Phân tích các Công cụ điều hành Chính sách tiền tệ của NHNN

Chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát – tỷ giá, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra. Chính sách tiền tệ Quốc gia được Quốc hội thông qua hàng năm dựa trên đề xuất của Chính phủ, NHNN là cơ quan chuyên trách được giao triển khai chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, chủ động, để phối hợp với chính sách tài khóa đạt được mục tiêu kinh tế của Quốc gia.

Các công cụ để thực hiện Chính sách tiền tệ (CSTT) Quốc gia?

Theo Luật NHNN năm 2010, Thống đốc NHNN quyết định việc sử dụng công cụ thực hiện CSTT quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ, biện pháp khác theo quy định của Chính phủ.

  • Lãi suất: NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành CSTT, chống cho vay nặng lãi. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các NHTM với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác. (Xem Bảng lãi suất của NHNN)
  • Tái cấp vốn, tái chiết khấu: Tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của NHNN nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho NHTM bằng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu. Chiết khấu giấy tờ có giá là nghiệp vụ Ngân hàng Nhà nước mua ngắn hạn các giấy tờ có giá còn thời hạn thanh toán của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước khi đến hạn thanh toán (gọi tắt là chiết khấu). (Xem Bảng lãi suất của NHNN)
  • Tỷ giá hối đoái: Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. NHNN công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá. (Xem Bảng số liệu tỷ giá trung tâm của NHNN)
  • Dự trữ bắt buộc: Dự trữ bắt buộc là số tiền mà NHTM phải gửi tại NHNN để thực hiện CSTT quốc gia. NHNN quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình NHTM và từng loại tiền gửi tại NHTM nhằm thực hiện CSTT quốc gia. NHNN quy định việc trả lãi đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của từng loại hình NHTM đối với từng loại tiền gửi. (Xem Bảng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của NHNN)
  • Nghiệp vụ thị trường mở (OMO): NHNN thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc mua, bán giấy tờ có giá đối với NHTM; quy định loại giấy tờ có giá được phép giao dịch thông qua nghiệp vụ thị trường mở. (Xem thông tin và kết quả đấu thầu thị trường mở)

Phân tích cách hoạt động của các công cụ Chính sách tiền tệ

Lãi suất cơ bản: Đây là lãi suất tham chiếu áp dụng trong quan hệ giữa các NHTM với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.

Ý nghĩa của lãi suất cơ bản:

– Lãi suất cơ bản là cơ sở hoặc điểm tham chiếu để xác định hầu hết các khoản lãi suất cho vay đối với người vay trong hoạt động tín dụng ngân hàng và hoạt động dân sự theo Bộ luật Dân sự năm 2015, mặc dù nó có thể không được liệt kê cụ thể.

– Lãi suất cơ bản là cơ sở mà các tổ chức tín dụng dùng làm căn cứ ấn định lãi suất kinh doanh. Pháp luật quy định các tổ chức tín dụng sẽ lấy lãi suất cơ bản để điều chỉnh lãi suất cho vay, theo đó lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng không được vượt quá 1,5 lần lãi suất cơ bản. Do đó, các ngân hàng thương mại căn cứ vào lãi suất cơ bản để điều chỉnh lãi suất huy động (lãi suất tiền gửi). Lãi suất cơ bản tăng thì lãi suất huy động và lãi suất cho vay tăng và ngược lại. Ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất huy động và lãi suất cho vay để xây dựng phương hướng hoạt động của ngân hàng.

– Lãi suất cơ bản là công cụ được Nhà nước sử dụng để điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm hướng đến những mục tiêu bình ổn giá cả, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và định hướng hoạt động tín dụng.

Lãi suất cơ bản đang áp dung theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29 tháng 11 năm 2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, theo đó mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm.

Lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu:

  • Lãi suất tái cấp vốn là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 quy định tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức:

+ Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá (GTCG quy định theo Điều 5 Thông tư 16/2022/TT-NHNN);

+ Chiết khấu giấy tờ có giá;

+ Các hình thức tái cấp vốn khác (Hợp đồng tín dụng với khách hàng).

