Phong (nay là thôn Phú Hào, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn) chiêu mộ dân binh vây đánh huyện sở Cự Phong (vùng đất các huyện Nông Cống, Quảng Xương, Tĩnh Gia và Như Xuân, Như Thanh ngày nay) giết chết huyện lệnh rồi tiến công Tư Phố, giết chết thái thú nhà Ðông Hán, lực lượng có đến 5.000 người, quản trị Cửu Chân được 4 năm từ năm 156 đến năm 160.

2. Cuộc khởi nghĩa bà Triệu (Triệu Thị Trinh) năm 248

Từ năm 220, Cửu Chân thuộc quyền cai trị của Ðông Ngô (một trong 3 nước thời Tam Quốc), trong xứ không kể Nghệ An, Hà Tĩnh, có chừng 3 vạn hộ. Bà Triệu tức Triệu Thị Trinh, người Quân Yên (huyện Yên Ðịnh), 20 tuổi; lập căn cứ ở Núi Nưa (Triệu Sơn), hội quân với 3 anh em họ Lý ở Bồ Ðiền (tức Phú Ðiền, huyện Hậu Lộc) cùng tiến đánh quận sở Tư Phố đại thắng. Hầu hết các huyện lỵ, thành ấp ở Cửu Chân, Cửu Ðức, Nhật Nam (2 quận nay là vùng Nghệ Tĩnh – Quảng Bình) bị nghĩa quân đánh hạ, các thái thú, huyện lệnh và huyện trưởng bị giết… nền đô hộ của nhà Hán ở Giao Châu hơn 330 năm bị lật đổ.

3. Thời nước Vạn Xuân, Lý Nam Ðế (542 – 556)

Mùa xuân 542, Lý Bí – mẹ đẻ là người Cửu Chân, khởi nghĩa thắng lợi, lập ra nước Vạn Xuân xưng là Lý Nam Ðế. Nhà Lương đàn áp, Lý Thiên Bảo là anh ruột Lý Bí rút về Dã Năng (huyện Bá Thước ngày nay) xưng là Ðào Lang Vương tiếp tục kháng chiến. Sau đó Thiên Bảo mất, Lý Phật Tử lên thay tức là Hậu Lý Nam Ðế. Năm 556, Lý Phật Tử đánh nhau với Triệu Việt Vương – Triệu Quang Phục – người tiếm ngôi của Lý Bí và là người đánh bại quân đội nhà Lương ở đầm Dạ Trạch (tỉnh Hưng Yên ngày nay).

4. Cuộc khởi nghĩa của Lê Ngọc (đầu thế kỷ VII)

Lê Ngọc (còn gọi là Lê Cốc) cùng với 4 người con lật đổ quan cai trị của nhà Tuỳ (Trung Quốc) đóng ở Ðông Phố (tức Ðồng Pho, xã Ðông Hoà, huyện Ðông Sơn ngày nay), gọi là kinh đô Trường Xuân, tự quản Cửu Chân chống lại nhà Ðường cho đến đầu thế kỷ VI. Ðến thế kỷ VII, Cửu Chân gồm 6 huyện có 16.100 hộ (quận Giao Chỉ có 30.000 hộ) khoảng 84.000 nhân khẩu, thuộc xứ An Nam (tên An Nam thay cho Giao Châu bắt đầu từ đây). Quận sở là Ðông Phố (tức là Ðồng Pho). Năm 759, quân Mã Lai cướp phá Châu Ái (tên gọi Cửu Chân từ năm 523) bị quan cai trị là Trương Bá Nghi tiêu diệt. Năm 797, quân Mã Lai lại cướp phá Châu Ái nữa, xây cả thành, lập nước, nhưng bị quan cai trị là Trương Châu đánh đuổi, san phẳng thành trì thu hồi mọi của cải. Thế kỷ IX, Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo đã rất phát đạt ở Châu Ái. Ðạo Nho có anh em Khương Công Phụ, đỗ Tiến sỹ làm quan đến Tể tướng triều đình nhà Ðường, đạo Lão biến các hang động đẹp nhất ở khắp Vĩnh Lộc, Hà Trung, Nga Sơn làm nơi tu tiên và đạo Phật có các Ðại hoà thượng như Trí Hành và Ðại Thăng Ðăng sang tận Trung Quốc để hành đạo.

