Rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng là khả năng xảy ra tổn thất đối với nợ của TCTD do khách hàng không có khả năng trả được một phần hoặc toàn bộ nợ của mình theo hợp đồng hoặc thỏa thuận. Do đó, để đảm bảo an toàn cho hoạt động thì các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để phòng ngừa cho những rủi ro có thể xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng và phần này cũng được quy định bởi NHNN (gần nhất là TT 11/2021/TT-NHNN).
Dự phòng rủi ro là gì?
Dự phòng rủi ro gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung. Trong đó, dự phòng cụ thể là số tiền được trích lập để dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra đối với từng khoản nợ cụ thể, còn dự phòng chung là số tiền được trích lập để dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra nhưng chưa xác định được khi trích lập dự phòng cụ thể.
- Sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là việc TCTD chuyển khoản nợ được xử lý rủi ro ra hạch toán trên các tài khoản ngoại bảng và tiếp tục theo dõi, có biện pháp để thu hồi nợ đầy đủ theo thỏa thuận đã ký với khách hàng. TCTD được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro khi khách hàng đã phá sản/chết hoặc mất tích…hoặc đã được phân loại vào nợ nhóm 5.
Việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro thực hiện theo nguyên tắc sau:
– Nếu khoản nợ đã xử lý TSĐB mà không thu hồi đủ nợ thì dùng dự phòng cụ thể để xử lý rủi ro với dư nợ còn lại, không đủ thì dùng dự phòng chung.
– Nếu khoản nợ chưa xử lý TSĐB thì khẩn trương tín hành xử lý TSĐB, đồng thời sử dụng dự phòng cụ thể để xử lý rủi ro, nếu không đủ thì dùng dự phòng chung.
– Việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là hình thức thay đổi hạch toán đối với khoản nợ, chuyển khoản nợ được xử lý rủi ro ra hạch toán trên các tài khoản ngoại bảng.
- Tiêu chuẩn phân loại nợ giản đơn:
– Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) là khoản nợ quá hạn <= 10 ngày và đánh giá có khả năng thu hồi nợ.
– Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) là khoản nợ quá hạn tới 90 ngày.
– Nhóm 3 (Nợ dưới chuẩn) là khoản nợ quá hạn từ 91 đến 180 ngày.
– Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) là khoản nợ quá hạn từ 181-360 ngày.
– Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) là các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày.
Mức trích lập dự phòng cụ thể với khoản vay.
Tổng số tiền dự phòng cụ thể phải trích (R) đối với khách hàng của TCTD là tổng số tiền dự phòng cụ thể của khách hàng từ số dư nợ thứ 1 đến thứ n. Được tính bằng cách lấy số dư nợ gốc của từng khách hàng trừ đi giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm đó, tất cả nhân với tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể theo nhóm (từ 1 đến 5).
Ri = (Ai – Ci) x r
Trong đó:
Ai: Số dư nợ gốc thứ i.
Ci: Giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm của khoản nợ thứ i.
r: Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể theo nhóm cụ thể từ 1-5 (Nhóm 1: trích 0%; Nhóm 2: Trích 5%; Nhóm 3: Trích 20%; Nhóm 4: Trích 50% và Nhóm 5: Trích 100%)
Trường hợp Ci > Ai thì Ri được tính bằng 0 (không).
Giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm (Ci) được xác định bằng tích số giữa giá trị tài sản bảo đảm (quy định tại khoản 5 Điều 12, TT11/2021/TT-NHNN) với tỷ lệ khấu trừ đối với từng loại tài sản bảo đảm. Nguyên tắc là tài sản bảo đảm có khả năng thanh khoản càng thấp, mức biến động giá càng lớn thì tỷ lệ khấu trừ tài sản bảo đảm càng thấp.
Trong đó, tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với tài sản bảo đảm được xác định như sau:
- Số dư tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi của khách hàng bằng Đồng Việt Nam tại chính TCTD: 100%;
- Trái phiếu Chính phủ, vàng miếng theo quy định, số dư tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi của khách hàng bằng ngoại tệ tại chính TCTD: 95%;
- Trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; công cụ chuyển nhượng, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu do chính tổ chức tín dụng phát hành; số dư tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành:
– Có thời hạn còn lại dưới 1 năm: 95%;
– Có thời hạn còn lại từ 1 năm đến 5 năm: 85%;
– Có thời hạn còn lại trên 5 năm: 80%.
- Chứng khoán do các tổ chức tín dụng khác phát hành được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán: 70%;
- Chứng khoán do doanh nghiệp (trừ tổ chức tín dụng) phát hành được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán: 65%;
- Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá, do tổ chức tín dụng khác có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 50%;
- Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá, do tổ chức tín dụng khác không có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 30%;
- Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá do doanh nghiệp có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 30%;
- Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá do doanh nghiệp không có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 10%;
- Bất động sản: 50%;
- Các loại tài sản bảo đảm khác: 30%.
Lấy ví dụ:
VD1: Khách hàng vay 10 tỷ tại TCTD, thế chấp TSĐB là BĐS trị giá định giá tại trước ngày trích lập do tổ chức thẩm định xác định là 15 tỷ và đã quá hạn 100 ngày
– Ai = 10 tỷ đồng
– Ci = 15 * 50% = 7.5 tỷ đồng
– Quán hạn 100 ngày là phân vào nhóm 3, phải trích lập 20%.
=> Số tiền trích lập cụ thể Ri = (10 tỷ -7.5 tỷ) * 20% = 0.5 tỷ đồng.
VD2: Cũng tương tự trường hợp trên, khách hàng vay 10 tỷ và quá hạn 100 ngày, nhưng TSĐB là cổ phiếu MSN có giá trị đóng cửa trước ngày trích lập là 15 tỷ đồng.
– Ai = 10 tỷ đồng
– Ci = 15 * 65% = 9.75 tỷ đồng
– Quán hạn 100 ngày là phân vào nhóm 3, phải trích lập 20%.
=> Số tiền trích lập cụ thể Ri = (10 tỷ -9.75 tỷ) * 20% = 0.05 tỷ đồng.
Mức trích lập dự phòng chung
Số tiền dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4, trừ một số khoản theo quy định.
Bổ sung và hoàn nhập số tiền dự phòng
- Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể và dự phòng chung còn lại của kỳ kế toán trước nhỏ hơn số tiền dự phòng cụ thể và dự phòng chung phải trích của kỳ kế toán trích lập, TCTD phải trích bổ sung phần chênh lệch thiếu.
- Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể và dự phòng chung còn lại của kỳ kế toán trước lớn hơn số tiền dự phòng cụ thể và dự phòng chung phải trích của kỳ kế toán trích lập, TCTD phải hoàn nhập phần chênh lệch thừa.
Xử lý đối với số tiền thu hồi được từ nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro
Số tiền thu hồi được từ nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, kể cả số tiền thu hồi được từ việc xử lý tài sản bảo đảm, được coi là doanh thu trong kỳ kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nguồn: Lão Trịnh