Lãi suất tái cấp vốn là lãi suất ngân hàng nhà nước áp dụng cho các nghiệp vụ tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại. Đồng thời, lãi suất đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn bằng 150% lãi suất đang áp dụng đối với khoản tái cấp vốn.

Cách thức thực hiện hoạt động tái cấp vốn, tái chiết khấu được quy định tại Điều 4 Thông tư 24/2019/TT-NHNN, theo đó khi có nhu cầu thì NHTM có thể đem hồ sơ tín dụng, giấy tờ có giá để đi vay lại NHNN. Ngoài ra, thông qua công cụ này thì NHNN có thể đẩy được nguồn vốn vào ngành nghề ưu tiên, thực hiện đúng mục tiêu của Chính sách tiền tệ.

Thông thường, NHTM chỉ dùng tới hình thức tái cấp vốn, tái chiết khấu khi đã sử dụng hết các công cụ khác mà vẫn ở trong tình trạng tạm thời mất khả năng thanh toán có nguy cơ mất an toàn cho hệ thống các tổ chức dụng thì NHNN sẽ là đứng ra cho vay như cứu cánh cuối cùng. (Có cam kết về việc không có hoặc đã sử dụng hết giấy tờ có giá thuộc danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước tại ngày có Giấy đề nghị vay tái cấp vốn).

  • Lãi suất tái chiết khấu là gì?

Theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 17/2011/TT-NHNN, cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá (gọi tắt là cho vay cầm cố) là hình thức cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở cầm cố giấy tờ có giá thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.

Lãi suất tái chiết khấu là lãi suất NHNN áp dụng khi cho vay với các NHTM và được tính trên số tiền ghi trên thương phiếu hoặc giấy tờ có giá trước khi đến hạn thanh toán, hay nói cách khác lãi suất tái chiết khấu là giá cả của dịch vụ mua, bán thương phiếu, giấy tờ có giá. Đây là một công cụ trong chính sách tiền tệ của NHNN nhằm điều tiết dòng tiền dựa trên chi phí vay mượn giữa NHNN với NHTM.

Nghiệp vụ này được hiểu là khi NHTM không đủ dự trữ bắt buộc, ngân hàng thương mại phải vay tiền của ngân hàng trung ương. Tình huống này có thể xảy ra bởi vì ngân hàng đã cho vay quá nhiều hoặc bởi vì có quá nhiều các khoản tiền được rút ra. Khi ngân hàng trung ương cho một ngân hàng vay tiền, hệ thống ngân hàng sẽ có nhiều dự trữ hơn và họ có thể tạo ra nhiều tiền hơn.

Ngân hàng Trung ương có thể thay đổi cung ứng tiền tệ bằng cách thay đổi lãi suất chiết khấu. Lãi suất chiết khấu càng cao, các ngân hàng càng ít vay tiền của ngân hàng trung ương đề bù đắp dự trữ.

Khi NHNN tăng lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn sẽ làm cho chi phí vay bù đắp thiếu hụt của NHTM tăng lên, điều này buộc NHTM sẽ tăng tỷ lệ dự trữ tiền của mình lên, giảm hệ số nhân tiền và điều này có tác động làm giảm cung tiền và ngược lại.

  • Điều tiết CSTT dựa trên lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn?

Lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu là công cụ trong điều hành Chính sách tiền tệ của NHNN. Nếu lãi suất tăng cao hoặc giảm xuống thấp sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế. Do đó, nhà nước sẽ thực hiện các chính sách nhằm điều chỉnh lãi suất, bình ổn nền kinh tế.

+ Lãi suất tăng sẽ làm cho nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm, khi đó, ngân hàng nhà nước sẽ tiến hành giảm lãi suất tái chiết khấu cho các ngân hàng thương mại

+ Ngược lại, khi lãi suất giảm, ngân hàng nhà nước sẽ tăng lãi suất tái chiết khấu để giảm bớt khối lượng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Từ đó, các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tăng lãi suất tín dụng đối với các thành phần trong nền kinh tế.

Tỷ giá hối đoái:

Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, quy định:

+ Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện điều tiết tỷ giá hối đoái thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ và thực hiện phương án can thiệp trên thị trường ngoại tệ.

 + Chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.