5. Thời Dương Ðình Nghệ (? – 937)

Dương Ðình Nghệ, chính khách quan trọng nhất thế kỷ X của lịch sử Việt Nam, thu hút hơn 3.000 người làm vây cánh ở làng Giàng, Tư Phố (nay là đất các xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa), trong đó có Ngô Quyền, Ðinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Phạm Cự Lạng… Tháng 3 năm 931, Dương Ðình Nghệ đánh đuổi thứ sử Lý Tiến của nhà Nam Hán (Trung Quốc), tiêu diệt viện binh Nam Hán, tự lập làm tiết độ sứ, chấm dứt vĩnh viễn nền đô hộ hơn 1.000 năm của người Trung Quốc ở Việt Nam. Ông điều hành đất nước trong 6 năm, (từ 932 – 938). Từ Dương Ðình Nghệ, Việt Nam xác định lại được quốc thống của một đất nước độc lập hoàn toàn.

6. Thời Ngô Quyền (938 – 968)

Mùa đông năm 938, Ngô Quyền đem quân đội Cửu Chân tiến ra Bắc tiêu diệt Kiều Công Tiễn – kẻ phản bội họ Dương ở Ðại La (Hà Nội ngày nay), rồi cản phá quân Nam Hán là Lưu Hoàng Thao trên sông Bạch Ðằng, lên ngôi vua tức Ngô Vương Quyền. Thời 12 sứ quân, Cửu Chân nằm trong vòng kiểm soát của Ðinh Bộ Lĩnh ở miền Ðông và của Ngô Xương Xí – cháu nội Ngô Quyền, ở Bình Kiều (đất vùng Triệu Sơn ngày nay) tức miền Tây lãnh thổ.

7. Thời Ðại Cồ Việt – Tiền Lê (968 – 1009)

Năm 979 – 980, Lê Hoàn trấn áp xong quân chống đối của Nguyễn Bặc và Ðinh Ðiền ở vùng sông Tống (vùng đất huyện Hà Trung ngày nay) lên ngôi vua. Năm 981, ông đánh tan quân xâm lược nhà Tống, và năm 982 đánh thắng quân Chiêm Thành. Năm 982, nhà vua cho nạo vét các sông ngòi, đào kênh nối liền hệ thống sông Mã, sông Chu, sông Yên, sông Bạng cho đến vùng đất tỉnh Nghệ An ngày nay, thành một đường giao thông thuận tiện đầu tiên ở Cửu Chân và ở cả đất nước Ðại Cồ Việt. Người chỉ huy đào các kênh này là Ðào Lang, làng Bùi Ðỉnh (xã Yên Trung huyện Yên Ðịnh ngày nay). Từ năm 999 đến năm 1005, các vua thời Tiền Lê phải trực tiếp điều quân bình định miền viễn Tây Thanh Hoá nhưng chưa ổn.

8. Thời Nhà Lý (1010 – 1225)

Sau khi dẹp tan quân Tống, biết Ái Châu là vùng đất quan trọng, hiểm yếu. Nhà Lý cử Thái úy Lý Thường Kiệt (chức ngang với Thủ tướng bây giờ) vào trấn thủ châu Ái (Thanh Hóa), ông trấn thủ ở Thanh Hóa 19 năm, từ 1082 – 1101. Từ năm 1009 đến 1029, Lý Thái Tổ gọi Thanh Hóa là Châu Ái. Năm 1029, dưới triều vua Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ hai đặt tên Phủ Thanh Hóa. Từ đó các triều đại tiếp theo lúc gọi phủ, lúc gọi lộ, lúc gọi trấn và gọi là tỉnh Thanh Hóa vào thời nhà Nguyễn.
Tên Hóa có lúc lại đổi thành Hoa, rồi lại trở lại Hóa; đến đời vua Thiệu Trị, triều đại nhà Nguyễn (1841), nhà vua có một chỉ dụ đại ý nói: Thanh Hóa là một tên cổ, do các triều đại trước đã định danh, vì vậy không có lý do gì đổi tên này, mà phải giữ nguyên tên gọi tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 12/7/2017, tại kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XVII đã quyết nghị lấy năm 1029 là năm ra đời Danh xưng Thanh Hóa với tư cách đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Sự kiện lịch sử này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo sự phấn khởi, lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

