PHẦN 1: TAM QUỐC THỜI HIỆN ĐẠI – TRẬT TỰ THẾ GIỚI ĐANG BỊ LUNG LAY
Lời mở đầu
Chắc nhiều người trong chúng ta không còn xa lạ gì với tiểu thuyết “Tam Quốc Chí” của La Quán Trung, nói về cuộc tranh giành của ba nước Ngụy, Thục và Ngô cuối thời Đông Hán. Giai đoạn đầu, nước Ngụy do Tào Tháo đại diện là nước có diện tích lớn nhất, có sức mạnh bậc nhất cả về kinh tế lẫn quân sự; trong khi đó nước Ngô thì nhỏ hơn, áng ngữ một vùng đất phía Nam; còn nước Thục thì chiếm được vùng đất tươi tốt nhưng sức mạnh còn yếu.
Sau nhiều giao tranh, cục diện có sự thay đổi qua thời gian, có lúc Ngụy mạnh hai nước cò lại yếu thì họ hợp sức với nhau chống Ngụy, và khi Thục mạnh thì Ngụy và Ngô lại liên minh để chống Thục. Cứ như thế cục diện Trung Quốc được chia 3 thành thế chân vạc và không thể bên nào thống nhất, chỉ đến khi thời thế hội tụ đầy đủ những yếu tố thì Tư Mã Ý mới thừa cơ thống nhất giang sơn.
Tuy “Tam Quốc Diễn Nghĩa” chỉ là một tác phẩm kể về một thời đại của một nước nhưng bài học rút ra của nó rất sâu sắc và có thể áp dụng đến muôn đời. Thực tế trong thời đại hiện nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển tiên tiến thì việc phân chia về địa lý không còn là ngăn cách quá lớn, tuy nhiên thế giới vẫn đang tồn tại một trật tự tương tự như Tam Quốc thời Đông Hán. Chúng ta hãy thử tìm hiểu về trật tự thế giới hiện tại và từ đó để có cái nhìn dài hạn hơn về quá trình ngoại giao và định hướng phát triển sao cho mình không trở thành một con tốt thí trên bàn cờ tranh chấp sức ảnh hưởng địa chính trị giữa các nước lớn.
(*) Bài viết này tác giả Lão Trịnh chỉ nêu gia ở góc độ của tác giả, sẽ có nhiều tranh cãi ở góc nhìn khác nhau của mỗi người. Ở đây, nếu có nhận xét tác giả mong mọi vấn đề chỉ ở mức trao đổi, không gây xung đột về quan điểm, và nếu bạn đọc nào cảm thấy không hài lòng thì có thể xem bài viết này như một câu chuyện tiểu thuyết dùng để đọc giải trí.
Luận điểm về thế cục chân vạc thời hiện đại
Cục diện thế giới hiện đại ngày này được chia làm ba,vớt trật tự thế giới đã được hình thành từ sự ảnh hưởng của các cường quốc, gồm Mỹ – Nga- Trung Quốc. Sự phân chia này được tôi đánh giá ở các luận điểm như sau:
- Một quốc gia trong thế cực này phải là một cường quốc, trong đó để là một cường quốc cần hội tụ đủ năm yếu tố là sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, dân số, diện tích và tham vọng gây ảnh hưởng lên phần còn lại của thế giới.
- Còn nhiều quốc gia có khác có sức mạnh nhưng không được đề cập như Nhật, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, Úc…..bởi vì có nước thì diện tích nhỏ, nước thì dân số ít, có nước thì thuộc liên minh quân sự chặt chẽ với một trong ba cường quốc trên.
- Thế giới ngày nay, cục diện không hoàn toàn nằm ở vị trí địa lý mà có thể đan sen vào nhau nhờ vào các liên minh và hệ thống kết nối thông tin, khoa học công nghệ.
Trật tự thế giới hiện tại
Trong quan hệ quốc tế hiện nay, các quốc gia đều có chủ quyền và độc lập riêng, điều này được công nhận và quy định trong hiến chương Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, điều này có được không phải ngẫu nhiên mà đó là hệ quả sau những
cuộc chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh thế giới để lập nên trật tự như ngày nay.