Ngày 31/12/2015, NHNN đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD, tỷ giá tính chéo của VND với một số loại ngoại tệ khác. Theo đó, thay vì công bố một mức tỷ giá cố định trong thời gian dài như trước đây, từ đầu năm 2016, hàng ngày NHNN công bố tỷ giá trung tâm làm cơ sở để các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong biên độ quy định. Tỷ giá trung tâm có thể biến động hàng ngày theo cả hai chiều lên xuống, được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Biên độ tỷ giá giao ngay được NHNN áp dụng từ ngày 17/11/2020 là  ±5% (tăng 2% so với biên độ ±3% trước đó).

NHNN có cơ chế điều hành tỷ giá thông qua cung ứng tỷ giá giao ngay và tỷ giá kỳ hạn, trong đó:

  • Tỷ giá giao ngay: là hoạt động mua bán ngoại tệ giữa NHNN với cac NHTM khi có nhu cầu, qua đó cung ứng ngay ngoại tệ ra thị trường dựa trên tỷ giá trung tâm cộng với biên độ. Để đảm bảo ổn định tỷ giá thì NHNN cần phải đảm bảo Quỹ dự trữ ngoại ngoại hối đủ lớn, tăng/giảm lãi suất điều hành phủ hợp hoặc kết hợp với các công cụ điều hành khác.
  • Tỷ giá kỳ hạn: là hoạt động mua bán ngoại tệ kỳ hạn giữa NHNN với các NHTM kể từ năm 31/12/2025. Theo đó, NHNN sẽ mua/bán ngoại tệ kỳ hạn với NHTM căn cứ theo tỷ giá giao ngay +/- với một biên độ chênh lệch của tỷ giá kỳ hạn (ví dụ 1%) và cho phép các NHTM có thể hủy ngang. Theo đó, mặc dù không đưa ra các cam kết về tỷ giá như trước đây, NHNN vẫn thực hiện được chức năng định hướng, dẫn dắt kỳ vọng thị trường, bởi căn cứ vào tỷ giá kỳ hạn, thị trường có thể ngầm hiểu mục tiêu của NHNN là tỷ giá có thể tăng đến 1% trong một quý tới. Theo cách này, NHNN không phải bán một lượng lớn ngoại tệ theo hình thức giao ngay mà vẫn giúp ổn định tâm lý cho thị trường, nhờ đó TCTD sẵn sàng bán ngoại tệ cho khách hàng khi thị trường khan hiếm nguồn cung. Việc cho phép các TCTD có thể linh hoạt lựa chọn hủy giao dịch với NHNN khi nguồn cung trên thị trường dồi dào, sẽ giúp thị trường tự điều tiết khi nguồn cung cải thiện. NHNN không phải bán ngoại tệ, phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô.

Như vậy, với cơ chế này, mặc dù tỷ giá diễn biến linh hoạt, bám sát diễn biến trong và ngoài nước nhưng vẫn neo được kỳ vọng của thị trường thông qua tỷ giá bán kỳ hạn để định hướng vùng mục tiêu tỷ giá, qua đó ổn định tâm lý, chủ động dẫn dắt thị trường. Việc kết hợp cách thức điều hành tỷ giá mới với cơ chế bán ngoại tệ kỳ hạn kế thừa được điểm mạnh của cơ chế tỷ giá có cam kết là neo kỳ vọng thị trường, ổn định tâm lý trong khi vẫn cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt với các cú sốc vốn ngày càng liên tục với cường độ mạnh trên thị trường quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế trong nước trong tiến trình hội nhập vào kinh tế quốc tế.

Trong những tình huống cụ thể, NHNN sẽ thực hiện một số động thái như ngừng yết giá mua USD giao ngay và ngừng mua ngoại tệ giao ngay; thay đổi thời gian mua USD kỳ hạn; điều chỉnh giá mua USD kỳ hạn; hủy bỏ điều khoản có thể hủy ngang đối với các hợp đồng kỳ; ….Tùy thuộc vào từng thời điểm, cách điều hành để chúng ta có thể phân tích được hàm ý chính sách của NHNN.