9. Thời nhà Trần (1226 – 1400)

Tháng giêng năm Thiệu Long thứ 15 nhà Trần (năm 1272), Lê Văn Hưu, người làng Bồi Lý (xã Thiệu Trung, Thiệu Hoá ngày nay) dòng dõi Lê Lương, soạn xong Ðại Việt sử ký toàn thư – bộ sử hoàn chỉnh đầu tiên của nước ta.
Lê Văn Hưu được tôn là ông tổ ngành sử học của Việt Nam. Ðầu năm 1285, kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2, ở Thanh Hoá, quân đội nhà Trần do Trần Kiên, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải chỉ huy chống giữ cầm chân giặc, ở các điểm Yên Duyên (xã Quảng Hùng), núi Ðá Chẹt (Quảng Lĩnh), Văn Trinh (Quảng Hợp), Bố Vệ (thành phố Thanh Hoá), Phú Tân (Hà Toại), Nga Lĩnh, Quang Lộc, Liên Lộc, chiến sự rất dữ dội. Sau khi tướng Nguyên: Toa Ðô tiến được ra sông Hồng thì Hưng Ðạo Vương lại đem 2 vua Trần rút vào Thanh Hoá (ở các vùng Nga Sơn, Hà Trung, Thạch Thành ngày nay) để bảo toàn đầu não. Ðến tháng 5 năm 1285, từ Thanh Hoá, Hưng Ðạo Vương tiến quân ra Bắc quét sạch quân Nguyên Mông khỏi bờ cõi Ðại Việt. Năm 1370, dòng họ Lê ở Ðại Lại (Ðò Lèn, Hà Ngọc huyện Hà Trung) do Lê Liêm dẫn đầu hội quân Thanh Hoá tiến ra Thăng Long phế bỏ người tiếm ngôi Dương Nhật Lễ, lập lại nhà Trần bằng vua Trần Phủ – tức Trần Nghệ Tôn – nhà Trần từ đây thiên vào Thanh Hoá. Năm 1378, quân Chiêm Thành vào cướp Thanh Hoá bị quan quân nhà Trần trấn giữ đánh bại. Năm 1380, quân Chiêm Thành do đích thân vua Chế Bồng Nga chỉ huy lại vào cướp Thanh Hoá bị Hồ Quý Ly đánh bại ở cửa sông Ngu (tức Lạch Trường, Hoằng Trường ngày nay). Năm 1382, quân Chiêm Thành lại vào cướp phá Thanh Hoá, bị Nguyễn Ða Phương đánh bại ở cửa Thần Ðầu (tức Thần Phù, huyện Nga Sơn ngày nay). Năm 1389, quân Chiêm Thành lại vào cướp phá Thanh Hoá, Hồ Quý Ly chống không nổi phải bỏ chạy. Quân Chiêm Thành tiến ra Bắc. Năm 1390, tướng chỉ huy nhà Trần ở Thanh Hoá là Trần Khát Chân cản phá được quân Chiêm Thành, giết chết Chế Bồng Nga, chấm dứt vĩnh viễn sự quấy rối của các vua Chiêm Thành.

10. Thời nhà Hồ (1400 – 1407)

Mùa xuân năm 1397, xây dựng xong thành đá Tây Giai ở động Thiên Tôn (nay là đất xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc). Tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi vua ở thành này, thay nhà Trần, đổi tên nước là Ðại Ngu (nghĩa là rất an vui và cùng lo việc nước), bỏ kinh đô Thăng Long, lấy thành đá mới làm quốc đô gọi là Tây Ðô. Nhà Hồ phát hành tiền giấy thay cho tiền đồng đúc từ năm 1396, đến năm 1400 định lại giá kim ngạch cho thêm chặt chẽ. Năm 1402, nhà Hồ hoàn thành việc xây dựng con đường Thiên Lý từ Tây Ðô ra Ðông Quan (tức Thăng Long cũ) và từ Tây Ðô vào Hoá Châu (vùng Quảng Bình ngày nay) dọc đường đặt nhà trạm, phố xá và bưu dịch có hệ thống. Sau một năm chiến đấu ngoan cường nhưng thất bại, năm 1407, nhà Hồ và nước Ðại Ngu mất vào tay quân xâm lược nhà Minh.