Nhiều cường quốc lớn luôn muốn mở rộng lãnh thổ hoặc sức ảnh hưởng của mình lên các quốc gia khác nhưng họ vẫn không làm được hoặc ít nhất là chưa dám làm đó là nhờ sự phân cực của thế giới hiện tại. Các cường quốc đang phân chia sức ảnh hưởng lên các quốc gia khác và tạo thế cực cân bằng và nếu một quốc gia đơn phương muốn thay đổi cục diện ấy sẽ phải chịu áp lực từ liên minh sức mạnh của các quốc gia khác. Tất nhiên, thế giới vẫn ổn định trong tư thế tranh giành sức ảnh hưởng trong quy mô nhỏ, dẫn đến vẫn có nhiều xung đột ở quy mô khu vực hẹp hay quy mô quốc gia có vị trí chiến lược, nhưng đây chưa thể được nói như sự phân chia lại đại cục. Trong phần II tôi sẽ đề cập về vấn đề này, còn trong phần này tôi chỉ xin trình bày về cục diện thế giới hiện tại.
Tam cường có thể đang có sức ảnh hưởng lớn nhất hiện nay có thể được xét đến là Mỹ – Nga – Trung, với sự phân chia như sau:
Mỹ (Ngụy) |
Trung (Thục) |
Nga (Ngô) |
Là quốc gia có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.
Sức mạnh về quân sự và kinh tế đứng số một. Tham vọng gây ảnh hưởng lên tất cả các nước và duy trì vị thế độc tôn. (Bao gồm các đồng minh có sức mạnh không nhỏ như Châu Âu, Úc, Izasel, Nhật, Hàn…) |
Là quốc gia đông dân nhất thế giới, nằm ở khu vực màu mỡ.
Sức mạnh kinh tế đứng thứ hai và đang tăng trưởng rất nhanh. Quân sự cũng đang từng bước hiện đại để đuổi kịp hai nước còn lại. Có tham vọng lập lại trật tự thế giới |
Là quốc gia có diện tích rộng nhất thế giới, với khí hậu khắc nghiệt và mật độ dân số thấp.
Sức mạnh quân sự ngang ngửa với Mỹ. Kinh tế thì phụ thuộc khá nhiều vào tài nguyên, sức mạnh kinh tế thì còn cách xa hai nước kia, nhưng tầm ảnh hưởng cũng khá lớn trên thế giới. |
Tương quan lực lượng
Bản chất của loài người là luôn muốn vươn tới những cái nhất, đặc biệt là trong canh tranh về sức mạnh và sự thống trị. Quốc gia nào cũng mong muốn mở rộng lãnh thổ, tầm ảnh hưởng của mình lên các quốc gia khác, tuy nhiên mong muốn và khả năng lại là hai chuyện khác nhau.
Trật sự thế giới hiện tại đang ổn định là vì sức mạnh của một phe chưa đủ để áp đảo các phe còn lại, do đó thay vì gây hỗn loạn làm yếu đi sức mạnh của mình thì tốt nhất là giữ những gì đang có và từng bước xây dựng lực lượng chờ thời biến.
Xét về tham vọng và sức ảnh hưởng thì ba cường quốc trên đang được đánh giá là nổi trội nhất, tuy nhiên vì đặc thù mỗi nước khác nhau nên các cường quốc nhỏ hơn đang phải ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận chịu cục diện với sức ảnh hưởng thấp hơn. Chung ta hay cũng so sánh tương quan lực lượng của ba phe theo phân tích cả về kinh tế và quân sự:
Mỹ: Giống như Tào Ngụy sau khi đánh bại Viên Thiệu thì Ngụy nắm vững vị trí số 1 với sức mạnh áp đảo các nước còn lại về kinh tế lẫn quân sự. Họ luôn có mong muôn thống nhất, hay nói theo đời đại ngày nay là để tầm ảnh hưởng của mình lên tất cả các quốc gia còn lại.