 Dự trữ bắt buộc:

Theo khoản 1 Điều 14 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Dự trữ bắt buộc là một công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Thông qua việc tăng/giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, NHNN có thể điều tiết hệ số nhân tiền và kiểm soát được lượng tín dụng ra nền kinh tế từng thời kỳ. Theo đó, trong trường hợp dư thừa tiền ngoài hệ thống hoặc muốn kiểm soát cơ số tiền thì NHNN có thể tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Ngược lại, khi hệ thống thiếu thanh khoản thì NHNN có thể hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để cung tiền thêm.

Nghiệp vụ thị trường mở (OMO):

Theo Luật Ngân hàng nhà nước 2010 thì Nghiệp vụ thị trường mở là một trong những công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Do ngân hàng Nhà nước thự hiện thông qua việc mua, bán giấy tờ có giá đối với tổ chức tín dụng. Các giấy tờ có giá phải đáp ứng các điều kiện quy định theo Điều 5 Thông tư 16/2022/TT-NHNN và có thể thay đổi tùy thuộc vào các điều hành CSTT.

Lãi suất OMO được hiểu là lãi suất mà Ngân hàng nhà nước đưa ra trong giao dịch bơm vốn cho các thành viên trên thị trường mở. Với tính chất là các giao dịch mua bán giấy tờ có giá ngắn hạn nên lãi suất OMO mang giá trị % cao nhất so với lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất cơ bản. Lãi suất trên thị trường OMO là lãi suất linh hoạt, do Ngân hàng nhà nước chủ động điều hành linh hoạt thực hiện hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, kiềm chế lạm phát.

Hoạt động bơm tiền qua thị trường mở là dùng để chỉ việc Ngân hàng nhà nước bơm tiền vào hệ thống ngân hàng qua kênh nghiệp vụ thị trường mở thông qua giao dịch mua vào các giấy tờ có giá từ ngân hàng thành viên. Hoạt động mua giấy tờ có giá có thể là mua có kỳ hạn hoặc mua hẳn.

Trong đó:

– Mua có kỳ hạn là việc Ngân hàng nhà nước mua giấy tờ có giá và nhận quyền sở hữu giấy tờ có giá từ thành viên, đồng thời thành viên cam kết sẽ mua lại giấy tờ có giá đó sau một thời gian nhất định.

– Mua hẳn là việc Ngân hàng Nhà nước mua giấy tờ có giá và nhận quyền sở hữu giấy tờ có giá từ thành viên, không kèm theo cam kết bán lại giấy tờ có giá.

Hoạt động bơm tiền qua OMO được thực hiện sôi động khi hệ thống các ngân hàng thành viên gặp nhiều khó khăn trong thanh khoản. Ví dụ: giai đoạn hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn thanh khoản, thị trường biến động manh, thanh khoản của nhiều ngân hàng trong tình trạng căng thẳng, người dân có xu hướng rút tiền mạnh. Khi đó, thông qua nghiệp vụ OMO, ngân hàng nhà nước đã đưa ra khối lượng tiền lớn (mua vào giấy tờ có giá) hỗ trợ kịp thời cho các ngân hàng thành viên.

Kết luận

Theo nguyên tắc về thứ tự ưu tiên, các NHTM sẽ ưu tiên tài trợ từ hoạt động kinh doanh chính thông qua hoạt động huy động vốn và cho vay lại để hưởng chênh lệch NIM. Tuy nhiên, trong một số thường hợp cần cân đối vốn do thiếu thanh khoản (về các tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn ngắn hạn) thì các NHTM ưu tiên vay trên thị trường liên ngân hàng. Tiếp theo có thể tham gia đấu giá theo thị trường mở, và tái cấp vốn/chiết khấu từ NHNN.

Điều hành chính sách tiền tệ cần kết hợp nhiều công cụ với nhau để phát huy tối đa hiệu quả, ngược lại người điều hành phân tích cũng cần phải biết các yếu tố trên đều có mối quan hệ biện chứng với nhau để thấy được những tác động chéo khi phân tích một trong các yếu tố.

Tuy trong tình huống điều hành cụ thể, chúng ta sẽ có những phân tích mối quan hệ từ đó đưa ra những kết luận về tác động của Chính sách tiền tệ lên thị trường, đặc biệt là Thị trường chứng khoán.

Nguồn: Lão Trịnh

Tags: ,,,,,