11. Cuộc kháng chiến 10 năm chống nhà Minh(1418 – 1428)

Mùa xuân, tháng Giêng ngày mồng 2 năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi cùng với những người tài giỏi trong cả nước khởi nghĩa ở Mường Chính (nay là huyện lỵ Lang Chánh) tiến về Khả Lam (tức Lam Sơn) bắt đầu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh (Trung Quốc) giải phóng đất nước. Lê Lợi xưng là Bình Ðịnh Vương, người hương Lam Sơn, huyện Lương Giang (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân). Bình Ðịnh Vương chiến đấu ở Thanh Hoá 6 năm, các trận đánh lớn diễn ra ở Lam Sơn, Mường Một (vùng Bát Mọt, huyện Thường Xuân ngày nay), Mường Chính, Bến Bổng (vùng thượng du sông Âm), Ba Lẫm (vùng Chiềng Lẫm, huyện Bá Thước ngày nay), Kình Lộng (vùng Cổ Lũng, huyện Bá Thước), Úng Ải (vùng đèo Thiết Ống, huyện Bá Thước), Sách Khôi (ở khoảng giữa huyện Bá Thước và huyện Hoàng Long – Ninh Bình và huyện Thạch Thành – Thanh Hoá), Ða Căng (vùng Thọ Nguyên, Thọ Xuân), có trận phía địch có tới 10 vạn quân như ở Kình Lộng. Mùa đông năm 1424, Bình Ðịnh Vương tiến quân vào Nghệ An theo kế sách của Nguyễn Chích. Mùa thu năm 1426, quân khởi nghĩa tiến ra Bắc bao vây Ðông Quan. Ngày 17 tháng 9 năm Bính Ngọ (1426), Bình Ðịnh Vương đến Lỗi Giang (vùng đất các huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc ngày nay) chỉ huy bao vây Tây Ðô. Cuối năm 1426, Bình Ðịnh Vương ra Bắc chỉ huy giải phóng các miền đất Giao Chỉ (Bắc Bộ ngày nay), và vây hãm thành Ðông Quan. Ngày 22 tháng 01 năm Ðinh Mùi (1427), giặc Minh đầu hàng. Mùa xuân năm sau – giặc rút về, đất nước sạch bóng quân thù, thành Tây Ðô lại về Ðại Việt. Ngày 15 tháng giêng năm Mậu Thân (1428), Bình Ðịnh Vương lên ngôi hoàng đế nước Ðại Việt, thủ đô là Ðông Kinh (tức Ðông Quan, thủ đô Hà Nội ngày nay). Cả nước chia làm 3 đạo hành chính lớn, Thanh Hoá thuộc đạo Hải Tây trong số các trấn ven biển Tây Ðô.

12. Thời Lê sơ (1428 – 1516)

Tháng 11 – Kỷ Dậu (1429), vua Lê Thái Tổ về bái yết Sơn Lăng, Lam Sơn, sau 10 năm chiến đấu giành độc lập cho đất nước thắng lợi. Mùa Hè năm Canh Tuất (1430) đổi Tây Ðô làm Tây Kinh và Ðông Ðô (Hà Nội) làm Ðông Kinh. Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433), Lê Thái Tổ mất, một tháng sau đem về an táng ở Lam Sơn, gọi nơi an táng là Vĩnh Lăng. Tháng 12 năm Quí Sửu (1433) xây dựng điện Lam Sơn (gọi là Lam Kinh). Ngày 7 tháng 01 Giáp Dần (1434), điện Lam Kinh bị cháy (cháy lần thứ nhất). Tháng 9 Mậu Thìn (1448): xây dựng lại Lam Kinh do Thái uý Trịnh Khả chỉ huy. Từ Mậu Ngọ (1438) đến Mậu Tý (1468), 3 lần khơi đào các kênh trong xứ Thanh Hoá. Năm Bính Tý, tháng 4 (1516), Trịnh Duy Sản giết vua Lê Tương Dực, lập vua Lê Chiêu Tông rước về Tây Kinh.