Về kinh tế
Nước Mỹ ngày nay, với diện tích 9.826.675km² (đứng thứ 5 thế giới) và dân số trên 320 triệu người. Họ đang thống trị toàn cầu về mọi mặt liên quan đến sức mạnh kinh tế, và nắm giữ quyền lực mềm rất lớn ở các tổ chức kinh tế toàn cầu, hay các liên minh kinh tế.
Tổng sản phẩm GDP của mỹ năm 2017 là 19.390,6 tỷ USD, đứng số một thế giới và chiếm 19.8% tổng GDP toàn cầu.
Giá trị trao đổi thương mại của Mỹ lớn thứ hai trên thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu cũng rất mạnh, với xuất khẩu đạt 2.27 ngàn tỷ USD và nhập khẩu đạt 2.74 ngàn tỷ USD vào năm 2013. Có thể thấy, bất kỳ một quốc gia nào bị Mỹ cấm vận thì sẽ bị ảnh hưởng biết chừng nào, hơn nữa nhờ quy mô lớn Mỹ duy trì được quyền lực mềm và các động vào các quốc gia có quan hệ thương mại với họ.
Ngoài ra, Mỹ có đồng USD trao đổi mạnh, được nhiều quỹ dự trữ trên thế giới sử dụng và được dùng làm đơn vị tiền tệ chuẩn của nhiều hàng hóa quan trọng như Dầu mỏ và Vàng. Đây là một quyền lực mà khó có quốc gia nào thay thế được, họ có thể dùng quyền lực mềm này gây ảnh hưởng rất lớn để hoạt động kinh tế của thế giới.
Sức mạnh công nghiệp và khoa học kỹ thuật của Mỹ luôn ở vị trí số một, gần như tất cả các sản phẩm tiêu chuẩn cao nhất của thế giới đều có thể được sản xuất ra ở Mỹ, cũng nhờ vậy mà họ không bị phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào trong quá trình hoạt động sản xuất.
Về quân sự
Chẳng cần nói mọi người cũng biết, với tiềm lực kinh tế số một thì mức độ đầu tư cho quân sự sẽ lớn thế nào. Trong năm 2018, Mỹ dự kiến chi khoảng 700 tỷ cho ngân sách quốc phòng, cao nhất thế giới và bằng tổng 8 nước liền kề đứng vị trí kế tiếp về bạo chi ngân sách quốc phòng. Năm 2019, tiếp tục được phê duyệt tăng 7% lên mức 716 tỷ USD.
Sức mạnh Thủy, Lục, Không quân của Mỹ có thể đủ sức răn đe trên khu vực rộng lớn. Họ sở hữu đủ các loại vũ khí nguy hiểm nhất thế giới như bom hạt nhân, bom nhiệt thạch, tên lửa tầm xa… với số lượng đồ sộ nhất thế giới.
Quân đội của Mỹ có khả năng tác chiến ở xa với nhiều trang thiết bị hiện đại như tàu sân bay, máy bay tầm xa, máy bay tiếp nhiên liệu… và nhiều căn cứ quân sự ở khắp nơi trên thế giới. Hơn nữa, họ liên minh quân sự với nhiều quốc gia và có sức mạnh răn đe rất lớn lên các quốc gia khác có ý đồ thay đổi lại trật tự thế giới mà họ đang nắm giữ.
Nga: Giống như Đông Ngô, nước Nga áng ngữ một vùng đất đai rộng lớn, giàu tài nguyên nhưng lại không phải là vùng đất màu mỡ và dễ sống. Kinh tế của họ phụ thuộc lớn vào tài nguyên thiên nhiên dầu khí và khoáng sản, họ có sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng lớn lên các nước khác nhưng vì kinh tế có hạn nên mức độ tham vọng của họ cũng chỉ nhằm cố gắng duy trì một cục diện có lợi chứ chưa đủ khả năng để tranh hùng vị trí số một với Mỹ.
Về kinh tế
Nước Nga ngày nay, với diện tích 17.100.000 km² (đứng số 1 thế giới) và dân số trên 144.3 triệu người (năm 2016). Với một diện tích rộng lớn nhưng nằm ở bắc bán cầu, nước Nga có khí hậu khá khắc nghiệt, không thuận lợi cho các hoạt động kinh tế.
