Trump tái đắc cử và ảnh hưởng tới Việt Nam

Giữa tháng 7/2024, một sự kiện là rúng động nước Mỹ đó chính là vụ “ám sát” hụt cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và sau đó là màn thể hiện mạnh mẽ của ông sau đó, điều này đã đưa xác suất thắng cử của ông tăng vọt. Tính tới ngày 15/7/2024, các trang cá cược đã nâng tỷ lệ chiến thắng của ông Trump lên 70% so với ông Biden chỉ còn dưới 20%. Do đó, bây giờ là thời điểm chúng ta phân tích chính sách của ông Trump và tác động của nó tới Việt Nam nếu ông thắng cử.

I. Các chủ đề chính cần quan tâm

Luận cương tranh cử của ông Trump được các trang tóm lược lại với 20 ý chính, nhưng tôi xin được tóm lược lại ngắn gọn thành 3 nhóm chủ đề, từ đó có đánh giá cụ thể hơn.

1. Về vấn đề kinh tế

– Thứ nhất, kiểm soát lạm phát, ưu tiên đưa lạm phát về mức thấp để bảo vệ quyền lợi cho người dân. Thông qua việc giảm thuế TNDN để khuyến khích sản xuất trong nước, giảm chi tiêu Chính phủ để giảm áp lực lên ngân sách, phối hợp với Cục dự trữ Liên bang (FED) đề duy trì chính sách lãi suất và tiền tệ hợp lý.

– Thứ hai, cắt giảm thuế, trong đó bao gồm các loại thuế cho người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế và cũng từ đó giảm lạm phát, nâng cao thu nhập khả dụng cho người dân.

– Thứ ba, đưa các hoạt động gia công của các công ty Mỹ về nước, ưu tiên sản xuất trong nước. Khả năng cao ông sẽ đánh thuế cao với hàng nhập khẩu, đồng thời giảm thuế TNDN trong nước, cung cấp các ưu đãi tài chính và đơn giản hóa quy định. Từ đó đưa sản xuất tiếp tục quay trở lại Mỹ, tăng cường sản xuất trong nước, hỗ trợ công ăn việc làm và giảm lạm phát.

– Thứ tư, đưa Mỹ thành quốc gia sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới. Khả năng ông Trump sẽ giảm bớt các quy định về môi trường, khuyến khích tư nhân đầu tư mạnh vào sản xuất năng lượng dầu khí và than đá trong nước.

– Thứ năm, duy trì đồng USD là đồng tiền dự trữ hàng đầu Thế giới. Chính sách đưa nước Mỹ lên trên hết, tăng cường sức mạnh kinh tế Mỹ, ổn định giá trị đồng USD, tăng cường niềm tin quốc tế và chính sách thương mạnh công bằng.

– Thứ sáu, hủy bỏ quy định bắt buộc về xe điện và giảm các quy định nặng nề. Ông dự định sẽ hủy bỏ các quy định ràng buộc với ngành xe điện Mỹ, để thị trường tự do quyết định. Điều này nhằm giúp Mỹ có thể cạnh tranh lại sự thống trị của Trung Quốc vào ngành xe điện.

2. Về vấn về chính trị và ngoại giao

– Thứ nhất, ngăn chặn chiến tranh Thế giới thứ III bằng cách giảm các xung đột lớn đang leo thang, cụ thể là xung đột Nga-Ukraina (mở rộng ra là Nga và NATO).

Thứ hai, khả năng cao ông sẽ mạnh tay với khu vực Trung Đông, đặc biệt với cuộc chiến Israel-Palestin. Trong nhiệm kỳ trước của ông, Mỹ đã chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, gây nên nhiều tranh cãi. Hơn nữa, gia đình ông cũng có nhiều mối quan hệ kinh doanh tại khu vực Trung Đông này.

Thứ ba, tập trung nhiều hơn vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Trung Đông và Trung Quốc được chú ý.

3. Các vấn đề khác

Thứ nhất, mạnh tay với nhập cư và vấn đề biên giới. Đây là vấn đề trong nhiệm kỳ đầu và sẽ được tiếp tục đẩy mạnh nếu ông tái đắc cử. Việc nhập cư vào Mỹ sẽ khó hơn vì siết số lượng thẻ xanh được cấp, trong khi đó sẽ tăng cường trục xuất nhiều hơn.