13. Thời Lê Mạc (1516 – 1788)

Họ Mạc cướp ngôi vua Lê ở Thăng Long. Nhà Lê phải ly tán nhiều nơi. Có người phải đưa gia đình vợ con đi trốn tận Ai Lao (Lào). Quan Ðiện tiền tướng quân Nguyễn Kim – người Hà Trung lập căn cứ ở Thanh Hoá chống lại họ Mạc. Năm 1533 (Quí Tỵ), ông sang Lào đưa Lê Ninh (con vua Chiêu Tông) lên ngôi tức Lê Trang Tông, trở về Thanh Hóa đánh chiếm Tây Kinh (1545) thắng lợi. Ðến năm 1545 (Ất Tỵ), Nguyễn Kim mất, con rể là Trịnh Kiểm lên thay, đánh nhau nhiều trận lớn với họ Mạc ở Thanh Hoá, 16 lần quân Mạc đều thua.
Từ năm 1533 đến 1592, triều đình nhà Lê ở Thanh Hoá, quản lý đất nước từ Thanh Hoá trở vào, đóng đô ở Yên Trường (nay thuộc Yên Ðịnh) mở nhiều khoa thi, chọn người hiền tài tham gia chính quyền. Năm 1593, Trịnh Tùng – con trai Trịnh Kiểm, kế tục cha tiêu diệt họ Mạc, đưa vua Lê Thế Tông trở lại Thăng Long, lập phủ chúa, Ðàng Ngoài do vua Lê – Chúa Trịnh trị vì từ năm 1599. Trong thời đó, năm 1588, Nguyễn Hoàng (con trai của Nguyễn Kim) vào trấn thủ xứ Thuận Hoá, mở đầu sự nghiệp các Chúa Nguyễn ở Ðàng trong. Năm 1738, Lê Duy Mật (con vua Lê Dụ Tông Duy Ðường) khởi nghĩa chống Chúa Trịnh, địa bàn hoạt động rộng khắp Tây Nam, Tây, Tây Bắc Thanh Hoá và vùng Tây Bắc lẫn Tây Bắc Bộ. Năm 1770, Duy Mật bị con rể phản bội phải thua và tự sát với vợ con, chấm dứt 32 năm chiến đấu. Từ năm 1557 đến 1786, Thanh Hoá bị 10 trận bão lụt lớn xen đại hạn, 15 lần đói to chết nhiều người và 16 cuộc chiến giữa quân Trịnh – Mạc, những tai hoạ ấy không hề có ở thời Lê sơ.

14. Thời Tây Sơn

Những năm quân Tây Sơn tiến công ra Bắc, quân dân Thanh Hoá do Lê Trung Nghĩa (tức Quận Mãn) chỉ huy chống lại rất dữ dội, Lê Trung Nghĩa tử trận ở Tĩnh Gia.
Quân đội Tây Sơn phá huỷ hoàn toàn Lam Kinh và kinh đô An Trường biểu tượng của các vua Lê và còn phá huỷ nhiều chùa chiền miếu mạo khác. Năm 1790, con vua Quang Trung là Quang Bàn được cử ra trấn thủ Thanh Hoá. Năm 1792, ông tách ra 2 phủ Trường An và Thiên Quan của Thanh Hoa ngoại thành trấn Thanh Bình (tức Ninh Bình ngày nay).

