Cập nhật tình hình vĩ mô của Việt Nam để thấy Việt Nam vẫn là một nơi gì đó đặc biệt tốt giữa bối cảnh bất ổn của tình hình vĩ mô toàn cầu hiện nay. Cũng nói thêm rằng, IMF và World Bank dự báo GDP của Việt Nam năm 2022 và 2023 lần lượt là 7% và 6.7%, và Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Châu Á được IMF nâng đánh giá tăng trưởng năm 2022 trong lần cập nhật gần đây nhất.
Tăng trưởng GDP quý 3/2022 đạt 13,67% so với cùng kỳ năm trước do quý III/2021, đưa trung bình tăng trưởng 9 tháng 2022 đạt mức 8.83%. Dự kiến mục tiêu 7% cho năm 2022 là rất khả thi, và Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng top đầu thế giới.
Tăng trưởng của Việt Nam những năm gần đây đi vào thực chất hơn, không còn quá phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, mức độ đóng góp của FDI ngày càng cao và mức độ hội nhập kinh tế Việt nam quá sâu rộng, cũng sẽ gây nên một rủi ro đặc thù khi luồng vốn đảo chiều hoặc các nước tiêu thụ chính giảm nhu cầu tiêu dùng.
Chỉ số CPI 9 tháng 2022 tăng bình quân 2.73% so với cùng kỳ, dự kiến sẽ ở dưới mục tiêu 4% năm 2022 của Chính phủ, nhờ vào giá nhiên liệu xăng dầu giảm dần và mức độ tăng hạn chế của các mặt hàng thực phẩm. Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang tăng cao, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực để ổn định tình hình lạm phát trong nước, mặc dù áp lực lạm phát trong năm 2023 vẫn rất cao nhưng việc duy trì ổn định lạm phát trong khoảng 4-5% sẽ giảm bớt áp lực lên lãi suất trong dài hạn.
Hoạt động thu hút FDI có những chuyển biến tích cực, trong đó vốn giải ngân 9 tháng đầu năm 2022 tăng 16% so với cùng kỳ, mặc dù vốn đăng ký mới giảm 15.6% so với cùng kỳ. Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh bất ổn nhiều khu vực trên Thế giới và hoạt động đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục là điểm sáng khi mang lại thặng dư hơn 6.5 tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng 2022 đạt hơn 281 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu đạt hơn 275 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh khan hiếm ngoại tệ, tỷ giá biến động, việc duy trì được thặng dư thương mại sẽ giúp Việt Nam có nguồn lực hơn để duy trì ổn định tỷ giá, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Dự trữ ngoại tệ được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại nhưng chính sách ổn định tỷ giá đã khiến cho dự trữ ngoại tệ giảm đi đáng kể. Theo IMF, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam vào tháng 5/2022 chỉ còn khoảng 102 tỷ USD, nếu tính thêm cả dự can thiệp trong các tháng gần đây có thể lên đến hơn 10 tỷ USD thì mức dự trữ chỉ còn khoảng 85-90 tỷ USD mà thôi.
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022 đều duy trì trên mức 50 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất đang được mở rộng sau đại dịch năm 2021. Mặc dù có những lo ngại vì các thị trường nhập khẩu chính đang yếu đi, nhưng dự báo số liệu PMI tháng 9/2022 vẫn ở trên 50 điểm và có thể trên luôn mức tháng 8/2022.
Tổng kết, số liệu vĩ mô 9 tháng 2022 của Việt Nam vẫn trong top những quốc gia xuất sắc nhất thế giới, tuy nhiên những rủi ro tiềm tàng từ bên ngoài vẫn đang là thách thức trong thời gian tới. Tuy nhiên, những điểm sáng để Thế giới có thể thoái khỏi sớm cuộc khủng hoảng này vẫn còn đó:
– Xung đột Nga-Ukraina hạ nhiệt sau khi Nga sáp nhập 4 vùng ly khai. Mặc dù ở góc độ Ukraina sẽ không bao giờ chấp nhận thực trạng này, nhưng mùa đông có thể gây áp lực chia rẻ với khối EU, buộc các bên có những nhượng bộ sẽ bắt đầu tiến trình ngoại giao.
– Trung Quốc có thể sẽ kết thúc giai đoạn Zero Covid vào đầu năm sau, đây là động lực thúc đẩy nhu cầu không chỉ cho Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy sự phục hồi chung.
– Giá cả hàng hóa có thể sẽ tăng trở lại vào quý 4/2022 nhưng sẽ khó có thể vượt đỉnh trở lại vì sự suy giảm trong nhu cầu gây ra bởi rủi ro suy thoái. Điều này tác động hai chiều qua lại lẫn nhau dẫn tới điểm cân bằng sẽ thấp hơn khi giá hàng hóa tạo đỉnh trong năm 2022.
– Với Việt Nam, việc kiểm soát giá cả, kiểm soát hoạt động thị trường BĐS cũng là một trong những biện phát ổn định thị trường vĩ mô. Hoạt động này có thể sẽ được nới trở lại sau khi phần lớn doanh nghiệp đã cân đối được dòng tiền và mở cửa tín dụng trở lại vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những bài toán khó trong cân đối vĩ mô giai đoạn 2023 của Việt Nam, nếu kiểm soát không khéo sẽ gây đổ vỡ dây chuyền.
– Đầu tư công, hay các gói hỗ trợ đang được Chính phủ thúc đẩy triển khai mạnh, nhưng phần lớn chỉ được giải ngân mạnh trong năm 2023 do những khó khăn đặc thù.
Nguồn: Lão Trịnh