Nền kinh tế Nga đứng ngoài top 10 trong xếp hạng các quốc gia có GDP lớn nhất, chỉ chiếm khoảng 1.6% GDP toàn cầu, đứng sau Hàn Quốc và Canada (năm 2016).
Kinh tế Nga phụ thuộc khá lớn vào khai thác tài nguyên, trong đó dầu mỏ và khí đốt chiếm tỷ trọng lớn. Trong khoảng thời gian từ 2014-2017 khi giá dầu khí giảm, GDP của Nga cũng suy giảm mạnh theo, điều này cho thấy mức độ phụ thuộc của nền kinh tế này vào tài nguyên lớn như thế nào.
Tuy vậy, thừa hưởng từ lịch sử, nước Nga hiện tại cũng sở hữu nhiều công nghệ hiện đại, có thể sản xuất nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các quốc gia hàng đầu. Mặc dù về mẫu mã và chất lượng đôi khi không cạnh tranh lại, nhưng điều này lại rất quan trọng đối với một cường quốc vì nó có thể chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà không bị phụ thuộc quá lớn vào bên ngoài.
Về quân sự
Mặc dù không có nguồn tiền lớn để dùng cho quân sự như Mỹ, nhưng nước Nga vẫn luôn duy trì một lượng ngân sách lớn (đứng thứ 3 thế giới) vào hoạt động quốc phòng. Nga cũng sở hữu đầy đủ các loại vũ khí đủ sức cạnh tranh lại với Mỹ về mặt sức mạnh, và họ cũng là lước sở hữu đầy đủ các loại vũ khí hủy diệt như Mỹ.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ chi tiêu cho quốc phòng của Nga vẫn ở mức thấp so với Mỹ, chỉ bẳng 1/14 lần của Mỹ trong năm 2018. Tuy nhiên, ngành quân sự Nga đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng nể, họ đã phát triển ra các vũ khí di chuyển với tốc độ gấp nhiều lần âm thanh và có nhiều vũ khí mới được phát triển mà ngay cả Mỹ cũng chưa có khả năng đạt được. Điều này đã giúp nước Nga có được vị thế ngày hôm nay, tạo cục diện mà nước Mỹ cũng phải e ngại và phải tính toán cẩn thận khi muốn có cuộc chiến trực diện với họ.
Hơn nữa, với sức mạnh quân sự của mình, Nga cũng là một nước xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, quân sự của Nga cũng có sức ảnh hưởng khá lớn ở nhiều nước trên thế giới và là đối trọng chính của Mỹ trong cục diện phân chia sức ảnh hưởng toàn cầu trong các năm qua.
Trung Quốc: Giống như Lưu Bị lúc lập nghiệp, Trung Quốc là nước phát triển sau nhưng lại có vị trí rất chiến lược, vùng đất động lớn trù phú với dân cư đông. Sau khoảng thời gian ẩn mình chờ thời, Trung Quốc đang nổi lên như cường quốc số hai và đang có mong muốn thay đổi lại trật tự thế giới.
Về kinh tế
Trong khoảng gần 20 năm nay, Trung Quốc đang phát triển nhanh như vũ bão, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khoảng 7%.
Tính theo số tuyệt đối thì GDP của Trung Quốc bằng khoảng 64% GDP của Mỹ trong năm 2017, trong khi tỷ lệ này năm 2008 chỉ là khoảng 32%. Điều này có thể thấy, Trung Quốc đang dần đuổi kịp Mỹ về mặt quy mô tuyệt đối và nếu cứ theo tốc độ này thì chỉ khoảng 20 năm nữa vị trí số 1 sẽ về tay Trung Quốc.
Để có được vị thế ngày hôm nay, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược “ẩn mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình trong nhiều năm, đến nay với thực lực đã gia tăng đáng kể và với tốc độ phát triển nhanh, họ đang từng bước muốn giành lại sự ảnh hưởng của mình lên phần còn lại của thế giới.