Thứ hai, lật lại các vấn đề tiền bầu cử 2020 và các vấn đề nội tại để đảm bảo bầu cử công bằng, khôi phục hiến pháp.

II. Đánh giá và tác động tới Việt Nam

Phần tiếp theo này là đánh giá theo thiên kiến cá nhân, mọi người chỉ nên tham khảo và hãy cho mình một chính kiến riêng.

1. Về vấn đề kinh tế

Ông Trump là người kinh tế nên các vấn đề kinh tế là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong chính sách của ông. Trong đó, việc đẩy mạnh sản xuất trong nước và thuế quan sẽ có tác động rất lớn tới các quốc gia xuất khẩu như Việt nam.

– Việc đánh thuế quan nhập khẩu cao hơn, giảm thuế trong nước, khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên sản xuất ở Mỹ. Điều này ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư FDI công nghệ cao của Việt Nam, và ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.

– Ông Trump sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại công bằng, và Việt Nam đang là một trong các quốc gia có thặng dư thương mại cao với Mỹ, điều này đưa Việt Nam vào thế khó, hoặc là tăng cường nhập khẩu hàng Mỹ giá cao, hoặc là phải chuyển dịch bớt xuất khẩu qua các thị trường khác.

Do đó, cuối tháng 7/2024 này, việc Mỹ có công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không rất quan trọng, hay chính sách Mỹ có coi Việt Nam là quốc gia trong vòng tròn “friendship” của họ không sẽ ảnh hưởng tới hoạt động thương mại của Việt Nam với Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ tiếp theo.

– Về vấn đề đưa Mỹ thành quốc gia sản xuất năng lượng hàng đầu, việc này sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư và sản xuất vào dầu khí, than đá…, như vậy có thể khiến cho ngành năng lượng trở nên dư thừa công suất hơn trong bối cảnh chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ, gây sức ép lên giá năng lượng trong thời gian tới.

– Đối với các chính sách còn lại, mặc dù là yếu tố kinh tế nhưng vẫn mang màu sắc chính trị và nó cũng nằm trong chính sách tổng thể của Mỹ, nên tác động với Việt Nam là không lớn.

2. Các vấn đề còn lại

Trong các chủ đề còn lại tôi chỉ có nhận định về hai vấn đề:

– Thứ nhất, về xung đột địa chính trị thời kỳ Trump dự kiến sẽ giảm tại khu vực Nga-Ukraina nhưng có thể mạnh mẽ hơn tại khu vực Trung Đông. Điều này nằm trong các phát biểu của Trump rất nhiều lần, ông không muốn leo thang xung đột để gây nên chiến tranh Thế giới III. Tuy nhiên, xung đột Trung Đông lan rộng sẽ hỗ trợ thêm cho kế hoạch đẩy mạnh sản xuất năng lượng của Mỹ, điều này cũng khiến cho giá cả năng lượng biến động hơn trong giai đoạn tới.

– Thứ hai, Trump có xu hướng đẩy nhanh quá trình hướng về Châu Á – Thái Bình Dương hơn (mặc dù đây là chiến lược của Mỹ rồi, bất kể là Trump hay Biden). Điều này, sẽ hướng xung đột tập trung hơn về khu vực này, bao gồm cả xung đột về kinh tế (chiến tranh thương mại) hay những xung đột địa chính trị, điều này gây nên nhiều bất chắc hơn cho Việt Nam.

Tóm lại, nhìn chung đối với các chính sách lớn thì cho dù là tổng thống nào của Mỹ lên thì sẽ không có nhiều thay đổi, nhưng trong ngắn hạn thì Trump lên sẽ tạm thời giúp kinh tế Thế giới ổn định hơn và có lợi cho Việt Nam, nhưng nhìn dài hơn, có thể có nhiều biến động sẽ diễn ra hơn và áp lực điều hành kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới cũng cao hơn.

Nguồn: Lão Trịnh

 

Tags: ,