15. Thời nhà Nguyễn (1802 – 1945)

Thanh Hoá là đất tổ của nhà Nguyễn, cho nên sau kinh thành Huế, Thanh Hoá đặc biệt được chú trọng. Nhà Nguyễn coi viên quan tổng đốc quản trị Thanh Hoá ngang với chức thượng thư trong triều đình và phải là một vị hoàng thân mới được làm tổng đốc tỉnh Thanh Hoá.
Ðặc biệt, triều đình ra lệnh không được đào bới khai mỏ gì ở Thanh Hoá sợ rằng xúc phạm đến oai linh của xứ sở. Nhà Nguyễn xây lăng tổ khai sáng ở Triệu Tường (Hà Trung), thành Triệu Tường lớn thứ 2 sau thành Thanh Hoá, chu vi 182 trượng (1 trượng = 4m), xây dựng lại Lam Kinh để tỏ lòng kính ngưỡng nhà Lê, dựng đền thờ các vua Lê ở Kiều Ðại (TP Thanh Hoá), hằng năm cắt cử các quan lại thay mặt nhà vua cúng tế và tổ chức phòng thủ ở Thanh Hoá rất hùng mạnh gồm một hệ thống 11 đồn binh có quân chính qui trấn giữ 7 bảo súng (pháo đài), 1 đồn thuỷ với 44 khẩu đại bác (súng thần công) mỗi đợt tuyển quân lấy của Thanh Hoá hơn 7.000 người. Ngày 25/11/1885, quân xâm lược Pháp lần đầu tiên tiến công Thanh Hoá. Trước đó, ngày 5 tháng 7, Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi tuyên bố chọn Thanh Hoá làm thủ phủ kháng chiến, nên tinh thần Cần Vương của quân dân Thanh Hoá rất sôi sục. Vùng rừng núi Thanh Hoá được xây dựng những sơn phòng tích trữ tiền của, lương thảo để chuẩn bị đánh giặc. Ba tháng sau (12/3/1886), nghĩa quân Cần Vương đã tiến đánh quân Pháp đóng ở thành Thanh Hoá. Mùa hè năm 1886, nghĩa quân lập bộ chỉ huy kháng chiến toàn Thanh Hoá do Tống Duy Tân đứng đầu và lập chiến khu ở Ba Ðình (Nga Sơn). Từ 18/12/1887, chiến sự dữ dội nhất giữa quân Việt Nam và Pháp đã nổ ra ở Ba Ðình. Quân Pháp phải tập trung trên địa bàn một số xã ở đây lượng binh lính lớn nhất so với toàn quốc (6.000 người trong một trận) để chiến đấu và bị thiệt hại nặng nề. Cuối cùng vì không được tiếp ứng như kế hoạch dự kiến, nghĩa quân do Ðinh Công Tráng chỉ huy đã rút lui an toàn khỏi các chiến luỹ. Ngày nay quảng trường trọng đại nhất của đất nước mang tên chiến khu này, đó là quảng trường Ba Ðình lịch sử ở thủ đô Hà Nội. Các cuộc chiến đấu chống quân đội Pháp ở Thanh Hoá đến giữa năm 1895 mới chấm dứt cùng với hàng ước của nhà Nguyễn. Thanh Hoá và các tỉnh miền Trung Việt Nam vẫn nằm trong nền độc lập hạn chế của nhà Nguyễn không bị Pháp cai trị trực tiếp. Thực tế chính quyền thuộc địa Pháp chỉ cai quản địa phận thị xã Thanh Hoá được thành lập ngày 12/7/1899 ở khu đất phía Ðông thành Thanh Hoá mà thôi. Năm 1918, chế độ thi cử tuyển hiền tài, kiểu Nho giáo ở Thanh Hoá mới bãi bỏ. Thanh Hoá bắt đầu hình thành xã hội phong kiến nửa thuộc địa hiện đại hoá.