Về quân sự
Là nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc trong những năm gần đây đã giành khá nhiều ngân sách để đầu tư cho quốc phòng. Chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, đạt 174 tỷ USD trong năm 2018, điều này giúp họ xây dựng được một đội quân thường trực đông nhất thế giới cùng với nhiều trang bị được đầu tư hiện đại.
Về khí tài, Trung Quốc cũng là nước sỡ hữu đủ các loại vũ khí hiện đại như máy bay, xe tăng, tên lửa, tàu chiến …và cũng là một trong các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Về số lượng có nhiều loại Trung Quốc đã áp đảo cả Mỹ và Nga, tuy nhiên họ vẫn còn thua xa Mỹ và Nga trong các trang bị cấp chiến lược. Tuy nhiên, với mức đầu tư mạnh như hiện nay thì chỉ trong khoảng một thời gian ngắn nữa, họ đủ khả năng tự chủ được các trang bị quân sự hiện đại ngang tầm với Mỹ và Nga và cũng từng bước tự chủ khả năng sản xuất vũ khí như hai cường quốc còn lại.
Điều quan trọng, với tham vọng phân chia lại trật tự thế giới, họ đang từng bước hiện đại quân đội theo hướng tác chiến tầm xa, đủ khả năng vươn ra thế giới. Họ mua lại tàu sân bay Lưu Ninh của Ukraina dùng để vừa nghiên cứu, vừa hoàn thiện từng bước tăng năng lực tác chiến xa đất liền và nâng cao khả năng chế tạo tàu sân bay của mình.
Nhìn chung, so sánh tương về mọi mặt ở thời điểm hiện tại thì Mỹ vẫn là số một, giống như nước Ngụy sau khi đánh bại Viên Thiệu, họ vẫn mong muốn tiếp tục gia tăng ảnh hưởng lên phần còn lại của thế giới.
Với Nga, họ bị bất lợi bởi điều kiện kinh tế thua kém, nên hầu như chỉ có mức ảnh hưởng ở mức độ nhất định, họ không đủ khả năng thay thế được vị trí số một của Mỹ mà chỉ cố gắng cũng cố thành lũy mà đã được xây dựng từ thời Liên Xô.
Trung Quốc thì khác, sau giai đoạn thực hiện chiến lược “ẩn mình chờ thời”, thì đến nay Trung Quốc đã bắt đầu bám đuổi Mỹ về cả mặt kinh tế lẫn quân sự. Nếu thế cục cứ tiếp tục như hiện tại thì chỉ trong khoảng 20 năm nữa Trung Quốc có thể thay thế Mỹ để trở thành cường quốc số một về kinh tế. Hơn nữa, họ cũng đang có mong muốn thay đổi trật tự ảnh hưởng đã được hình thành trước đó về cả phương diện kinh tế, chính trị và quân sự.
PHẦN II: TRUNG QUỐC ÂM MƯU THAY ĐỔI LẠI TRẬT TỰ THẾ GIỚI
- Tham vọng thay đổi trật tự thế giới của Trung Quốc?
- Cách thức Trung Quốc sẽ áp dụng để phân chia tầm ảnh hưởng của mình lên phần còn lại của thế giới?
- Đâu là điểm quan trọng Trung Quốc cần giải quyết?
PHẦN III: MỸ VÀ NGA SẼ LÀM GÌ ĐỂ NGĂN CẢN VIỆC TRUNG QUỐC THAY ĐỔI THẾ CHÂN VẠC
- Mỹ sẽ làm gì để kiềm chế Trung Quốc về mặt kinh tế và quân sự?
- Nga liệu có hợp sức với Mỹ kìm chân Trung Quốc?
- Toan tích của Nga và Mỹ là gì?
PHẦN III: ỨNG XỬ CỦA CÁC NƯỚC NHỎ TRONG VIỆC PHÂN CHIA LẠI TRẬT TỰ THẾ GIỚI
- Việc phân chia lại cục diện thế giới có tác động như thế nào đến các nước nhỏ?
- Việt Nam có nên nghiêng về một phía nào hay không?
- Ai là là nguy hiểm với Việt Nam nhất trong thế cục hiện tại?
Các phần sau sẽ được tôi trình bày trong các bài viết tiếp theo. Trân trọng!.