Tỷ lệ LDR hay còn gọi là tỷ lệ Dư nợ tín dụng/Vốn huy động là một trong những tỷ số quan trọng dùng để đánh giá chỉ tiêu an toàn của ngân hàng. Thông thường, LDR càng cao thì khả năng sinh lời của ngân hàng càng lớn, nhưng đánh đổi là rủi ro thanh khoản cũng cao hơn, bởi tín dụng được coi là tài sản kém linh hoạt nhất trong số các tài sản sinh lời của ngân hàng nhưng lại là tài sản sinh lời chính. LDR tăng, năng lực bảo vệ mình trước nguy cơ rút tiền gửi đột ngột sẽ giảm tương ứng.
Công thức tính
Tỷ lệ Dư nợ tín dụng/Vốn huy động (LDR) được tính bằng cách lấy dư nợ cho vay khách hàng (Cấp tín dụng chia cho vốn huy động.
LDR = Vốn cho vay KH / Vốn huy động
- Trong đó vốn huy động = Tiền gửi khách hàng – tiền gửi vốn chuyên dùng – tiền gửi ký quỹ + Giấy tờ có giá. Nguồn vốn huy động quy định chi tiết tại Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20/05/2010 của Ngân hàng Nhà nước.
- Vốn cho vay khách hàng hay còn gọi là vốn tín dụng là hoạt động cấp tín dụng bao gồm các hình thức cho vay, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh, chiết khấu giấy tờ có giá và công cụ chuyển nhượng.
Tỷ số LDR có thể vượt 100% được không?
Về mặt nguyên lý thì có vẻ như tỷ lệ LDR phải nhỏ hơn hoặc bằng 100%, tuy nhiên thực tế thì do huy động vốn của NH rất đa dạng nên việc cho vay ra có thể cao hơn số liệu huy động được tính trong công thức trên.
Ví dụ: Ngoài vốn huy động trên thị trường 1 (huy động tiết kiệm) chúng tôi còn có vốn trực tiếp từ các TCTD nước ngoài qua các chương trình tín dụng như IFC với cho vay DNNVV.
Hoặc nguồn vốn thứ 2 cũng là dạng vốn vay của các NH nước ngoài nhưng mà gián tiếp thông qua NH cho vay DN. Ví dụ, khi DN mở L/C nước ngoài, để giảm bớt áp lực thanh toán thì NH nước ngoài cấp một phần vốn nhất định cho DN nhập khẩu trong nước trả nợ nhằm khuyến khích xuất khẩu quốc gia của họ. Lúc ấy DN có thể được vay 3-6 tháng, thậm chí dài hơn 9 tháng. Nguồn vốn này được đánh giá ổn định và đảm bảo thanh khoản khi NH sử dụng cho vay.
Tỷ lệ LDR bao nhiêu là hợp lý?
Như đã đề cập, thông thường, LDR càng cao thì rủi ro thanh khoản cũng cao hơn. Tuy vậy, cần lưu ý rằng LDR thấp không có nghĩa là ngân hàng an toàn, bởi tính an toàn không chỉ thể hiện ở rủi ro thanh khoản và còn các loại rủi ro khác như chất lượng tín dụng, rủi ro kỳ hạn…
Không có con số cố định nào là hợp lý mà phải tùy từng thời điểm hoặc tùy từng ngân hàng mà lựa chọn một con số hợp lý. Tuy nhiên, thông thường tỷ số này khoảng 80% là phù hợp, đôi khi có thể lên đến 90%, nhưng rõ ràng nếu chỉ số này gần 100% hoặc vượt 100% thì quả thực rất đáng lo ngại.
Nguồn: Lão Trịnh