16. Thời hiện đại

Các năm 1926 – 1927, các tổ chức cách mạng đầu tiên ở Thanh Hoá ra đời. Ngày 25/6/1930, chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên thành lập ở làng Hàm Hạ (thuộc xã Ðông Tiến, huyện Ðông Sơn), và ngày 29/7/1930, đã thành lập Ðảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên là đồng chí Lê Thế Long.
Tháng 9/1942, Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hoá thành lập. Ngày 24/7/1945, nhân dân huyện Hoằng Hoá giành chính quyền huyện thắng lợi. Ngày 19/8/1945, nhân dân thành phố Thanh Hoá và một số huyện tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi và 4 ngày sau, cách mạng thành công trên toàn tỉnh. Ngày 23/8/1945, chính quyền cách mạng tỉnh Thanh Hoá ra mắt đồng bào ở thị xã Thanh Hoá. Ngày 2/9/1945, Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Cùng với cả nước, lịch sử Thanh Hoá bước vào thời kỳ phát triển mới.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Thanh Hoá là vùng tự do, quân và dân Thanh Hoá vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho các mặt trận, các chiến trường, đóng góp to lớn vào thắng lợi chung, lập lại hoà bình ở Việt Nam, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên phủ. Như Bác Hồ đã nói trong lần về thăm Thanh Hoá lần thứ 2, ngày 13 – 6- 1957: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hoá là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ, đặc biệt là cây cầu Hàm Rồng huyền thoại, Đế quốc Mỹ muốn cắt đứt tuyến đường huyết mạch từ Hậu phương Miền Bắc vào chiến trường Miền Nam: Chỉ trong 2 ngày 3 – 4/4/1965, đế quốc Mỹ tổ chức một trận đánh với quy mô lớn nhất ra miền Bắc, sử dụng 174 lần tốp máy bay, 454 lần chiếc máy bay, ném xuống địa bàn tỉnh Thanh Hóa 627 quả bom phá, 58 quả bom nổ chậm (gồm các loại từ 500 đến 1.000 kg) cùng hàng trăm tên lửa, rốc-két vào các khu vực trọng điểm của Thanh Hóa. Riêng khu vực Hàm Rồng – Nam Ngạn – Yên Vực, đế quốc Mỹ đã bổ nhào 85 lần, cắt bom bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả đạn rốc-két.
Sau 2 ngày chiến đấu kiên cường, Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng, khiến cho dư luận nước Mỹ xôn xao, bạn bè yêu chuộng công lý và hòa bình trên toàn thế giới khâm phục. Mỹ cay đắng thú nhận: “Đó là 2 ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”.
Hàm Rồng đã trở thành biểu tượng của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ kéo dài 4 năm. Trên mảnh đất Thanh Hóa lịch sử, mỗi ngọn núi, dòng sông, cánh đồng, nhà máy, mỗi xóm làng thân yêu đều là mục tiêu đánh phá của kẻ thù. Tiếp đó, trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ (từ ngày 26/12/1971 đến ngày 15/1/1973), đế quốc Mỹ đã sử dụng những phương tiện chiến tranh hiện đại từ máy bay chiến lược B52, đến tên lửa Tà-lốc, bom xuyên, bom la-de… tập trung rải xuống Hàm Rồng.
Qua 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Thanh Hoá đã bắn rơi 405 máy bay Mỹ bằng 1/10 tổng số máy bay quân và dân miền Bắc bắn rơi trrong 2 cuộc không kích. Riêng quân và dân Hàm Rồng, đã bắn rơi 117 máy bay, tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ, bảo vệ cầu bảo đảm giao thông thông suốt, đẩy mạnh sản xuất góp phần xứng đáng cùng quân dân cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Như vậy, trong quá trình lịch sử dựng nước, mở nước và giữ nước của cả dân tộc Việt Nam, người dân Thanh Hoá đã ghi lại những mốc son chói lọi. Thanh Hoá là nơi phát tích của các vương triều: Tiền Lê, Hậu Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, triều Nguyễn. Ngày nay, người dân xứ Thanh đã và đang góp phần xứng đáng cùng với nhân dân cả nước để bảo vệ Tổ quốc, kiến thiết đất nước và xây dựng quê hương mình nhanh chóng trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh./.
Về lãnh đạo cấp cao (tứ trụ) là con dân Thanh Hóa thời hiện đại có Cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngoài ra còn nhiều lãnh đạo thuộc Bộ Chính trị, Ban bí thư… là người Thanh Hóa.
Nguồn: Trần Cảnh – Cây buốt viết lên lịch sử của người xứ Thanh !

 

Tags: ,,